Kế hoạch 107/KH-UBND phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2013
Số hiệu: 107/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội Người ký: Nguyễn Thị Bích Ngọc
Ngày ban hành: 26/06/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 107/KH-UBND

Hà Nội, ngày 26 tháng 06 năm 2013

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ NĂM 2013

Thực hiện Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/09/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về Công nghệ thông tin và Truyền thông”; Quyết định số 4645/QĐ-UBND ngày 06/10/2011 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Chương trình phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Quyết định số 6109/QĐ-UBND ngày 26/12/2012 của UBND Thành phố về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Công văn số 1750/BTTTT-CNTT ngày 09/7/2012 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xây dựng Kế hoạch phát triển và ứng dụng Công nghệ thông tin năm 2013 và giai đoạn 2013-2015, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội năm 2013 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích

- Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố năm 2013.

- Hình thành và đẩy mạnh hoạt động của Khu Công nghệ thông tin tập trung của Hà Nội trên cơ sở công nhận Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy.

- Xây dựng và đưa vào hoạt động Trang thông tin điện tử hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ.

- Triển khai các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực doanh nghiệp CNTT, phát triển thị trường, đào tạo phát triển nguồn nhân lực.

2. Yêu cầu

- Các Sở, Ban, Ngành trực thuộc Thành phố được giao nhiệm vụ nghiêm túc tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.

- Các doanh nghiệp CNTT chủ động huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để triển khai thực hiện kế hoạch, các dự án phát triển doanh nghiệp, phát triển sản phẩm và thị trường nhằm đẩy mạnh phát triển ngành công nghiệp CNTT Thành phố.

II. Nội dung

1. Hoàn thiện và nâng cao năng lực quản lý nhà nước

- Triển khai thực hiện Chương trình phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin Thành phố Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 theo đúng Quy hoạch phát triển Công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Tổ chức khảo sát duy trì, cập nhật số liệu về tình hình hoạt động của các Doanh nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn Hà Nội

2. Phát triển các khu công nghiệp Công nghệ thông tin tập trung và thu hút đầu tư

- Xác định địa điểm và chuẩn bị triển khai các thủ tục đầu tư dự án “Xây dựng khu công nghiệp phần mềm và nội dung số trọng điểm của Hà Nội”.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các dự án khu Công nghệ thông tin tập trung trên địa bàn Hà Nội như: dự án xây dựng Khu Công viên công nghệ phần mềm Hà Nội và Khu công viên công nghệ thông tin Hà Nội.

- Triển khai các thủ tục công nhận Khu Công nghệ thông tin tập trung tại Cụm tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhỏ Cầu Giấy.

3. Hỗ trợ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp công nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố

- Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc kết nối doanh nghiệp ứng dụng và doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ thông tin.

- Hỗ trợ, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp Công nghệ thông tin thông qua các hội thảo chuyên đề giới thiệu các quy trình quản lý chất lượng tiên tiến.

- Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua hoạt động đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển trong lĩnh công nghiệp phần mềm và nội dung số; nghiên cứu phát triển sản xuất sản phẩm Công nghệ thông tin trọng điểm của Thành phố.

4. Phát triển thị trường cho công nghiệp Công nghệ thông tin

- Triển khai hoạt động kết nối giao thương các Doanh nghiệp Công nghệ thông tin, phần mềm và nội dung số của Hà Nội với Doanh nghiệp nước ngoài (Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ,...)

- Xây dựng “Cẩm nang sản phẩm, dịch vụ Công nghệ thông tin của Thành phố Hà Nội”.

- Xây dựng ấn phẩm giới thiệu Quy hoạch công nghệ thông tin thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

- Tổ chức các cuộc triển lãm trưng bày, giới thiệu các sản phẩm dịch vụ Công nghệ thông tin kết hợp với hội thảo chuyên đề.

- Xây dựng Trang thông tin điện tử hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực Công nghệ thông tin nhằm quảng bá thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ.

5. Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp Công nghệ thông tin

- Xây dựng đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho công nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn Hà Nội.

- Triển khai đào tạo, tập huấn và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng lực hoạt động và sức cạnh tranh cho các tổ chức, doanh nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn Hà Nội.

6. Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Triển khai các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu về các chính sách, định hướng của Nhà nước và thành phố trong lĩnh vực Công nghệ thông tin, tình hình phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn Thành phố.

III. Các giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về hỗ trợ cơ sở hạ tầng

Ưu tiên dành quỹ đất ở địa điểm thuận lợi, với diện tích, quy mô đủ lớn xây dựng Khu công nghiệp phần mềm và nội dung số trọng điểm, hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng cao để phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin, phát triển kinh tế tri thức.

2. Giải pháp về tài chính, huy động vốn đầu tư

Huy động các nguồn vốn ngân sách nhà nước, xây dựng cơ bản, sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học, vốn ODA, vốn FDI, hợp tác quốc tế, vốn của các doanh nghiệp, vốn xã hội hóa để thực hiện các dự án phát triển Công nghệ thông tin, trong đó vốn ngân sách nhà nước tập trung xây dựng các cơ chế chính sách, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, sản phẩm.

3. Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực Công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của thị trường. Phát triển các hình thức liên kết nhằm nâng cao chất lượng đào tạo; Hợp tác quốc tế phát triển nhân lực.

4. Giải pháp về cơ chế, chính sách

Nghiên cứu các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển Công nghiệp Công nghệ thông tin như: Hoàn thiện các văn bản pháp quy, tạo cơ chế thông thoáng, một cửa, công khai, minh bạch, giải quyết nhanh chóng các thủ tục đầu tư; quy định ưu đãi đầu tư cho phát triển công nghiệp Công nghệ thông tin;

5. Giải pháp khác

Thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, báo cáo định kỳ về tiến độ triển khai thực hiện các đề án, dự án trọng điểm được UBND Thành phố phê duyệt tại Quyết định số 4645/QĐ-UBND ngày 06/10/2011.

Tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ban, ngành đoàn thể tạo môi trường chính sách thuận lợi để các sản phẩm và dịch vụ làm ra không chỉ chiếm lĩnh thị trường trong nước mà có thể xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.

Tăng cường liên kết, hợp tác và hội nhập quốc tế thông qua các chương trình, dự án hợp tác quốc tế về công nghiệp Công nghệ thông tin với các nước có trình độ phát triển cao về công nghiệp công nghệ thông tin như: Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Canada,...

Chủ động hợp tác, liên kết với các thành phố lớn trong nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng nhằm phát huy các thế mạnh của mỗi địa phương tạo ra những khả năng phát triển mới về thị trường công nghiệp Công nghệ thông tin.

IV. Kinh phí thực hiện

Nguồn kinh phí thực hiện trong kế hoạch được bố trí từ ngân sách Thành phố năm 2013 và nguồn kinh phí huy động từ các doanh nghiệp, hiệp hội, nguồn đầu tư nước ngoài và các nguồn vốn khác.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành trực thuộc Thành phố tổ chức thực hiện Kế hoạch này; tổ chức cung cấp thông tin, dự báo, theo dõi, cập nhật, tổng hợp báo cáo tình hình triển khai thực hiện kế hoạch với UBND Thành phố theo qui định.

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Tư pháp, Sở Công thương, Sở Nội vụ, Sở Quy hoạch Kiến trúc, Cục Thống kê thành phố Hà Nội và các sở, ngành liên quan tổ chức triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực quản lý nhà nước và hỗ trợ phát triển cộng nghiệp CNTT; Thực hiện dự án đầu tư xây dựng Khu công nghiệp phần mềm và nội dung số trọng điểm của Thành phố Hà Nội; Hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp; Tăng cường hạ tầng viễn thông, Internet; chủ động nghiên cứu, đề xuất bổ sung cơ chế chính sách phục vụ cho phát triển công nghiệp CNTT của Thành phố.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Sở Thông tin và Truyền thông và các sở ngành liên quan huy động các nguồn vốn thực hiện Kế hoạch, đặc biệt là nguồn vốn vay ODA và xã hội; cân đối, tổng hợp các nguồn lực trong kế hoạch của Thành phố cho các dự án.

3. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan hướng dẫn kịp thời các cơ chế, chính sách tài chính cần thiết để thực hiện thành công chương trình phát triển công nghiệp CNTT của Thành phố.

3. Các doanh nghiệp CNTT và truyền thông trên địa bàn Thành phố chủ động phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các sở, ngành liên quan xây dựng và tổ chức triển khai Kế hoạch, dự án phát triển doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, phát triển sản phẩm và thị trường, huy động đóng góp từ các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân để phát triển công nghiệp CNTT.

4. Các Sở, Ban, Ngành trực thuộc Thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị có trách nhiệm thực hiện các đề án, dự án nhằm đạt được các mục tiêu của Kế hoạch. UBND các quận, huyện phối hợp với các sở, ban, ngành trong triển khai thực hiện quy hoạch, xây dựng các khu CNTT tập trung, tăng cường cải cách thủ tục hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp Công nghệ thông tin trên địa bàn.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh các đơn vị có báo cáo gửi về cơ quan thường trực là Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND thành phố xem xét, chỉ đạo kịp thời./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ TT&TT;
- Thường trực Thành ủy
- Thường trực HĐND TP;
- Đ/c Chủ tịch UBND TP;
- Các đ/c PCT UBND TP;
- Các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể TP;
- UBND các Quận, Huyện, Thị xã;
- Đ/c CPVP UBNDTP, các phòng VX, TH;

- Lưu: VT, VXh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Bích Ngọc