Kế hoạch 500/KH-UBND năm 2016 phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020
Số hiệu: | 500/KH-UBND | Loại văn bản: | Văn bản khác |
Nơi ban hành: | Tỉnh An Giang | Người ký: | Nguyễn Thanh Bình |
Ngày ban hành: | 23/09/2016 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Lao động, Dân số, trẻ em, gia đình, bình đẳng giới, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 500/KH-UBND |
An Giang, ngày 23 tháng 9 năm 2016 |
KẾ HOẠCH
PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNG TRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
Căn cứ Quyết định số 1023/QĐ-TTg ngày 07 tháng 6 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016-2020;
Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh xây dựng Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2016-2020 như sau:
A. THỰC TRẠNG LAO ĐỘNG TRẺ EM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRONG THỜI GIAN QUA:
Trẻ em lao động sớm, đặc biệt là lao động trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sẽ dẫn đến ảnh hưởng về thể chất và tinh thần của trẻ em như: Sức khoẻ, tâm lý, trẻ sẽ không có thời gian học tập, vui chơi, giải trí, tiếp cận thông tin và thực hiện được các quyền cơ bản mà trẻ em được hưởng.
Các ngành nghề phổ biến trẻ em tham gia lao động ở An Giang như: Trẻ em tham gia vào các công đoạn sản xuất thuộc làng nghề thủ công (mộc, dưa xoài, đan lát, dệt thổ cẩm…); nông nghiệp (trồng lúa, sản xuất hoa màu, nuôi cá, cắt cỏ …); bán vé số, phụ hồ, phụ bán quán ăn, làm việc trên đường phố...
Nguyên nhân chủ yếu của thực trạng trẻ em tham gia lao động sớm ở An Giang là do hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn, gia đình di cư từ nông thôn ra thành thị để kiếm sống; nhận thức của gia đình và trẻ em về hậu quả của việc trẻ em tham gia lao động sớm còn nhiều hạn chế, đặc biệt là lao động nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; quan niệm của nhiều bậc phụ huynh cho rằng phải tập cho con trẻ làm việc từ nhỏ để góp phần cho sự phát triển của trẻ em và đóng góp kinh tế cho gia đình.
Bên cạnh đó công tác tuyên truyền, vận động phòng tránh trẻ em tham gia lao động sớm của các ngành chức năng chưa được quan tâm; công tác thanh, kiểm tra đối với tình hình sử dụng lao động trẻ em chưa thường xuyên.
B. KẾ HOẠCH PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU LAO ĐỘNGTRẺ EM TỈNH AN GIANG GIAI ĐOẠN 2016-2020:
I. MỤC TIÊU:
1. Mục tiêu tổng quát: Trẻ em có nguy cơ lao động trái với quy định của pháp luật được phát hiện, can thiệp, hỗ trợ kịp thời để hòa nhập cộng đồng và có cơ hội phát triển. Hình thành, phát triển và thực hiện có hiệu quả các mô hình phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:
- 90% cán bộ phụ trách công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở các cấp, các ngành được tập huấn nâng cao nhận thức về kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
- 90% người sử dụng lao động, 60% cha, mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em độ tuổi từ 8-15 được nâng cao nhận thức về kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
- 100% trẻ em lao động trái quy định của pháp luật khi có thông báo, phát hiện được hỗ trợ, can thiệp kịp thời.
II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI:
Đối tượng: Trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật; cha mẹ, người chăm sóc trẻ; người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi toàn tỉnh.
Phạm vi: Thực hiện toàn tỉnh, ưu tiên vùng có nhiều trẻ em nguy cơ tham gia lao động và trẻ em tham gia lao động, vùng có nhiều làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh.
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN KẾ HOẠCH:
1. Tổ chức thực hiện có hiệu quả luật pháp, chính sách về phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em. Tăng cường phối hợp liên ngành giữa các sở, ban, ngành đoàn thể liên quan trong việc phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ lao động trẻ em.
2. Lồng ghép việc thực hiện nội dung của Kế hoạch trong hoạt động của các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em.
3. Triển khai có hiệu quả chính sách trợ giúp xã hội, giảm nghèo; cải thiện điều kiện, môi trường lao động phù hợp tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh; giáo dục nghề nghiệp và giới thiệu việc làm nhằm hỗ trợ trẻ em và gia đình trẻ có nguy cơ lao động và tham gia lao động cải thiện cuộc sống.
4. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
5. Tăng cường hoạt động truyền thông, giáo dục về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Vận động sự tham gia của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân cho việc thực hiện Kế hoạch.
IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG CỦA KẾ HOẠCH:
1. Truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức, người sử dụng lao động, cha mẹ, người chăm sóc trẻ, trẻ em và cộng đồng xã hội.
Tổ chức thường xuyên và hiệu quả các đợt chiến dịch truyền thông, giáo dục về kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động.
Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng các cấp: Đài phát thanh truyền hình An Giang, Báo An Giang, loa truyền thanh cấp huyện, cấp xã.
Tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, các website của các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan và UBND 11 huyện, thị, thành trong tỉnh.
Tổ chức các hoạt động truyền thông trực tiếp tại cộng đồng, trường học về kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em như: triển lãm tranh ảnh, hội thi, hội nghị, diễn đàn. Tuyên truyền thông qua mạng lưới cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên khóm, ấp như: tuyên truyền nhóm nhỏ, sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em, thăm hỏi, cấp phát tài liệu liên quan…
Nhân bản các tài liệu truyền thông về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em như: áp phích, sách mỏng, sổ tay, tờ rơi, tranh, ảnh.
Tuyên truyền trực quan ngoài trời: Xây dựng cụm Pano, xe hoa cổ động, khẩu hiệu, băngrol…
2. Nâng cao năng lực công tác xã hội cho đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp, người làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em cấp xã, cộng tác viên trẻ em khóm, ấp.
Tham gia xây dựng tài liệu về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật; tài liệu về phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
Thông qua các hội nghị triển khai Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em sâu, rộng đến cán bộ các ban, ngành, đoàn thể liên quan các cấp.
Tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và mạng lưới cộng tác viên trẻ em khóm, ấp.
Nâng cao năng lực thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật cho đội ngũ cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp và đặc biệt cho đội ngũ thanh tra viên về phòng ngừa, phát hiện, can thiệp, hỗ trợ giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
3. Thí điểm mô hình hỗ trợ, can thiệp để giảm thiểu lao động trẻ em:
Trang bị các kỹ năng hòa nhập cộng đồng, kỹ năng sống, kỹ năng tham gia các hoạt động xã hội cho trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật.
Kết nối dịch vụ, hỗ trợ trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật thông qua các chính sách chăm sóc y tế, hỗ trợ giáo dục, giáo dục nghề nghiệp, giới thiệu việc làm phù hợp. Lồng ghép có hiệu quả mô hình giảm nghèo với các chính sách phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Trợ giúp gia đình có trẻ em tham gia lao động, trẻ em có nguy cơ tham gia lao động và trẻ em lao động trái với quy định của pháp luật về kiến thức, kỹ năng, tay nghề để ổn định sinh kế, tăng thu nhập và không để trẻ em lao động trái quy định của pháp luật.
Hỗ trợ người sử dụng lao động tại các làng nghề truyền thống, cơ sở sản xuất, kinh doanh và khu vực kinh tế phi chính thức có trẻ em học nghề và tham gia lao động cải thiện điều kiện làm việc phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành, đặc điểm thể chất và tâm lý của trẻ em và theo quy định của pháp luật. Hướng dẫn cho người sử dụng lao động cam kết không thuê mướn lao động trẻ em trái quy định pháp luật.
Triển khai các mô hình dự án “Hỗ trợ kỹ thuật nâng cao năng lực quốc gia phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em ở Việt Nam” do tổ chức ILO tài trợ tại An Giang, gồm 18 xã, phường, thị trấn thuộc 4 huyện, thành phố: Núi Sam, Châu Phú A và Châu Phú B, thành phố Châu Đốc; Phú Hữu, Nhơn Hội, Phú Hội, Khánh Bình và Quốc Thái, huyện An Phú; Khánh Hoà, Mỹ Phú, Bình Chánh, Bình Phú và Vĩnh Thạnh Trung, huyện Châu Phú; Tấn Mỹ, An Thạnh Trung, Mỹ An, Hội An và thị trấn Mỹ Luông, huyện Chợ Mới. Hoạt động chính của các mô hình thuộc dự án là cung cấp dịch vụ trực tiếp cho trẻ em có nguy cơ lao động, trẻ em tham gia lao động và gia đình bao gồm: Giáo dục, đào tạo nghề, tư vấn, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ sinh kế cho các gia đình.
4. Kiểm tra, thanh tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm những hành vi sử dụng lao động trẻ em trái pháp luật, tăng cường xử phạt vi phạm hành chính đối với cha mẹ, người chăm sóc trẻ trong việc bắt, ép trẻ em phải tham gia lao động sớm, hạn chế hoặc không cho trẻ em thực hiện các quyền cơ bản của trẻ em.
V. KINH PHÍ:
1. Ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND các huyện, thị, thành phố.
2. Huy động từ cộng đồng xã hội; nguồn tài trợ, viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
3. Các nguồn vốn hợp pháp khác.
4. Căn cứ vào nội dung hoạt động của Kế hoạch và chức năng, nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND cấp huyện chủ động lập dự toán kinh phí triển khai thực hiện Kế hoạch trong dự toán chi hàng năm của cơ quan, đơn vị mình theo phân cấp của Luật Ngân sách nhà nước.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Sở Lao động-Thương binh và Xã hội:
Chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan, UBND cấp huyện hướng dẫn tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tỉnh An Giang giai đoạn 2016 - 2020.
Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở; tăng cường công tác tuyên truyền đến các chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các bậc cha mẹ, người chăm sóc trẻ và trẻ em kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
Tham gia vào quá trình hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tổ chức thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em và xử lý nghiêm hành vi vi phạm về sử dụng lao động trẻ em theo thẩm quyền.
Chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan định kỳ kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch cho UBND tỉnh và Bộ lao động - Thương binh và Xã hội. Tham mưu UBND tỉnh tổ chức hội nghị tổng kết, đánh giá, khen thưởng việc thực hiện Kế hoạch vào cuối năm 2020.
2. Sở Tài chính: Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách và các quy định hiện hành của Nhà nước, xem xét, thẩm định tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
3. Sở Thông tin và Truyền thông: Định hướng các cơ quan báo chí, thông tin đại chúng xây dựng chương trình, kế hoạch và dành thời lượng, chuyên mục, chuyên trang hợp lý để tuyên truyền kiến thức phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
4. Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang, Báo An Giang,: Đẩy mạnh tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Pháp luật của Nhà nước về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em. Nâng cao chất lượng, bố trí tin, bài, chuyên trang, chuyên đề, thời lượng, thời gian quảng bá phù hợp cho các kênh, chương trình, nội dung về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em.
5. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh triển khai, thực hiện Kế hoạch theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của đơn vị liên quan đến phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; hàng năm gửi báo cáo việc thực hiện Kế hoạch về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.
6. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể tỉnh: Hội Liên hiệp phụ nữ, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội nông dân, Hội Cựu chiến binh tỉnh tham gia triển khai, thực hiện các hoạt động của Kế hoạch; đẩy mạnh truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em; tham gia xây dựng pháp luật, chính sách và giám sát việc thực hiện Kế hoạch theo quy định của pháp luật.
7. Đề nghị Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội triển khai Kế hoạch đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hộ gia đình là thành viên, bảo đảm thực hiện các quy định của pháp luật về lao động trẻ em.
8. Đề nghị Liên đoàn Lao động tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh tổ chức truyền thông, giáo dục chính sách, pháp luật về lao động trẻ em cho người lao động, đặc biệt cho người lao động chưa thành niên.
9. UBND huyện, thị, thành phố:
Chỉ đạo UBND xã, phường, thị trấn thực hiện công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em, chỉ đạo phòng Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với các phòng, ban, đơn vị xây dựng kế hoạch, triển khai công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 tại địa phương.
Chủ động bố trí ngân sách cho công tác phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 ở địa phương.
Chủ động đề xuất các mô hình phù hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu tình trạng trẻ em tham gia lao động và can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em có nguy cơ và trẻ em tham gia lao động tại địa phương.
Tăng cường kiểm tra định kỳ, đột xuất việc chấp hành pháp luật, chính sách về phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em ở địa phương, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng lao động trẻ em trái quy định của pháp luật.
Định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về kết quả thực hiện Kế hoạch phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em tại địa phương./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 1023/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình phòng ngừa, giảm thiểu lao động trẻ em giai đoạn 2016 - 2020 Ban hành: 07/06/2016 | Cập nhật: 09/06/2016
Quyết định 1023/QĐ-TTg năm 2015 hỗ trợ vốn cho các địa phương thụ hưởng Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học Ban hành: 06/07/2015 | Cập nhật: 11/07/2015
Quyết định 1023/QĐ-TTg năm 2012 phê chuẩn việc bầu thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ nhiệm kỳ 2011 - 2016 Ban hành: 06/08/2012 | Cập nhật: 29/10/2012
Quyết định 1023/QĐ-TTg năm 2007 về việc ông Trương Hòa Bình thôi giữ chức Thứ trưởng Bộ Công an Ban hành: 08/08/2007 | Cập nhật: 28/09/2007