Kế hoạch 18/KH-UBND năm 2015 triển khai Đề án y tế biển đảo đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế
Số hiệu: 18/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Dung
Ngày ban hành: 03/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 18/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 03 tháng 02 năm 2015

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ĐỀ ÁN Y TẾ BIỂN, ĐẢO TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

Thực hiện Quyết định số 317/QĐ-TTg ngày 07 tháng 02 năm 2013 của Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Phát triển y tế Biển, Đảo Việt Nam đến năm 2020” (gọi tắt Đề án 317); Công văn số 7804/BYT-KHTC ngày 03 tháng 11 năm 2014 của Bộ Y tế về việc Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020”, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU, CHỈ TIÊU

1. Mục tiêu chung:

Bảo đảm cho người dân sinh sống và làm việc ở khu vực vùng biển của Tỉnh Thừa Thiên Huế được tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế cho nhu cầu dự phòng, cấp cứu, khám chữa bệnh và nâng cao sức khỏe, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

a) Củng cố mạng lưới y tế đủ năng lực và phù hợp với đặc thù hoạt động bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân vùng biển.

b) Phát triển nguồn nhân lực y tế đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho người dân vùng biển.

c) Tăng cường năng lực cấp cứu, vận chuyển, khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh và các bệnh tật đặc thù vùng biển.

d) Trang bị kiến thức cho người dân vùng biển có thể tự bảo vệ sức khỏe, biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở cấp cứu vùng biển.

đ) Thực hiện đầy đủ các quy định quốc tế và của Nhà nước Việt Nam về đảm bảo y tế cho hoạt động trên biển.

3. Các chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2020:

a) Trung tâm Cấp cứu Tỉnh Thừa Thiên Huế và các Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố và các Trạm Y tế phường/xã/thị trấn ven biển có bác sĩ được đào tạo, bổ túc chuyên môn về Y học biển để có đủ năng lực cấp cứu, khám chữa bệnh các bệnh lý đặc thù vùng biển.

b) Trung tâm Y tế dự phòng Tỉnh Thừa Thiên Huế và các Đội Y tế dự phòng tại các Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố có tổ chức 01 khoa/bộ phận chuyên trách đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển.

c) Nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố đảm bảo triển khai tốt các dịch vụ y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật.

d) Đầu tư xây dựng nâng cấp các trạm y tế ven biển đạt yêu cầu của Bộ tiêu chí Quốc gia về y tế xã theo quy định Bộ Y tế.

e) 100% người lao động trên các tàu biển có kiến thức tự bảo vệ sức khỏe và biết kêu gọi sự trợ giúp khi có tình huống cấp cứu.

II. PHẠM VI TRIỂN KHAI

Triển khai tại Trung tâm Cấp cứu 115 Tỉnh; Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh và 05 Trung tâm Y tế thuộc vùng ven biển và đầm phá của Tỉnh Thừa Thiên Huế (huyện Phong Điền; Quảng Điền; Phú Vang; Phú Lộc; Thị xã Hương Trà).

III. NỘI DUNG TRIỂN KHAI

1. Nâng cao nhận thức và năng lực quản lý nhà nước về y tế biển, đảo:

- Cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và các huyện/thị xã/thành phố ven biển (trong phạm vi triển khai thực hiện Đề án) đưa nội dung phát triển y tế biển vào Nghị quyết lãnh đạo của Đảng bộ, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và có chính sách ưu tiên đầu tư cho phát triển y tế biển; chỉ đạo thực hiện Bộ tiêu chí chuẩn về y tế (theo quy định của Bộ Y tế) cho các địa phương vùng biển.

- Xây dựng, ban hành các phương án phối hợp liên ngành trong việc đảm bảo y tế, tham gia xử lý những tình huống khẩn cấp, cứu hộ, cứu nạn trên vùng biển của tỉnh.

- Tại Sở Y tế, có ít nhất cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về y tế biển, tham mưu công tác quản lý nhà nước về y tế biển và làm đầu mối phối hợp để giải quyết công việc thường xuyên và các tình huống cấp cứu khẩn cấp trên biển.

- Xây dựng hệ thống thông tin, báo cáo, kiểm tra, giám sát phù hợp với đặc thù vùng biển.

2. Củng cố và phát triển cơ sở y tế dự phòng:

Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, bổ sung đủ số lượng người làm việc, trang thiết bị cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và các Đội Y tế dự phòng thuộc Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển đủ năng lực khám dự phòng, tư vấn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch bệnh; tập huấn kiến thức dự phòng các vấn đề về sức khỏe cho nhân dân, lực lượng lao động vùng biển.

3. Phát triển mạng lưới khám, chữa bệnh

- Ưu tiên phát triển đồng bộ các nguồn lực cho các Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển để đảm bảo triển khai thực hiện tốt các dịch vụ y tế theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật; đồng thời, tiếp tục đầu tư trang thiết bị phục vụ việc cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù cho Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển.

- Tiếp tục đầu tư trang thiết bị y tế hiện đại cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện chuyên khoa của tỉnh, phục vụ việc cấp cứu, khám, chữa bệnh đặc thù cho vùng biển; tăng cường hỗ trợ, chỉ đạo tuyến về chuyên môn kỹ thuật cho Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển.

- Đầu tư xây dựng nâng cấp và bổ sung trang thiết bị y tế cho các trạm y tế xã/phường/thị trấn ven biển đáp ứng nhu cầu sơ cấp cứu, khám chữa bệnh đặc thù của vùng biển.

- Trang bị tủ thuốc và thiết bị y tế cho tàu biển theo các quy định hiện hành; trang bị kiến thức và hướng dẫn xây dựng tủ thuốc cấp cứu để các Nghiệp đoàn cá, các tổ, đội khai thác hải sản trên biển có người biết sơ cấp cứu trên biển và liên hệ với Trung tâm cấp cứu tỉnh, các Trung tâm y tế huyện/thị xã/thành phố ven biển nhờ trợ giúp.

4. Tổ chức mạng lưới vận chuyển, cấp cứu:

- Đầu tư xây mới và nâng cấp trang thiết bị cho Trung tâm cấp cứu tỉnh để nâng cao năng lực cấp cứu, đáp ứng nhu cầu cấp cứu cho quân đội và dân trên địa bàn, bao gồm cấp cứu trên khu vực đất liền và trong vùng lãnh hải thuộc của tỉnh.

- Xây dựng phương án phối hợp giữa ngành y tế với ngành Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Quân sự, Biên phòng, Cảnh sát biển tham gia cấp cứu, vận chuyển người bệnh trên vùng biển của tỉnh.

- Phối hợp với các tàu, thuyền hiện có của các lực lượng (Bộ Chỉ huy Quân sự, Biên phòng, Cảnh sát biển,...) đảm nhiệm chức năng là phương tiện cứu thương trên biển.

- Trang bị đủ xe ôtô cứu thương, thuốc, vật tư, y dụng cụ cấp cứu và phao cứu sinh cho Trung tâm Cấp cứu tỉnh, Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển; hỗ trợ trang thiết bị y tế, túi thuốc cấp cứu cơ động cho các đơn vị trực thuộc Bộ đội Biên phòng huyện/thị xã/thành phố.

- Thành lập và tổ chức huấn luyện các đội y tế cơ động; lực lượng tự vệ y tế tại các huyện/thị xã/thành phố ven biển chuyên làm nhiệm vụ chi viện cấp cứu, vận chuyển, tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển của tỉnh.

5. Phát triển nguồn nhân lực cho y tế biển:

- Đào tạo, bồi dưỡng và bố trí đảm bảo nguồn nhân lực (cả về số lượng, chất lượng) theo định mức, tiêu chuẩn hiện hành của nhà nước. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ thu hút, ưu đãi; quy định về đào tạo và đào tạo lại đối với cán bộ viên chức ngành y tế được bố trí công tác tại các cơ sở y tế tại các huyện/thị xã/thành phố huyện/thị xã/thành phố ven biển.

- Tăng cường đào tạo bác sĩ chuyên khoa về y học biển, y học gia đình cho Trung tâm Y tế các huyện/thị xã/thành phố ven biển.

6. Thực hiện chính sách về tài chính, đầu tư cho y tế phù hợp với đặc thù của vùng biển:

Chính quyền địa phương các cấp, các sở, ngành liên quan có trách nhiệm thực hiện chính sách đầu tư và bố trí nguồn tài chính phù hợp; trong đó, tập trung vào lĩnh vực đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh, phòng chống dịch bệnh, phòng ngừa bệnh nghề nghiệp, công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển, công tác vận chuyển người bệnh... tại vùng biển của tỉnh.

7. Tăng cường truyền thông, giáo dục sức khỏe cho người dân vùng biển:

- Tăng cường đầu tư về nhân lực, trang thiết bị, phương tiện truyền thông cho tuyến Tỉnh Thừa Thiên Huế và các huyện/thị xã/thành phố ven biển để phục vụ cho truyền thông, giáo dục sức khỏe cho nhân dân vùng ven biển.

- Xây dựng mô hình, phát triển thông điệp truyền thông, giáo dục sức khỏe phù hợp với từng nhóm đối tượng; sản xuất và phát sóng các chương trình truyền hình, phát thanh; sản xuất các tài liệu truyền thông, tổ chức các sự kiện truyền thông và các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trực tiếp cho người dân làm việc và sinh sống tại các vùng ven biển.

- Tổ chức tập huấn trang bị kiến thức cho người dân vùng ven biển, có kiến thức để tự bảo vệ sức khỏe; biết tự sơ cấp cứu và đưa người bị nạn đến các cơ sở y tế để cấp cứu, điều trị và kêu gọi sự trợ giúp về y tế khi cần thiết.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch từ nguồn ngân sách Trung ương, các Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách địa phương và các nguồn hợp pháp khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế:

- Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo có trách nhiệm triển khai và tổng hợp báo cáo, đánh giá tình hình tổ chức thực hiện kế hoạch hành động thực hiện Đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020”.

- Chỉ đạo, giải quyết các nhiệm vụ chuyên môn về y tế theo thẩm quyền; trình UBND Tỉnh xử lý những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch.

- Hàng năm, phối hợp với các địa phương, sở, ngành liên quan xây dựng dự toán ngân sách triển khai thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển gắn với kế hoạch phát triển sự nghiệp y tế của tỉnh gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

- Định kỳ 6 tháng, năm hoặc đột xuất phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức kiểm tra, đánh giá, báo cáo kết quả triển khai cho Bộ Y tế và UBND tỉnh.

2. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch huy động lực lượng, phương tiện để tổ chức hệ thống vận chuyển cấp cứu và tổ chức chỉ huy tìm kiếm cứu nạn trên biển.

- Chỉ đạo lực lượng Quân y kết hợp chặt chẽ với lực lượng Dân y làm nòng cốt phát triển y tế biển.

- Phối hợp với Sở Y tế và các địa phương có liên quan thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Tài chính, các sở, ngành và địa phương tham mưu cho UBND Tỉnh cân đối vốn đầu tư phát triển, vốn trái phiếu Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn Tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, xây dựng và thực hiện các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển hệ thống y tế địa phương; xây dựng cơ chế, chính sách quản lý y tế liên quan để đảm bảo tính bền vững của các chương trình, dự án mục tiêu Quốc gia về y tế.

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Y tế căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hàng năm, bố trí ngân sách cho các Sở, ngành, địa phương để thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn Tỉnh theo phân cấp của Luật ngân sách nhà nước;

- Phối hợp với Sở Y tế kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn Tỉnh.

5. Các sở, ngành, đơn vị liên quan:

- Tích cực phối hợp với Sở Y tế và UBND các huyện/thị xã/thành phố ven biển tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn tỉnh.

- Cân đối, bố trí, lồng ghép kinh phí đảm bảo các hoạt động thuộc lĩnh vực phụ trách để triển khai có hiệu quả các hoạt động của kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn tỉnh.

6. UBND các huyện/thị xã/thành phố ven biển:

- Thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển y tế biển, đảo cấp huyện/thị xã/thành phố do lãnh đạo UBND huyện/thị xã/thành phố làm Trưởng ban, Trưởng Phòng Y tế và Giám đốc Trung tâm Y tế huyện/thị xã/thành phố làm Phó ban; các cơ quan, đơn vị liên quan ở địa phương làm ủy viên, có sự tham gia của các lực lượng quân đội, công an. Ban Chỉ đạo có trách nhiệm tham mưu cho Chủ tịch UBND huyện/thị xã/thành phố huy động mọi nguồn lực bảo đảm cho công tác y tế biển, đảo tại địa phương và triển khai thực hiện các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo cấp tỉnh giao.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức chỉ đạo triển khai kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn quản lý; cân đối, bố trí kinh phí đảm bảo triển khai tốt các hoạt động của kế hoạch tại địa phương.

- Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình đảm bảo công tác y tế biển trên địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo UBND các xã/phường/thị trấn ven biển tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển y tế biển trên địa bàn.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ các nội dung kế hoạch, Sở Y tế và các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện.

2. Định kỳ hàng năm các cơ quan, đơn vị, địa phương báo cáo kết quả thực hiện về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban ngành, địa phương phản ánh về Sở Y tế để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:

- Bộ Y tế (để b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các đơn vị có tên tại Mục V;
- VP: CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Lưu VT, YT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Dung