Kế hoạch 71/KH-UBND năm 2017 thực hiện nội dung tại Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang)
Số hiệu: 71/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lê Văn Nưng
Ngày ban hành: 17/02/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 71/KH-UBND

An Giang, ngày 17 tháng 02 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG TẠI TUYÊN BỐ CHUNG DIỄN ĐÀN HỢP TÁC KINH TẾ ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG - HẬU GIANG NĂM 2016 (MDEC - HẬU GIANG 2016)

Căn cứ Tuyên bố chung số 69-TBC/MDEC ngày 14/8/2016 của Ban Chỉ đạo MDEC - Hậu Giang 2016 về việc Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang 2016);

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung tại Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang), tập trung vào những nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

- Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016.

- Nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về hội nhập kinh tế quốc tế; đề xuất các giải pháp để đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phát triển, hội nhập sâu rộng.

- Tăng cường mối quan hệ thương mại, đầu tư với khu vực và quốc tế. Tìm hiểu, phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho vùng, nhất là các sản phẩm về lúa gạo, thủy sản.

- Tiếp thu các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới để áp dụng vào thực tiễn sản xuất, đời sống của người dân trong vùng. Tăng cường giao lưu, hợp tác về kinh tế giữa các tỉnh, thành Tây Nam Bộ với cả nước và các tổ chức quốc tế.

2. Yêu cầu:

- Tuyên truyền, mời gọi các doanh nghiệp và các tổ chức trong và ngoài nước đến tìm hiểu, hợp tác đầu tư; tài trợ các công trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu để người dân được trực tiếp hưởng lợi.

- Nhân rộng các mô hình thành công của tỉnh và doanh nghiệp trong phát triển kinh tế xã hội.

- Cải thiện môi trường, tạo điều kiện cho nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào tỉnh.

- Lắng nghe, ghi nhận các ý kiến đóng góp, thảo luận về chính sách, đưa ra những kiến nghị, đề xuất Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp.

II. Nội dung kế hoạch:

1. Nhiệm vụ chung:

- Các sở, ngành thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện các nội dung nhiệm vụ đã cam kết thực hiện trong Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang).

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động phối hợp với các sở, ban ngành cấp tỉnh báo cáo kết quả triển khai thực hiện các nội dung nhiệm vụ đã cam kết thực hiện trong Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang); đồng thời, tham mưu nhiệm vụ, giải pháp cho những năm tiếp theo.

2. Phân công nhiệm vụ cụ thể trong việc thực hiện các cam kết đồng thuận phối hợp triển khai trong Tuyên bố chung Diễn đàn Hợp tác kinh tế đồng bằng sông Cửu Long - Hậu Giang năm 2016 (MDEC - Hậu Giang):

2.1. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành có liên quan triển khai thực hiện tốt Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế xã hội vùng ĐBSCL, giai đoạn 2016 - 2020 (ban hành kèm theo Quyết định số 593/QĐ-TTg ngày 06/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ).

- Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất Chính phủ bố trí vốn cho tỉnh An Giang thực hiện các dự án, công trình trọng điểm bức xúc về hạ tầng giao thông, thủy lợi, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

- Đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ tỉnh An Giang trong việc hợp tác, thu hút đầu tư, mời gọi doanh nghiệp đến tìm hiểu, ký kết hợp tác, mang lại lợi ích cho hai bên.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức các chương trình tăng cường hợp tác, liên kết, thu hút đầu tư.

- Chủ động đề xuất, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh những giải pháp thiết thực, hiệu quả để triển khai thực hiện tốt Tuyên bố chung MDEC - Hậu Giang 2016, làm cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế cho tỉnh An Giang; nâng cao vai trò, trách nhiệm của tỉnh An Giang trong việc phối hợp triển khai thực hiện Tuyên bố chung.

2.2. Sở Công Thương

- Chủ trì, phối hợp với các ngành triển khai có hiệu quả Kế hoạch Thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh An Giang thời kỳ 2013-2020, định hướng đến năm 2030, ban hành kèm theo Quyết định số 565/QĐ-UBND ngày 03/4/2013 của UBND tỉnh An Giang. Chú trọng, hợp tác liên kết với Bộ Công Thương, thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh xuất khẩu các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh An Giang.

- Củng cố thị trường truyền thống, tiếp cận, mở rộng các thị trường tiềm năng, hợp tác liên kết các địa phương đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh An Giang.

- Hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các khả năng tranh chấp thương mại và rào cản thương mại của các nước đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh khi Việt Nam tham gia Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do khác.

2.3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động số 251/CTr-UBND ngày 27/5/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Đề án "Thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long tại An Giang giai đoạn 2016 - 2020".

- Triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất theo hướng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững.

- Triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất theo các tiêu chuẩn chất lượng đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và quốc tế.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Đề án Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên.

- Đề xuất các giải pháp công trình, phi công trình kiểm soát mặn, trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh tại địa phương.

2.4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị các Bộ, ngành Trung ương các giải pháp phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết vùng, quy mô lớn, áp dụng công nghệ kỹ thuật cao vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến, góp phần tăng năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

2.5. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Triển khai thực hiện tốt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 05/12/2011.

- Liên kết ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn; đề xuất Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đặc thù trong việc bố trí vốn ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh thời gian tới.

- Vận động các cơ quan, tổ chức quốc tế tài trợ cho các chương trình, dự án ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

2.6. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch

- Đẩy mạnh công tác xúc tiến du lịch, tăng cường quảng bá rộng rãi hình ảnh, văn hóa đặc trưng của tỉnh An Giang nói riêng và vùng ĐBSCL nói chung đến bạn bè trong nước và quốc tế.

- Tạo các mối liên kết để hình thành, kết nối các tour, tuyến du lịch đến các tỉnh, thành trong vùng mang nét đặc trưng của địa phương.

2.7 Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư

- Chủ trì tổ chức và tham gia các hội chợ triển lãm, hội chợ chuyên ngành, phiên chợ trong, ngoài tỉnh và nước ngoài; Tổ chức các đoàn công tác của tỉnh và doanh nghiệp đi khảo sát thị trường, tìm kiếm kết nối giao thương và xúc tiến đầu tư trong nước và nước ngoài; Tổ chức, tham gia các hội nghị, hội thảo diễn đàn, tọa đàm trong nước và nước ngoài về thị trường, sản phẩm, giới thiệu dự án kêu gọi đầu tư của tỉnh.

- Đẩy mạnh hợp tác với các tổ chức xúc tiến thương mại và đầu tư trong và ngoài nước, để tăng cường hiệu quả của hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư; Theo dõi và thực hiện các chương trình hợp tác, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, làm cầu nối giới thiệu đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, ấn phẩm, phim tư liệu phục vụ hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư.

- Đề xuất giải pháp mở rộng thị trường trong và ngoài nước, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản xuất kinh doanh và đẩy mạnh xuất khẩu theo tinh thần Nghị quyết của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.

III- TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Trên cơ sở những nội dung của Kế hoạch; các sở, ngành tổ chức quán triệt đến các đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Đồng thời, cụ thể thành nhiệm vụ, công việc để tập trung chỉ đạo, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao; góp phần tăng cường hợp tác, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, du lịch; tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này của các sở, ngành; nếu có khó khăn vướng mắc, kịp thời phản ánh, xin ý kiến Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

Nơi nhận:
- TT.TU, TT.HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ngành cấp tỉnh;
- Trung tâm Xúc tiến TMĐT;
- Hiệp hội Doanh nghiệp;
- Lãnh đạo Vp.UBND tỉnh, P. TH;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu HCTC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng