Kế hoạch 160/KH-UBND năm 2018 thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019
Số hiệu: 160/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Lạng Sơn Người ký: Nguyễn Công Trưởng
Ngày ban hành: 30/11/2018 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LẠNG SƠN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 160/KH-UBND

Lạng Sơn, ngày 30 tháng 11 năm 2018

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH DỰ TRỮ HÀNG HÓA BÌNH ỔN THỊ TRƯỜNG DỊP TẾT NGUYÊN ĐÁN KỶ HỢI 2019

Thực hiện Chỉ thị số 08/CT-BCT ngày 30/10/2018 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2018 và dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019; Công văn số 11272/BCT- TTTN ngày 21/11/2012 của Bộ Công Thương về việc hướng dẫn chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường và các quy định, hướng dẫn có liên quan của Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 (Gọi tắt là Chương trình) trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Đảm bảo cân đối cung - cầu hàng hóa, bình ổn thị trường, giá cả các mặt hàng phục vụ tiêu dùng và sản xuất của nhân dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội đồng thời thực hiện tốt cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

2. Yêu cầu

- Hàng hóa trong Chương trình là sản phẩm sản xuất trong nước, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, giá cả phù hợp, nguồn cung đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và sản xuất của nhân dân.

- Kinh phí cho tạm ứng để thực hiện Chương trình phải được sử dụng đúng mục đích, hoàn trả đúng thời hạn quy định.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Đối tượng và điều kiện tham gia Chương trình

a) Đối tượng: Doanh nghiệp, hợp tác xã (gọi chung là Đơn vị) thuộc các thành phần kinh tế được thành lập, hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, Luật Hợp tác xã, đáp ứng đầy đủ điều kiện đăng ký tham gia và chấp hành các quy định của Chương trình.

b) Điều kiện:

- Có trụ sở chính, chi nhánh sản xuất, kinh doanh tại tỉnh Lạng Sơn; có hệ thống nhà xưởng, kho bãi, cửa hàng, phương tiện vận chuyển, trang thiết bị phục vụ đáp ứng yêu cầu tổ chức thực hiện.

- Có năng lực và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh các nhóm hàng, mặt hàng phù hợp mục tiêu triển khai Chương trình; có nguồn hàng hóa đảm bảo cung ứng cho nhu cầu thị trường ổn định và xuyên suốt thời gian thực hiện Chương trình.

- Cam kết dự trữ, cung ứng hàng hóa tham gia Chương trình đúng chủng loại, đủ số lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ và nhãn mác sản phẩm; thực hiện việc niêm yết giá theo quy định, bán đúng giá đăng ký.

- Có hệ thống đại lý, cửa hàng bán hàng (bao gồm cả siêu thị, cửa hàng tiện lợi,...) hoạt động ổn định tối thiểu từ 06/11 địa bàn các huyện, thành phố.

- Có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tạo nguồn hàng khả thi; có năng lực tài chính, không vi phạm pháp luật trong kinh doanh; chấp hành đầy đủ nghĩa vụ tài chính với nhà nước.

2. Hàng hóa tham gia Chương trình

a) Mặt hàng:

- Hàng hóa tiêu dùng thiết yếu: Gạo, muối Iốt, bột canh, dầu ăn, đường, sữa, bánh kẹo (phục vụ Tết), lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu khác được xác định theo thực tế diễn biến thị trường trong từng thời kỳ.

- Hàng hóa phục vụ sản xuất nông, lâm nghiệp: Phân bón, lúa giống, ngô giống, các loại giống cây trồng, các loại vật tư nông, lâm nghiệp khác,… được xác định theo thực tế diễn biến thị trường trong từng thời kỳ.

- Các loại hàng hóa cung ứng phải đảm bảo chất lượng, xuất xứ rõ ràng; Tùy theo tình hình thực tế diễn biến của giá cả hàng hóa thị trường, quan hệ cung - cầu để thực hiện lựa chọn các loại hàng hóa bổ sung thực hiện Chương trình cho phù hợp, đạt hiệu quả.

b) Giá bán:

- Giá bán các loại hàng hóa tham gia Chương trình phải được thực hiện theo mức giá đăng ký với Sở Tài chính và đảm bảo thấp hơn giá cả hàng hóa cùng loại trên thị trường từ 05% -10%.

- Trong trường hợp giá cả hàng hóa có sự thay đổi (tăng hoặc giảm), Đơn vị tham gia Chương trình chủ động báo cáo và kê khai giá bán hàng hóa với Sở Tài chính, Sở Công Thương để được thẩm định và chấp thuận giá bán hàng hóa bình ổn thị trường theo quy định.

- Trường hợp thị trường biến động do có hiện tượng nâng giá, gây khan hiếm giả tạo, Đơn vị tham gia Chương trình phải chấp hành việc cung ứng lượng hàng hóa có khả năng điều tiết thị trường theo sự điều phối của Sở Công Thương, tuân thủ mức giá lẻ bán hàng hóa đã được thẩm định và công bố.

3. Nguyên tắc triển khai thực hiện Chương trình

a) Khuyến khích Đơn vị đăng ký tham gia Chương trình không sử dụng vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước: Các Đơn vị tham gia Chương trình chủ động triển khai thực hiện kế hoạch dự trữ, luân chuyển hàng hóa phù hợp, đáp ứng đầy đủ và phục vụ nhu cầu tiêu dùng, đảm bảo hiệu quả kinh doanh; khuyến khích các Đơn vị tham gia Chương trình chủ động triển khai các Chương trình đảm bảo cung ứng và bình ổn giá cả hàng hóa trên thị trường không sử dụng hỗ trợ vốn tạm ứng từ ngân sách Nhà nước với mục tiêu góp phần tích cực trong đảm bảo quan hệ cung - cầu và bình ổn giá cả hàng hóa thị trường đồng thời thông qua các hoạt động đó thực hiện quảng bá thương hiệu, uy tín và hàng hóa do Đơn vị sản xuất, kinh doanh trong cạnh tranh và chiếm lĩnh thị trường, tạo dựng uy tín, thương hiệu của Đơn vị với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh.

b) Chính sách được tạm ứng vốn với lãi suất ưu đãi thực hiện Chương trình: Căn cứ điều kiện và tình hình thực tế trong từng thời kỳ, UBND tỉnh sẽ xem xét quyết định dành một phần ngân sách dự phòng của tỉnh để cho các Đơn vị tham gia Chương trình được tạm ứng với lãi suất ưu đãi 0% để triển khai thực hiện Chương trình.

4. Quyền lợi và nghĩa vụ của Đơn vị tham gia Chương trình

a) Quyền lợi:

- Đơn vị tham gia Chương trình được tuyên truyền, quảng cáo theo quy định bằng các hình thức (trên phương tiện thông tin đại chúng, tại trụ sở và điểm bán hàng bình ổn) để xây dựng thương hiệu, uy tín.

- Được hỗ trợ truyền thông, quảng bá đối với hàng hóa bình ổn; được xem xét cho tạm ứng vốn từ ngân sách với lãi suất ưu đãi trong thời gian phù hợp để thực hiện Chương trình.

b) Nghĩa vụ:

- Đăng ký chủng loại, số lượng, chất lượng hàng hóa tham gia Chương trình.

- Tổ chức dự trữ và cung ứng hàng hóa đủ số lượng đăng ký đã được phê duyệt; đảm bảo hàng hóa tham gia Chương trình đạt chất lượng, an toàn thực phẩm và bán đúng giá đăng ký đã được Sở Tài chính thẩm định và phê duyệt.

- Tích cực phát triển hệ thống phân phối và tăng số điểm bán hàng bình ổn thị trường; chú trọng phát triển điểm bán tại các huyện, chợ nông thôn.

- Thông tin, tuyên truyền rộng rãi, công khai địa chỉ các điểm bán hàng bình ổn, trưng bày hàng hóa tại các vị trí thuận tiện, riêng biệt để người tiêu dùng dễ nhìn, dễ nhận biết và mua sắm.

- Cam kết sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, hoàn trả vốn tạm ứng đúng quy định theo hợp đồng đã ký kết tham gia Chương trình và chịu trách nhiệm trước pháp luật về vi phạm cam kết.

5. Thời gian thực hiện Chương trình

a) Khuyến khích các Tổ chức kinh tế chủ động triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh bằng vốn tự có; các Tổ chức kinh tế tham gia Chương trình chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, đặc biệt là các tháng trước, trong và sau Tết Nguyên Đán.

b) Trường hợp Đơn vị tham gia Chương trình được tạm ứng vốn với lãi suất ưu đãi từ ngân sách nhà nước để thực hiện Chương trình:

- Đối với hàng tiêu dùng thiết yếu: Thời gian không quá 06 tháng kể từ tháng 12 của năm trước hoặc tháng 01 của năm triển khai thực hiện Chương trình.

- Đối với hàng vật tư nông, lâm nghiệp, giống cây trồng: Thời gian không quá 10 tháng kể từ tháng 12 của năm trước hoặc tháng 01 của năm triển khai thực hiện Chương trình.

6. Quy trình lựa chọn Đơn vị tham gia Chương trình

a) Bước 1: Các đơn vị có nhu cầu tham gia Chương trình nộp hồ sơ đăng ký cho Sở Tài chính, Sở Công Thương, hồ sơ bao gồm:

- Đăng ký tham gia Chương trình (Theo Phụ lục 01)

- Hồ sơ đăng ký giá (Theo phụ lục 02)

- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, mã số thuế.

- Báo cáo tài chính hoặc báo cáo kiểm toán năm 2016, năm 2017 và 9 tháng năm 2018.

- Báo cáo về trụ sở, cơ sở kho tàng, cơ sở sản xuất, phương tiện vận chuyển và các cơ sở bán lẻ trực tiếp của doanh nghiệp.

- Tổng hợp các cơ sở bán lẻ trên địa bàn toàn tỉnh nằm trong hệ thống do Tổ chức kinh tế cung ứng hàng hóa để tham gia Chương trình (Đầy đủ và chi tiết về: Tên cơ sở, địa chỉ, số điện thoại).

b) Bước 2: Trên cơ sở hồ sơ đăng ký tham gia Chương trình của các đơn vị, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức thẩm định, đề xuất lựa chọn đơn vị tham gia Chương trình, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cho tạm ứng vốn với lãi suất ưu đãi để thực hiện Chương trình.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Xác định lượng hàng hóa, danh mục hàng hóa thực hiện Chương trình; thông tin Chương trình đến các Tổ chức kinh tế trên địa bàn tỉnh để vận động tham gia; tiếp nhận, hướng dẫn thủ tục cho các Đơn vị đăng ký tham gia Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình của các Đơn vị được lựa chọn; hướng dẫn các Đơn vị được lựa chọn tham gia Chương trình trong công tác tuyên truyền, quảng bá, in ấn biển hiệu, bảng giá, bố trí sắp xếp trưng bày hàng hóa,… tại trụ sở và các cơ sở bán lẻ trên toàn hệ thống tham gia bình ổn giá.

- Phối hợp các cơ quan thông tin - truyền thông thực hiện tốt công tác tuyên truyền, cung cấp đầy đủ và kịp thời thông tin về Chương trình và tình hình cung - cầu hàng hóa tiêu dùng, thực phẩm, vật tư nông nghiệp thiết yếu đến các tầng lớp nhân dân trên địa bàn.

- Phối hợp với Cục Quản lý thị trường kiểm tra, giám sát các Đơn vị tham gia Chương trình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật như: Đầu cơ, găm hàng, kinh doanh hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng giả, hàng không hóa đơn, chứng từ, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, không nhãn mác, không đảm bảo an toàn thực phẩm và các vi phạm theo cam kết của các Đơn vị tham gia Chương trình.

- Kịp thời nắm bắt khó khăn, vướng mắc của các Đơn vị tham gia Chương trình, tổng hợp báo cáo và đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết; theo dõi, đánh giá và đề xuất UBND tỉnh khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tham gia thực hiện tốt Chương trình.

2. Sở Tài chính

- Chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương lựa chọn các đơn vị đáp ứng các điều kiện để tham gia Chương trình; trình UBND tỉnh xem xét, quyết định cho các Đơn vị tham gia Chương trình tạm ứng vốn ưu đãi để tổ chức thực hiện đảm bảo theo quy định.

- Hướng dẫn và tiếp nhận hồ sơ đăng ký giá, thẩm định và công bố chấp thuận giá bán hàng hóa tham gia Chương trình của Đơn vị tham gia Chương trình; kiểm tra, điều chỉnh giá bán bình ổn thị trường của các Đơn vị đảm bảo giá bán bình ổn thị trường đúng quy định của Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra việc sử dụng vốn vay ưu đãi, việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết của doanh nghiệp tham gia Chương trình.

- Thường xuyên theo dõi diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu; tổ chức kiểm tra trong các trường hợp biến động giá (nếu có); tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, giải quyết các nội dung vượt thẩm quyền.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Giới thiệu các đơn vị sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp sạch và có nguồn hàng ổn định (ưu tiên các sản phẩm đạt chuẩn Viet GAP, HACCP,…) tham gia cung ứng hoặc cung ứng hàng hóa vào hệ thống phân phối của Chương trình để bình ổn thị trường.

- Phối hợp với Sở Công Thương định hướng, tạo điều kiện cho Đơn vị cung ứng hàng hoá là vật tư nông nghiệp tham gia Chương trình.

4. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lạng Sơn

Thực hiện tốt công tác tuyên truyền sâu rộng trên các phương tiện thông tin đại chúng về kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình trong từng thời kỳ với thời lượng phù hợp; đảm bảo cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời tới các tổ chức, cá nhân nhân dân biết về mục tiêu, ý nghĩa của Chương trình.

5. UBND các huyện, thành phố

- Tổ chức thông tin, tuyên truyền về Chương trình để người dân trên địa bàn biết và tham gia mua sắm; rà soát, giới thiệu địa điểm phù hợp để các đơn vị tham gia Chương trình tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn.

- Chỉ đạo các lực lượng chức năng trong phối hợp kiểm tra, xử lý vi phạm tại các điểm tham gia thực hiện Chương trình.

UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch đạt hiệu quả, định kỳ hàng tháng báo cáo Sở Công Thương kết quả thực hiện để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (bc);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- UB MTTQ VN tỉnh;
- Các Sở, Ban, ngành;
- Cục QLTT Lạng Sơn;
- UBND các huyện, thành phố;
- C,PVP UBND tỉnh, các phòng CV, TTTH-CB;
- Lưu: VT, KTTH (LC).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Nguyễn Công Trưởng