Kế hoạch 122/KH-UBND năm 2020 về điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động
Số hiệu: 122/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Văn Phương
Ngày ban hành: 11/05/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Lao động, Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 122/KH-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 11 tháng 5 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT THỰC TRẠNG THANH NIÊN DÂN TỘC THIỂU SỐ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ TỐT NGHIỆP TỪ TRUNG HỌC PHỔ THÔNG ĐẾN SAU ĐẠI HỌC CHƯA CÓ VIỆC LÀM ĐỂ ĐỊNH HƯỚNG ĐÀO TẠO NGHỀ, TÌM VIỆC LÀM, KHỞI NGHIỆP VÀ XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, Quyết định số 64/2017/QĐ-UBND ngày 15/8/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế quy định một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2017-2020; Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm; Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 16/5/2016 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số điều về hỗ trợ đưa người lao động làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ về Quy định chính sách hỗ trợ việc làm và quỹ quốc gia về việc làm;

Để có cơ sở định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động cho thanh niên ở vùng dân tộc thiểu số, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch “Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động” như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

Nắm rõ tình hình, thực trạng thanh niên vùng dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm. Qua đó làm tốt công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề để người dân có thêm thông tin, tiếp cận và hiểu rõ chính sách học nghề tại chỗ; điều chỉnh một số chính sách dạy nghề cho phù hợp với đặc thù về kinh tế - xã hội, tập quán sản xuất và trình độ của người DTTS.

- Đa dạng hóa các hình thức đào tạo và cách thức tổ chức lớp dạy nghề phù hợp với điều kiện thực tế, phong tục, tập quán và sản xuất của đồng bào DTTS.

- Làm cơ sở xây dựng cơ chế, chính sách nhằm cụ thể hóa các chính sách do Trung ương ban hành nhằm tạo môi trường thuận lợi để dạy nghề cho lao động thanh niên đồng bào DTTS nói riêng và của cả tỉnh Thừa Thiên Huế nói chung.

- Xây dựng mô hình điểm sáng về khởi nghiệp, xuất khẩu lao động để nhân rộng cho thanh niên dân tộc thiểu số khác học tập, noi theo tiến đến làm theo để tăng thu nhập, ổn định đời sống.

2. Mục tiêu cụ thể

Tiến hành điều tra, khảo sát, thu thập thông tin, đánh giá một cách khách quan, chính xác nhằm đưa ra những giải pháp hiệu quả về đào tạo nghề đối với lao động vùng DTTS đặc biệt là thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm. Từ đó, để định hướng về những nghề nghiệp, tìm việc làm, khởi nghiệp và xuất khẩu lao động nhằm tạo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người dân ở vùng đồng bào DTTS góp phần giảm nghèo bền vững, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

II. PHẠM VI VÀ ĐỐI TƯỢNG

1. Phạm vi điều tra, khảo sát: Địa bàn điều tra chủ yếu ở 2 huyện Nam Đông và A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình thực tế địa bàn điều tra, khảo sát có thể trải rộng hơn trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế nơi có đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống như huyện Phú Lộc, Phong Điền và thị xã Hương Trà.

2. Đối tượng điều tra, khảo sát: Thanh niên đồng bào dân tộc thiểu số gồm: học sinh đã tốt nghiệp THPT, Sinh viên ra trường chưa có việc làm trong độ tuổi từ 18 đến 35.

III. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Tổ chức hướng dẫn, tập huấn cán bộ điều tra khảo sát.

2. Tiến hành Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động.

3. Tổ chức Hội thảo để tham vấn ý kiến các chuyên gia về tình hình, thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đã tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm, hoàn thiện báo cáo tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết về một số chế độ, chính sách hỗ trợ người lao động là Thanh niên dân tộc thiểu số đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động giai đoạn 2020- 2025.

IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN

Dự kiến từ tháng 08/2020 đến tháng 10/2020.

V. KINH PHÍ THỰC HIỆN

Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước đảm bảo.

Ban Dân tộc tỉnh xây dựng dự toán chi tiết gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Dân tộc

- Cơ quan chủ trì thực hiện kế hoạch, phối hợp với các đơn vị liên quan để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch “Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động” trên địa bàn tỉnh có hiệu quả.

- Nghiên cứu, soạn thảo biểu mẫu, phiếu điều tra khảo sát; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị, cá nhân tham gia điều tra.

- Tổng hợp kết quả điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề theo thời gian qui định; tổ chức hội thảo, hội nghị lấy ý kiến các chuyên gia về thực trạng của đồng bào dân tộc thiểu số sau khi điều tra, khảo sát để báo cáo trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.

2. Sở Tài chính

Tham mưu bố trí kinh phí từ ngân sách tỉnh đảm bảo thực hiện kế hoạch. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí thực hiện kế hoạch theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

Phối hợp với Ban Dân tộc trong việc thực hiện các thủ tục và các quy định liên quan đến đào tạo nghề lao động nông thôn và xuất khẩu lao động; cung cấp thông tin liên quan đến các đối tượng thanh niên dân tộc thiểu số đã thực hiện hợp đồng và đang lao động tại nước ngoài làm cơ sở để nêu gương và lấy đây làm mô hình để nhân rộng trong các đối tượng còn lại.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Ban Dân tộc trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch “Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động”.

- Chỉ đạo các trường THPT thuộc hệ thống Dân tộc Nội trú, các trường THPT và Phòng Giáo dục các huyện Nam Đông, A Lưới, phối hợp với Ban Dân tộc để thực hiện Kế hoạch triển khai tại đơn vị.

5. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp Ban Dân tộc hoàn thiện các nội dung, định hướng về khởi nghiệp cho thanh niên dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh theo nội dung phê duyệt của kế hoạch.

6. Ủy ban nhân dân các huyện và thị xã liên quan

Phối hợp với Ban Dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch “Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm, khởi nghiệp và xuất khẩu lao động”.

Trên đây là Kế hoạch “Điều tra, khảo sát thực trạng thanh niên DTTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế tốt nghiệp từ Trung học phổ thông đến sau Đại học chưa có việc làm để định hướng đào tạo nghề, tìm việc làm, khởi nghiệp và xuất khẩu lao động”, trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung những nội dung của Kế hoạch, các sở, ban ngành, địa phương phản ánh về Ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 


Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc (để b/c);
- TT HĐND tỉnh (để b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Tài chính, LĐTB&XH, GD&ĐT, KH&CN; Ban Dân tộc;
- UBND các huyện A Lưới, Nam Đông, Phú Lộc, Phong Điền, thị xã Hương Trà;
- VP: CVP, PCVP N.Đ.Bách, CV: TC, GD, DL, TH, XH;
- Lưu: VT, YT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phương