Chỉ thị 08/CT-BCT năm 2014 tăng cường công tác thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu, tiêu thụ thóc, gạo trong thời gian tới
Số hiệu: 08/CT-BCT Loại văn bản: Chỉ thị
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Vũ Huy Hoàng
Ngày ban hành: 01/04/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ CÔNG THƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 08/CT-BCT

Hà Nội, ngày 01 tháng 04 năm 2014

 

CHỈ THỊ

VỀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG, XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI, PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU, TIÊU THỤ THÓC, GẠO TRONG THỜI GIAN TỚI

Thời gian qua, diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới có nhiều yếu tố không thuận lợi cho xuất khẩu gạo của Việt Nam. Dự báo thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam năm 2014 và thời gian tới vẫn tiếp tục gặp các thách thức do nguồn cung gạo thế giới dồi dào, tồn kho các nước xuất khẩu ở mức cao; các nước nhập khẩu tăng cường sản xuất trong nước để nhằm đảm bảo an ninh lương thực; xuất khẩu tại một số thị trường còn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất lợi, chưa thực sự bền vững.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại văn bản số 125/TB-VPCP ngày 25 tháng 3 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị về sản xuất và tiêu thụ lúa, gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu các đơn vị chức năng thuộc Bộ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể sau đây:

1. Cục Xuất nhập khẩu

a) Chủ trì, phối hợp với Hiệp hội Lương thực Việt Nam, các Vụ thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ theo dõi sát diễn biến thị trường gạo thế giới; phối hợp và theo dõi tình hình sản xuất lúa gạo, diễn biến cung cầu, giá cả thị trường thóc, gạo nội địa; tham mưu, đề xuất các giải pháp phục vụ công tác điều hành xuất khẩu gạo.

b) Chủ trì, phối hợp với Vụ Thị trường Châu Á-Thái Bình Dương, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các địa phương liên quan xây dựng và tổ chức thực hiện các biện pháp điều hành phù hợp để quản lý, điều tiết và hỗ trợ thúc đẩy, tạo thuận lợi hoạt động xuất khẩu gạo biên giới đất liền.

c) Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam lại các quốc gia, vùng lãnh thổ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam tích cực triển khai công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo.

d) Phối hợp với các Vụ Thị trường ngoài nước, Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp đầu mối triển khai các công việc như sau:

- Tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, thúc đẩy việc ký kết các thỏa thuận thương mại về gạo với các thị trường mới, thị trường tiềm năng.

- Theo dõi, đôn đốc tình hình thực hiện các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký với các quốc gia, vùng lãnh thổ; trao đổi, xúc tiến đàm phán việc gia hạn các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo sắp hết hiệu lực.

- Theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo khác tìm kiếm cơ hội thị trường.

2. Cục Xúc tiến thương mại

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, các Vụ thị trường ngoài nước, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các quốc gia vùng lãnh thổ tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm gạo đến các kênh phân phối ngoài nước; tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu gạo.

b) Ưu tiên các chương trình xúc tiến thương mại gạo trong Chương trình Xúc tiến thương mại Quốc gia hàng năm, nhất là các chương trình xúc tiến vào các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống và thị trường có tiềm năng cho xuất khẩu gạo của Việt Nam.

3. Vụ Chính sách thương mại đa biên

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước đàm phán song phương và đa phương về mở cửa thị trường đối với mặt hàng gạo để gỡ bỏ các rào cản, các biện pháp phi thuế quan đối với xuất khẩu gạo Việt Nam.

b) Kịp thời thông tin cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo về những thuận lợi, khó khăn và các vấn đề cần lưu ý đối với xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường các nước mà Việt Nam ký kết, tham gia các Hiệp định song phương và đa phương.

c) Chủ trì thông tin cho Cục Xuất nhập khẩu về tiến trình đàm phán của các nước liên quan tới mở cửa thị trường xuất khẩu gạo và bảo lưu các chính sách bảo hộ hợp lý đối với nhập khẩu gạo vào Việt Nam.

4. Các Vụ Thị trường ngoài nước

4.1. Nhiệm vụ chung, thường xuyên

a) Chủ trì theo dõi tình hình thực hiện và kịp thời xúc tiến đàm phán gia hạn các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký; theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo; tăng cường tìm kiếm cơ hội ký kết thỏa thuận thương mại về gạo với các thị trường mới, thị trường tiềm năng để thúc đẩy quan hệ thương mại gạo phát triển theo hướng ổn định, lâu dài.

b) Phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm gạo của Việt Nam và năng lực xuất khẩu gạo của thương nhân Việt Nam; tìm kiếm, giới thiệu khách hàng, đối tác, thị trường có nhu cầu nhập khẩu gạo.

c) Chỉ đạo, đôn đốc các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực thị trường theo dõi thông tin, diễn biến tình hình sản xuất, sản lượng, tồn kho và nhu cầu nhập khẩu, chính sách đảm bảo an ninh lương thực, điều tiết của các nước xuất khẩu và nhập khẩu, đặc biệt là các nước đã ký Bản ghi nhớ về thương mại gạo; thường xuyên, kịp thời báo cáo Bộ các thông tin trên tại địa bàn phụ trách theo chỉ đạo của Bộ và yêu cầu của các đơn vị chức năng trong Bộ.

d) Chỉ đạo, đôn đốc các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực thị trường: (i) đánh giá thuận lợi, khó khăn, lợi thế, rủi ro thị trường và dự báo về thị trường; đề xuất các khuyến nghị, giải pháp tăng cường xuất khẩu gạo vào khu vực thị trường phụ trách; (ii) hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện giao dịch hoạt động xuất khẩu gạo tại nước sở tại.

4.2. Một số nhiệm vụ cụ thể

4.2.1. Vụ Thị trường châu Á - Thái Bình Dương

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo đã ký với Phi-líp-pin, In-đô-nê-xi-a.

b) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan liên quan trao đổi với cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, Ma-lai-xia và Đông Ti-mo xúc tiến đàm phán ký thỏa thuận thương mại gạo.

c) Chủ trì, phối hợp Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Hồng Kông tiếp tục đôn đốc phía Trung Quốc bổ sung, cập nhật đầy đủ thông tin (bao gồm phương thức liên hệ) về danh sách doanh nghiệp Trung Quốc được cấp hạn ngạch nhập khẩu gạo hàng năm; hỗ trợ, tổ chức hoạt động xúc tiến xuất khẩu gạo tại thị trường Trung Quốc, Hồng Kông và các nước/vùng lãnh thổ trong khu vực.

d) Chỉ đạo Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương:

- Theo dõi, đánh giá nhu cầu nhập khẩu, cơ chế quản lý việc nhập khẩu gạo cấp Trung ương và địa phương của Trung Quốc đặc biệt các địa phương có chung biên giới đất liền với Việt Nam.

- Theo dõi, tìm hiểu thông tin về các doanh nghiệp Trung Quốc hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu gạo để tìm hiểu phương thức giao dịch, số lượng, đối tác nhập khẩu từ phía Việt Nam.

đ) Chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc tìm hiểu thông tin về việc thay đổi cơ chế nhập khẩu gạo của Hàn Quốc.

4.2.2. Vụ Thị trường châu Âu

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan tìm kiếm cơ hội ký kết các thỏa thuận về thương mại gạo, thúc đẩy xuất khẩu gạo vào thị trường các nước SNG, đặc biệt là thị trường Nga, Bê-la-rút và U-cờ-rai-na.

b) Phối hợp Vụ Chính sách Thương mại Đa biên đặt vấn đề mở cửa thị trường tạo thuận lợi cho xuất khẩu gạo vào thị trường EU và khu vực thị trường châu Âu nói chung.

4.2.3. Vụ Thị trường châu Mỹ

Chủ trì, phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo với Ha-i-ti, Cuba; thúc đẩy xuất khẩu gạo vào các thị trường khu vực châu Mỹ La tinh như Mê-xi-cô, Chi-lê, Venezuela ...

4.2.4. Vụ Thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á

a) Chủ trì phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu và các cơ quan, tổ chức liên quan theo dõi, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối được chỉ định thực hiện Bản Ghi nhớ thương mại gạo đã ký với Băng-la-đét, Ghi-nê, Cô-mô-rốt, Xi-ê-ra Lê-ôn.

b) Chủ trì nghiên cứu, đánh giá tiềm năng và đề xuất phương án, giải pháp tiếp cận mở thị trường gạo tại một số nước châu Phi như Ni-giê-ri-a, Nam Phi, Cộng hòa Công-gô, Ăng-gô-la, Bờ Biển Ngà để phối hợp với Cục Xuất nhập khẩu, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo sớm tổ chức triển khai thực hiện từ năm 2014.

5. Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ, Văn phòng Xúc tiến thương mại, Trung tâm giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại các quốc gia, vùng lãnh thổ

a) Theo dõi đánh giá tổng hợp về chính sách cơ chế sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực, xuất nhập khẩu; thu mua và tạm trữ lương thực cho người sản xuất; điều tiết thị trường nội địa; các quy định liên quan tới đầu tư và thu hút đầu tư trong hoạt động sản xuất lúa gạo; dự báo xu hướng hợp tác liên kết của nước sở tại với các nước sản xuất và xuất nhập khẩu lúa gạo khác; đánh giá, các cơ hội và rủi ro khi xuất khẩu gạo vào thị trường, địa bàn được giao phụ trách.

b) Tăng cường các hoạt động tiếp xúc với các doanh nghiệp, cơ quan chức năng của các quốc gia, vùng lãnh thổ để tìm kiếm khách hàng, cơ hội giao dịch xuất khẩu gạo và cơ hội ký kết, triển khai thực hiện các thỏa thuận thương mại về gạo đã ký.

c) Đánh giá nhu cầu tiêu dùng và thị hiếu (về chủng loại, phẩm cấp, mục đích sử dụng) và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào thị trường được giao phụ trách.

d) Theo dõi và thường xuyên báo cáo Bộ tình hình xuất nhập khẩu thóc, gạo (số lượng, trị giá, chủng loại,...) và danh sách các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gạo lớn (tên doanh nghiệp, địa chỉ, năng lực xuất khẩu, nhập khẩu, số lượng, kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu thóc, gạo của doanh nghiệp...) tại thị trường được giao phụ trách.

6. Hiệp hội Lương thực Việt Nam

a) Theo dõi và báo cáo định kỳ hàng tuần hoặc đột xuất theo yêu cầu về Bộ Công Thương tình hình xuất khẩu gạo, tình hình đăng ký hợp đồng và giao hàng chung của cả nước và cửa từng thương nhân theo các tiêu chí cụ thể gồm: số lượng, trị giá, chủng loại, giá xuất khẩu, thị trường xuất khẩu...; diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới, dự báo nhu cầu nhập khẩu của các thị trường; diễn biến tình hình thị trường trong nước (giá thóc, gạo nội địa, lượng gạo tồn kho,...) và các vấn đề khác có liên quan.

b) Chú trọng tăng cường công tác thông tin diễn biến tình hình thị trường gạo thế giới đến các thương nhân xuất khẩu và các địa phương liên quan, bảo đảm các thông tin chính xác, kịp thời, góp phần tạo cơ sở định hướng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân và của người sản xuất.

c) Thường xuyên cập nhật thông tin về nhu cầu của các đối tác nhập khẩu truyền thống, hỗ trợ, điều phối các doanh nghiệp đầu mối tranh thủ cơ hội ký kết các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung trong khuôn khổ các Bản Ghi nhớ về thương mại gạo đã ký với các nước và triển khai thực hiện theo đúng quy định.

d) Chủ động đề xuất với Bộ Công Thương các chương trình xúc tiến thương mại vào các thị trường và cách tiếp cận đối với từng thị trường cụ thể. Căn cứ đặc điểm thị trường, phương thức kinh doanh, nhập khẩu của các đối tác, Hiệp hội Lương thục Việt Nam hỗ trợ, điều phối các thương nhân xuất khẩu gạo tiếp cận phù hợp đối với từng thị trường.

đ) Xây dựng chiến lược củng cố, phát triển các thị trường có hợp đồng tập trung; linh hoạt trong điều phối xuất khẩu để tận dụng nhu cầu từ các hợp đồng thương mại; tiếp cận, từng bước thâm nhập các thị trường khó tính mới, thị trường yêu cầu chất lượng cao.

7. Các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo

a) Thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo; chấp hành chỉ đạo, điều hành của cơ quan có thẩm quyền; áp dụng các biện pháp phù hợp để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thu mua, tạm trữ, bảo quản, chế biến và xuất khẩu gạo.

b) Triển khai xây dựng vùng nguyên liệu hoặc hợp tác, liên kết, đặt hàng với hộ nông dân trồng lúa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để chủ động nguồn cung, kiểm soát chất lượng, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm gạo và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế.

c) Xây dựng kế hoạch cụ thể từng bước nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh; xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, nhân viên làm nghiệp vụ xuất nhập khẩu, công tác thị trường, marketing theo hướng chuyên nghiệp; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nắm bắt khai thác thông tin thị trường, đàm phán, ký kết thực hiện hợp đồng, xử lý tranh chấp thương mại quốc tế.

8. Tổ chức thực hiện

8.1. Xây dựng kế hoạch triển khai

Các đơn vị thuộc Bộ và Hiệp hội Lương thực Việt Nam, căn cứ trách nhiệm được giao, triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014 gửi về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) trước ngày 15 tháng 4 năm 2014 và trước ngày 15 tháng 01 hàng năm cho các năm tiếp theo.

8.2. Chế độ báo cáo

a) Các đơn vị thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo Bộ định kỳ trước ngày 25 hàng tháng (thông qua Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Lãnh đạo Bộ và các đơn vị chức năng được giao chủ trì thực hiện công việc, trách nhiệm tại Chỉ thị này.

b) Giao Cục Xuất nhập khẩu làm đầu mối chủ trì, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị này; tổng hợp tình hình báo cáo Lãnh đạo Bộ. Trong trường hợp các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các trách nhiệm, công việc cần báo cáo trực tiếp Lãnh đạo Bộ các vấn đề phát sinh để giải quyết thì sao gửi báo cáo để Cục Xuất nhập khẩu theo dõi, tổng hợp chung.

c) Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo có trách nhiệm thực hiện việc báo cáo về các nội dung liên quan theo Chỉ thị này và yêu cầu của Cục Xuất nhập khẩu.

8.3. Hiệu lực thực hiện và trách nhiệm thi hành

a) Chi thị này có hiệu lực kể từ ngày ký.

b) Chánh Văn phòng Bộ, Cục trưởng các Cục: Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Vụ trưởng các Vụ: Thị trường ngoài nước, Vụ Thương mại Biên giới và Miền núi, Tham tán thương mại, Trưởng Chi nhánh Thương vụ, Trưởng đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại và Giám đốc Trung tâm giới thiệu sản phẩm tại các quốc gia, vùng lãnh thổ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo chịu trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này.

c) Trong quá trình thực hiện Chỉ thị này, nếu có vướng mắc phát sinh, đề nghị các cơ quan, tổ chức có liên quan có báo cáo, phản ánh bằng văn bản gửi về Bộ Công Thương (Cục Xuất nhập khẩu) để tổng hợp, xử lý./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điểm 8.3.b Khoản 8;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Các Bộ: NN&PTNT, NG, TC, KH&ĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ;
- Lưu: VT, XNK.

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng