Kế hoạch 04/KH-UBND năm 2016 thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020
Số hiệu: 04/KH-UBND Loại văn bản: Văn bản khác
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Lữ Văn Hùng
Ngày ban hành: 18/01/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4/KH-UBND

Hậu Giang, ngày 18 tháng 1 năm 2016

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA VỀ XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016 – 2020

Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04 tháng 6 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi nguyên tắc cơ chế hỗ trợ vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 342/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi một số tiêu chí của Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung cơ chế đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2020;

Căn cứ Thông tư số 41/2013/TT-BNNPTNT ngày 04 tháng 10 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Công văn số 2003/TTg-KTN ngày 05 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc huy động vốn đóng góp của dân để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới;

Căn cứ Thông báo số 406/TB-VPCP ngày 19 tháng 12 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 05 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 - 2015;

Căn cứ Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020;

Căn cứ Chỉ thị số 10-CT/TU ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Tỉnh ủy Hậu Giang về việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Kế hoạch số 32/KH-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh về triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2010 - 2020;

Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020, cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Mục đích:

Thống nhất nhận thức một cách sâu sắc hơn về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Đây là Chương trình cụ thể hóa cơ bản mục tiêu Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05 tháng 8 năm 2008 của Ban Chấp hành Trung ương (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; là một chương trình phát triển tổng hợp, cả về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, phát huy quyền làm chủ của Nhân dân và xây dựng hệ thống chính trị, bảo đảm quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; là chương trình cả hệ thống chính trị cùng chăm lo phát triển đời sống cả vật chất và tinh thần cho người dân trên địa bàn nông thôn.

2. Yêu cầu:

Trong quá trình tổ chức thực hiện, cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành và địa phương không chủ quan, nóng vội vừa làm vừa học tập kinh nghiệm, vừa đúc kết thực tiễn, không huy động quá sức dân… nhưng phải vào cuộc quyết liệt, kiên trì, có kế hoạch, lộ trình, có bước đi thích hợp và có trọng tâm, trọng điểm để chỉ đạo thắng lợi mục tiêu đề ra mang tính toàn diện và phát triển một cách bền vững.

II. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

Tiếp tục giữ vững và nâng chất đối với 01 đơn vị cấp huyện và 13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới trong giai đoạn 2011 - 2015; đồng thời, phấn đấu hoàn thành đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch chung của Chương trình mà Chính phủ đã đề ra trong giai đoạn tiếp theo, giai đoạn 2016 - 2020, cũng như chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Tiếp tục giữ vững và nâng chất đối với 01 đơn vị cấp huyện (thị xã Ngã Bảy) và 13 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015, gồm các xã: Đại Thành, Tân Thành, Hiệp Lợi (thị xã Ngã Bảy); Thạnh Hòa, Phương Phú (huyện Phụng Hiệp); Tân Tiến, Vị Tân (thành phố Vị Thanh); Vĩnh Viễn, Thuận Hưng (huyện Long Mỹ); Trường Long Tây (huyện Châu Thành A); Vị Thanh, Vị Thủy (huyện Vị Thủy) và Đông Thạnh (huyện Châu Thành).

- Phấn đấu thêm 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (dự kiến thành phố Vị Thanh).

- Phấn đấu thêm 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới, dự kiến gồm các xã: Vị Thắng, Vị Trung (huyện Vị Thủy); Hỏa Tiến, Hỏa Lựu (thành phố Vị Thanh); Nhơn Nghĩa A, Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A); Phương Bình, Bình Thành (huyện Phụng Hiệp); Đông Phú, Phú An (huyện Châu Thành); Long Trị, Long Trị A (thị xã Long Mỹ) và Lương Tâm, Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ). Nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới đến năm 2020 là 28 xã.

- Phân kỳ thực hiện như sau:

+ Năm 2016: Nhơn Nghĩa A (huyện Châu Thành A), Long Trị A (thị xã Long Mỹ), Đông Phú (huyện Châu Thành).

+ Năm 2017: xã Tân Phú Thạnh (huyện Châu Thành A), Phương Bình (huyện Phụng Hiệp), Lương Tâm (huyện Long Mỹ), Vị Thắng (huyện Vị Thủy), Hỏa Tiến (thành phố Vị Thanh).

+ Năm 2018: xã Phú An (huyện Châu Thành), Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A), Vĩnh Thuận Đông (huyện Long Mỹ), Bình Thành (huyện Phụng Hiệp), Hỏa Lựu (thành phố Vị Thanh).

+ Năm 2019: xã Vị Trung (huyện Vị Thủy).

+ Năm 2020: xã Long Trị (thị xã Long Mỹ).

- Các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.

III. Kế hoạch thực hiện các tiêu chí nông thôn mới:

1. Tiêu chí 01: Quy hoạch và thực hiện quy hoạch.

- Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

- UBND xã tổ chức rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, trình UBND cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện đúng theo yêu cầu các chỉ tiêu quy định.

- Mục tiêu phấn đấu: 100% số xã phải hoàn thành tiêu chí này trong năm 2016.

2. Tiêu chí số 02: Giao thông.

- Giao Sở Giao thông vận tải chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chuẩn từng loại đường và cách phân biệt loại đường nào thuộc cấp đường nào để đạt theo chuẩn quy định.

- UBND xã trên cơ sở có quy hoạch được duyệt và hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải điều chỉnh đề án cụ thể và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến 2020: 31 xã đạt tiêu chí, chiếm 57,41%.

3. Tiêu chí số 03: Thủy lợi.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện tiêu chí.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến 2020: 48 xã đạt tiêu chí, chiếm 88,89%.

4. Tiêu chí số 04: Điện.

- Giao Sở Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này để các địa phương tổ chức thực hiện.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đều đạt tiêu chí (54 xã).

5. Tiêu chí số 05: Trường học.

- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này để các địa phương tổ chức thực hiện.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 37 xã đạt tiêu chí, chiếm 68,52%.

6. Tiêu chí số 06: Cơ sở vật chất, văn hóa.

- Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã, Nhà văn hóa - Khu thể thao ấp một cách linh hoạt, sáng tạo nhằm đảm bảo công năng phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao cho người dân, tránh lãng phí.

- UBND xã điều chỉnh đề án theo hướng dẫn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến 2020: 28 xã đạt tiêu chí, chiếm 51,85%.

7. Tiêu chí số 07: Chợ nông thôn.

- Giao Sở Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát điều chỉnh quy hoạch xây dựng chợ cho phù hợp, khi có quy hoạch phải xây dựng đảm bảo đạt chuẩn theo quy định.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện

- Mục tiêu phấn đấu đến 2020: 46 xã đạt tiêu chí, chiếm 85,19%.

8. Tiêu chí số 08: Bưu điện.

- Giao Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này để các địa phương tổ chức thực hiện.

- UBND xã điều chỉnh đề án và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% xã đạt tiêu chí (54 xã)

9. Tiêu chuẩn số 09: Nhà ở dân cư.

- Giao Sở Xây dựng chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 42 xã đạt tiêu chí, chiếm 77,78%.

10. Tiêu chí số 10: Thu nhập.

- Giao Cục Thống kê tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương tổ chức điều tra, đánh giá cụ thể tiêu chí này. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các sở, ngành có liên quan, các địa phương hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

- UBND xã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và tổ chức thực hiện, giúp người dân nâng cao thu nhập.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 36 xã đạt tiêu chí, chiếm 66,67%.

11. Tiêu chí số 11: Hộ nghèo.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể các địa phương thực hiện tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 43 xã đạt tiêu chí, chiếm 79,63%.

12. Tiêu chí số 12: Tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên.

- Giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt tiêu chí (54 xã).

13. Tiêu chí số 13: Hình thức tổ chức sản xuất.

- Giao SNông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên minh Hợp tác xã chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn nội dung phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn.

- UBND xã xây dựng đề án hỗ trợ phát triển sản xuất, đề án phát triển kinh tế hộ, trang trại, hợp tác xã; lấy ý kiến tham gia của cộng đồng dân cư, trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt tiêu chí (54 xã).

14. Tiêu chí số 14: Giáo dục.

- Giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt tiêu chí (54 xã).

15. Tiêu chí số 15: Y tế.

- Giao Sở Y tế chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt tiêu chí (54 xã).

16. Tiêu chí số 16: Văn hóa.

- Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 100% các xã đạt tiêu chí (54 xã).

17. Tiêu chí số 17: Môi trường.

- Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo, hướng dẫn, điều tra đánh giá tiêu chí 17.1 về tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh; một phần của nội dung tiêu chí 17.3 về cải tạo vườn tạp.

- Sở Tài Nguyên và Môi trường chỉ đạo, hướng dẫn nội dung tiêu chí 17.2, 17.3, 17.4, 17.5.

- UBND xã điều chỉnh đề án trên cơ sở Đồ án quy hoạch điều chỉnh được UBND cấp huyện phê duyệt và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 32 xã đạt tiêu chí, chiếm tỷ lệ 59,26%.

18. Tiêu chí số 18: Hệ thống tổ chức chính trị xã hội vững mạnh.

- Giao Sở Nội vụ chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện tiêu chí này.

- UBND xã xây dựng đề án tổ chức đào tạo cán bộ đạt chuẩn theo quy định của Bộ Nội vụ cũng như quy định của Sở Nội vụ, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới; đề án bổ sung chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của các tổ chức trong hệ thống chính trị phù hợp với yêu cầu xây dựng nông thôn mới và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đến năm 2020: 51 xã đạt tiêu chí, chiếm 94,44%.

19. Tiêu chí số 19: An ninh trật tự xã hội được giữ vững.

- Giao Công an tỉnh chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn tiêu chí này.

- UBND xã điều chỉnh đề án cho phù hợp và tổ chức thực hiện.

- Mục tiêu phấn đấu đên năm 2020: 100% các xã đạt tiêu chí này (54 xã).

IV. Vốn và nguồn vốn thực hiện Chương trình:

Khái toán tổng nhu cầu vốn xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 18.000 tỷ đồng (mười tám nghìn tỷ đồng), bao gồm các nguồn:

1. Vốn ngân sách:

- Vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

- Vốn trái phiếu Chính phủ đầu tư trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới.

- Vốn lồng ghép từ các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu.

- Vốn ngân sách của địa phương (tỉnh, huyện, xã).

2. Vốn tín dụng (bao gồm tín dụng đầu tư phát triển và tín dụng thương mại).

3. Vốn từ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác.

4. Vốn huy động đóng góp của cộng đồng dân cư.

5. Các nguồn vốn khác.

V. Các giải pháp chủ yếu thực hiện Chương trình:

1. Thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng nông thôn mới:

- Tiếp tục tổ chức phát động, tuyên truyền, phổ biến, vận động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân cùng tham gia, nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm của người dân; tập trung làm rõ và cụ thể hóa khẩu hiệu hành động: “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”, gắn với phương châm: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, với trọng tâm: “Phát triển sản xuất là gốc, nâng cao đời sống cho dân làm mục tiêu, lợi ích mang lại cho dân là động lực”; tích cực mở rộng dân chủ, phát huy tính tích cực, tự giác, sáng tạo của nông dân, nhằm đạt mục tiêu yêu cầu Kế hoạch đã đề ra.

- Thường xuyên cập nhật, đưa tin về các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến và kinh nghiệm hay về xây dựng nông thôn mới trên các phương tiện thông tin đại chúng để phổ biến và nhân rộng mô hình này.

- Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh có kế hoạch cụ thể tiếp tục phát động phong trào thi đua chung sức xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Tổ chức khen thưởng cá nhân, tập thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hàng năm và 05 năm giai đoạn 2016 - 2020.

2. Đào tạo cán bộ chuyên trách để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới:

- Hình thành đội ngũ cán bộ chuyên trách từ tỉnh đến huyện, xã để triển khai có hiệu quả chương trình.

- Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo, tập huấn cán bộ xây dựng nông thôn mới theo tinh thần Quyết định số 4044/QĐ-BNNPTNT-VPĐP ngày 12 tháng 10 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Chương trình đào tạo, bồi dưỡng cán bộ xây dựng nông thôn mới các cấp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2015 - 2020.

3. Điều hành, quản lý Chương trình:

- Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh, huyện (do đồng chí Chủ tịch UBND làm Trưởng ban), Ban Chỉ đạo xã (do đồng chí Bí thư Đảng ủy xã làm Trưởng ban), Ban Quản lý xã (do đồng chí Chủ tịch UBND xã làm Trưởng ban) và Ban Phát triển ấp (do đồng chí Trưởng ấp làm Trưởng ban).

- Củng cố, kiện toàn Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới các cấp theo Quyết định 1996/QĐ-TTG ngày 04 tháng 11 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức và biên chế của Văn phòng Điều phối giúp Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp.

4. Đẩy mạnh công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và địa phương trong thực hiện xây dựng nông thôn mới. Phát huy hơn nữa vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các phong trào xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016 - 2020, từng cấp, từng ngành, từng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cần tích cực tham gia hưởng ứng bằng những nội dung, hành động cụ thể, sát với tình hình thực tế và theo chức năng của đơn vị mình.

5. Tập trung huy động tổng hợp các nguồn lực để triển khai thực hiện Kế hoạch này, từ ngân sách Trung ương, ngân sách tỉnh, ngân sách huyện và khả năng đối ứng của ngân sách xã, các nguồn huy động và khả năng đóng góp của doanh nghiệp, của cộng đồng dân cư để xây dựng hoàn thành các xã đạt chuẩn nông thôn mới theo lộ trình đã đề ra, không nóng vội chạy theo thành tích.

6. Phân công các sở, ban, ngành, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo dõi, giúp đỡ 15 xã điểm xây dựng hoàn thành, đạt chuẩn nông mới theo đúng thời gian phân kỳ thực hiện.

VI. Phân công quản lý và tổ chức thực hiện:

1. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND xã căn cứ vào kế hoạch này chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện. Riêng đối với các sở, ban, ngành tỉnh được phân công chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện các tiêu chí nông thôn mới cập nhật các văn bản liên quan và có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các nội dung 19 tiêu chí nông thôn mới, phương thức kiểm tra, đánh giá xét công nhận, tái công nhận các tiêu chí hàng năm. Chậm nhất trong quý I/2016, gửi về Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, hướng dẫn các địa phương thực hiện.

2. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực tham gia thực hiện Chương trình; tiếp tục thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, gắn với xây dựng nông thôn mới, bổ sung các nội dung mới phù hợp với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

3. Trên cơ sở kế hoạch này, Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh tham mưu Ban Chỉ đạo Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh xây dựng và ban hành kế hoạch thực hiện xây dựng nông thôn mới hàng năm của tỉnh. Các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh xây dựng kế hoạch của đơn vị lồng ghép thực hiện xây dựng nông thôn mới và chỉ đạo hệ thống ngành các cấp phối hợp triển khai thực hiện.

4. Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch 05 năm, hàng năm có mục tiêu, lộ trình, giải pháp, phân công cụ thể để triển khai thực hiện tốt Chương trình nhằm góp phần hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chung của tỉnh.

5. Định kỳ hàng tháng, Ban Quản lý xã báo cáo về huyện và huyện báo cáo về Ban Chỉ đạo tỉnh (thông qua Văn phòng Điều phối Chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh) vào ngày 20 hàng tháng để tổng hợp, báo cáo cấp trên theo quy định. Định kỳ hàng quý, cấp xã sơ kết; 06 tháng cấp huyện sơ kết; 01 năm cấp tỉnh sơ kết.

Trên đây là nội dung Kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2016 - 2020, đề nghị sở, ban, ngành, đơn vị liên quan và UBND huyện, thị xã, thành phố chủ động phối hợp triển khai thực hiện kế hoạch đạt mục đích, yêu cầu đề ra và đúng quy định hiện hành. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu gặp khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, đề nghị các đơn vị phản ánh về Văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh kịp thời chỉ đạo./.

 

 

Nơi nhận:
- BCĐ TW Chương trình MTQG
về xây dựng nông thôn mới (để b/c);
- TT: TU, HĐND, UBND tỉnh;
- VP. TU và các Ban XD Đảng;
- UBMTTQVN và các Đoàn thể tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- UBND huyện, thị xã, thành phố;
- Lưu: VT, KTN.THH
d:/2016/KH/SNN/T1\
KH trien kh
ai 16 xa NTM, gđ 2026 - 2020

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lữ Văn Hùng