Kế hoạch 160/KH-UBND năm 2017 về thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020
Số hiệu: 160/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa Người ký: Ngô Văn Tuấn
Ngày ban hành: 15/09/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Môi trường, Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Thanh Hóa, ngày 15 tháng 9 năm 2017

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

Phần I

ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2009 - 2016

Thực hiện Quyết định số 1419/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược sản xuất sạch hơn (SXSH) trong công nghiệp đến năm 2020”, UBND tỉnh đã giao Sở Công thương đấu mối với Hợp phần sản xuất sạch hơn trong công nghiệp (CPI) thuộc Bộ Công thương để triển khai Chiến lược trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Năm 2010 - 2011, triển khai Đề án “Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp” thuộc Chiến lược, Sở Công thương (đơn vị được UBND tỉnh giao chủ trì) đã tổ chức 2 hội thảo, 6 khóa đào tạo, tập huấn cho cán bộ các ban, ngành, huyện, thị xã và gần 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ở các nhóm ngành: Chế biến thủy hải sản, nông sản, thực phẩm; Dệt may, da giày; Chế biến lâm sản, thủ công mỹ nghệ; vật liệu xây dựng, ngành khai khoáng. Tham gia Khóa tập huấn này hầu hết là những doanh nghiệp quy mô nhỏ, trình độ công nghệ và sản xuất thấp, tiềm năng áp dụng SXSH lớn. Thông qua các hội thảo, khóa tập huấn, nhận thức của cán bộ quản lý và các doanh nghiệp đã được nâng lên một bước.

Áp dụng SXSH sẽ mang lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi ích: Cải thiện hiệu suất sản xuất; sử dụng nguyên liệu, nước, năng lượng có hiệu quả hơn; tái sử dụng phần bán thành phẩm có giá trị; giảm ô nhiễm; giảm chi phí xử lý và thải bỏ các chất thải rắn, nước thải, khí thải; tạo nên hình ảnh về một doanh nghiệp xanh; cải thiện sức khỏe nghề nghiệp và an toàn.

Từ năm 2012 đến nay, chiến lược SXSH được lồng ghép trong các Chương trình Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu và các chương trình khác.

Phần II

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC SẢN XUẤT SẠCH HƠN TRONG CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2017 - 2020

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Sản xuất sạch hơn được áp dụng rộng rãi tại các cơ sở sản xuất công nghiệp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu; giảm thiểu phát thải và hạn chế mức độ gia tăng ô nhiễm; bảo vệ và cải thiện chất lượng môi trường, sức khỏe con người và bảo đảm phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

Đến năm 2020, việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp của tỉnh Thanh Hóa đạt các mục tiêu chủ yếu sau:

- 90% cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;

- 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn; các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn tiết kiệm được từ 8 - 13% mức tiêu thụ năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu trên đơn vị sản phẩm; 90% doanh nghiệp vừa và lớn có bộ phận chuyên trách về sản xuất sạch hơn;

- 100% cán bộ chuyên trách về SXSH ở các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh được đào tạo, tập huấn kiến thức về áp dụng SXSH trong công nghiệp;

- Thành lập bộ phận hỗ trợ sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trực thuộc Trung tâm Khuyến công và Tiết kiệm năng lượng - Sở Công thương Thanh Hóa.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Nâng cao nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

- Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp đối với các cấp, các ngành và các cơ sở sản xuất công nghiệp;

- Xây dựng, phổ biến các cơ sở dữ liệu và trang thông tin điện tử về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;

- Đẩy mạnh việc phổ biến, nhân rộng các mô hình áp dụng thành công sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.

2. Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, pháp luật và quyết định của tỉnh thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các cơ chế, chính sách, pháp luật thúc đẩy sản xuất sạch hơn trong công nghiệp;

- Lồng ghép nội dung sản xuất sạch hơn vào chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp; chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; chương trình, kế hoạch bảo vệ môi trường của ngành và của tỉnh;

- Xây dựng mạng lưới cấp giấy chứng nhận áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp theo nguyên tắc tự nguyện.

3. Hỗ trợ tư vấn kỹ thuật về áp dụng sản xuất sạch hơn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp

- Nâng cao năng lực cho các cơ quan quản lý nhà nước về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, góp phần thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường;

- Xây dựng, phát triển đội ngũ chuyên gia sản xuất sạch hơn cho các tổ chức tư vấn và đội ngũ cán bộ kỹ thuật về sản xuất sạch hơn cho các cơ sở sản xuất công nghiệp;

- Hỗ trợ xây dựng thí điểm, nhân rộng các mô hình áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp cho các cơ sở sản xuất công nghiệp.

4. Nguồn kinh phí hỗ trợ thường xuyên cho tổ chức áp dụng SXSH trong công nghiệp

- Ngân sách Trung ương: Theo hướng dẫn hàng năm của Bộ Công thương triển khai để thực hiện “Chiến lược SXSH trong công nghiệp đến năm 2020”;

- Ngân sách tỉnh: Từ các nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường, kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ, kinh phí khuyến công;

- Vốn doanh nghiệp: Các doanh nghiệp có trách nhiệm bố trí kinh phí để đầu tư triển khai thực hiện SXSH tại đơn vị;

- Huy động từ các nguồn kinh phí viện trợ, tài trợ của các tổ chức trong và ngoài nước, các nguồn vốn khác theo quy định của pháp luật.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công thương

- Là cơ quan Thường trực giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Kế hoạch, chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả, chất lượng các nội dung theo Kế hoạch;

- Hàng năm, căn cứ Kế hoạch thực hiện Chiến lược sản xuất sạch hơn của Bộ Công thương, của UBND tỉnh, chủ động phối hợp các cơ quan liên quan tham mưu xây dựng nội dung, dự toán kinh phí để triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh theo quy định.

2. Sở Khoa học và Công nghệ

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị có liên quan triển khai ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ theo hướng công nghệ sạch, sản xuất gắn liền với công tác bảo vệ môi trường;

- Trong quá trình thẩm định công nghệ các dự án đầu tư, có ý kiến cụ thể và đề xuất giải pháp xử lý đối với các dự án đầu tư sử dụng thiết bị, công nghệ lạc hậu, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Theo chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Công thương để tổ chức thực hiện.

4. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Công thương và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt dự toán hàng năm, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch hành động này.

5. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Kế hoạch này đến các doanh nghiệp trong Khu kinh tế, Khu công nghiệp; hướng dẫn các doanh nghiệp xây dựng kế hoạch và thực hiện các giải pháp SXSH trong công nghiệp.

6. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã: Theo chức năng, nhiệm vụ được quy định, có trách nhiệm phối hợp Sở Công thương tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung của Kế hoạch hành động sản xuất sạch hơn trong công nghiệp, bố trí cán bộ phụ trách triển khai SXSH trong công nghiệp trên địa bàn quản lý; tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện áp dụng SXSH tại các cơ sở sản xuất; xử lý nghiêm những cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn theo quy định của pháp luật.

7. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa: Chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan thường xuyên đưa tin, bài, phóng sự,... tuyên truyền sâu rộng về lợi ích của SXSH, các điển hình áp dụng SXSH trên địa bàn tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng.

8. Các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh

- Xây dựng kế hoạch và triển khai áp dụng sản xuất sạch hơn, từng bước nghiên cứu áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn vào thực tế sản xuất tại đơn vị;

- Định kỳ sơ kết, tổng kết đánh giá hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn; ổn định và duy trì các giải pháp đã thực hiện có hiệu quả, có kế hoạch giám sát chặt chẽ công tác sản xuất để có hướng điều chỉnh kịp thời;

- Lồng ghép các nội dung hoạt động áp dụng sản xuất sạch hơn vào hoạt động sản xuất hàng ngày của doanh nghiệp;

- Khuyến khích các đơn vị tổ chức xây dựng và áp dụng hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14000; đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường theo đúng quy định của pháp luật;

- Tùy theo quy mô, loại hình sản xuất, cơ sở phải nghiêm túc xây dựng Báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc cam kết thực hiện bảo vệ môi trường theo đúng quy định của pháp luật.

Định kỳ hàng năm, UBND các huyện, thành phố, thị xã, tổng kết tình hình thực hiện trên địa bàn quản lý, báo cáo kết quả về Sở Công thương trước ngày 15 tháng 12, để Sở Công thương tổng hợp, báo cáo Bộ Công thương, UBND tỉnh./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Văn Tuấn