Kế hoạch 1044/KH-UBND năm 2017 về tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu do tỉnh Cao Bằng ban hành
Số hiệu: 1044/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Cao Bằng Người ký: Hoàng Xuân Ánh
Ngày ban hành: 13/04/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1044/KH-UBND

Cao Bằng, ngày 13 tháng 4 năm 2017

 

KẾ HOẠCH

TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ AN TOÀN THỰC PHẨM ĐỐI VỚI SẢN XUẤT, KINH DOANH RƯỢU

Thực hiện Công điện số 371/CĐ-TTg ngày 10/3/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục hậu quả vụ ngộ độc rượu và tăng cường quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm đối với sản phẩm rượu; Chỉ thị số 02/CT-BCT ngày 14/3/2016 của Bộ Công Thương về việc tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất - kinh doanh rượu;

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn và chủ động ngăn chặn nguy cơ xảy ra các vụ việc mất an toàn thực phẩm, giảm thiểu thiệt hại do ngộ độc rượu, Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng ban hành Kế hoạch tăng cường quản lý an toàn thực phẩm đối với sản xuất, kinh doanh rượu với nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Nhằm ngăn chặn, phòng ngừa và giảm tác hại việc lạm dụng rượu, sản xuất, kinh doanh, sử dụng các loại rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc đối với sức khỏe cộng đồng, trật tự an toàn xã hội góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định và bền vững.

- Tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, đặc biệt là rượu do dân tự nấu, tự chế biến, pha chế, rượu không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

- Tăng cường hoạt động thông tin, giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của việc lạm dụng rượu, bia và các đồ uống có cồn khác; về quyền của trẻ em không bị ép buộc hoặc khuyến khích sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; vận động, thuyết phục người dân không lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; không ép buộc, khuyến khích người khác sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác; người điều khiển các phương tiện tham gia giao thông không được có nồng độ cồn trong máu hoặc khí thở vượt quá mức quy định.

2. Yêu cầu

- Các sở, ngành thành viên Ban chỉ đạo 389/ĐP tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành công tác phối hợp giữa các lực lượng chức năng trong công tác quản lý nhà nước, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng thanh tra, kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm cần chú ý kết hợp với công tác thông tin các quy định của pháp luật về hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, các tác hại của việc lạm dụng rượu đối với sức khỏe con người, nhằm thay đổi nhận thức, thói quen tiêu dùng, tránh những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra của các đối tượng được kiểm tra.

- Công tác triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm soát phải tuân thủ đúng các quy định của pháp luật, công khai, khách quan, chính xác và kịp thời, tránh kiểm tra chồng chéo gây phiền hà, sách nhiễu làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân được kiểm tra.

II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH

1. Rà soát việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn. Căn cứ nhu cầu sử dụng và mục tiêu cụ thể về hạn chế tác hại của việc làm dụng rượu cần xây dựng quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu:

+ Tăng cường công tác quản lý địa bàn, kiểm tra, kiểm soát đối với sản phẩm rượu do dân tự nấu, tự pha chế, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, việc thực hiện các quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm, nhãn hàng hóa đối với sản phẩm rượu, kể cả rượu nhập khẩu.

+ Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất đặc biệt là các cơ sở sản xuất nhỏ lẻ nấu rượu bằng phương pháp thủ công, các cơ sở bán buôn, bán lẻ rượu, các cửa hàng ăn uống, quán karaoke, quán nước vỉa hè...nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi sản xuất rượu giả, sử dụng cồn công nghiệp, sử dụng nguyên liệu bị cấm để pha chế vào rượu, kinh doanh rượu không rõ nguồn gốc, vi phạm ghi nhãn hàng hóa, vi phạm về công bố hợp quy, về chất lượng...nhằm bảo vệ sức khỏe, an toàn tính mạng người tiêu dùng, góp phần ngăn chặn các vụ ngộ độc rượu diễn ra trên địa bàn.

+ Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trưng bày, quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại rượu (nếu có) trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.

+ Tăng cường các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn người sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác điều khiển phương tiện giao thông.

3. Thông tin tuyên truyền, giáo dục, truyền thông

Đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu; truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu, sử dụng các loại rượu không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Công Thương

- Hướng dẫn và đôn đốc về chuyên môn đối với Phòng Kinh tế Hạ tầng các huyện, thành phố thực hiện chức năng quản lý trên địa bàn, rà soát việc cấp Giấy phép sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn.

- Xây dựng quy hoạch đồng bộ về sản xuất, kinh doanh rượu trên địa bàn toàn tỉnh phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của địa phương trình Ủy ban nhân dân tỉnh nghiên cứu, phê duyệt triển khai.

- Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn và lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật. Nội dung thanh tra, kiểm tra tập trung vào chất lượng an toàn thực phẩm, hạn sử dụng, nguồn gốc nguyên liệu, công bố hợp quy, ghi nhãn, quảng cáo và điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu nhất là các cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, sử dụng nguyên liệu, sản xuất rượu bằng phương pháp thủ công.

- Phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, Cơ quan Báo Cao Bằng, Đài PTTH tỉnh và chính quyền các huyện, thành phố triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu. Công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Sở Y tế

Phối hợp với các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe về tác hại của lạm dụng rượu; chuẩn bị các điều kiện cần thiết để triển khai các dịch vụ phát hiện sàng lọc, điều trị can thiệp, phòng, chống tái nghiện và chăm sóc liên tục dành cho người lạm dụng rượu tại cộng đồng.

3. Sở Khoa học và Công nghệ

Phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan trong việc kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu liên quan đến công tác, nhiệm vụ của đơn vị (tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý...)

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chỉ đạo các cơ quan Báo chí và truyền hình địa phương chủ động đưa tin, bài về sử dụng rượu bảo đảm phù hợp quy định của pháp luật; cảnh báo tác hại của lạm dụng rượu; giới thiệu các dịch vụ hỗ trợ giảm tác hại của lạm dụng rượu và phổ biến các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu.

- Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc đăng tải thông tin, quảng cáo rượu trên các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Công an tỉnh

- Chỉ đạo kiểm tra và xử lý vi phạm quy định của pháp luật về nồng độ cồn trong máu và khí thở của người điều khiển phương tiện giao thông.

- Phối hợp với các Sở, ngành trong triển khai các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa tình trạng buôn lậu, mất trật tự an toàn xã hội và tội phạm.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự an toàn xã hội có liên quan đến phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu trình cấp có thẩm quyền ban hành.

6. Cục Hải quan tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường công tác phòng, chống rượu nhập lậu, giả, không bảo đảm chất lượng trong địa bàn được giao quản lý.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

- Thực hiện chỉ đạo, đôn đốc các ngành triển khai kế hoạch nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, chú trọng kiểm tra đột xuất để phát hiện sớm và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Nghị định 38/2012/NĐ-CP ngày 25/4/2012 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, Nghị định số 94/2012/NĐ-CP quy định về sản xuất, kinh doanh rượu, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hóa, Nghị định số 178/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

- Triển khai mạnh mẽ công tác thông tin, tuyên truyền và hướng dẫn người dân nâng cao trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu và nhận thức của cộng đồng về tác hại của lạm dụng rượu theo đúng quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 244/QĐ-TTg ngày 12/02/2014 về chính sách Quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020. Đồng thời, công khai các hành vi vi phạm, kết quả xử lý vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng...

8. Các Sở, ngành liên quan khác: có trách nhiệm thực hiện phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu liên quan đến lĩnh vực phụ trách và thường xuyên theo dõi kiểm tra việc thực hiện; căn cứ chức năng, nhiệm vụ chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện tốt các nội dung Kế hoạch này.

9. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

- Phối hợp, nghiên cứu phát động và triển khai thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tại các khu dân cư gắn liền với các giải pháp phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu.

- Chỉ đạo các đơn vị thành viên tham gia tuyên truyền, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu; về sản xuất, kinh doanh rượu trong cộng đồng. Phát huy vai trò của cộng đồng trong giám sát, phát hiện và kịp thời ngăn ngừa hành vi điều khiển phương tiện giao thông có sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác, hành vi gây rối trật tự xã hội, bạo lực gia đình và các hành vi vi phạm pháp luật khác do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác.

IV. CHẾ ĐỘ THÔNG TIN BÁO CÁO

Các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ nội dung của Kế hoạch này và tình hình thực tế trên địa bàn thực hiện triển khai có hiệu quả. Định kỳ hằng tháng tổng hợp, báo cáo tình hình và kết quả thực hiện theo Quy chế về UBND tỉnh (qua Sở Công Thương tỉnh Cao Bằng-Phòng KHTC, địa chỉ: Đường Hoàng Đình Giong, Phường Hợp Giang, TP Cao Bằng; Fax: 0263.855.086; Email: khtc102@gmail.com) để tổng hợp báo cáo Văn phòng Chính phủ và Bộ Công Thương theo quy định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Công Thương (b/c);
- TT Tỉnh ủy (b/c);
- TT HĐND tỉnh (b/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- HU, HĐND, UBND các huyện, tp;
- CVP, các PCVP, các CV;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu VT, TH (D2).

CHỦ TỊCH




Hoàng Xuân Ánh

 

 





Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu Ban hành: 12/11/2012 | Cập nhật: 14/11/2012

Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm Ban hành: 25/04/2012 | Cập nhật: 27/04/2012

Nghị định 89/2006/NĐ-CP về nhãn hàng hoá Ban hành: 30/08/2006 | Cập nhật: 09/09/2006