Thông báo số 76/TB-VPCP về việc ý kiến kết luận của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Tập đoàn công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam về sản xuất kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư năm 2009
Số hiệu: 76/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Phạm Viết Muôn
Ngày ban hành: 09/03/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Công nghiệp, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ 
------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------

Số: 76/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 09 tháng 03 năm 2009

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI TẬP ĐOÀN CÔNG NGHIỆP THAN - KHOÁNG SẢN VIỆT NAM VỀ SẢN XUẤT KINH DOANH, XUẤT KHẨU VÀ ĐẦU TƯ NĂM 2009

Ngày 24 tháng 02 năm 2009, tại Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ để bàn về việc sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu và đầu tư của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam năm 2009. Tham dự cuộc họp các Phó Thủ tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Hoàng Trung Hải và lãnh đạo các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội, Văn phòng Chính phủ, Ngân hàng Phát triển Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Sau khi nghe lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam báo cáo, ý kiến phát biểu của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và của các Bộ, ngành, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

Phát triển công nghiệp than và khai khoáng là định hướng chiến lược quan trọng trong quá trình thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước của Đảng và Nhà nước ta. Phát huy truyền thống vẻ vang, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các địa phương có cơ sở sản xuất kinh doanh, từ khi thành lập (năm 2006) đến nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã có bước phát triển nhanh chóng, trở thành tập đoàn kinh tế nòng cốt, chủ lực trong sản xuất kinh doanh than và các loại khoáng sản kim loại màu quan trọng bảo đảm được nhu cầu than trong nước và xuất khẩu; hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tài chính lành mạnh, các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu năm sau đều cao hơn năm trước. Năm 2008, doanh thu 50 ngàn tỷ đồng, đạt 116% kế hoạch, tăng 31% so với năm 2007; sản xuất than sạch đạt 38,5 triệu tấn, tiêu thụ đạt 35,3 triệu tấn; tinh quặng đồng 39 ngàn tấn; kẽm thỏi 9,3 ngàn tấn; thiếc thỏi 1.150 tấn. Cơ khí mỏ, điện, vật liệu nổ công nghiệp, lắp ráp ôtô, đóng tàu, xi măng… phát triển tốt; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, công nhân viên được ổn định, điều kiện làm việc được cải thiện.

Tuy nhiên, thời gian qua với mô hình tổ chức mới, nền kinh tế chuyển đổi, khung pháp lý chưa hoàn thiện, điều kiện khai thác mỏ ngày càng khó khăn .. Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có một số tồn tại, nổi rõ là: Công tác bảo vệ, quản lý tài nguyên than còn lỏng lẻo; chưa phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền của tỉnh Quảng Ninh, tình trạng khai thác, vận chuyển, kinh doanh than trái phép có lúc nghiêm trọng; công tác an toàn lao động, nhất là trong khai thác hầm lò có nhiều yếu kém, số vụ tai nạn, số người chết chưa giảm một cách cơ bản. Công tác bảo vệ môi trường chưa đáp ứng với yêu cầu; tỷ lệ chi phí lương trong giá thành than còn thấp, đời sống thợ mỏ còn nhiều khó khăn ...

II. NHIỆM VỤ NĂM 2009

Kinh tế thế giới năm 2009 được dự báo sẽ khó khăn hơn năm 2008, khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới còn diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu ổn định; xuất khẩu sẽ khó khăn hơn, sản xuất và tiêu thụ bị thu hẹp, làm giảm khả năng sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, trong đó có Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được giao quản lý, khai thác phần lớn khoáng sản quan trọng của đất nước để phục vụ cho nền kinh tế quốc dân. Trong năm 2009 và những năm tiếp theo, các dự án lớn như; điện, xi măng, phân bón, thép, giấy … dần dần đi vào hoạt động nên nhu cầu tiêu thụ than tăng cao; giá than bán cho các hộ xi măng, giấy, phân bón được thực hiện theo cơ chế thị trường, đó là thuận lợi quan trọng làm cơ sở cho phát triển sản xuất, kinh doanh của Tập đoàn.

Mục tiêu, các chỉ tiêu kinh tế Tập đoàn đề ra trong năm 2009 là phù hợp. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh Tập đoàn cần làm tốt những việc sau đây:

- Về sản xuất than: bám sát Chiến lược phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 (Quyết định số 89/2008/QĐ-TTg ngày 07 tháng 7 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ) và Quy hoạch chi tiết phát triển ngành Than Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025 để lập kế hoạch thăm dò, chuẩn bị tài nguyên, trữ lượng, tính toán đầu tư, đàm phán với đối tác để nhập khẩu kể cả đầu tư khai thác than ở nước ngoài, để bảo đảm đủ nhu cầu than của nền kinh tế tăng cao sau năm 2010.

- Tiếp tục phát triển công nghiệp khai khoáng (đồng, chì, kẽm, thiếc, alumin-nhôm, sắt, titan) và các ngành công nghiệp khác đi đôi với nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hiệu quả của sản xuất kinh doanh.

- Khuyến khích Tập đoàn tham gia đầu tư vào các dự án phát triển nguồn điện, nhất là nhiệt điện than để cùng với Tập đoàn điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ vai trò chính trong phát triển nguồn điện quốc gia.

Căn cứ vào tình hình cụ thể, cho phép Tập đoàn thành lập một số tổng công ty hoạt động trong lĩnh vực khoáng sản, điện lực nêu trên để hoạt động có hiệu quả. Tập đoàn xây dựng đề án báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo quy định.

- Về cơ khí, hóa chất mỏ và đầu tư xây dựng khác; phối hợp với các ngành nghiên cứu để chế tạo động cơ ôtô; đẩy nhanh tiến độ dự án đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép đầu tư: Nitratamon, nhiệt điện Mạo Khê, nhiệt điện Nông Sơn, nhiệt điện Hải Hà, thủy điện Đồng Nai 5, … Căn cứ vào nguồn vốn, Tập đoàn rà soát, điều chỉnh việc đầu tư các dự án, tránh dàn trải, kém hiệu quả.

- Tiếp tục sắp xếp đổi mới doanh nghiệp theo sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên chức, đảm bảo an sinh xã hội.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc đầu vào lĩnh vực ngoài ngành sản xuất, kinh doanh chính, nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, bất động sản, trường hợp có nhu cầu phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ:

1. Giao Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Than Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2025, trong tháng 3 năm 2009.

2. Về quản lý than khu vực tỉnh Quảng Ninh: trên cơ sở các Giấy phép khai thác đã cấp cho các Công ty thành viên, Tập đoàn TKV làm việc cụ thể với Bộ Tài nguyên và Môi trường để có quyết định giao các khu vực mỏ than nêu trên cho Công ty mẹ - Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam quản lý, khai thác phù hợp với quy định của pháp luật về khoáng sản.

3. Về điều tra, thăm dò dưới mức - 300m Bể than Quảng Ninh giai đoạn II: Tập đoàn TKV báo cáo kết quả điều tra, đánh giá tiềm năng than giai đoạn I theo Quyết định số 243/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ làm cơ sở phê duyệt giai đoạn II theo quy định hiện hành.

4. Về Đề án thăm dò 4 vùng trống tại Quảng Ninh (bao gồm: khu vực từ Phả Lại đến Đông Triều, Vịnh Cuốc Bê - Cửa Lục, Nếp lõm Bảo Đài, Đông Quảng Lợi) và các khu vực còn lại theo Quyết định 481/QĐ-QLTN ngày 08 tháng 6 năm 1995 của Bộ Công nghiệp nặng (trước đây), giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn TKV tổng kết đánh giá tình hình thực hiện Thông báo số 109/TB-VPCP ngày 26 tháng 4 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ để thống nhất giải pháp quản lý tổng thể tài nguyên than vùng Quảng Ninh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

5. Về Bể than Đồng bằng Sông Hồng:

- Sớm hoàn chỉnh Đề án “Phát triển Bể than Đồng bằng Sông Hồng”, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi xin ý kiến Bộ Chính trị.

- Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam lập Đề án điều tra đánh giá tổng thể tài nguyên Bể than Đồng bằng Sông Hồng và vùng phụ cận.

- Tập đoàn TKV sớm hoàn chỉnh hồ sơ xin cấp Giấy phép thăm dò than tại khu vực Khoái Châu 1, tỉnh Hưng Yên để Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép.

- Giao Tập đoàn TKV nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ khí hóa than ngầm dưới lòng đất tại mỏ Khoái Châu 1, báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

6. Về điều tra thăm dò khoáng sản khác:

- Về điều tra cơ bản vùng quặng Titan - Zircon trong tầng cát đỏ 1.500km2 thuộc các tỉnh: Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu: Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm triển khai ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 980/VPCP-KTN ngày 18 tháng 02 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ; điều tra xong khu vực nào, kịp thời thông báo kết quả để Bộ Công Thương cập nhật thông tin, bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản Titan làm cơ sở để Tập đoàn TKV lập dự án thăm dò và triển khai các bước tiếp theo đúng quy định của pháp luật về khoáng sản.

- Việc thăm dò các khu vực liên quan đến hạ tầng giao thông, du lịch địa điểm nhà máy điện hạt nhân, Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, xử lý theo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại công văn số 3080/VPCP-KTN ngày 15 tháng 5 năm 2008 của Văn phòng Chính phủ.

- Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định, sớm cấp giấy phép thăm dò 09 dự án thăm dò bauxit tại Đắk Nông và Lâm Đồng.

- Về quặng đồng Tả Phời - Lào Cai: Tập đoàn TKV khẩn trương lập hồ sơ trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép thăm dò theo quy định; trên cơ sở kết quả thăm dò lập dự án đầu tư khai thác, chế biến sâu.

7. Đối với các dự án điện:

- Giao Bộ Công Thương xem xét đề nghị làm chủ đầu tư của TKV đối với Trung tâm nhiệt điện Nghệ An, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

- Về xây dựng, vận hành hệ thống cấp điện nội bộ: giao Bộ Công Thương chủ trì làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn TKV nghiên cứu, xây dựng và phê duyệt sơ đồ đấu nối để bảo đảm cấp điện an toàn cho khai thác mỏ; tránh đầu tư chồng chéo.

- Về giá bán điện cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam: giao Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam xây dựng cơ chế mua bán điện rõ ràng, bảo đảm lợi ích cho các bên; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam sớm ký kết hợp đồng mua bán điện của Nhà máy nhiệt điện Sơn Động đảm bảo lợi ích hài hòa cho hai bên.

8. Về giá bán than, chính sách thuế đối với than xuất khẩu, giá tính thuế tài nguyên đối với than:

- Giá than: theo lộ trình cho các hộ tiêu dùng trong nước đã theo giá thị trường. Riêng giá than cung cấp cho điện điều chỉnh theo lộ trình giá điện.

- Về chính sách thuế đối với than xuất khẩu, thực hiện theo quy định hiện hành.

- Giá tính thuế tài nguyên đối với than: Bộ Tài chính làm việc với Kiểm toán Nhà nước có hướng dẫn cụ thể để Tập đoàn TKV thực hiện.

9. Quỹ môi trường

- Cho phép Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam được trích 1% chi phí trong giá thành để lập quỹ môi trường, nếu không sử dụng hết được chuyển cho năm sau.

- Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn cụ thể việc thu phí bảo vệ môi trường đối với quặng sắt, quặng đồng tại các tỉnh: Lào Cai, Cao Bằng phù hợp với quy định hiện hành để cơ quan kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán đối với doanh nghiệp.

10. Về xuất khẩu và hợp tác đầu tư:

- Về xuất khẩu mỗi năm từ 3 đến 5 triệu tấn than cục và than cám tốt sang thị trường Nhật Bản và một số nước khác: giao Bộ Công Thương nghiên cứu, tính toán cung - cầu, trên nguyên tắc bảo đảm đủ cung cấp than cho tiêu dùng trong nước trước mắt cũng như lâu dài. chỉ xuất khẩu các chủng loại than trong nước không sử dụng hoặc ít có nhu cầu sử dụng, trình Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải xem xét, quyết định.

- Đồng ý xuất khẩu 20 ngàn tấn tinh quặng đồng trong năm 2009, giao Bộ Công Thương phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai kiểm tra và hướng dẫn thực hiện.

- Bộ Công Thương thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại văn bản số 8718/VPCP-KTN ngày 22 tháng 12 năm 2008 về xây dựng và phê duyệt quy chế xuất khẩu than xấu qua cảng Vạn Gia, tỉnh Quảng Ninh trong tháng 3 năm 2009.

- Việc hợp tác đầu tư theo cơ chế hợp đồng BOT đối với các dự án Nhà máy sàng tuyển, xây dựng mỏ hầm lò: Tập đoàn TKV lập một dự án trong lĩnh vực này làm thí điểm, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định và báo cáo kết quả để làm cơ sở triển khai cho các dự án tiếp theo.

11. Về điều chuyển công nhân viên chức, người lao động trong các đơn vị thành viên: Tập đoàn TKV làm việc cụ thể với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để có hướng dẫn cụ thể, trên nguyên tắc phải đảm bảo quyền lợi của người lao động theo quy định.

12. Tập đoàn TKV sớm triển khai các dự án: nhiệt điện Mạo Khê, nhiệt điện Nông Sơn, nhiệt điện Hải Hà, thủy điện Đồng Nai 5, Dự án sản xuất Nitratamon… Cho phép chỉ định các đơn vị thành viên Tập đoàn TKV thi công san lấp mặt bằng cụm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 để sớm triển khai dự án.

13. Về cơ chế chỉ định thầu trong nội bộ TKV: Tập đoàn lập danh mục những sản phẩm đặc thù cần chỉ định thầu trong nội bộ, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các cơ quan liên quan biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- TTg, các PTTgCP;
- Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBND các tỉnh: Quảng Ninh, Lào Cai, Hưng Yên;
- Các Tập đoàn: Than - Khoáng sản VN, Điện lực VN;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ: TH, KTTH, ĐMDN, ĐP, Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN (3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Phạm Viết Muôn