Kế hoạch 84/KH-UBND tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: | 84/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh Thừa Thiên Huế | Người ký: | Phan Ngọc Thọ |
Ngày ban hành: | 05/11/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 84/KH-UBND |
Thừa Thiên Huế, ngày 05 tháng 11 năm 2012 |
KẾ HOẠCH
TỔNG KẾT THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
Thực hiện Quyết định số 1322/QĐ-TTg ngày 18/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, Công văn 8217/BTP-PLDSKT ngày 10/10/2012 của Bộ Tư pháp hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan về việc lập Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI TỔNG KẾT
1. Mục đích
Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 qua 7 năm thi hành:
a) Làm rõ sự tác động của Bộ luật Dân sự tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến các quan hệ dân sự và quy định của Bộ luật Dân sự;
b) Mối liên hệ giữa Bộ luật Dân sự với các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế có liên quan;
c) Những thành công, cũng như những hạn chế trong quy định và tổ chức thực hiện Bộ luật Dân sự; làm rõ tính phù hợp, khả thi của các quy định hiện hành; xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được pháp luật điều chỉnh;
d) Đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể để xây dựng Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu
Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc, toàn diện trên địa bàn tỉnh; nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế, có đánh giá, tránh làm theo kiểu thống kê, báo cáo thành tích. Kết quả tổng kết phải xây dựng thành Báo cáo để gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Phạm vi tổng kết
Bộ luật Dân sự năm 2005 cần được tổng kết một cách toàn diện trong giai đoạn từ khi Bộ luật có hiệu lực pháp luật (ngày 01 tháng 01 năm 2006) đến ngày 30 tháng 6 năm 2012.
II. NỘI DUNG, HÌNH THỨC VÀ THỜI GIAN TỔNG KẾT
1. Nội dung tổng kết:
a) Đánh giá về sự tác động của Bộ luật Dân sự với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến các quan hệ dân sự và các quy định của Bộ luật Dân sự.
b) Đánh giá toàn diện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về những quy định chung, tài sản và quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự và hợp đồng, thừa kế, những quy định về chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Thông qua đó, nêu rõ những bất cập, hạn chế của Bộ luật, nguyên nhân của chúng; xác định những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự cần được điều chỉnh.
c) Rà soát, đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật Dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
2. Hình thức và thời gian tổng kết
Việc tổ chức tổng kết quá trình thực hiện Bộ luật Dân sự được tổ chức ở các cấp, các ngành cụ thể như sau:
a) Cấp xã
Căn cứ tình hình, điều kiện cụ thể ở địa phương, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tiến hành tổng kết và tổng hợp báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự gửi Ủy ban nhân dân huyện (qua Phòng Tư pháp) trước ngày 20/11/2012.
b) Cấp huyện
Căn cứ vào tình hình thực tế các huyện, thành phố lựa chọn hình thức tổng kết cho phù hợp, tổng hợp chung số liệu cấp huyện, cấp xã, xây dựng Báo cáo tổng kết trên địa bàn huyện, thành phố gửi về Sở Tư pháp trước ngày 30/11/2012.
c) Các Sở, Ban, ngành của tỉnh tiến hành tổng kết trong ngành và gửi Báo cáo tổng kết về Sở Tư pháp trước ngày 30/11/2012.
d) Đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh theo kế hoạch chỉ đạo của ngành dọc cấp trên và kế hoạch này, có kế hoạch chỉ đạo, tổ chức tổng kết việc thi hành BLDS trong toàn ngành gửi về Sở Tư pháp trước ngày 30/11/2012 để tổng hợp.
(Các Báo cáo tổng kết được gửi về Sở Tư pháp).
3. Nội dung Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005
Báo cáo Tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, đánh giá những kết quả đạt được của Bộ luật Dân sự và thi hành Bộ luật Dân sự đối với việc bảo đảm các quyền dân sự của cá nhân, tổ chức, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng;
- Thứ hai, nêu những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật Dân sự và trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005; xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự cần được pháp luật điều chỉnh; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó;
- Thứ ba, những định hướng cơ bản nhằm sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự năm 2005 và đề xuất, kiến nghị.
(Có Đề cương báo cáo gửi kèm theo Kế hoạch)
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các Sở, ban, ngành chỉ đạo tổ chức thực hiện tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự tại cơ quan, đơn vị mình, bảo đảm xây dựng báo cáo tổng kết gửi về Sở Tư pháp đúng thời gian, tiến độ.
2. UBND các huyện, thị xã và thành phố Huế tổ chức thực hiện tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự trên địa bàn huyện, thành phố; sao gửi Kế hoạch của UBND tỉnh cho UBND cấp xã và chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tổng kết, gửi về Phòng Tư pháp để tổng hợp chung theo quy định; xây dựng báo cáo tổng kết gửi Sở Tư pháp đúng thời gian, tiến độ.
3. Giao Sở Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong quá trình triển khai tổng kết việc thi hành Bộ luật Dân sự theo quy định; tổng hợp số liệu, xây dựng dự thảo Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự trên địa bàn toàn tỉnh, trình UBND tỉnh xem xét, báo cáo Bộ Tư pháp trước ngày 15/12/2012.
4. Các cơ quan Báo Thừa Thiên Huế, Đài Phát thanh truyền hình tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền về việc tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự. Phản ánh kịp thời các ý kiến đóng góp và những ý kiến, đề xuất của nhân dân về việc sửa đổi, bổ sung Bộ luật Dân sự.
5. Kinh phí thực hiện
Kinh phí cho thực hiện hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự của cơ quan, đơn vị thuộc cấp nào do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm.
Căn cứ vào Kế hoạch này và hướng dẫn của Bộ Tư pháp tại Công văn số 7912/BTP-PLDSKT ngày 04/10/2012 về việc hướng dẫn kinh phí cho các hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005, các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện xây dựng dự trù kinh phí để triển khai, thực hiện. Việc lập dự toán, phân bổ kinh phí được thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
Trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh theo quy định./.
Nơi nhận: |
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
ĐỀ CƯƠNG BÁO CÁO
TỔNG KẾT THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
I. ĐÁNH GIÁ SỰ TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
Đánh giá sự tác động tích cực của Bộ luật dân sự và thi hành Bộ luật dân sự đối với:
- Việc bảo đảm các quyền dân sự của cá nhân, tổ chức;
- Sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của địa phương nói riêng.
II. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG CÁC QUY ĐỊNH CỦA BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
II. 1. Đánh giá những bất cập, hạn chế trong quy định của Bộ luật dân sự liên quan đến các vấn đề sau:
1. Áp dụng tập quán trong các quan hệ dân sự;
2. Bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân;
4. Hộ gia đình;
5. Tổ hợp tác;
6. Hình thức của giao dịch, những loại giao dịch nào thì phải thể hiện bằng văn bản, công chứng, đăng ký...
7. Các loại thời hiệu, cách tính thời hiệu;
8. Quan hệ láng giềng và quyền sử dụng hạn chế bất động sản liền kề;
9. Quyền sử dụng đất;
10. Các quy định về thế chấp, cầm cố;
11. Thời điểm có hiệu lực của hợp đồng;
12. Vai trò của yếu tố lỗi trong quan hệ hợp đồng (vi phạm hợp đồng có đương nhiên được coi là có lỗi không) và vai trò của yếu tố lỗi trong bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
13. Căn cứ để hủy bỏ hợp đồng, đơn phương chấm dứt hợp đồng và hậu quả pháp lý của chúng;
14. Hợp đồng vay tài sản, hợp đồng ủy quyền;
15. Bồi thường thiệt hại cho cộng đồng (một chủ thể gây ra thiệt hại cho nhiều người mà không xác định được thiệt hại cụ thể cho từng người, ví dụ: gây ô nhiễm môi trường);
16. Vấn đề lỗi trong xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng;
17. Quyền từ chối nhận di sản;
18. Thời hiệu khởi kiện về thừa kế;
19. Di chúc chung của vợ chồng;
20. Di tặng và di sản dùng vào việc thờ cúng;
21. Các quy định về chuyển quyền sử dụng đất;
Trong những nội dung nêu trên, địa phương có thể không đánh giá những nội dung không có trong thực tiễn giao lưu dân sự ở địa phương. Ngoài ra, nếu có những nội dung phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự ở địa phương không thuộc những nội dung nêu trên thì đề nghị địa phương tổng kết, đánh giá về nội dung đó.
II.2. Đánh giá về mối quan hệ chồng chéo, mâu thuẫn, trùng lặp giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
Ví dụ: Luật đất đai, Luật nhà ở, Luật hôn nhân và gia đình, Luật kinh doanh bất động sản, Luật thương mại, Luật doanh nghiệp, Luật kinh doanh bảo hiểm...
II.3. Xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh
Trong trường hợp, địa phương thấy có những nội dung phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự ở địa phương nhưng chưa được pháp luật quy định và cần được pháp luật điều chỉnh, thì đề nghị địa phương tổng kết, đánh giá về nội dung đó.
III. NHỮNG ĐỊNH HƯỚNG CƠ BẢN NHẰM SỬA ĐỔI, BỔ SUNG BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005 VÀ ĐỀ XUẤT, KIẾN NGHỊ
- Về kết cấu của Bộ luật dân sự;
- Theo các vấn đề được nêu ở mục II Báo cáo.
Quyết định 1322/QĐ-TTg năm 2020 về phê duyệt Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa giai đoạn 2021-2030 Ban hành: 31/08/2020 | Cập nhật: 01/09/2020
Công văn 8217/BTP-PLDSKT hướng dẫn Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan về việc lập Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 Ban hành: 10/10/2012 | Cập nhật: 12/10/2012
Quyết định 1322/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 Ban hành: 18/09/2012 | Cập nhật: 20/09/2012
Công văn 7912/BTP-PLDSKT hướng dẫn kinh phí cho hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 Ban hành: 04/10/2012 | Cập nhật: 10/11/2012
Quyết định 1322/QĐ-TTg năm 2006 về việc ông Phan Đăng Hiên, quyền Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng công ty Cà phê Việt Nam nghỉ hưu Ban hành: 10/10/2006 | Cập nhật: 25/10/2006