Kế hoạch 1431/KH-UBND năm 2013 triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013-2015
Số hiệu: 1431/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum Người ký: Lê Thị Kim Đơn
Ngày ban hành: 12/07/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Y tế - dược, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1431/KH-UBND

Kon Tum, ngày 12 tháng 07 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI PHONG TRÀO VỆ SINH YÊU NƯỚC NÂNG CAO SỨC KHỎE NHÂN DÂN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2013 - 2015

Căn cứ Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 192/BYT-MT ngày 10/01/2013 của Bộ Y tế về việc triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Công văn số 3062/BYT-MT ngày 27/5/2013 của Bộ Y tế hướng dẫn kế hoạch triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2013 - 2015.

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân tỉnh Kon Tum giai đoạn 2013 - 2015, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, các ngành và toàn xã hội về Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, chuyển biến thành các hành động cụ thể về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường liên quan đến sức khỏe.

- Phát động Phong trào sâu rộng trong các địa phương, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, trường học và các tầng lớp nhân dân tích cực hưởng ứng Lời kêu gọi của Bác Hồ.

- Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe của Chương trình mục tiêu quốc gia Y tế, Chương trình Xây dựng nông thôn mới và các chương trình, dự án khác đang triển khai trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu:

- Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân phải thu hút được sự quan tâm rộng rãi của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

- Việc tổ chức các hoạt động phải đảm bảo thiết thực và có hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.

II. MỤC TIÊU CỦA PHONG TRÀO

1. Nâng cao nhận thức và đề cao trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, từng gia đình và toàn xã hội trong việc triển khai các hoạt động vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân.

2. Phát động Phong Trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân bền vững, dựa vào dân và do dân thực hiện.

3. Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân; tăng cường sự hợp tác quốc tế đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân.

4. Đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và Chương trình Xây dựng nông thôn mới do Bộ Chính trị phát động.

5. Đảm bảo thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu về vệ sinh của các chiến lược, chương trình, phong trào có liên quan.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ ĐẾN NĂM 2015

1. Nhóm mục tiêu về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng

Tăng cường sự hiểu biết của người dân, huy động sự tham gia của cộng đồng và các nguồn lực để đảm bảo:

- 90% số hộ gia đình thành thị và 85% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% theo quy chuẩn QCVN 02 - BYT của Bộ Y tế;

- 90% số hộ gia đình ở thành thị và 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo Quy chuẩn QCVN 02 - BYT của Bộ Y tế;

- 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; không sử dụng phân tươi để chăm bón cây trồng, nuôi thủy sản;

- 100% cơ sở sản xuất, nơi công cộng (trạm y tế xã, trường học mầm non, phổ thông, chợ, bến xe...) có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng;

- 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên;

- Chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các thôn, làng có điểm thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh và thực hiện phong trào phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường;

- 50% người dân thường xuyên rửa tay với nước sạch và xà phòng.

2. Nhóm mục tiêu về an toàn thực phẩm

Tăng sự hiểu biết của người dân về việc bảo đảm an toàn thực phẩm; tăng số các hộ cam kết không sản xuất rau không an toàn; số các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết thực hiện không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; số cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm cam kết thực hiện không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế.

3. Nhóm mục tiêu về vệ sinh trong lao động

Đẩy mạnh công tác vệ sinh trong môi trường lao động nhằm đạt:

- 100% cơ sở sản xuất đảm bảo vệ sinh nhà xưởng, sắp xếp nơi làm việc gọn gàng;

- 100% người lao động được tuyên truyền vệ sinh cá nhân tại nơi làm việc, sử dụng trang thiết bị bảo hộ cá nhân theo quy định.

IV. NỘI DUNG CÁC HOẠT ĐỘNG

1. Vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cộng đồng

Trong giai đoạn hiện nay, ưu tiên triển khai các hoạt động về vệ sinh nhằm giải quyết các dịch bệnh lây theo đường tiêu hóa, hô hấp, bệnh do véc tơ lây truyền, các bệnh da, phụ khoa và một số bệnh không lây nhiễm liên quan đến vệ sinh phòng bệnh.

1.1. Thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân có lợi cho sức khỏe

- Vận động người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân như rửa tay với xà phòng, vệ sinh răng miệng, vệ sinh thân thể...

- Thực hiện nếp sống vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, ở sạch; ăn uống hợp lý và rèn luyện thân thể. Đẩy mạnh các hoạt động 3 sạch trong phong trào “5 không, 3 sạch” bao gồm: sạch ngõ; sạch nhà gắn với vệ sinh thân thể; sạch bếp gắn với an toàn thực phẩm; sạch ngõ gắn với vệ sinh môi trường.

1.2. Cải thiện vệ sinh môi trường

- Thực hiện tốt vệ sinh nơi công cộng, trên các phương tiện phục vụ giao thông công cộng như: công sở, bến xe, siêu thị, chợ, nơi tổ chức lễ hội...

- Vận động người dân vệ sinh xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, dời chuồng gia súc ra xa nhà và không thả rông gia súc.

- Vận động người dân xây dựng, sử dụng và bảo quản nhà tắm, nhà tiêu hợp vệ sinh tại hộ gia đình, chấm dứt đi tiêu bừa bãi.

- Vận động người dân thu gom, loại bỏ dụng cụ phế thải, xóa bỏ nơi sinh sản của các loại muỗi truyền bệnh sốt rét, sốt xuất huyết.

- Quản lý tốt nước thải, rác thải sinh hoạt, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh cảnh quan môi trường. Định kỳ hàng tháng tổ chức đợt tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm; tổng vệ sinh cơ quan, trường học, nơi công cộng và nhà dân để tạo thói quen và nề nếp vệ sinh trong nhân dân.

- Triển khai kế hoạch bảo đảm an toàn cung cấp nước ăn uống và sinh hoạt, vận động người dân sử dụng nước sạch, giữ gìn vệ sinh nguồn nước, dụng cụ chứa nước. Thực hiện tốt việc xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa lũ lụt.

2. An toàn thực phẩm

- Triển khai phong trào “ba không”: các hộ dân, cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm cam kết thực hiện không sản xuất rau không an toàn; không giết mổ gia súc, gia cầm không an toàn; không bán phụ gia thực phẩm không có trong danh mục cho phép sử dụng của Bộ Y tế.

- Thực hành tốt an toàn thực phẩm trong nuôi trồng, giết mổ và sản xuất thực phẩm. Đảm bảo vệ sinh trong chế biến và phân phối thực phẩm.

- Thực hiện tốt vệ sinh trong dịch vụ ăn uống đảm bảo bếp ăn mỗi gia đình, bếp ăn tập thể của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống... ngày càng sạch, an toàn và văn minh hơn.

- Tổ chức tốt công tác an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán, các dịp lễ hội và ăn uống tập thể.

- Triển khai các hoạt động tuyên truyền vận động thúc đẩy “Bữa ăn an toàn”.

3. An toàn vệ sinh lao động

- Đảm bảo đáp ứng tiêu chuẩn về vệ sinh trong môi trường lao động.

- Thực hiện tốt công tác bảo hộ lao động.

- Thực hiện các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp.

- Thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động để phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

V. GIẢI PHÁP

1. Giải pháp về tổ chức, chỉ đạo

1.1. Công tác tổ chức: Thành lập Ban chỉ đạo Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân các cấp.

1.2. Công tác chỉ đạo

- Xây dựng các văn bản phối hợp liên ngành trong việc tổ chức lồng ghép các hoạt động của Phong trào.

- Xây dựng các văn bản chỉ đạo triển khai theo các chủ đề về vệ sinh và nâng cao sức khỏe nhân dân (vệ sinh phòng bệnh, an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động...) với mục đích chính là vận động được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và toàn thể người dân hưởng ứng Phong trào một cách mạnh mẽ, sâu rộng.

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn phát động, triển khai chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân.

- Xây dựng các hướng dẫn về kiểm tra, giám sát việc thực hiện Phong trào.

- Xây dựng hướng dẫn thi đua, khen thưởng đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện Phong trào.

2. Giải pháp về truyền thông

Các hoạt động tuyên truyền trên cơ sở kế thừa phát huy, quy tụ, mở rộng và nâng cao chất lượng các Phong trào, các hoạt động về vệ sinh môi trường và sức khỏe, các hoạt động về y tế cộng đồng đang được tiến hành tại các địa phương, dựa vào quần chúng nhân dân nhằm phát huy sức mạnh toàn dân và thực hiện chủ trương xã hội hóa các hoạt động vệ sinh nhằm tăng cường sức khỏe người dân với ý nghĩa thiết thực gắn vệ sinh nâng cao sức khỏe nhân dân với phong trào thi đua yêu nước và thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

2.1. Nội dung tuyên truyền

- Mục đích, ý nghĩa, nội dung, tư tưởng chỉ đạo của Phong trào.

- Các tiêu chí của Phong trào, các vấn đề vệ sinh liên quan đến sức khỏe.

2.2. Hình thức tuyên truyền

- Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Tuyên Iruyền thông qua các buổi mít tinh, tập huấn, các cuộc họp, hội nghị có đông người tham gia. Các địa phương có thể thành lập hoặc duy trì các câu lạc bộ và nhiều hình thức hoạt động theo nhóm khác.

- Khẩu hiệu, pa-nô, áp phích, từ rơi: Xây dựng bản tin, khẩu hiệu, pa-nô, áp phích ở nơi công cộng, nơi tập trung đông dân cư, tại đầu các thôn, làng, tổ dân phố. Có thể xây dựng các tranh ảnh phê phán các thói quen không hợp vệ sinh cũng như các hành vi, lối sống không lành mạnh... Xây dựng và in ấn các tờ rơi với nội dung cụ thể, đơn giản, dễ hiểu phù hợp với từng địa phương và phân phát tới các hộ gia đình.

- Tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng truyền thông cho cán bộ các cấp để triển khai tốt các hoạt động liên quan đến vệ sinh.

- Tuyên truyền thông qua việc vận động trực tiếp tại cộng đồng.

- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu kiến thức y tế và các hoạt động văn hóa, nghệ thuật quần chúng về đề tài vệ sinh và nâng cao sức khỏe.

- Hàng năm, tổ chức phát động chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (ngày 02/7) theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe.

3. Giải pháp về lồng ghép chương trình

Căn cứ vào các mục tiêu, chỉ tiêu, tiêu chí và nội dung của các phong trào và các chương trình, dự án có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe khác để phối hợp, triển khai lồng ghép, thực hiện có hiệu quả. Lồng ghép các nội dung hoạt động của Phong trào vào chương trình, phong trào, dự án, chiến dịch khác như:

- Các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới; Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn; Y tế; An toàn thực phẩm.

- Các phong trào: Làng Văn hóa; Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; Thi đua yêu nước...

- Chiến dịch Mùa hè xanh.

4. Giải pháp về phối hợp liên ngành

- Tăng cường sự tham gia, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các cấp, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội đối với công tác vệ sinh nâng cao sức khỏe.

- Ban chỉ đạo liên ngành của các phong trào, chương trình, dự án có nhiệm vụ liên quan đến vệ sinh nâng cao sức khỏe cần tiến hành rà soát, xem xét bổ sung và đề ra các giải pháp để tổ chức chỉ đạo triển khai hiệu quả Kế hoạch.

- Có thể tiến hành tổ chức việc ký cam kết, xây dựng kế hoạch phối hợp giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể, Ủy ban nhân dân các cấp để thực hiện Phong trào.

5. Giải pháp về tài chính

- Sử dụng nguồn kinh phí của các chương trình, dự án có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe.

- Xem xét, ưu tiên bố trí kinh phí để tổ chức, triển khai các hoạt động của Phong trào theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

- Thực hiện xã hội hóa, huy động vốn đầu tư của các tổ chức trong và ngoài nước, các doanh nghiệp, cá nhân.

6. Giải pháp về hợp tác quốc tế

- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ.

- Kêu gọi các tổ chức quốc tế, các quốc gia tăng cường giúp đỡ, đầu tư cho các hoạt động của Phong trào.

7. Giải pháp về kiểm tra, giám sát, tổng kết, thi đua, khen thưởng

- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát thực hiện phong trào của các đơn vị để kịp thời có những biện pháp chỉ đạo, điều chỉnh các hoạt động nhằm đạt hiệu quả cao nhất.

- Thực hiện kiểm tra theo các chương trình và kiểm tra lồng ghép trên cơ sở phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể...

- Hàng năm tiến hành sơ kết, rút kinh nghiệm và khen thưởng các cá nhân, đơn vị thực hiện tốt phong trào. Định kỳ 5 năm, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện phong trào ở các cấp.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế: Là cơ quan đầu mối phối hợp với các sở, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, có trách nhiệm:

- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập Ban chỉ đạo Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân cấp tỉnh.

- Xây dựng kế hoạch liên ngành và hướng dẫn triển khai thực hiện nhằm bảo đảm Phong trào được phát triển sâu rộng và duy trì một cách có hiệu quả.

- Chỉ đạo triển khai tốt, đảm bảo đạt được các mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án về phòng, chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình, vệ sinh trong lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

- Hàng năm, tổ chức phát động chiến dịch hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân (02/7) theo các chủ đề ưu tiên để giải quyết những vấn đề cấp thiết về vệ sinh liên quan đến sức khỏe.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan khẩn trương xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho vùng nông thôn, đông thời vận động người dân giữ gìn, vệ sinh nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt. Chỉ đạo triển khai tốt, đảm bảo đạt được các mục tiêu liên quan đến vệ sinh và nâng cao sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới, Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn. Tiếp tục vận động người dân xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và dời chuồng gia súc, gia cầm ra xa nhà, không thả rông gia súc, không sử dụng phân tươi để chăm bón cây trồng, nuôi thủy sản. Thực hiện tốt vệ sinh trong nông nghiệp, đảm bảo thực phẩm cung cấp cho người dân được an toàn, vệ sinh.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường: Tập trung chỉ đạo giải quyết các vấn đề vệ sinh liên quan tới ô nhiễm môi trường. Có kế hoạch cụ thể để khắc phục ô nhiễm, mất vệ sinh trong các làng nghề. Phát động Phong trào rộng khắp trong nhân dân nhằm thay đổi tập quán, ý thức của người dân trong việc thu gom, không vút rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường.

4. Sở Xây dựng: Cung cấp nước sinh hoạt cho người dân tại các đô thị đủ số lượng và đảm bảo chất lượng. Giải quyết tốt vấn đề quy hoạch và quản lý nước thải, rác thải đô thị.

5. Sở Giáo dục và Đào tạo: Nghiên cứu, bổ sung nội dung giảng dạy về vệ sinh phù hợp với từng cấp học. Đẩy mạnh việc giảng dạy kiến thức và tuyên truyền về vệ sinh phòng bệnh cho học sinh trong nhà trường để tạo thói quen thực hành các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe, góp phần xây dựng cộng đồng có nếp sống hợp vệ sinh, văn minh. Hình thành, xây dựng và phát triển phong trào học sinh, sinh viên tích cực tham gia các hoạt động vệ sinh và nâng cao sức khỏe trong trường học và tại cộng đồng.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Có kế hoạch chỉ đạo, hướng dẫn việc rà soát, bổ sung các tiêu chí về vệ sinh vào Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, các quy định trong các hương ước, quy ước văn hóa của thôn, làng, tổ dân phố, khu dân cư. Khơi dậy những nét đẹp văn hóa, xóa bỏ dần các hủ tục lạc hậu, tập quán mất vệ sinh không có lợi cho sức khỏe trong cộng đồng dân cư. Tuyên truyền sâu rộng trong quần chúng nhân dân, vận động toàn thể nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động của Phong trào.

7. Sở Thông tin và Truyền thông: Chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình, các hoạt động thông tin cơ sở, hệ thống truyền thanh xã, phường đẩy mạnh tuyên truyền vận động để mọi người dân trong cả nước tích cực tham gia các hoạt động của Phong trào.

8. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính: Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí triển khai các hoạt động của Phong trào.

9. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện Phong trào trên địa bàn, cụ thể:

- Thành lập Ban chỉ đạo Phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân cấp huyện, xã.

- Triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khơi dậy ý thức, trách nhiệm của toàn thể quần chúng nhân dân tham gia giải quyết tốt các vấn đề vệ sinh liên quan tới sức khỏe như vệ sinh để phòng, chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm; vận động người dân thay đổi thói quen, tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe. Thực hiện “ăn sạch, uống sạch, ở sạch”; xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi; xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh và dời chuồng gia súc ra xa nhà; đảm bảo an toàn vệ sinh trong lao động để phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu có liên quan tới vệ sinh và nâng cao sức khỏe của các Chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án... đang triển khai trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan truyền thông tại địa phương thực hiện tốt việc tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và toàn thể người dân về vệ sinh nâng cao sức khỏe, đảm bảo phong trào được thực hiện một cách sâu rộng và bền vững. Mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc hưởng ứng và thực hiện Phong trào.

- Chỉ đạo việc lựa chọn và quyết định lấy một ngày nhất định trong tháng để huy động toàn thể nhân dân tham gia các hoạt động tổng vệ sinh đường làng, ngõ, xóm, cơ quan, trường học, công sở tạo những thói quen và nếp sống vệ sinh, văn minh trong nhân dân.

- Tăng cường đầu tư, huy động các nguồn lực để thực hiện phong trào trên cơ sở đầu tư của Nhà nước, đồng thời thực hiện tốt việc xã hội hóa hay động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, tập thể, cá nhân và các hộ gia đình để thực hiện.

- Trong quá trình triển khai thực hiện, phải tiến hành kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên; sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và đưa ra những bài học, những mô hình, sáng kiến hay để nhân ra diện rộng. Phát động hưởng ứng thi đua thực hiện Phong trào trên cơ sở lồng ghép với các phong trào thi đua khác của địa phương; kịp thời khen thưởng, động viên những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Phong trào.

10. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động hội viên và toàn dân hưởng ứng, tích cực tham gia thực hiện Phong trào. Lồng ghép có hiệu quả việc thực hiện Phong trào với các phong trào, chiến dịch, cuộc vận động... kêu gọi hội viên phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên cũng như của các tổ chức chính trị - xã hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp khác tình nguyện tham gia.

Căn cứ nhiệm vụ được giao, các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện. Sở Y tế có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra, theo dõi việc Thực hiện; định kỳ 6 tháng, tổng hợp tình hình báo cáo Bộ Y tế và Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Y tế;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận TQVN tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP UBND tỉnh; PVP phụ trách khối;
- Lưu VT, VX3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Kim Đơn