Kế hoạch 266/KH-UBND năm 2017 thực hiện Đề án Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực
Số hiệu: 266/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh An Giang Người ký: Lê Văn Nưng
Ngày ban hành: 15/05/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Xây dựng nhà ở, đô thị, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 266/KH-UBND

An Giang, ngày 15 tháng 5 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG, GẮN PHÁT TRIỂN KẾT CẤU HẠ TẦNG TRONG NƯỚC VỚI MẠNG LƯỚI HẠ TẦNG TRONG CÁC LIÊN KẾT KHU VỰC

Căn cứ Quyết định số 167/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án "Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực".

Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án "Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực". Cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU:

Góp phần hình thành khung kết nối hạ tầng theo chương trình tổng thể kết nối ASEAN, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xây dựng hạ tầng giao thông đồng bộ với các tỉnh trong khu vực, đưa tỉnh An Giang trở thành cửa ngõ quan trọng của trục hành lang Đông Tây kết nối giữa khu vực đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, giữa Việt Nam nói chung với các quốc gia trong khu vực ASEAN.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN ĐỒNG BỘ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐẾN NĂM 2020 VÀ NĂM 2030:

1. Hạ tầng giao thông:

a. Đường bộ:

Thực hiện đồng bộ các giải pháp, tranh thủ các nguồn lực ưu tiên đầu tư các công trình có tính lan tỏa, đảm bảo kết nối các phương thức vận tải, các trung tâm kinh tế lớn, các vùng kinh tế trọng điểm, các cửa ngõ, đầu mối giao thông quan trọng. Cụ thể như sau:

- Cao tốc Sóc Trăng-Cần Thơ-Châu Đốc: Đoạn qua địa bàn tỉnh từ ranh Tp.Cần Thơ đến giao QL.91 tại Tp.Châu Đốc dài 60 km, quy mô 4 làn xe.

- Tuyến QL.80B sẽ là trục giao thông chính kết nối các tỉnh trong khu vực ĐBSCL đến cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương, kết nối vào đường tỉnh 101 và QL.1 của Campuchia.

- Tuyến nối Quốc lộ 91 (QL 91) và tuyến tránh thành phố Long Xuyên: Xây dựng 13,5Km đoạn tuyến tránh thành phố Long Xuyên (điểm đầu nối với đường dẫn vào cầu Vàm Cống từ QL lộ 80 đến nút giao lộ tẻ, điểm cuối tại giao QL 91), và Xây dựng 2 Km kết nối từ QL 91 vào tuyến tránh cũng như lên cầu Vàm Cống.

- Quốc lộ 91C kết nối từ thành phố Châu Đốc đến cầu Long Bình: nâng cấp, mở rộng đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV với 02 làn xe.

- Quốc lộ N1: đoạn đi qua địa bàn tỉnh được mở trên cơ sở nâng cấp một đoạn ĐT.955A, điểm đầu từ cầu Tân Châu đến ranh tỉnh Kiên Giang dài 67,3 km. Quy hoạch đạt tiêu chuẩn tối thiểu đường cấp IV với 2 làn xe.

- Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 945 từ quốc lộ 91 đi qua các huyện: Châu Phú, Tịnh Biên và Tri Tôn kết nối với tuyến hành lang ven biển của tỉnh Kiên Giang.

- Dự án đầu tư xây dựng cầu Tân Châu – Hồng Ngự qua sông Tiền thuộc tuyến N1.

- Dự án đầu tư xây dựng tuyến tránh cái dầu, Quốc lộ 91 – huyện Châu Thành.

- Tập trung hoàn thành các dự án: Dự án Nâng cấp Đường tỉnh 957 kết nối từ thành phố Châu Đốc với cửa khẩu Khánh Bình; Dự án Nâng cấp tuyến đường phục vụ an ninh quốc phòng kết hợp với đê ngăn lũ vùng tứ giác Long Xuyên đoạn từ Châu Đốc – cửa khẩu Tịnh Biên (ĐT 955A), thành phố Châu Đốc và huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang; Dự án xây dựng cầu Tân An trên tuyến đường tỉnh 952 thị xã Tân Châu.

b. Đường thủy:

Tranh thủ các nguồn lực ưu tiên hoàn thành nâng cấp các tuyến kết nối giữa An Giang, vùng đồng bằng sông Cửu Long với Campuchia và thành phố Hồ Chí Minh đảm bảo chạy tầu 24/24h; xây dựng và nâng cấp một số cảng chính, bến hàng hóa trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như sau:

- Dự án Cải tạo Kênh Vĩnh Tế dọc theo biên giới Việt Nam – Campuchia. Cải tạo sông Bình Di, sông Châu Đốc.

- Thông luồng tuyến sông Hậu – qua cửa Định An – Tân Châu (An Giang).

- Cảng Mỹ Thới: Nâng cấp và xây dựng 2 cầu tàu đảm bảo tiếp nhận tàu 10.000 DWT. Hoàn chỉnh toàn bộ kho bãi trên phạm vi khu đất mở rộng để nâng tổng công suất cảng lên 3,5 triệu tấn/ năm, trong đó container khoảng 130.160 TEU/năm.

- Cảng Bình Long: Đến năm 2020, nâng cấp đạt công suất là 0,3 triệu T/năm. Gồm 2 khu: khu làm hàng bao kiện và khu làm hàng rời. Gồm 1 bến cho tàu đến 500 tấn, dài 50m và nâng cấp 1 bến cho tàu đến 1.000T, dài 70 m. Giữ nguyên quy mô kho bãi; Định hướng đến năm 2030: đầu tư mở rộng bãi hàng, nâng cấp chất lượng thiết bị bốc xếp, nâng cấp bến cho phương tiện đến 3.000T; công suất 0,6 triệu T/năm.

- Cảng bốc xếp hàng hóa An Giang: Đảm bảo tiếp nhận tàu có trọng tải ≤ 1.000T, công suất đạt 300.000T/năm vào năm 2020 và đến năm 2030 đạt 500.000T/năm.

- Cảng Tân Châu: Thuộc phường Long Châu, TX.Tân Châu, có vai trò là đầu mối cho phương tiện thủy nội địa giao thương với Campuchia. Đến năm 2020, xây mới đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải ≤ 2.000T, công suất đạt 500.000T/năm. Đến năm 2030, đảm bảo hoạt động của tàu có trọng tải ≤ 5.000T, công suất đạt 1 triệu T/năm.

- Bến hàng hóa: Vàm Cống, Bình Đức, Bình Hòa, Núi Sập, Tri Tôn, Chi Lăng, Vĩnh Xương và Tịnh Biên.

2. Hạ tầng cung cấp điện:

Phát triển hợp lý và đa dạng các loại hình sản xuất điện trên cơ sở khai thác hiệu quả, tiết kiệm tài nguyên trong nước, đẩy mạnh khai thác nguồn năng lượng tái tạo. Phát triển nguồn điện mới sử dụng công nghệ hiện đại, phù hợp.

Phát triển lưới điện gắn với hiện đại hóa trang thiết bị và hạ tầng thông tin viễn thông điện lực, thực hiện các giải pháp để nâng cao độ tin cậy cung cấp điện. Nghiên cứu áp dụng lưới điện thông minh, công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện; cùng với cả nước kết nối, hòa mạng đồng bộ hệ thống điện Việt Nam với hệ thống điện các nước khu vực.

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng cung cấp điện, hài hòa giữa nguồn và lưới điện, giảm tổn thất điện năng.

3. Hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông:

Ứng dụng công nghệ thông tin và phương pháp quản lý hiện đại trong việc tổ chức xây dựng, khai thác và quản lý các công trình kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông.

Gắn kết phát triển hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông thống nhất; đảm bảo quản lý, khai thác, vận hành hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin hiệu quả, an toàn, thông suốt.

Cùng cả nước đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Nâng cao năng lực làm chủ công nghệ và hiệu lực, hiệu quả quản lý hệ thống hạ tầng thông tin; bảo đảm an toàn, anh ninh thông tin mạng về không gian mạng.

III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Tiếp tục quán triệt và thực hiện tốt các chủ trương lớn của Chính phủ, của Tỉnh về phát triển kết cấu hạ tầng: Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012 của Ban Chấp hành Trung ương về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020; Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Chính phủ ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW; Chương trình hành động sô 11-CTr/TU ngày 19 tháng 12 năm 2012 của Tỉnh ủy về chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16 tháng 01 năm 2012.

2. Đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là theo hình thức hợp tác công – tư (PPP) nhằm tạo bước đột phá về huy động nguồn vốn trên cơ sở lựa chọn mô hình, hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực kết cấu hạ tầng.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý ngay những vấn đề vướng mắc liên quan đến tiến độ và chất lượng công trình, xử lý kịp thời những tồn tại về chất lượng, sự cố công trình; nghiêm khắc xử lý trách nhiệm của những tập thể, cá nhân có liên quan.

4. Tập trung chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đẩy nhanh tiến độ các dự án đã có nguồn vốn, đặc biệt là các dự án bị chậm tiến độ, các công trình trọng điểm quốc gia, các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng để sớm đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả.

5. Nâng cao năng lực các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, các tổ chức tư vấn thiết kế, giám sát; kiên quyết loại bỏ ngay các nhà thầu có năng lực yếu kém khỏi các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng.

6. Tăng cường phối hợp giữa các Bộ, ngành với các địa phương để đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng.

7. Nguồn vốn ngân sách nhà nước được sử dụng hợp lý trong việc tạo môi trường đầu tư hấp dẫn (vốn mồi) trong đầu tư phát triển hạ tầng, đảm bảo vốn đối ứng các dự án ODA hoặc tham gia các công trình, dự án đầu tư theo mô hình đối tác công - tư (PPP).

8. Thu hút mạnh và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ODA. Rà soát, sửa đổi bổ sung các văn bản pháp luật có liên quan, ưu tiên bố trí vốn đối ứng và tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và hoàn thành các dự án, tạo điều kiện vận động tìm kiếm các nguồn tài trợ mới.

9. Tiếp tục tạo môi trường thuận lợi, thu hút và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực vào đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, bảo đảm lợi ích hài hòa cho nhà đầu tư, không phân biệt thành phần kinh tế.

10. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa (giảm) các thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo thực hiện đúng các quy định của pháp luật, đặc biệt đối với việc thực hiện các quy định về chuẩn bị đầu tư và phê duyệt dự án đầu tư...

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Ngoại vụ

Tiếp tục chủ động phối hợp với các Sở, ngành tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc hợp tác với 02 tỉnh bạn TaKeo và Kandal – Vương quốc Campuchia đặc biệt các hợp tác nhằm góp phần thực hiện các hiệp định đã ký kết giữa Việt Nam và các nước trong khuôn khổ hợp tác ASEAN.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

Chủ động phối hợp với các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tích cực thực hiện công tác giải phóng và bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, đảm bảo tiến độ và chất lượng xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng đảm bảo kết nối khu vực.

Sau khi Đề án “Tạo quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang đến năm 2020” được ban hành. Chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án, đáp ứng yêu cầu về quỹ đất để thu hút đầu tư vào các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, thương mại - dịch vụ và công nghiệp.

3. Sở Giao thông Vận tải

Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp các Bộ, ngành xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi tỉnh quản lý, đảm bảo sự kết nối đồng bộ giữa các hạng mục công trình kết cấu hạ tầng. Phối hợp tổ chức quản lý, bảo vệ các công trình kết cấu hạ tầng trên địa bàn tỉnh.

4. Trung tâm xúc tiến thương mại và Đầu tư

Phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư và các đơn vị có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch xúc tiến đầu tư, quảng bá hình ảnh thế mạnh về hợp tác kinh tế, du lịch của địa phương để thu hút đầu tư, phát triển du lịch, gia tăng sự lưu chuyển người, phương tiện và hàng hóa giữa Tỉnh An Giang với các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia nói riêng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực nói chung.

5. Các Sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị, thành

Căn cứ chức năng nhiệm vụ phối hợp theo đề nghị của các đơn vị được giao chủ trì triển khai các nội dung kế hoạch này.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Theo dõi, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hàng năm, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trước ngày 30 tháng 12.

Trên đây là Kế hoạch triển khai thực hiện đề án Chính sách phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng, gắn phát triển kết cấu hạ tầng trong nước với mạng lưới hạ tầng trong các liên kết khu vực của tỉnh An Giang.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Nưng