Quyết định 244/QĐ-TTg năm 2003 phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn"
Số hiệu: | 244/QĐ-TTg | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Thủ tướng Chính phủ | Người ký: | Phạm Gia Khiêm |
Ngày ban hành: | 05/03/2003 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 244/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 05 tháng 3 năm 2003 |
PHÊ DUYỆT BÁO CÁO NGHIÊN CỨU KHẢ THI DỰ ÁN “GIÁO DỤC TIỂU HỌC CHO TRẺ EM CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm1999 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05 tháng 5 năm 2000 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư xây dựng; Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 05 năm 2001 về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn Vốn hỗ trợ phát triển chính thức;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tại công văn số 10078/TH ngày 08 tháng 11 năm 2002 và ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại công văn số 442BKH/VPTĐ ngày 20 tháng 01 năm2003;
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án "Giáo dục tiểu học cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn", với các nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu của Dự án:
- Hỗ trợ thực hiện chủ trương của Chính phủ về xoá phòng học tạm và từng bước xây dựng kiên cố hoá trường học, chuẩn hoá các trường tiểu học.
- Cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ giáo dục tiểu học đặc biệt ở các huyện khó khăn, các trường khó khăn.
- Tăng cường khả năng tiếp cận với giáo dục tiểu học của gia đình và cộng đồng, đặc biệt các hộ gia đình khó khăn, vùng núi, vùng dân tộc.
- Giảm số trẻ có khó khăn không đi học hoặc bỏ học, trẻ em dân tộc ít người, trẻ em khuyết tật, trẻ em nghèo, trẻ em đường phố.
- Nâng cao chất lượng đầu ra của giáo dục tiểu học, góp phần thực hiện phổ cập bậc trung học cơ sở.
2. Các chỉ số đầu ra của Dự án: trong phạm vi Dự án, gồm 2.692 xã thuộc 189 huyện trong 38 tỉnh (dưới đây), nơi tập trung gần 70%số trẻ em có hoàn cảnh khó khăn:
- 14.902 điểm trường thuộc 4.272 trường đạt mức chất lượng trường cơ bản khi kết thúc dự án;
- Nâng tỷ lệ nhập học sinh và tỷ lệ hoàn thành bậc tiểu học lần lượt từ 81% và 72% vào năm 1999 lên 96% và 86% vào năm 2010;.
- Giảm tỷ lệ lưu ban và tỷ lệ bỏ học tiểu học lần lượt từ 8% và 12% vào năm 1999 xuống dưới 3% và dưới 4% vào năm 2010.
3. Cơ quan quản lý dự án: Bộ Giáo dục và Đào tạo
4. Các thành phần của Dự án:
a) Thành phần 1. Đạt mức chất lượng trường cơ bản thông qua các hoạt động chủ yếu sau:
1. Tăng cường năng lực quản lý, bao gồm: lập kế hoạch, giám sát, đánh giá, xây dựng và hoạt động của hệ thống thông tin quản lý giáo dục cấp huyện, lập kế hoạch, xây dựng các công cụ, quy trình và môđun về giám sát và đánh giá; tập huấn cấp tỉnh, và huyện về nội dung quản lý mức chất lượng trường cơ bản.
2. Cải thiện chất lượng giảng dạy và hỗ trợ giáo viên để đạt mức chất lượng trường cơ bản, bao gồm:
- Sách hướng dẫn, tài liệu và các môđun bồi dưỡng giáo viên đứng lớp;
- Bồi dưỡng phát triển chuyên môn cho giáo viên;
- Cải tiến việc dạy tiếng Việt trong nhà trường và chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường.
- Cung cấp sách giáo khoa, tài liệu giảng dạy và học tập cho giáo viên và học sinh tại các trường và các điểm trường;
- Nhân viên hỗ trợ giáo viên tại các điểm trường (thí điểm);
- Trợ cấp nâng cao trình độ giáo viên điểm trường để đạt chuẩn đào tạo Trung học sư phạm 9+3 (tối thiểu);
3. Nâng cấp cơ sở vật chất để 100% trường, điểm trường đạt mức chất lượng trường cơ bản, thông qua các hoạt động:
- Thiết kế, lựa chọn, điều chỉnh và làm thí điểm 3 mô hình mẫu trường học, điểm trường.
- Xây dựng kiên cố 9.240 điểm trường (bao gồm xây mới18.480 phòng học, nâng cấp 4.620 phòng học và xây dựng mới 9.240 văn phòng) nhà vệ sinh, bể chứa nước, kể cả cải tạo, nâng cấp và thay thế trang thiết bị bàn ghế học sinh, giáo viên, tủ, bảng,.... trong các phòng học.
4. Tham gia của cộng đồng và hỗ trợ học sinh để đạt mức chất lượng trường cơ bản và phổ cập giáo dục tiểu học, bao gồm tập huấn cộng đồng, quỹ hỗ trợ điểm trường (thí điểm).
b) Thành phần 2: Các biện pháp giáo dục hỗ trợ nhóm trẻ có nguy cơ thiệt thòi cao, bao gồm các hoạt động:
- Giáo dục hoà nhập cho trẻ em khuyết tật; hỗ trợ các biện pháp giáo dục và giải quyết một số nhu cầu cho trẻ khuyết tật dựa trên các biện pháp đang được áp dụng, các chương trình thử nghiệm giáo dục hoà nhập trẻ khuyết tật (đưa khoảng 500.000 đến 600.000 trẻ em khuyết tật vào học ở những trường học bình thường);
- Hỗ trợ trẻ em đường phố, trẻ em lao động kiếm sống và các nhóm trẻ em có nguy cơ thiệt thòi cao; xây dựng một môi trường pháp lý cho việc giáo dục các nhóm trẻ bị thiệt thòi cao; tài trợ cho việc thực hiện những phương pháp tiếp cận đổi mới trong giáo dục cho các nhóm trẻ thiệt thòi;
c) Thành phần 3: Hỗ trợ kỹ thuật và quản lý cấp tỉnh và cấp quốc gia cho mức chất lượng trường cơ bản:.
- Nghiên cứu/xây dựng kế hoạch quốc gia và hướng dẫn chỉ đạo mức chất lượng trường cơ bản;
- Tăng cường năng lực và cải tiến công tác quản lý như: công tác lập kế hoạch và giám sát chất lượng giáo dục; hỗ trợ các hoạt động phát triển giáo viên, thúc đẩy các chường trình chuẩn bị tiếng Việt ở vùng dân tộc ít người; giám sát việc mua sắm và phân phối tài liệu, trang thiết bị đồ dùng giáo dục; huy động và hỗ trợ sự tham gia của cộng đồng và giáo dục cho trẻ em có nguy cơ bị thiệt thòi cao.
d) Thành phần 4: quản lý Dự án ở cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và các trường hưởng thụ Dự án.
5. Phạm vi thực hiện của dự án: tại 14.902 điểm trường của 189 huyện thuộc 38 tỉnh là:
Hà Giang; Cao Bằng; Bắc Kạn, Lạng Sơn; Tuyên Quang; Yên Bái; Quảng Ninh; Lai Châu; Sơn La; Thanh Hoá. Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Phước, Tây Ninh, Đồng Nai; Bình Thuận, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, SócTrăng, Bạc Liêu, Cà Mau.
Việc thay đổi/ Bổ dung tỉnh phạm vi Dự án báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
6. Tổng vốn đầu tư: 243,672 triệu USD, được phân bổ như sau:
a) Theo hạng mục đầu tư:
- Xây dựng cơ sở vật chất: 163,532 USD.
- Thiết bị hàng hoá và tài liệu học tập 16.036 triệuUSD;
- Hỗ trợ kỹ thuật: 47. 151 triệu USD;
- Hỗ trợ giáo dục cho nhóm trẻ có nguy cơ thiệt thòi cao: 1,5 triệu USD;
- Dịch vụ tư vấn: 10,196 triệu USD;
- Chi phí hoạt động và tập huấn: 5,266 triệu USD.
b) Theo thành phần dự án:
- Thành phần 1: 227,733 triệu USD;
- Thành phần 2: 4.148 triệu USD;
- Thành phần 3: 8.166 triệu USD;
- Thành phần 4: 3,625 triệu USD;
7. Nguồn vốn đầu tư:
- Vốn vay Hiệp hội phát triển quốc tế thuộc Ngân hàng thế giới (IDA/WB): 138,755 triệu USD (chiếm 56,9 % tổng mức vốn đầu tư). phần vốn này được chi cho: xây dựng cơ bản (117,3 triệu USD), mua hàng hoá (37triệu USD), tài liệu hướng dẫn (10,76 triệu USD), dự phòng (7 triệu USD).
- Vốn viện trợ không hoàn lại của các nhà tài trợ khác: 61.545 triệu USD (chiếm 25,3% tổng mức vốn đầu tư). phần vốn này được chi cho: mua sắm hàng hoá ( 3 triệu USD), các Quỹ (43,22 triệu USD), dịch vụ tưvấn (8,83 triệu USD), và dự phòng (3,02 triệu USD);
- Vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam: 43,373 triệu USD (chiếm 17,8% tổng mức đầu tư), trong đó thuế: 21,122 triệu USD.
8. Phương thức thực hiện Dự án:.
- Thành lập Hội đồng chỉ đạo thực hiện dự án cấp Trung ương do một số lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Chủ tịch, có thành viên là đại diện các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Uỷ ban dân tộc, Văn phòng chính phủ.
- Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập Ban quản lý trước khi ký kết chính thức Hiệp định tín dụng phát triển và các văn kiện có liên quan của Dự án. Cơ cấu nhân sự của ban quản lý Dự án cần đảm bảo nguyên tắc kế thừa Ban chuẩn bị Dự án theo quy định hiện hành.
9. Thời gian thực hiện dự án: trong 6 năm, từ năm 2003 đến năm 2008. Riêng xây dựng cơ sở vật chất, thực hiện trong 4 năm (2003-2006).
Điều 2. Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm quản lý và đảm bảo hiệu quả toàn diện của dự án, phối hợp với Các Bộ, ngành có liên quan triển khai thực hiện dự án theo quy định hiện hành phối hợp với các địa phương thụ hưởng dự án xác định chủ đầu tư cho các dự án thành phần.
Bộ Tài chính có trách nhiệm cung cấp đầy đủ kịp thời vốn đối ứng cho Dự án.
Điều 3. Việc đầu tư các giai đoạn tiếp theo của các hoạt động thí điểm của Dự án sẽ được Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định dựa trên kết quả và kinh nghiệm thực hiện thí điểm, yêu cầu thực tiễn của việc thực hiện đại trà đúng phạm vi của Dự án.
Điều 4. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Bộ trưởng các Bộ: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên và môi trường, Bộ Thương mại; Bộ trưởng, chủ nhiệm Uỷ ban dân tộc, thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh thuộc phạm vi Dự án, Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này và phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình triển khai thực hiện Dự án./.
|
KT THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ |
Nghị định 17/2001/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức Ban hành: 04/05/2001 | Cập nhật: 17/09/2012
Nghị định 12/2000/NĐ-CP sửa đổi Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-Cp Ban hành: 05/05/2000 | Cập nhật: 07/12/2012
Nghị định 52/1999/NĐ-CP ban hành Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng Ban hành: 08/07/1999 | Cập nhật: 06/12/2012