Thông tư liên tịch 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
Số hiệu: | 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT | Loại văn bản: | Thông tư liên tịch |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường | Người ký: | Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Bùi Cách Tuyến |
Ngày ban hành: | 08/12/2010 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 10/01/2011 | Số công báo: | Từ số 31 đến số 32 |
Lĩnh vực: | Môi trường, Trật tự an toàn xã hội, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
BỘ TÀI CHÍNH – BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 197/2010/TTLT-BTC-BTNMT |
Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2010 |
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 124/2005/NĐ-CP ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ quy định về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính.
Căn cứ Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2010 quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định việc thu, nộp tiền phạt, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định tại Nghị định số 117/2009/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2009 của Chính phủ về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
2. Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước; tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường và công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ bảo vệ môi trường địa phương.
3. Đối với các vụ vi phạm hành chính có tang vật, phương tiện vi phạm bị tịch thu, việc hỗ trợ kinh phí cho cơ quan xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo các quy định hiện hành về xử lý tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.
Điều 2. Sử dụng tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
1. Tiền thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường nộp vào ngân sách nhà nước qua tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước và được sử dụng chi cho các nội dung quy định tại Điều 5 Thông tư này và bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ Bảo vệ môi trường địa phương.
2. Việc quản lý, sử dụng tiền bổ sung nguồn vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam và Quỹ bảo vệ môi trường địa phương từ nguồn thu tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện theo quy chế quản lý tài chính của Quỹ.
Điều 3. Thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính
1. Việc nộp tiền thu xử phạt vi phạm hành chính do lực lượng của Trung ương trực tiếp ra quyết định xử phạt được thực hiện như sau:
a. Trường hợp lực lượng Trung ương có trụ sở và hoạt động ổn định tại địa phương thì tiền phạt được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước.
b. Trường hợp lực lượng Trung ương không có trụ sở tại địa phương để hoạt động ổn định trên địa bàn thì tiền phạt được nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Trung ương đó mở tại Kho bạc Nhà nước. Việc nộp tiền phạt được thực hiện tại địa bàn nơi ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Trên quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải ghi rõ số tài khoản tạm giữ của lực lượng Trung ương mở tại Kho bạc Nhà nước để Kho bạc Nhà nước nơi thu hộ chuyển tiền về Kho bạc Nhà nước nơi lực lượng Trung ương mở tài khoản tạm giữ.
2. Tiền phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền ở cơ quan cấp tỉnh xử phạt được nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước.
3. Tiền phạt vi phạm hành chính do người có thẩm quyền ở cơ quan cấp huyện, cấp xã xử phạt được nộp vào tài khoản tạm giữ của phòng tài chính mở tại Kho bạc Nhà nước.
4. Việc thu, nộp tiền phạt vi phạm hành chính được thực hiện bằng hình thức nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản theo quy định hiện hành.
QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
Điều 4. Việc phân bổ tiền thu xử phạt vi phạm hành chính được thực hiện như sau:
1. Đối với khoản tiền phạt do lực lượng Trung ương không có trụ sở tại địa phương để hoạt động ổn định trên địa bàn ra quyết định xử phạt:
a. Cơ quan chủ trì tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được sử dụng 70 % tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp vào tài khoản tạm giữ để chi cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
b. Số tiền còn lại nộp vào ngân sách Trung ương. Trên cơ sở đề nghị của Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam về nhu cầu vốn hoạt động và khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính xem xét trình các cấp có thẩm quyền cấp bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường Việt Nam trong dự toán ngân sách hàng năm.
2. Đối với khoản tiền phạt do lực lượng địa phương ra quyết định xử phạt (bao gồm cả lực lượng trung ương nhưng có trụ sở tại địa phương để hoạt động ổn định trên địa bàn):
a. Cơ quan chủ trì tiến hành kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường được sử dụng 70 % tổng số tiền thu phạt vi phạm hành chính nộp vào tài khoản tạm giữ để chi cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
b. Số tiền còn lại nộp vào ngân sách địa phương. Đối với các địa phương đã thành lập Quỹ bảo vệ môi trường, trên cơ sở đề nghị của Quỹ về nhu cầu vốn hoạt động và khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Sở Tài chính xem xét trình Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) cấp bổ sung vốn hoạt động cho Quỹ bảo vệ môi trường địa phương trong dự toán ngân sách hàng năm.
3. Định kỳ trước ngày 15 hàng tháng, Kho bạc nhà nước thực hiện việc trích chuyển tiền từ tài khoản tạm giữ của lực lượng trung ương và của Sở Tài chính về ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo tỷ lệ quy định tại Điều này
Phần kinh phí để lại cho các cơ quan, tổ chức chủ trì kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định tại Điều 4 Chương này được coi là 100% và sử dụng như sau:
1. Dành 40- 60 % để chi cho các nội dung:
a. Chi thông tin liên lạc, văn phòng phẩm và chi khác phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; chi hỗ trợ cước điện thoại di động cho cá nhân đi công tác ngoài hiện trường tối đa là 200.000 đ/người/tháng;
b. Chi mua tin: mức chi mua tin của mỗi vụ việc không quá 10% số tiền phạt và tối đa không quá 50.000.000đ (năm mươi triệu đồng);
Việc thanh toán chi phí mua tin phải có đầy đủ chứng từ theo quy định; trường hợp yêu cầu phải giữ bí mật tên người cung cấp tin, việc thanh toán khoản chi mua tin căn cứ vào phiếu chi với đầy đủ chữ ký của người trực tiếp chi tiền cho người cấp tin, của thủ quỹ, kế toán và thủ trưởng đơn vị trực tiếp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Thủ trưởng đơn vị trực tiếp xử lý vi phạm hành chính phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực trong việc thanh toán chi mua tin, đảm bảo chi đúng người, đúng việc.
c. Chi sửa chữa trang thiết bị, phương tiện, xăng dầu; chi thuê phương tiện, chi bổ sung hóa chất, nguyên vật liệu phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
d. Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia cưỡng chế và những người được cấp có thẩm quyền điều động trực tiếp tham gia cưỡng chế những công trình, dự án vi phạm pháp luật về môi trường. Mức chi bồi dưỡng bằng 10% mức lương tối thiểu do nhà nước quy định cho mỗi ngày tham gia cưỡng chế;
đ. Chi tập huấn, sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;
e. Chi công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật;
g. Chi xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu thanh tra môi trường phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; cập nhật thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường vào phần mềm cơ sở dữ liệu thanh tra môi trường trên phạm vi cả nước;
h. Chi bồi dưỡng cho lực lượng trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo thời gian thực tế tham gia nhưng tối đa là 1.000.000 đồng/người/tháng; chi thuê cộng tác viên thanh tra phục vụ công tác kiểm tra, thanh tra về môi trường;
i. Chi hỗ trợ ban đầu cho cán bộ, thanh tra viên, chiến sỹ cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường bị thương, tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường;
k. Chi phối hợp của cơ quan thanh tra, kiểm tra môi trường và cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường với các lực lượng khác cùng tham gia vào công tác bảo vệ môi trường tại quận, huyện, thành phố, thị xã và xã, phường, thị trấn nơi có cơ sở bị xử lý vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường;
l. Chi hỗ trợ cho các hoạt động khác có liên quan trực tiếp tới việc kiểm tra, giám sát, thanh tra môi trường;
Riêng đối với lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường, ngoài các nội dung chi như trên còn được sử dụng để chi cho các nội dung theo quy định tại Nghị định số 72/2010/NĐ-CP ngày 08 tháng 7 năm 2010 của Chính phủ quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường.
Mức chi cụ thể cho các nội dung trên được thực hiện theo chế độ quy định của nhà nước, đối với những nội dung chưa quy định mức chi, Thủ trưởng đơn vị quyết định chi và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Những khoản chi đã được thanh toán theo quy định tại Thông tư này để phục vụ cho công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo vệ môi trường thì không được thanh toán từ nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường theo quy định tại Thông tư liên tịch số 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT ngày 30 tháng 3 năm 2010 của Bộ Tài chính và Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường.
2. Số kinh phí còn lại được sử dụng để mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Việc mua sắm trang thiết bị thực hiện theo định mức, tiêu chuẩn, chế độ hiện hành.
HẠCH TOÁN, THANH TOÁN VÀ QUYẾT TOÁN VIỆC SỬ DỤNG TIỀN PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH
1. Đối với khoản tiền phạt do lực lượng địa phương ra quyết định xử phạt (bao gồm cả lực lượng trung ương có trụ sở ở địa phương để hoạt động ổn định trên địa bàn), người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm căn cứ vào số tiền phạt thu được và thực tế chi phí phát sinh trong quá trình thực hiện xử phạt vi phạm có văn bản đề nghị cơ quan tài chính cùng cấp thanh toán các khoản chi phí và hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
Căn cứ vào số tiền phạt vi phạm hành chính của từng đơn vị đã thực nộp vào tài khoản tạm giữ; trên cơ sở văn bản đề nghị thanh toán kinh phí của người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính, cơ quan tài chính có trách nhiệm kiểm soát các hồ sơ chứng từ liên quan các khoản chi phí và hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Điều 5 Thông tư này và lập Giấy uỷ nhiệm chi từ tài khoản tạm giữ gửi Kho bạc Nhà nước để thanh toán cho các đơn vị theo quy định. Việc thanh toán và hỗ trợ kinh phí được thực hiện chậm nhất là sau 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, trường hợp không thanh toán hoặc không hỗ trợ kinh phí thì cơ quan tài chính phải có văn bản thông báo rõ lý do cho đơn vị đã có văn bản đề nghị.
2. Đối với khoản tiền phạt vi phạm hành chính do lực lượng xử lý vi phạm ở Trung ương ra quyết định xử phạt mà đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan trung ương: Cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý vi phạm căn cứ vào thực tế thu tiền phạt năm trước và tình hình thu phạt trong năm để lập kế hoạch sử dụng theo chế độ quy định gửi cơ quan tài chính của Bộ mình để thẩm định, tổng hợp trình cấp có thẩm quyền quyết định việc sử dụng đối với phần kinh phí được để lại từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Thông tư này và quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Căn cứ vào kế hoạch sử dụng, Cơ quan trung ương là chủ tài khoản tạm giữ lập Giấy uỷ nhiệm chi gửi Kho bạc Nhà nước nơi mở tài khoản tạm giữ; căn cứ hồ sơ chứng từ và các điều kiện chi, Kho bạc Nhà nước kiểm soát và thanh toán các khoản chi phí và hỗ trợ kinh phí theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.
1. Các lực lượng chủ trì xử lý vi phạm hành chính được thanh toán chi phí và hỗ trợ kinh phí cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính từ nguồn thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường phải mở sổ sách để theo dõi, quản lý số kinh phí được hỗ trợ quy định tại Thông tư này và thực hiện công khai tại cơ quan, đơn vị.
2. Cuối năm, các lực lượng trực tiếp xử lý vi phạm hành chính được thanh toán chi phí và hỗ trợ kinh phí từ nguồn tiền phạt vi phạm hành chính phải quyết toán việc sử dụng kinh phí được thanh toán và hỗ trợ từ tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Số tiền thu phạt sử dụng không hết trong năm được chuyển sang năm sau sử dụng cho công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, xử lý vi phạm hành chính, công khai thông tin về tình hình ô nhiễm và vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.
1. Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm tổ chức thu tiền phạt kịp thời và tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng nộp tiền xử phạt vi phạm hành chính. Thực hiện theo dõi, hạch toán khoản thu, chi tiền phạt vi phạm hành chính theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành.
2. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ công an; cơ quan tài chính địa phương có trách nhiệm theo dõi việc thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thu từ xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường theo đúng quy định tại Thông tư này.
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 01 năm 2011.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan nhà nước và tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết./.
KT. BỘ TRƯỞNG |
KT. BỘ TRƯỞNG |
Nơi nhận: |
Nghị định 72/2010/NĐ-CP quy định về phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm và vi phạm pháp luật khác về môi trường Ban hành: 08/07/2010 | Cập nhật: 13/07/2010
Thông tư liên tịch 45/2010/TTLT-BTC-BTNMT hướng dẫn việc quản lý kinh phí sự nghiệp môi trường Ban hành: 30/03/2010 | Cập nhật: 02/04/2010
Nghị định 117/2009/NĐ-CP về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ môi trường Ban hành: 31/12/2009 | Cập nhật: 09/01/2010
Nghị định 118/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính Ban hành: 27/11/2008 | Cập nhật: 28/11/2008
Nghị định 25/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường Ban hành: 04/03/2008 | Cập nhật: 06/03/2008
Nghị định 124/2005/NĐ-CP về biên lai thu tiền phạt và quản lý, sử dụng tiền nộp phạt vi phạm hành chính Ban hành: 06/10/2005 | Cập nhật: 20/05/2006
Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước Ban hành: 06/06/2003 | Cập nhật: 06/12/2012