Thông báo 43/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về điều hành xuất khẩu gạo năm 2015
Số hiệu: 43/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
Ngày ban hành: 10/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2015

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI CUỘC HỌP VỀ ĐIỀU HÀNH XUẤT KHẨU GẠO NĂM 2015

Ngày 31 tháng 01 năm 2015, tại trụ sở Văn phòng Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã chủ trì cuộc họp về điều hành xuất khẩu gạo năm 2015. Tham dự cuộc họp có đại diện các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), Tổng công ty Lương thực miền Bắc, Tổng công ty Lương thực miền Nam. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Công Thương báo cáo và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải kết luận như sau:

Năm 2014, mặc dù còn khó khăn về thị trường với sự cạnh tranh gay gắt giữa các nước xuất khẩu gạo nhưng nhờ có sự điều hành linh hoạt của các Bộ, ngành và nỗ lực, cố gắng của hiệp hội, doanh nghiệp nên kết quả xuất khẩu gạo năm 2014 đạt được là tích cực, giúp tiêu thụ kịp thời thóc, gạo hàng hóa với mức giá cao hơn năm trước, bảo đảm người nông dân có lãi. Tuy nhiên, một số thị trường xuất khẩu gạo chịu sự cạnh tranh gay gắt dẫn đến giảm thị phần; quản lý xuất khẩu gạo qua biên giới còn một số bất cập; công tác xây dựng liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, giữa thương nhân và người nông dân còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu đề ra.

Dự báo tình hình xuất khẩu gạo năm 2015 tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả xuất khẩu gạo tháng 01 năm 2015 đạt thấp so với mục tiêu đề ra. Thương mại gạo thế giới chịu sự cạnh tranh ngày càng quyết liệt giữa các nước xuất khẩu gạo và áp lực giảm giá gạo. Vì vậy, để tiêu thụ hết thóc, gạo hàng hóa với mức giá có lợi cho người nông dân, đạt kết quả mục tiêu xuất khẩu gạo năm 2015, Phó Thủ tướng đồng ý về cơ bản với phương hướng điều hành và các giải pháp, kiến nghị của các Bộ, VFA đề ra trong công tác điều hành xuất khẩu gạo; trong đó yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan, VFA và các doanh nghiệp tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương:

a) Thường xuyên theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường xuất khẩu gạo, xây dựng các giải pháp về thị trường, xúc tiến thương mại cụ thể đối với từng thị trường trong năm 2015 theo hướng giữ vững và khai thác tối đa cơ hội của các thị trường tập trung, thị trường lớn, khôi phục các thị trường thương mại gạo truyền thống và từng bước phát triển thị trường mới, tiềm năng; thống nhất với Bộ Tài chính về nguồn, mức kinh phí cần thiết bổ sung để triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại gạo; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ trong tháng 02 năm 2015.

b) Chỉ đạo VFA và các thương nhân có biện pháp hiệu quả bảo đảm tiến hành giao dịch, đàm phán, ký kết và triển khai thực hiện các hợp đồng tập trung theo đúng quy định; có biện pháp xử lý kiên quyết những trường hợp không tuân thủ nghĩa vụ thực hiện hợp đồng tập trung đã ký.

c) Rà soát, phân tích kỹ cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu và nhu cầu thị trường, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo sản xuất với cơ cấu giống, diện tích trồng lúa cho phù hợp nhu cầu thị trường, bảo đảm tiêu thụ tốt lúa, gạo hàng hóa.

d) Đồng ý gia hạn thực hiện cơ chế cho phép một số đơn vị thuộc Tổng công ty Lương thực miền Bắc được sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo của Tổng công ty để xuất khẩu gạo qua biên giới theo chỉ đạo tại Thông báo số 198/TB-VPCP ngày 12 tháng 5 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ. Thời gian thực hiện đến hết năm 2015. Giao Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện cụ thể.

đ) Nghiên cứu, xây dựng Chiến lược xuất khẩu gạo của Việt Nam gắn với thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với ngành sản xuất lúa, gạo; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong năm 2015.

e) Đánh giá toàn diện việc thực hiện Nghị định số 109/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2010 về kinh doanh xuất khẩu gạo, báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Nghị định này vào cuối năm 2015 theo chỉ đạo tại Công văn số 1271 /VPCP-KTTH ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với cơ quan, địa phương:

a) Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 và có các giải pháp cụ thể đối với lĩnh vực sản xuất lúa, gạo; đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25 tháng 10 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ.

b) Chỉ đạo các địa phương thực hiện sản xuất lúa với cơ cấu giống chất lượng cao, diện tích trồng lúa các vụ trong năm phù hợp với nhu cầu thị trường để bảo đảm tiêu thụ thuận lợi, hiệu quả cao.

c) Rà soát các chính sách hỗ trợ cho sản xuất lúa theo hướng tăng cường hỗ trợ trực tiếp cho người nông dân, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

d) Khẩn trương hoàn thiện Đề án phát triển thương hiệu gạo của Việt Nam theo chỉ đạo tại Thông báo số 411/TB-VPCP ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Văn phòng Chính phủ; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 3 năm 2015.

đ) Bám sát diễn biến tiêu thụ lúa, gạo vụ Đông Xuân 2014 - 2015 để kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có biện pháp can thiệp thị trường khi cần thiết theo đúng quy định của pháp luật để hỗ trợ tiêu thụ tốt lúa, gạo hàng hóa trong nước, đồng thời bảo đảm hoạt động xuất khẩu gạo hiệu quả.

3. Bộ Tài chính chỉ đạo đơn vị chức năng kịp thời xem xét, giải quyết các vướng mắc trong thanh quyết toán kinh phí hỗ trợ tạm trữ thóc, gạo vụ Đông Xuân năm 2013 - 2014.

4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với VFA nghiên cứu, có các giải pháp phù hợp để hỗ trợ thương nhân xuất khẩu gạo tiếp cận tín dụng với lãi suất ưu đãi; rà soát cụ thể từng doanh nghiệp có khó khăn về tiếp cận tín dụng để có biện pháp chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả.

5. Hiệp hội Lương thực Việt Nam:

a) Nắm chắc tình hình xuất khẩu gạo của các thương nhân và diễn biến các thị trường xuất khẩu để kịp thời có giải pháp ứng phó với những biến động của thị trường, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo quy định.

b) Tích cực phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, thông tin thị trường.

c) Rà soát các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo, kịp thời đề xuất Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, cơ quan liên quan giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan, đơn vị liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng;
- Các Bộ: CT, NNPTNT, TC, KHĐT;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA);
- Các Tổng công ty Lương thực: miền Bắc, miền Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KTN, TKBT, TH, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTTH (3).LT

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 





Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo Ban hành: 04/11/2010 | Cập nhật: 06/11/2010