Thông tư 42/2020/TT-BGDĐT bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tịch ban hành trong lĩnh vực giáo dục
Số hiệu: 42/2020/TT-BGDĐT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Giáo dục và Đào tạo Người ký: Nguyễn Văn Phúc
Ngày ban hành: 03/11/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Giáo dục, đào tạo, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2020/TT-BGDĐT

Hà Nội, ngày 03 tháng 11 năm 2020

 

THÔNG TƯ

BÃI BỎ MỘT SỐ VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT DO BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO LIÊN TỊCH BAN HÀNH TRONG LĨNH VỰC GIÁO DỤC

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

Căn cứ Nghị định số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tịch ban hành trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 1. Bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tịch ban bành trong lĩnh vực giáo dục

Bãi bỏ toàn bộ các văn bản quy phạm pháp luật sau đây:

1. Chỉ thị số 17/CT-LT ngày 18 tháng 9 năm 1993 liên tịch giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Công đoàn giáo dục Việt Nam về việc tổ chức cuộc vận động “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm” trong cán bộ giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục - đào tạo.

2. Thông tư số 18/TTLT ngày 18 tháng 9 năm 1993 liên tịch giữa Bộ Giáo dục về Đào tạo với Công đoàn giáo dục Việt Nam hướng dẫn thực hiện cuộc vận động “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm" trong cán bộ giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục - đào tạo.

3. Chỉ thị số 11/CTLT ngày 01 tháng 7 năm 1995 liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo với Công đoàn giáo dục Việt Nam đẩy mạnh công tác xây dựng “Gia đình nhà giáo văn hóa” trong cán bộ, giáo viên, công nhân viên ngành giáo dục - đào tạo.

4. Thông tư liên tịch số 54/1998/TTLT-BGD&ĐT-BTC ngày 31 tháng 8 năm 1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn tổ chức thực hiện thu chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

5. Thông tư liên tịch số 66/1998/TTLT-GD&ĐT-TC ngày 26 tháng 12 năm 1998 của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện miễn thu học phí đối với học sinh, sinh viên.

6. Thông tư liên tịch số 23/1998/TT-LB quy định về nhiệm vụ, tổ chức thực hiện công tác Nha học đường.

7. Thông tư liên tịch số 38/2001/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 22 tháng 8 năm 2001 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn bổ sung Thông tư số 54/1998//TTLT-BGDĐT-BTC ngày 31 tháng 8 năm 1998 về thu, chi và quản lý học phí ở các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập thuộc hệ thống giáo dục quốc dân theo Quyết định số 70/1998/QĐ-TTg ngày 31 tháng 3 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ.

8. Thông tư liên tịch số 14/2005/TTLT-BGD&ĐT-BKH&ĐT ngày 14 tháng 4 năm 2005 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn một số điều của Nghị định số 06/2000/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2000 của Chính phủ về việc hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực khám chữa bệnh, giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học.

9. Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

10. Thông tư liên tịch số 14/2016/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 05 tháng 5 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung mục III của Thông tư liên tịch số 23/2008/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2008 của liên Bộ Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 152/2007/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về học bổng chính sách đối với học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.

11. Thông tư liên tịch số 14/2012/TTLT-BGDĐT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 4 năm 2012 của liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn cơ chế phối hợp cung cấp thông tin cho Trang thông tin điện tử “Vay vốn đi học”, phục vụ quản lý công tác tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

12. Thông tư liên tịch số 35/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 19 tháng 9 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Bộ trưởng Bộ Tài Chính hướng dẫn thực hiện khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 02 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

13. Thông tư liên tịch 29/2014/TTLT-BGDĐT-BTC-BLĐTBXH ngày 26 tháng 8 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về quản lý tài chính, kế toán, kiểm toán và thuế đối với hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo và dạy nghề.

Điều 2. Bãi bỏ một phần văn bản quy phạm pháp luật do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tịch ban hành trong lĩnh vực giáo dục

Bãi bỏ cụm từ “vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn” tại khoản 1, khoản 2 Mục II và bãi bỏ khoản 4, 6, 7, 8, 9 và 10 Mục II Thông tư liên tịch số 06/2007/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Điều 3. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 12 năm 2020.

Điều 4. Trách nhiệm thi hành

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế; thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; giám đốc sở giáo dục và đào tạo; giám đốc đại học, học viện; hiệu trưởng trường đại học; hiệu trưởng trường cao đẳng sư phạm; hiệu trưởng trường trung cấp sư phạm và thủ trưởng các Cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư.

 


Nơi nhận:

- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chính phủ;
- UBVHGDTNTNNĐ của Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương:
- Hội đồng QGGDPTNL;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp):
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Như Điều 4 (để thực hiện);
- Lưu: VT, Vụ PC (10).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Văn Phúc

 

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là Nghị định 61/2006/NĐ-CP):

1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và bổ sung Khoản 3 Điều 2 như sau:

“Điều 2. Đối tượng áp dụng

2. Vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Nghị định này bao gồm:

a) Các huyện đảo: Trường Sa, Hoàng Sa;

b) Các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Các thôn, buôn, xóm, bản, làng, phum, sóc, ấp... (gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ được áp dụng hưởng chính sách như quy định đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.”

2. Bổ sung Khoản 3 Điều 8 như sau:

“Điều 8. Phụ cấp thu hút

3. Tính từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đã hết thời hạn công tác theo quy định nhưng cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền chưa sắp xếp, luân chuyển công tác trở về nơi ở hoặc nơi làm việc cuối cùng trước khi luân chuyển đến công tác ở vùng có điều kiện kinh tê - xã hội đặc biệt khó khăn thì tiếp tục được hưởng phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có), nhưng thôi không hưởng phụ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn quy định tại Điều 5 Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là Nghị định 116/2010/NĐ-CP).”

Xem nội dung VB
II. CÁC CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG

1. Trợ cấp tham quan, học tập, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ

a) Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này hiện đang công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn:

- Được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền cử đi học bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ thì được đài thọ tiền mua tài liệu học tập (không tính tài liệu tham khảo), tiền học phí và thanh toán tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở, phụ cấp công tác trong thời gian đi học theo chế độ công tác phí hiện hành;

- Khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của năm học (đạt danh hiệu lao động tiên tiến, chiến sĩ thi đua, được cấp bằng lao động sáng tạo) thì được đơn vị tổ chức đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước mỗi năm ít nhất 1 lần và được đài thọ chi phí bao gồm tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở, công tác phí theo chế độ công tác phí hiện hành và các chi phí khác cho việc tổ chức đi tham quan thực tế phát sinh có đủ chứng từ hợp lệ và trong phạm vi dự toán được duyệt.

b) Hàng năm, ngay từ đầu năm học, các trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn căn cứ vào biên chế năm học lập kế hoạch cử nhà giáo, CBQLGD đi học bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ; kế hoạch tổ chức cho các nhà giáo, CBQLGD có thành tích xuất sắc đi tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các đơn vị trong nước kèm theo dự toán kinh phí gửi cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo trực tiếp phê duyệt.

Các trường chuyên biệt, các cơ sở giáo dục và đào tạo đang quản lý các nhà giáo, CBQLGD thực hiện việc thanh toán các khoản tiền mua tài liệu học tập, tiền học phí theo hóa đơn tài chính và biên lai thu của cơ sở đào tạo; tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở, công tác phí trong thời gian đi học theo chế độ công tác phí hiện hành.

Khoản tiền mua tài liệu học tập, tiền học phí, tiền mua vé tàu, xe, tiền thuê chỗ ở, công tác phí, chi phí tổ chức đi tham quan, học tập, bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm được hạch toán vào các mục, tiểu mục thích hợp của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

2. Phụ cấp ưu đãi

a) Đối tượng được hưởng:

- Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 mục I Thông tư này hiện đang công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

- Đối tượng quy định tại khoản 1 mục I Thông tư này không được tính hưởng phụ cấp ưu đãi trong các thời gian sau:

+ Thời gian đi công tác, làm việc, học tập ở nước ngoài hưởng 40% tiền lương theo quy định tại khoản 4 Điều 8 Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang (sau đây gọi tắt là Nghị định số 204/2004/NĐ-CP);

+ Thời gian đi công tác, học tập ở trong nước không tham gia giảng dạy liên tục trên 3 tháng;

+ Thời gian nghỉ việc riêng không hưởng lương liên tục từ 1 tháng trở lên;

+ Thời gian nghỉ ốm đau, thai sản vượt quá thời hạn theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành;

+ Thời gian bị đình chỉ giảng dạy, công tác.

- Nhà giáo, CBQLGD đã được hưởng phụ cấp ưu đãi theo hướng dẫn tại Thông tư này thì không được hưởng phụ cấp ưu đãi theo quy định tại Thông tư Liên tịch số 01/2006/TTLT-BGD&ĐT-BNV-BTC ngày 23 tháng 01 năm 2006 của Liên tịch Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 244/2005/QĐ-TTg ngày 06 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ phụ cấp ưu đãi đối với nhà giáo đang trực tiếp giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

b) Mức phụ cấp

- Mức phụ cấp 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại:

+ Các cơ sở giáo dục đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

+ Các trường chuyên biệt gồm: Trường trung học phổ thông chuyên; trường phổ thông dân tộc nội trú và trường, lớp dành cho người tàn tật, khuyết tật.

Riêng nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại các trường giáo dưỡng hưởng phụ cấp thâm niên nghề và phụ cấp phục vụ quốc phòng, an ninh quy định tại điểm a và đ khoản 8 Điều 6 của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP, trong trường hợp khoản phụ cấp được hưởng này thấp hơn mức quy định tại điểm b khoản 2 mục II của Thông tư này thì được hưởng thêm tỷ lệ phần trăm (%) chênh lệch để đạt được mức phụ cấp ưu đãi bằng 70% mức lương hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

- Mức phụ cấp 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) áp dụng đối với nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại các trường chuyên biệt không đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm: Trường phổ thông dân tộc bán trú; trường dự bị đại học và trường năng khiếu nghệ thuật, thể dục, thể thao.

c) Cách tính

Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [(hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.

Ví dụ 1. Một Hiệu trưởng trường tiểu học công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, có hệ số lương 3,06 bậc 7 ngạch giáo viên tiểu học (mã ngạch 15.114), phụ cấp chức vụ lãnh đạo hệ số 0,4, được hưởng phụ cấp ưu đãi mức 70%. Tiền phụ cấp ưu đãi đối với trường hợp này trong 1 tháng được tính như sau:

- Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng (tính từ 01/10/2004 đến 30/9/2005 với mức lương tối thiểu chung 290.000đ) = 290.000đ x (3,06 + 0,4) x 70% = 702.380đ.

- Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng (tính từ 01/10/2005 đến 30/9/2006 với mức lương tối thiểu chung 350.000đ) = 350.000đ x (3,06 + 0,4) x 70% = 847.700đ.

- Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng (tính từ 01/10/2006 với mức lương tối thiểu chung 450.000đ) = 450.000đ x (3,06 + 0,4) x 70% = l.089.900đ.

Ví dụ 2. Nhà giáo Nguyễn Văn A, hiện đang công tác tại trường giáo dưỡng, cấp bậc quân hàm đại úy, có hệ số lương 5,40, hưởng phụ cấp thâm niên nghề 20%. Mức phụ cấp ưu đãi của nhà giáo Nguyễn Văn A được hưởng thêm như sau: Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = 70% (phụ cấp ưu đãi theo quy định) - 20% (phụ cấp thâm niên nghề) = 50%.

- Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng (tính từ 01/10/2004 đến 30/9/2005 với mức lương tối thiểu chung 290.000đ) = 290.000đ x 5,40 x 50% = 783.000đ.

- Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng (tính từ 01/10/2005 đến 30/9/2006 với mức lương tối thiểu chung 350.000đ) = 350.000đ x 5,40 x 50% = 945.000đ.

- Tiền phụ cấp ưu đãi 1 tháng (tính từ 01/10/2006 với mức lương tối thiểu chung 450.000đ) = 450.000đ x 5,40 x 50% = 1.215.000đ.

d) Phương thức chi trả

- Phụ cấp này được trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè);

- Khoản phụ cấp này được hạch toán vào mục 102 tiểu mục 08 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB
II. CÁC CHẾ ĐỘ ĐƯỢC HƯỞNG
...

4. Phụ cấp thu hút

a) Đối tượng được hưởng

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này kể cả những người mới tốt nghiệp được cấp có thẩm quyền tuyển dụng và bố trí công tác (bao gồm người thuộc địa phương và từ địa phương khác đến) được cơ quan quản lý giáo dục có thẩm quyền điều động từ nơi không thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đến công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn.

b) Mức phụ cấp và thời gian hưởng

- Mức phụ cấp thu hút bằng 70% mức lương theo ngạch, bậc hiện hường cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

- Phụ cấp thu hút trả cho thời gian công tác thực tế của nhà giáo, CBQLGD tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nhưng thời gian được hưởng phụ cấp thu hút không quá 5 năm.

c) Cách tính

Tiền phụ cấp thu hút được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x 70%.

d) Thời điểm tính hưởng

- Nhà giáo, CBQLGD nhận quyết định điều động đến công tác ở cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 13/7/2006 (là ngày Nghị định số 61/2006/NĐ-CP có hiệu lực thi hành) trở về sau thì được tính hưởng kể từ ngày nhận quyết định.

Ví dụ 3. Ông Nguyễn Văn B, giáo viên tiểu học được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định ngày 01/8/2006 về công tác tại trường tiêu học M thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ông B được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày 01/8/2006.

- Nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn nhưng chưa được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP ngày 09/7/2001 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, CBQLGD công tác ở trường chuyên biệt, ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (sau đây gọi tắt là Nghị định số 35/2001/NĐ-CP), thì được tính hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày 13/7/2006.

Ví dụ 4. Ông Phan Văn C, giáo viên tiểu học được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định về công tác tại Trường tiểu học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn trước ngày 25/7/1996. Từ đó đến nay ông C vẫn đang công tác tại trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Ông C chưa hưởng phụ cấp thu hút quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP. Nay ông C được tính hưởng phụ cấp thu hút kể từ ngày
13/7/2006.

- Nhà giáo, CBQLGD đang công tác tại cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, đang và đã được hưởng phụ cấp thu hút quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP mà chưa đủ 5 năm thì tiếp tục được tính hưởng phụ cấp theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01/10/2004.

Ví dụ 5. Ông Nguyên Văn D, giáo viên tiểu học được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định về công tác tại Trường tiểu học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 01/8/2003. Từ đó đến nay, ông D vẫn đang công tác tại trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và đang hưởng phụ cấp thu hút quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP thì ông D được tính để truy lĩnh theo mức phụ cấp quy định tại Thông tư này kể từ 01/10/2004 với tổng thời gian hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP và Nghị định số 61/2006/NĐ-CP không quá 5 năm.

Ví dụ 6. Bà Lê Thị H, giáo viên tiểu học được cơ quan có thẩm quyền ký quyết định về công tác tại Trường tiểu học thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn từ ngày 01/8/1997. Từ đó đến nay, bà H vẫn đang công tác tại trường thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và đã được hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Nghị định số 35/2001/NĐ-CP từ ngày 25/7/2001 đến ngày 25/7/2002 (thời gian hưởng phụ cấp thu hút là 1 năm), thì bà H được tính hưởng phụ cấp thu hút theo quy định tại Thông tư này kể từ ngày 01/10/2004 với tổng thời gian hưởng phụ cấp thu hút theo Nghị định số 35/2001/NĐ-CP và Nghị định số 61/2006/NĐ-CP không quá 5 năm.

c) Phương thức chi trả

- Phụ cấp này được chi trả cùng kỳ lương hàng tháng (kể cả thời gian nghỉ hè);

- Khoản phụ cấp này được hạch toán vào mục 102 tiểu mục 02 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.
...

6. Trợ cấp lần đầu

a) Đối tượng và điều kiện được hưởng

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này kể cả những người mới tốt nghiệp được cấp có thẩm quyền tuyển dụng và bố trí công tác được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền luân chuyển đến công tác tại các cơ sở giáo dục và đào tạo đóng trên địa bàn thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn kể từ ngày 13/7/2006 trở về sau.

b) Mức trợ cấp và giải quyết chỗ ở

- Nhà giáo, CBQLGD đủ điều kiện trên được hưởng một khoản trợ cấp lần đầu 4.000.000đ (bốn triệu đồng) cho một người để hỗ trợ mua sắm những vật dụng cần thiết sớm ổn định cuộc sống của bản thân và gia đình;

- Nhà giáo, CBQLGD luân chuyển đến công tác ở cơ sở giáo dục và đào tạo được UBND cấp huyện nơi tiếp nhận giải quyết chỗ ở. Căn cứ vào số lượng nhà giáo, CBQLGD công tác tại cơ sở giáo dục và đào tạo có nhu cầu nhà ở và tình hình thực tế của địa phương, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng trong huyện xây dựng nhà ở tập thể (nhà công vụ) giáo viên hoặc xây thêm phòng ở tại khu tập thể giáo viên cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

c) Phương thức chi trả

- Trợ cấp này được cơ sở giáo dục và đào tạo nơi tiếp nhận nhà giáo, CBQLGD chi trả sau khi nhà giáo, CBQLGD đã nhận công tác;

- Khoản trợ cấp này được hạch toán vào mục 105 tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

7. Phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt và nước sạch

a) Đối tượng và điều kiện được hưởng

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này đang công tác và sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn mà tại nơi đang sinh sống thực sự thiếu nước ngọt và nước sạch theo mùa (gọi chung là vùng thiếu nước ngọt).

b) Xác định vùng thiếu nước ngọt, thời gian và mức được phụ cấp

Vùng thiếu nước ngọt theo mùa là vùng do điều kiện tự nhiên không có nước hoặc có nhưng không thể dùng để phục vụ cho sinh hoạt từ 01 tháng liên tục trở lên trong năm.

UBND cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thuộc quyền quản lý để quy định vùng thiếu nước ngọt, thời gian và mức hưởng phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt cho phù hợp.

c) Cách tính

- Thủ trưởng các cơ sở giáo dục tính chi phí phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt theo hướng dẫn sau:

Căn cứ để tính phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt cho một người, bao gồm:

+ Định mức tiêu chuẩn: 6 mét khối/người/tháng. (a)

+ Số tháng thực tế thiếu nước ngọt trong 1 năm. (b)

+ Chi phí mua và vận chuyển 1 mét khối nước ngọt đến nơi ở và làm việc của nhà giáo, CBQLGD do UBND cấp tỉnh quy định. (c)

+ Giá nước ngọt được tính trong tiền lương là giá kinh doanh một mét khối nước sinh hoạt do cấp có thẩm quyền ở địa phương quy định. (d)

Như vậy:

+ Mức phụ cấp được hưởng trong 1 tháng là: a x (c - d)

+ Mức phụ cấp được hưởng trong 1 năm là: a x (c - d) x b

- Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này công tác ở các trường thuộc Trung ương quản lý đóng trên địa bàn được hưởng phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt thì được hưởng theo mức quy định của địa phương có trường đóng.

d) Phương thức chi trả

- Khoản phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt được trả bằng tiền cùng kỳ lương hàng tháng;

- Khoản chi phụ cấp tiền mua và vận chuyển nước ngọt được hạch toán vào mục 105 tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

8. Phụ cấp lưu động

a) Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này công tác tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà trong tháng có từ 15 ngày trở lên đi đến các thôn, bản, phum, sóc được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung theo hướng dẫn tại Thông tư số 06/2005/TT-BNV ngày 05 tháng 01 năm 2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp lưu động đối với cán bộ, công chức, viên chức.

b) Khoản phụ cấp này được hạch toán vào mục 102 tiểu mục 06 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

9. Phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số

a) Đối tượng và điều kiện được hưởng

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này hiện đang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được người đứng đầu đơn vị, cơ sở giáo dục và đào tạo phân công trách nhiệm và đang trực tiếp làm công tác quản lý, chỉ đạo và dạy bằng tiếng và chữ viết của dân tộc thiểu số theo chương trình, tài liệu dạy học do ngành giáo dục ban hành, không phân biệt hình thức dạy thuần tiếng dân tộc hay dạy song ngữ (tiếng dân tộc - tiếng Việt).

b) Thời gian được hưởng

- Nếu nhà giáo, CBQLGD trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số 2 học kỳ trong 1 năm học thì được hưởng phụ cấp 9 tháng trong 1 năm học;

- Nếu nhà giáo, CBQLGD trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số 1 học kỳ trong 1 năm học thì được hưởng phụ cấp 4,5 tháng trong 1 năm học;

- Nếu dạy không đủ 1 học kỳ trong 1 năm học thì dạy tháng nào được trả phụ cấp trong tháng đó.

c) Mức phụ cấp và cách tính

Tiền phụ cấp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số bằng 50% mức lương theo ngạch, bậc hiện hưởng và phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

Mức phụ cấp được hưởng trong 1 tháng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x 50%.

d) Phương thức chi trà

- Phụ cấp này được tính để trả cùng kỳ lương hàng tháng;

- Phụ cấp này chỉ được trả trong thời gian nhà giáo, CBQLGD công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và trực tiếp dạy bằng tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số;

- Khoản phụ cấp này được hạch toán vào mục 102, tiểu mục 99 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

10. Chế độ trợ cấp tự học tiếng dân tộc thiểu số để phục vụ công tác

a) Đối tượng và điều kiện được hưởng

Nhà giáo, CBQLGD thuộc đối tượng áp dụng tại khoản 1 mục I Thông tư này đang công tác (bao gồm cả người dân tộc thiểu số tự học và sử dụng tiếng dân tộc thiểu số khác) tại các vùng dân tộc thiểu số thuộc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn phải thực sự tự học và sử dụng được thành thạo chữ viết và tiếng nói của người dân tộc thiểu số ở địa phương vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận đạt chuẩn quy định.

b) Chế độ được hưởng

- Được thanh toán tiền mua tài liệu học tập phục vụ cho việc tự học (không tính tài liệu tham khảo) tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số (nếu có) theo hóa đơn tài chính;

- Được trợ cấp tiền bồi dưỡng cho việc tự học tiếng và chữ viết của người dân tộc thiểu số. Mức hưởng cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định theo đề nghị của Sở giáo dục và đào tạo nhưng không vượt quá 5 triệu đồng cho một người.

c) Phương thức chi trả

- Tiền mua tài liệu học tập (không tính tiền mua tài liệu tham khảo) được cấp mỗi năm 1 lần theo hóa đơn tài chính thực mua và được trả không quá 3 năm;

- Tiền bồi dưỡng tự học được cấp 1 lần khi nhà giáo, CBQLGD tự học đạt được trình độ sử dụng thành thạo tiếng nói và chữ viết của người dân tộc thiểu số vào công tác giảng dạy, giáo dục học sinh và được cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo có thẩm quyền xác nhận;

- Khoản tiền mua tài liệu và tiền bồi dưỡng tự học được hạch toán vào các tiểu mục thích hợp thuộc mục 119 của chương, loại, khoản tương ứng theo mục lục ngân sách nhà nước.

Xem nội dung VB