Kế hoạch 136/KH-UBND năm 2019 về thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp năm 2019-2020
Số hiệu: 136/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hải Phòng Người ký: Nguyễn Đình Chuyến
Ngày ban hành: 04/05/2019 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Doanh nghiệp, hợp tác xã, Lao động, Cán bộ, công chức, viên chức, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 136/KH-UBND

Hải Phòng, ngày 04 tháng 5 năm 2019

 

KẾ HOẠCH

THÍ ĐIỂM MÔ HÌNH ĐƯA CÁN BỘ TRẺ CÓ TRÌNH ĐỘ ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG VỀ LÀM VIỆC CÓ THỜI HẠN TẠI HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP NĂM 2019-2020

Căn cứ Quyết định số 2261/QĐ-TTg ngày 15/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1231/QĐ-BNN-KTHT ngày 09/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã nông nghiệp;

Căn cứ Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của hợp tác xã, thành lập mới hợp tác xã, tổ chức lại hoạt động của hợp tác xã theo Chương trình hỗ trợ phát triển hợp tác xã giai đoạn 2015 - 2020;

Thực hiện Thông báo số 673-TB/TU ngày 18/01/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy về việc thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ có trình độ đại học về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã;

Ủy ban nhân dân thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã với nội dung sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại hợp tác xã nông nghiệp theo Quyết định số 1231/QĐ-BNN-PTNT ngày 09/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực đã qua đào tạo, thu hút số sinh viên đã tốt nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại các hợp tác xã nông nghiệp.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn thành phố.

2. Yêu cầu

- Hợp tác xã và cán bộ lựa chọn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Quyết định số 1231/QĐ-BNN-PTNT ngày 09/4/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Quá trình triển khai thực hiện thí điểm mô hình phải có kế hoạch, lộ trình, theo dõi và đánh giá rút kinh nghiệm trước khi nhân rộng mô hình.

II. NỘI DUNG CỦA KẾ HOẠCH

1. Tiêu chí lựa chọn các HTX nông nghiệp tham gia thực hiện thí điểm mô hình

a) Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp tổ chức và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

b) Hợp tác xã có hoạt động liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm nông sản, ưu tiên các hợp tác xã.

- Sản xuất theo hợp đồng của doanh nghiệp, hoặc tham gia trong chuỗi giá trị nông sản an toàn, chất lượng cao hoặc xây dựng vùng nguyên liệu phục vụ chế biến hoặc xuất khẩu.

- Áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn để sản xuất nông sản an toàn, bền vững, bảo vệ môi trường.

c) Hợp tác xã có phương án sản xuất kinh doanh cụ thể, nhất là các hoạt động sản xuất kinh doanh chính của hợp tác xã có nhu cầu tuyển dụng cán bộ chuyên môn; có phương án sử dụng lao động phù hợp, hiệu quả đối với cán bộ dự kiến tuyển dụng về làm việc cho hợp tác xã; ký hợp đồng lao động với người lao động theo quy định của Luật Lao động và các văn bản hướng dẫn.

d) Ưu tiên các hợp tác xã có phương án trả lương bổ sung cho cán bộ.

e) Việc tuyển chọn và tuyển dụng cán bộ thí điểm do hợp tác xã nông nghiệp tự chủ và tự quyết định. Một số nguyên tắc lựa chọn như sau:

- Chỉ áp dụng đối với hợp tác xã tuyển dụng cán bộ chuyên môn hoặc cán bộ chuyên môn mới đã làm việc tại hợp tác xã kể từ thời điểm Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính có hiệu lực thi hành.

- Vị trí việc làm: Cán bộ kỹ thuật, cán bộ kế toán.

- Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp đại học, cao đẳng chuyên ngành phù hợp (chuyên môn của cán bộ kỹ thuật được tuyển dụng phù hợp với lĩnh vực hoạt động của HTX theo phân loại tại Thông tư số 09/2017/TT-BNNPTNT ngày 17/4/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn phân loại và đánh giá hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp).

Ưu tiên các trường hợp sau:

+ Cán bộ kỹ thuật, cán bộ kế toán để hỗ trợ quản trị, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của hợp tác xã;

+ Có sự hiểu biết về kinh tế tập thể, hợp tác xã;

+ Là con em thành viên hợp tác xã, sống ở địa phương;

+ Được hợp tác xã gửi hoặc cử đi đào tạo tại các cơ sở đào tạo đạt được trình độ từ cao đẳng trở lên theo quy định của pháp luật;

+ Những người có trình độ học vấn cao hơn (nhiều bằng đại học các chuyên ngành khác nhau, thạc sỹ, tiến sỹ);

+ Có cam kết công tác lâu dài tại hợp tác xã.

- Độ tuổi: Không quá 35 tuổi đối với nữ và 40 tuổi đối với nam.

- Số lượng cán bộ thí điểm: hỗ trợ 01 cán bộ cho mỗi hợp tác xã có nhu cầu.

2. Thời gian và mức hỗ trợ

a) Thời hạn hỗ trợ: 20 tháng; từ tháng 5/2019 đến hết tháng 12/2020.

b) Mức hỗ trợ: Áp dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 8 Thông tư số 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính, như sau:

Mức hỗ trợ tối đa cho 01 HTX = số lượng lao động được hỗ trợ X (nhân) mức lương tối thiểu vùng X (nhân) số tháng được hỗ trợ.

Theo quy định tại Nghị định số 157/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ: Mức lương tối thiểu vùng I là 4.180.000 đồng/tháng.

Mức hỗ trợ tối đa cho 4 cán bộ đã qua học nghề: 4 người x {4.180.000 + (4.180.000 x 7%)} x 20 tháng = 357.808.000 đồng. Trong đó:

Năm 2019: 143.123.200 đồng;

Năm 2020: 214.684.800 đồng.

(Mức lương tối thiểu vùng theo Kế hoạch này thay đổi khi Chính phủ có văn bản quy định khác).

3. Số lượng và danh sách HTX nông nghiệp thực hiện thí điểm

Thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn tại 04 HTX nông nghiệp, 01 cán bộ/HTX, cụ thể:

TT

Tên hợp tác xã

Địa chỉ

Chuyên môn cán bộ cần tuyển dụng

1

HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Cấp Tiến

Xã Cấp Tiến, huyện Tiên Lãng

Kỹ sư trồng trọt

2

HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Tân Tiến

Xã Tân Tiến, huyện An Dương

Kỹ sư trồng trọt

3

HTX dịch vụ chăn nuôi Thái Sơn

Xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy

Kỹ sư chăn nuôi

4

HTX sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Hợp Đức

Phường Hợp Đức, quận Đồ Sơn

Kỹ sư trồng trọt

4. Trình tự tuyển chọn cán bộ trẻ

Việc tuyển chọn cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học về làm việc có thời hạn ở các hợp tác xã nông nghiệp được tiến hành theo các bước sau:

Bước 1: Hợp tác xã có nhu cầu gửi hồ sơ đến Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện hoặc Phòng Kinh tế quận.

Hồ sơ gồm có:

+ Giấy đề nghị của hợp tác xã về hỗ trợ thí điểm đưa cán bộ trẻ tốt nghiệp đại học, cao đẳng về làm việc có thời hạn.

+ Phương án sử dụng lao động của hợp tác xã.

+ Phương án sản xuất, kinh doanh của hợp tác xã.

Bước 2: Ủy ban nhân dân cấp huyện rà soát, tổng hợp hồ sơ gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Bước 3: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các Sở có liên quan thẩm định, lựa chọn các hợp tác xã đáp ứng yêu cầu tiêu chí, trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kế hoạch hỗ trợ giai đoạn 2019-2020.

Bước 4: Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, phân bổ vốn để thực hiện các nội dung của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trong đó có nội dung thí điểm đưa cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã nông nghiệp.

Bước 5: Căn cứ vào nguồn vốn được phê duyệt, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở, ngành liên quan trình Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt kinh phí hàng năm để tổ chức thực hiện.

Bước 6: Căn cứ vào hồ sơ đầy đủ của hợp tác xã, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp kinh phí cho hợp tác xã theo đợt 6 tháng hoặc 1 năm/1 lần.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1. Tổng kinh phí hỗ trợ 04 cán bộ cho 04 HTX trong thời hạn 20 tháng:

Hỗ trợ tối đa 04 cán bộ đã qua học nghề: 4 người x {4.180.000 + (4.180.000 x 7%)} x 20 tháng = 357.808.000 đồng. Trong đó:

Năm 2019: 4 người x {4.180.000 + (4.180.000 x 7%} x 8 tháng = 143.123.200 đồng.

Năm 2020: 4 người x {4.180.000 + (4.180.000 x 7%} x 12 tháng = 214.684.800 đồng.

2. Nguồn kinh phí: Từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố.

Trong đó: kinh phí năm 2019 từ nguồn vốn sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thành phố năm 2019 theo Quyết định số 3268/QĐ-UBND ngày 12/12/2018 của Ủy ban nhân dân thành phố.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch; dự kiến kinh phí thực hiện gửi Sở Tài chính.

- Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ trẻ, cán bộ quản lý và thành viên hợp tác xã tham gia mô hình thí điểm; hướng dẫn, hỗ trợ cán bộ trẻ xây dựng phương án, kế hoạch, dự án phát triển sản xuất kinh doanh của hợp tác xã;

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân huyện, quận, xã, phường thuộc địa bàn tham gia thí điểm thẩm định phương án, kế hoạch, dự án phát triển sản xuất kinh doanh do các cán bộ trẻ đề xuất;

- Kiểm tra, đôn đốc, đánh giá tình hình thực hiện thí điểm mô hình; báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả thực hiện mô hình theo định kỳ 6 tháng, hàng năm.

2. Sở Tài chính

- Thẩm định và tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố bố trí kinh phí từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để thực hiện kế hoạch;

- Thực hiện cấp phát kinh phí về đơn vị, địa phương theo Quyết định phân bổ của Ủy ban nhân dân thành phố; tổng hợp quyết toán theo quy định.

3. Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định kỳ đánh giá chất lượng, năng lực cán bộ, đánh giá những thuận lợi, khó khăn, hạn chế... với công tác triển khai thí điểm mô hình đưa cán bộ trẻ về công tác tại hợp tác xã từ đó có kế hoạch cụ thể đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể nhất là trong nông nghiệp trong thời gian tới.

4. Ủy ban nhân dân huyện, quận liên quan

- Hướng dẫn các hợp tác xã nông nghiệp lập hồ sơ đề nghị hỗ trợ cán bộ trẻ có trình độ đại học trở lên về làm việc có thời hạn ở hợp tác xã theo đúng quy định.

- Theo dõi, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện các quy định có liên quan về quản lý, sử dụng lao động thuộc diện hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc ở các hợp tác xã.

- Tham gia thẩm định phương án, kế hoạch, dự án phát triển sản xuất kinh doanh, các mô hình để phát triển hợp tác xã do các cán bộ trẻ đề xuất.

- Định kỳ hàng quý (chậm nhất ngày 20 tháng cuối quý) báo cáo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kết quả làm việc của các cán bộ trẻ tại hợp tác xã.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn liên quan

- Thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các hợp tác xã có cán bộ trẻ về làm việc để hỗ trợ, tạo điều kiện cho các cán bộ trẻ trong quá trình làm việc;

- Tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ hợp tác xã trong quá trình tổ chức sản xuất, kinh doanh trên địa bàn xã;

- Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng lao động đối với các hợp tác xã có cán bộ trẻ về làm việc.

6. Các hợp tác xã nông nghiệp được lựa chọn xây dựng thí điểm mô hình

- Căn cứ kế hoạch này, các hợp tác xã tổ chức triển khai, quán triệt kế hoạch cho thành viên hợp tác xã thực hiện.

- Tự chủ và tự quyết định trong việc tuyển dụng cán bộ tham gia thí điểm hỗ trợ theo đúng quy định; sử dụng kinh phí được cấp đúng mục tiêu, đúng chế độ quy định.

- Chủ động xây dựng phương án sử dụng lao động tự tuyển chọn cán bộ trẻ về làm việc tại hợp tác xã phù hợp với nhu cầu và lĩnh vực hoạt động chính của hợp tác xã; ký hợp đồng lao động với người lao động và thực hiện các chế độ theo quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn và các nội dung khác theo quy định hiện hành; thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng lao động; bố trí công việc theo đúng vị trí việc làm tuyển dụng.

- Hàng năm đánh giá kết quả thực hiện, đồng thời đề xuất biện pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiến nghị gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.

 


Nơi nhận:
- Bộ NN&PTNT (để b/c);
- TTTU, TTHĐND;
- CT, các PCT UBND TP;
- Các Sở: NN&PTNT, TC;
- UBND các huyện, quận: Đồ Sơn, Tiên Lãng, An Dương, Kiến Thụy;
- UBND các xã, phường: Hợp Đức, Tú Sơn, Tân Liên, Cấp Tiến;
- CPVP;
- CV: NN;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Đình Chuyến