Quyết định 1322/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005
Số hiệu: | 1322/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 18/09/2012 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 30/09/2012 | Số công báo: | Từ số 615 đến số 616 |
Lĩnh vực: | Xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1322/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 18 tháng 09 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TỔNG KẾT THI HÀNH BỘ LUẬT DÂN SỰ NĂM 2005
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết số 20/2011/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2011 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII;
Căn cứ Nghị quyết số 439/NQ-UBTVQH13 ngày 17 tháng 01 năm 2012 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII về việc thành lập Ban Soạn thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi);
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Trưởng Ban soạn thảo Bộ luật dân sự (sửa đổi),
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, bao gồm các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU VÀ PHẠM VI TỔNG KẾT
1. Mục tiêu tổng kết
Trên cơ sở đánh giá một cách khách quan, toàn diện các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 qua 7 năm thi hành: (1) Làm rõ sự tác động của Bộ luật Dân sự tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến các quan hệ dân sự và quy định của Bộ luật dân sự; (2) Mối liên hệ giữa Bộ luật dân sự với các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế có liên quan; (3) Những thành công, cũng như những hạn chế trong quy định và tổ chức thực hiện Bộ luật dân sự; làm rõ tính phù hợp, khả thi của các quy định hiện hành; xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được pháp luật điều chỉnh; (4) Đưa ra các kiến nghị, giải pháp cụ thể để xây dựng Bộ luật dân sự (sửa đổi), đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phù hợp với hội nhập quốc tế.
2. Yêu cầu tổng kết
Việc tổng kết cần được thực hiện nghiêm túc, toàn diện ở các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan ở trung ương và ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là địa phương); nội dung tổng kết phải thiết thực, phản ánh đúng thực tế, có đánh giá, tránh làm theo kiểu thống kê, báo cáo thành tích. Kết quả tổng kết phải xây dựng thành Báo cáo để gửi về Bộ Tư pháp.
3. Phạm vi tổng kết
Bộ luật dân sự năm 2005 cần được tổng kết một cách toàn diện trong giai đoạn từ khi Bộ luật có hiệu lực pháp luật (ngày 01 tháng 01 năm 2006) đến ngày 30 tháng 6 năm 2012.
II. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC TỔNG KẾT
1. Nội dung tổng kết
a) Đánh giá về sự tác động của Bộ luật dân sự với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; tác động của phát triển kinh tế - xã hội đến các quan hệ dân sự và các quy định của Bộ luật dân sự.
b) Đánh giá một số vấn đề lý luận với tư cách là cơ sở khoa học cho việc xây dựng Bộ luật dân sự.
c) Đánh giá toàn diện các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005 về những quy định chung, tài sản và quyền sở hữu, nghĩa vụ dân sự và hợp đồng, thừa kế, những quy định về chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Thông qua đó, nêu rõ những bất cập, hạn chế của Bộ luật, nguyên nhân của chúng; xác định những vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự cần được điều chỉnh.
d) Rà soát, đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
2. Hình thức tổng kết
a) Các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức có liên quan tùy theo tính chất và khối lượng công việc của mình mà quyết định tổ chức Hội nghị tổng kết thi hành Bộ luật dân sự hoặc chỉ xây dựng Báo cáo tổng kết về thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
b) Tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc về thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
3. Nội dung Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005
Báo cáo tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 cần tập trung vào những vấn đề chủ yếu sau đây:
- Thứ nhất, đánh giá những kết quả đạt được của Bộ luật dân sự và thi hành Bộ luật dân sự đối với việc bảo đảm các quyền dân sự của cá nhân, tổ chức, sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung, của Bộ, ngành, địa phương, tổ chức nói riêng;
- Thứ hai, nêu những hạn chế, bất cập trong quy định của Bộ luật dân sự và trong thực tiễn tổ chức thực hiện các quy định của Bộ luật dân sự năm 2005; xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn giao lưu dân sự cần được pháp luật điều chỉnh; phân tích, chỉ rõ nguyên nhân của những hạn chế, bất cập đó;
- Thứ ba, những định hướng cơ bản nhằm sửa đổi, bổ sung Bộ luật dân sự năm 2005 và đề xuất, kiến nghị.
III. PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ
1. Nhiệm vụ của các Bộ, ngành, tổ chức ở Trung ương
a) Tòa án nhân dân tối cao
Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao chủ trì việc tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 trong ngành Tòa án về các nội dung:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự thông qua công tác xét xử, giải quyết các vụ việc dân sự;
- Đánh giá mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác có liên quan.
b) Viện kiểm sát nhân dân tối cao
Đề nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì việc tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 trong ngành Kiểm sát về các nội dung:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự thông qua công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ việc dân sự;
- Đánh giá mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác có liên quan.
c) Bộ Tư pháp
- Bộ Tư pháp là cơ quan chủ trì, phối hợp với Ban soạn thảo tổ chức hoạt động Tổng kết toàn quốc về thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, cụ thể:
+ Xây dựng Đề cương báo cáo cụ thể đối với từng nội dung, đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự; cũng như biểu mẫu yêu cầu thống kê các nội dung mà Bộ Tư pháp cần tổng kết, đánh giá để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện cũng như đảm bảo được đúng mục tiêu, yêu cầu của việc tổng kết thi hành Bộ luật dân sự;
+ Hướng dẫn, đôn đốc hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật dân sự ở các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức có liên quan;
+ Chủ trì xây dựng Báo cáo tổng hợp về tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của các Bộ, ngành; địa phương và tổ chức có liên quan trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
+ Chủ trì xây dựng kế hoạch và tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc về thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
- Bộ Tư pháp chủ trì tổ chức các hoạt động tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 trong đó tập trung vào các vấn đề sau đây:
+ Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự qua thực tiễn thi hành pháp luật trong các lĩnh vực thi hành án dân sự; đăng ký giao dịch bảo đảm; đấu giá, công chứng, chứng thực, hộ tịch; quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài và tương trợ tư pháp; các vấn đề pháp lý khác thuộc thẩm quyền của ngành Tư pháp;
+ Rà soát, đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật công chứng, Luật hôn nhân và gia đình, Luật nuôi con nuôi, Luật thi hành án dân sự, pháp luật về giao dịch bảo đảm, pháp luật về hộ tịch, các hiệp định tương trợ tư pháp được ký kết giữa Việt Nam và các nước khác, các luật, pháp lệnh, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
d) Bộ Tài chính
Bộ Tài chính chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Tài chính, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự về tài sản thuộc sở hữu nhà nước; hợp đồng bảo hiểm;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật quản lý và sử dụng tài sản nhà nước, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực tài chính.
đ) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Ngân hàng, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự về hộ gia đình, tổ hợp tác, pháp nhân với tư cách là chủ thể của giao dịch tại các tổ chức tín dụng; lãi suất cơ bản, lãi và lãi suất trong giao dịch; đại diện; các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ dân sự; một số hợp đồng thông dụng (hợp đồng vay tài sản, hợp đồng ủy quyền, hợp đồng gửi giữ);
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật ngân hàng nhà nước, Luật các tổ chức tín dụng, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
e) Bộ Tài nguyên và Môi trường
Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Tài nguyên và Môi trường, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về quyền sở hữu của Nhà nước về đất đai, tài nguyên nước, khoáng sản; quy định về bất động sản liền kề; các quy định về quyền sử dụng đất, các quyền của người sử dụng đất và người thứ ba; giao dịch có đối tượng là quyền sử dụng đất (đặc biệt về hình thức giao dịch, thời điểm có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền sử dụng đất, thế chấp quyền sử dụng đất); trách nhiệm bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật đất đai, Luật tài nguyên nước, Luật khoáng sản, Luật bảo vệ môi trường, Luật đa dạng sinh học, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.
Bộ Xây dựng chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Xây dựng, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về tài sản và quyền sở hữu liên quan đến nhà ở và các bất động sản khác trong Bộ luật dân sự; các quyền của chủ sở hữu, người chiếm hữu nhà ở và bất động sản khác, của người thứ ba; giao dịch có đối tượng là nhà ở và bất động sản khác (đặc biệt về hình thức giao dịch, thời điểm có hiệu lực, thời điểm chuyển quyền, thế chấp nhà ở và bất động sản khác); trách nhiệm bồi thường thiệt hại do công trình xây dựng gây ra;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa các quy định của Bộ luật dân sự với các quy định của Luật nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản, Luật xây dựng, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực xây dựng và kinh doanh bất động sản.
h) Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Khoa học và Công nghệ, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về quyền sở hữu trí tuệ (trừ quyền đối với giống cây trồng, quyền tác giả và các quyền liên quan); chuyển giao công nghệ trong Bộ luật dân sự;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Luật chuyển giao công nghệ, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực khoa học và công nghệ.
i) Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về hôn nhân và gia đình; các quy định về quyền nhân thân của cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành (quyền đối với họ, tên; quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền bí mật đời tư, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền tự do nghiên cứu, sáng tạo); bồi thường thiệt hại do xâm phạm các quyền nhân thân; quyền tác giả và các quyền liên quan;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật sở hữu trí tuệ; Luật thể dục, thể thao; Luật hôn nhân và gia đình; Luật di sản văn hóa; Luật du lịch; Luật điện ảnh; Luật phòng chống bạo lực gia đình, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
k) Bộ Thông tin và Truyền thông
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Thông tin và Truyền thông, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về giao dịch thông qua phương tiện điện tử; các quy định về quyền nhân thân của cá nhân thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành (quyền của cá nhân đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm uy tín; quyền bí mật đời tư); bồi thường thiệt hại do xâm phạm các quyền nhân thân; quy định về hợp đồng dịch vụ; quyền tác giả và các quyền có liên quan;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật giao dịch điện tử, Luật báo chí, Luật xuất bản, Luật bưu chính, Luật viễn thông, Luật tần số vô tuyến điện, Luật công nghệ thông tin, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực thông tin và truyền thông.
l) Bộ Công Thương
Bộ Công Thương chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Công Thương, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Rà soát, đánh giá về khía cạnh pháp lý và mối quan hệ giữa quy định về nghĩa vụ và hợp đồng trong Bộ luật dân sự năm 2005 với quy định về nghĩa vụ và hợp đồng được quy định tại: Luật thương mại, Luật bảo vệ người tiêu dùng, Luật cạnh tranh, Luật điện lực, Luật dầu khí, Luật hóa chất, các luật, pháp lệnh khác trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;
- Rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với nội dung của Hiệp định thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ, nội dung, chủ trương đàm phán gia nhập Công ước Viên năm 1980, các điều ước quốc tế khác mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực công thương.
m) Bộ Giao thông vận tải
Bộ Giao thông vận tải chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Giao thông vận tải, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:
- Đánh giá các quy định về đăng ký quyền sở hữu tài sản, thời điểm chuyển quyền sở hữu tài sản; quy định về cầm cố, thế chấp và cầm giữ phương tiện giao thông vận tải; hợp đồng vận chuyển tài sản và hành khách; quy định về lỗi trong xác định trách nhiệm dân sự; trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hợp đồng; bồi thường thiệt hại do tài sản, sức khỏe, tính mạng bị xâm phạm; bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra, do dùng chất kích thích, do nhiều người cùng gây ra, trong trường hợp người bị thiệt hại có lỗi, do người của pháp nhân gây ra;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Bộ luật hàng hải, Luật hàng không dân dụng, Luật giao thông đường bộ, Luật đường sắt, Luật đường thủy nội địa, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực giao thông vận tải.
n) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi, chức năng và nhiệm vụ được giao chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Trong các lĩnh vực hoạt động thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội, đánh giá các quy định về hợp đồng dịch vụ; bồi thường thiệt hại do người làm công, người học nghề gây ra; các quy định về giám hộ và những quy định khác liên quan đến người yếu thế trong quan hệ dân sự; về quyền lao động của cá nhân, vấn đề lồng ghép giới;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Bộ luật lao động, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật người cao tuổi, Luật dạy nghề, Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Luật người khuyết tật, Luật bình đẳng giới, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực lao động, thương binh và xã hội.
o) Bộ Y tế
Bộ Y tế chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Y tế, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe; quyền hiến bộ phận cơ thể, quyền hiến xác, bộ phận cơ thể sau khi chết, quyền nhận bộ phận cơ thể; quyền xác định lại giới tính; các quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; Luật bảo vệ sức khỏe nhân dân, Luật khám bệnh, chữa bệnh, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực y tế.
p) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về hộ gia đình, tổ hợp tác, quyền đối với giống cây trồng, quyền sở hữu đối với nguồn lợi thủy sản;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với các quy định của Luật sở hữu trí tuệ, Luật hợp tác xã, Luật thủy sản, Luật bảo vệ và phát triển rừng, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn.
q) Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 của ngành Kế hoạch và Đầu tư, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự về sở hữu tài sản trong mối quan hệ với các thành phần kinh tế;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, Luật đầu tư, Luật đấu thầu, các luật, pháp lệnh khác và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan đến lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
r) Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
Đề nghị Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định về áp dụng tập quán; bảo vệ quyền dân sự; hộ gia đình; pháp nhân là tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện; quan hệ tín chấp trong bảo đảm nghĩa vụ dân sự;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác có liên quan.
s) Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
Đề nghị Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự về hôn nhân và gia đình; hộ gia đình; quan hệ tín chấp, thế chấp trong bảo đảm nghĩa vụ dân sự; vấn đề lồng ghép giới;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của Luật hôn nhân và gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các luật, pháp lệnh khác, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
t) Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam
Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự liên quan đến thực tiễn tổ chức, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, như các quy định về pháp nhân, đại diện, giao dịch dân sự, thời hiệu, nghĩa vụ và hợp đồng, quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài;
- Đánh giá mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
u) Hội Luật gia Việt Nam
Đề nghị Trung ương Hội Luật gia Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự về áp dụng tập quán; quy định tương tự của pháp luật; bảo vệ quyền dân sự; về cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, pháp nhân; đại diện, thời hiệu; bảo đảm nghĩa vụ dân sự; hợp đồng, bồi thường thiệt hại trong và ngoài hợp đồng; thừa kế;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
v) Liên đoàn Luật sư Việt Nam
Đề nghị Liên đoàn Luật sư Việt Nam chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự về áp dụng tập quán; quy định tương tự của pháp luật; bảo vệ quyền dân sự; cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác, pháp nhân; giao dịch dân sự; đại điện; thời hạn và thời hiệu; tài sản và quyền sở hữu; quyền của người không phải là chủ sở hữu tài sản; bảo đảm nghĩa vụ dân sự; bồi thường thiệt hại theo hợp đồng và ngoài hợp đồng; thừa kế;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác có liên quan.
x) Viện Khoa học xã hội Việt Nam
Viện Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005, trong đó tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau đây:
- Tổng kết về các vấn đề lý luận làm cơ sở khoa học cho việc xây dựng Bộ luật dân sự;
- Đánh giá về mối quan hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có liên quan.
2. Nhiệm vụ của các địa phương
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức tổng kết việc thi hành Bộ luật dân sự năm 2005 trên địa bàn. Sở Tư pháp có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức tổng kết và xây dựng Báo cáo tổng kết của địa phương, gửi Bộ Tư pháp.
b) Việc tổng kết được thực hiện theo các nội dung sau đây:
- Đánh giá các quy định của Bộ luật dân sự thông qua thực tiễn giao lưu dân sự ở địa phương. Trong đó tập trung làm rõ tính phù hợp, khả thi, của các quy định hiện hành; xác định những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cần được pháp luật điều chỉnh;
- Đánh giá về mối liên hệ giữa quy định của Bộ luật dân sự với quy định của các luật, pháp lệnh khác có liên quan, gắn với thực tiễn giao lưu dân sự ở địa phương.
IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thời hạn tổng kết và gửi báo cáo
a) Các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức có liên quan chủ động tổ chức thực hiện việc tổng kết thi hành Bộ luật dân sự và gửi Báo cáo tổng kết (kèm theo bản điện tử) về Bộ Tư pháp (Vụ Pháp luật dân sự - kinh tế) trước ngày 15 tháng 12 năm 2012.
b) Hội nghị tổng kết toàn quốc được tổ chức vào tháng 01 năm 2013 theo hình thức Hội nghị tập trung (có kế hoạch riêng).
2. Kinh phí
a) Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự trù kinh phí cho hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật dân sự năm 2005.
b) Các Bộ, ngành, địa phương và tổ chức liên quan được phân công nhiệm vụ theo Kế hoạch này căn cứ vào nội dung, phạm vi của hoạt động tổng kết xây dựng dự trù kinh phí cho Bộ, ngành, địa phương và tổ chức của mình.
c) Kinh phí cho hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật dân sự của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương được bố trí từ dự toán chi ngân sách được giao của các Bộ, ngành, cơ quan trung ương và địa phương. Kinh phí cho hoạt động tổng kết thi hành Bộ luật dân sự của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hội Luật gia Việt Nam, Liên đoàn Luật sư Việt Nam được bố trí từ nguồn ngân sách nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: |
THỦ TƯỚNG |