Thông báo số 109/TB-VPCP về việc ý kiến của Thủ tướng Phan Văn Khải Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Giáo dục tại phiên họp Hội đồng ngày 20 tháng 5 năm 2005
Số hiệu: | 109/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Trần Quốc Toản |
Ngày ban hành: | 31/05/2005 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | 07/06/2005 | Số công báo: | Số 7 |
Lĩnh vực: | Giáo dục, đào tạo, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 109/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 31 tháng 05 năm 2005 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CỦA THỦ TƯỚNG PHAN VĂN KHẢI CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA GIÁO DỤC TẠI PHIÊN HỌP HỘI ĐỒNG NGÀY 20 THÁNG 5 NĂM 2005
Ngày 20 tháng 5 năm 2005, tại Hà Nội, Hội đồng Quốc gia Giáo dục (HĐQGGD) đã họp để xem xét, thảo luận về Dự thảo đề cương chi tiết của Đề án đổi mới giáo dục đại học giai đoạn 2006 - 2020 và phương án điều chỉnh phân ban trung học phổ thông theo Nghị quyết 37/2004/QH11 của Quốc hội.
Tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Phạm Gia Khiêm, các thành viên Hội đồng, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo. Sau khi nghe báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, báo cáo thẩm định của các Tiểu ban chuyên môn của Hội đồng, ý kiến của các thành viên Hội đồng, Thủ tướng Phan Văn Khải - Chủ tịch Hội đồng đã phát biểu ý kiến chỉ đạo:
A. VỀ ĐỀ ÁN ĐỔI MỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC GIAI ĐOẠN 2006 - 2020
Giáo dục đại học có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, trong sự nghiệp công nghiệp hoá - hiện đại hoá nói chung và phát triển giáo dục nói riêng. Giáo dục đại học có điều kiện và cần thiết thực hiện phương châm đi tắt, đón đầu, chiếm lĩnh các đỉnh cao của khoa học - công nghệ. Vì vậy, đổi mới giáo dục đại học là cấp bách. Cần xác định rõ hướng đi cơ bản của đổi mới giáo dục đại học là: đổi mới tư duy và quan điểm về giáo dục đại học; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo đồng thời với việc mở rộng quy mô hợp lý đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội và nhu cầu học tập của nhân dân; chú trọng yếu tố con người để đảm bảo thực hiện thắng lợi công cuộc đổi mới.
Khi xây dựng đề án chi tiết cần tiếp tục làm rõ hơn các nội dung sau:
1. Những quan điểm cơ bản về đổi mới giáo dục đại học ở Việt Nam: giáo dục đại học Việt Nam phải đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của đất nước, đồng thời có bước đi thích hợp để nhanh chóng hội nhập khu vực và quốc tế;
2. Thiết kế cơ cấu hệ thống giáo dục đại học hoàn chỉnh, đồng bộ với giáo dục phổ thông và giáo dục nghề nghiệp nhằm mục tiêu vừa đào tạo đỉnh cao, vừa đáp ứng nhu cầu nhân lực cho phát triển ở các trình độ khác nhau, vừa nâng cao dân trí. Trường đại học phải là các trung tâm nghiên cứu khoa học gắn bó chặt chẽ và hữu cơ với các Viện nghiên cứu khoa học - công nghệ.
3. Chương trình đào tạo phải vừa thiết thực đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển kinh tế xã hội của đất nước, vừa tiếp cận trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới.
4. Quan tâm thích đáng đến đội ngũ giảng viên, có bước đột phá về đào tạo, lựa chọn giảng viên cho các trường đại học - cao đẳng (công lập và ngoài công lập) và cải tiến chế độ lương cho nhà giáo.
5. Giải quyết tốt mối quan hệ và phát triển đồng thời cả quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục đại học; cải tiến hệ thống tuyển sinh để giảm nhẹ công tác tuyển chọn đầu vào; giữ gìn kỷ cương nề nếp trong học tập, thi cử, đánh giá, ngăn chặn thói lười biếng, gian dối trong học tập để đảm bảo chất lượng đầu ra, chất lượng đào tạo.
6. Đẩy mạnh xã hội hoá giáo dục đại học theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Thực hiện công bằng xã hội, thu học phí của những người có khả năng chi trả để dành kinh phí nhà nước trợ cấp cho người nghèo, vùng nghèo và ưu đãi diện chính sách.
Xác định rõ những nguồn lực cần được huy động để thực hiện đổi mới giáo dục đại học: đầu tư của Nhà nước, đầu tư từ xã hội, hợp tác quốc tế và các giải pháp huy động khác.
Quy định rõ và thực hiện có hiệu quả cơ chế tự chủ và trách nhiệm của các trường đại học cao đẳng.
7. Nêu rõ những nội dung cơ bản, những khâu then chốt, đột phá cần thực hiện với lộ trình cụ thể đến 2010, 2015 và 2020 và dự báo các kết quả thu được.
8. Tiếp tục tham khảo ý kiến rộng rãi, học tập kinh nghiệm thế giới, nghiên cứu kỹ với tinh thần trách nhiệm rất cao trước nhân dân để xác định đúng những gì cần sửa đổi, cần đổi mới, phát triển; hạn chế đến mức thấp nhất các sai sót mà sau này phải điều chỉnh lại.
Đề án khung (tổng thể) cần được hoàn thiện và trình Chính phủ trong tháng 6 năm 2005.
Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban Chỉ đạo có đại diện các Bộ, ngành, Hội đồng Quốc gia Giáo dục và một số chuyên gia tham gia để chỉ đạo việc xây dựng đề án chi tiết thực hiện đổi mới giáo dục đại học Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2020.
B. VỀ PHƯƠNG ÁN ĐIỀU CHỈNH PHÂN BAN TRUNG HỌC PHỔ THÔNG
1. Việc tổ chức phân hoá học sinh trung học phổ thông là cần thiết và phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm sớm phát hiện năng lực cá nhân của học sinh giúp cho việc định hướng phát triển nghề nghiệp sau này. Tổ chức phân hoá hợp lý sẽ đáp ứng nhu cầu của đông đảo các gia đình, phụ huynh học sinh muốn chuẩn bị tốt cho con em tiếp tục học tập ở bậc đại học, cao đẳng, hoặc tham gia thị trường lao động; nhưng phương án tổ chức phân hoá phải có tính khả thi, phù hợp với điều kiện thực tế của hệ thống giáo dục phổ thông của nước ta hiện nay.
2. Khi tổ chức phân hoá cần hết sức chú trọng bảo đảm kiến thức chuẩn bậc phổ thông, bảo đảm cho học sinh khi tốt nghiệp có mặt bằng chung ngày càng được nâng cao về những hiểu biết, kỹ năng và năng lực cần thiết cho cuộc sống cũng như cho việc tiếp tục học tập ở các trình độ cao hơn.
3. Do xã hội luôn có nhu cầu đa dạng về định hướng năng lực cá nhân cho học sinh, đồng thời cũng phải tính đến yêu cầu về cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ nguồn nhân lực của đất nước trong từng giai đoạn phát triển, việc tổ chức phân ban cần được xây dựng một cách khoa học, mềm dẻo, đa dạng, kết hợp hữu cơ với phương án tự chọn trên nền kiến thức chuẩn. Chương trình phân ban cần định hướng thực hành, ứng dụng và tạo hứng thú trong học tập cho học sinh tránh đi sâu vào học thuật dẫn đến quá tải và nặng nề.
4. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần tiếp tục nghiên cứu kỹ điều kiện của nước ta, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, xác định rõ luận cứ và giải pháp khả thi cho các phương án phân ban khác nhau, trình Hội đồng trong phiên họp sắp tới.
5. Trong khi chưa có quyết định mới, Bộ GD-ĐT cần căn cứ vào chương trình chuẩn của THPT để chỉ đạo điều chỉnh chương trình, sách giáo khoa của ban khoa học tự nhiên và ban khoa học xã hội nhân văn đang thí điểm cho phù hợp với yêu cầu và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tiếp tục cho thí điểm trong năm học 2005 - 2006.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan có liên quan và các thành viên HĐQGGD biết và thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CP |