Thông báo 332/TB-VPCP năm 2016 kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại Hội nghị Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Số hiệu: 332/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Sỹ Hiệp
Ngày ban hành: 14/10/2016 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 332/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 10 năm 2016

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG VƯƠNG ĐÌNH HUỆ TẠI HỘI NGHỊ TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP GẮN VỚI QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT, THỦY LỢI, XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI, LIÊN KẾT HỢP TÁC PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG SẢN CHỦ LỰC THEO CHUỖI GIÁ TRỊ VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG VÀ KẾ HOẠCH HỢP TÁC LIÊN KẾT PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TIỂU VÙNG ĐỒNG THÁP MƯỜI

Ngày 27 tháng 9 năm 2016, tại tỉnh Đồng Tháp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ đã chủ trì Hội nghị Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi, xây dựng nông thôn mới, liên kết hợp tác phát triển sản xuất nông sản chủ lực theo chuỗi giá trị vùng đồng bằng sông Cửu Long và Kế hoạch hợp tác liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Tham dự Hội nghị có các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, các Bộ, cơ quan: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng, Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Phó Đoàn Đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố và lãnh đạo các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long; một số nhà khoa học, quản lý; đại diện một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng có liên quan. Sau khi nghe lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới thích ứng với biến đổi khí hậu vùng đồng bằng sông Cửu Long và ý kiến của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ có ý kiến kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH

1. Thay mặt Thủ tướng Chính phủ, ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực và kết quả 3 năm thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững (Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ) của các Bộ, ngành Trung ương và các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng, phê duyệt: 6 đề án tái cơ cấu các lĩnh vực (gồm: trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, chế biến nông lâm thủy sản và muối); 6 kế hoạch chuyên đề, trong đó nêu rõ 6 giải pháp để thực hiện tái cơ cấu. 13 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long đã xây dựng, phê duyệt đề án hoặc kế hoạch thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, một số tỉnh thành lập ban chỉ đạo và triển khai thực hiện đến cấp xã. Các địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, yêu cầu phải thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp; do vậy, nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của người dân đã chuyển biến tích cực. Các mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị các nông sản chủ lực của vùng như lúa gạo, trái cây, tôm, cá tra bước đầu được khẳng định và phát huy hiệu quả.

2. Về kết quả đạt được:

a) Trong lĩnh vực trồng trọt: Đến năm 2016, toàn vùng thực hiện chuyển đổi trên 78 ngàn ha đất lúa sang cây trồng khác, đem lại hiệu quả kinh tế cao (trung bình tăng 20 - 30%; một số mô hình tăng 50 - 80% so với trng lúa). Đã phát triển các vùng nguyên liệu sản xuất lúa chất lượng cao, đặc sản gắn với bao tiêu, chế biến và xuất khẩu trên cơ sở triển khai rộng khắp cánh đồng lớn, đưa nhiều tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; chú trọng sản xuất lúa theo mô hình VietGAP; quy hoạch cánh đồng lớn phục vụ xuất khẩu. Các địa phương đã lập kế hoạch sản xuất và cung ứng giống theo từng vụ, năm và có sự kiểm soát của cơ quan chuyên môn. Nghiên cứu tạo chọn 25 dòng lúa triển vọng chịu được khô hạn, 5 giống lúa xuất khẩu và một số giống chịu mặn, chịu hạn, chịu ngập úng.

b) Trong lĩnh vực thủy sản: Đã chủ động sản xuất giống thủy sản chất lượng đáp ứng yêu cầu sản xuất. Toàn vùng có trên 1.200 trại tôm giống, 626 ngàn ha nuôi tôm (chiếm 52% số trại và 93% diện tích nuôi cả nước). Tập trung nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh; chuyển dịch cơ cấu nuôi theo hướng tăng sản lượng tôm thẻ chân trắng.

Một số khó khăn về thị trường cá tra từng bước được tháo gỡ, hoạt động nuôi cá tra đã tăng trưởng trong năm 2016. Nuôi cá tra đã gắn với nhu cầu của thị trường và hướng tới liên kết theo chuỗi giá trị. Sản lượng thủy sản của vùng tăng lên hàng năm.

Đến nay, 7 tỉnh ven biển đã triển khai dự án đóng mới, nâng cấp 142/376 tàu cá xa bờ theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ; triển khai các mô hình ứng dụng tiến bộ trong khai thác và bảo quản sản phẩm trên tàu cá xa bờ.

c) Trong lĩnh vực chăn nuôi: Các địa phương đã xây dựng được cơ cấu chăn nuôi hợp lý, chọn được vật nuôi chủ lực, có lợi thế của vùng; hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm; phát triển một số mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi ngành hàng.

d) Trong lĩnh vực lâm nghiệp: Thực hiện Đề án tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp, các địa phương đã tích cực rà soát, hoàn thiện quy hoạch, phân loại rừng, có kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, nâng cao năng suất và giá trị rừng. Bước đầu hình thành liên kết giữa doanh nghiệp chế biến thủy sản với các tổ chức quản lý rừng trong xây dựng mô hình nuôi tôm - rừng và thu mua sản phẩm với giá cao hơn cho người nuôi.

đ) Về đổi mới hình thức tổ chức sản xuất: Toàn vùng có trên 1.200 hợp tác xã nông nghiệp (chiếm 11,5% số HTX nông nghiệp cả nước), với số lượng và chất lượng được nâng lên hàng năm; số hợp tác xã hoạt động hiệu quả đt tỷ lệ cao hơn so với cả nước. Tổ hợp tác trong nông nghiệp phát triển khá mạnh, có vai trò quan trọng, mang tính đột phá trong thực hiện tái cơ cấu ngành. Kinh tế trang trại đang có xu hướng phát triển tích cực, nhất là ở các hộ gia đình có tiềm năng về đất, vốn, kinh nghiệm sản xuất, cách thức tổ chức sản xuất, kinh doanh tiên tiến.

Mô hình liên kết sản xuất theo hợp đồng đã tác động tích cực đến từng xã viên HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Qua đó đã hình thành mối liên kết Nông dân - HTX - Doanh nghiệp và Tổ viên HTX - Tổ hợp tác - Doanh nghiệp trong sản xuất và bao tiêu lúa gạo.

e) Về cơ giới hóa nông nghiệp: Tỷ lệ cơ giới hóa trong nông nghiệp tăng nhanh, góp phần bảo đảm thời vụ, tăng năng suất, chất lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch, hạ giá thành sản phẩm. Diện tích đất lúa được làm bằng máy đạt bình quân 96% (cả nước 90%); phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy đạt 72% (cả nước 45%); diện tích lúa được gặt đập liên hợp bằng máy đạt 76% (cả nước 35%); sấy chủ động 46%, xay sát lúa gạo đạt 100%.

g) Về xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp: Được đẩy mạnh và đang trở thành phong trào rộng khắp, có hiệu quả, làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Toàn vùng có 1.284 xã, bình quân đạt 13,45 tiêu chí xã nông thôn mới (tăng 1,5 tiêu chí/xã so với năm 2015); trong đó, 259 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí (240 xã đã được công nhận), kết quả toàn vùng đạt cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước.

3. Về khó khăn, hạn chế:

Bên cạnh kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long còn một số khó khăn, hạn chế: Việc triển khai thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành ở các địa phương chưa thực sự quyết liệt, thiếu đồng bộ. Một số địa phương đã sớm triển khai thực hiện Đề án, đạt được kết quả khá rõ nét (như Đồng Tháp) nhưng vẫn còn nhiều địa phương triển khai chậm. Công tác đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất chậm; việc triển khai Luật hợp tác xã 2012 còn lúng túng; liên kết nông dân - doanh nghiệp, hợp tác xã - doanh nghiệp chưa chặt chẽ; kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng cao. Diện tích cánh đồng lớn mới đạt 3,3% diện tích vùng; mới chuyển đổi được trên 78 ngàn ha/1.800 ngàn ha đất lúa của vùng sang trồng cây khác. Sự liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các tiểu vùng và vùng đồng bằng sông Cửu Long với các vùng khác trong cả nước còn hạn chế. Chưa ban hành được bộ tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện tái cơ cấu ngành nên các địa phương đánh giá gặp khó khăn. Tăng trưởng còn tập trung theo chiều rộng, tận dụng tài nguyên thiên nhiên và lạm dụng hóa chất, chưa phát huy tốt vai trò của khoa học công nghệ. Thị trường tiêu thụ nông sản chủ lực không ổn định; chưa xây dựng được nhiều thương hiệu nông sản. Năng suất, chất lượng một số loại nông sản còn thấp, chi phí sản xuất cao, khả năng cạnh tranh thấp, quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập, chưa truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Việc triển khai thực hiện các chính sách còn chậm, hiệu quả chưa cao.

II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRONG THỜI GIAN TỚI

Tái cơ cấu nông nghiệp là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta, đây là một quá trình lâu dài, là bộ phận quan trọng của tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế. Tái cơ cấu nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long đã và đang đặt ra nhu cầu bức thiết, không chỉ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp mà còn phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Để tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp của vùng và thực hiện Đề án tái cơ cấu, Phó Thủ tưng cơ bản nhất trí với các nhiệm vụ giải pháp được nêu trong báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và ý kiến của các đại biểu; đồng thời, đề nghị các các địa phương, các Bộ, cơ quan liên quan tập trung vào một số trọng tâm sau:

1. Tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thủy lợi là vấn đề cấp bách của đồng bằng sông Cửu Long trước thách thức của biến đổi khí hậu, thiếu hụt nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Kông.

a) Phải thực hiện đồng bộ giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, gắn sản xuất với tiêu thụ theo yêu cầu của thị trường; gắn công nghiệp với nông nghiệp, nông nghiệp với dịch vụ, kinh tế hộ với kinh tế hợp tác; đẩy mạnh liên kết sản xuất theo tiểu vùng và vùng đồng bằng sông Cửu Long; sản xuất theo chuỗi giá trị từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, bảo quản, chế biến, đóng gói, tiêu thụ. Các địa phương tiếp tục chỉ đạo tổng kết rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả cao trong sản xuất.

b) Trên cơ sở kết quả thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp của các địa phương 3 năm qua, những kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp, các địa phương trong vùng cần tiếp tục nhân diện, đánh giá về cách làm để tái cơ cấu đạt mục tiêu quan trọng nhất là gia tăng giá trị cây trồng, vật nuôi và nâng cao giá trị sản xuất trên mỗi đơn vị diện tích canh tác; nâng cao mức sống của người dân, phát triển bền vững, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

c) Việc chuyển trồng lúa sang cây trồng khác cần tính đến thị trường và sức cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, các địa phương cùng các Bộ, ngành cần xác định lại bản đồ sử dụng đất lúa phù hợp với thực tiễn của đồng bằng sông Cửu Long, gắn với tìm kiếm thị trường tiêu thụ, các giải pháp hỗ trợ về vốn, chính sách, cơ chế của nhà nước cho doanh nghiệp và người dân. Việc chuyển đổi trồng lúa sang trồng cây, nuôi con khác cần được nghiên cứu kỹ và triển khai quyết liệt, xem đây là nhiệm vụ quan trọng của 5 năm tới. Đồng thời, các địa phương cần lựa chọn sản phẩm nông nghiệp chủ lực không chồng chéo, cạnh tranh với nhau và phát triển sản xuất theo chuỗi; xây dựng thương hiệu bằng các đề án cụ thể theo kinh nghiệm của tỉnh Đồng Tháp.

d) Việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, tái cơ cấu ngành nông nghiệp là rất quan trọng đối với cộng đồng dân cư và từng hộ gia đình để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm. Chú trọng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp thông minh..., nhưng không nhất thiết các địa phương đều xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cần nghiên cứu kỹ để tránh lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội. Các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu đóng vai trò vườn ươm, trình diễn kỹ thuật; cân nhắc việc thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, sản xuất.

đ) Thực hiện tốt công tác dự báo thị trường trong nước, thị trường quốc tế và các thị trường tiềm năng đối với các nông sản chủ lực của vùng để lập kế hoạch sản xuất, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Trên cơ sở các đề án, kế hoạch cụ thể đã được phê duyệt, cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích, đánh giá để có căn cứ khoa học, khách quan đối với từng ngành hàng, từng loại sản phẩm về lợi thế, khả năng cạnh tranh và những khó khăn, thách thức trong tiêu thụ để điều chỉnh cho phù hợp, bảo đảm hiệu quả sản xuất.

e) Rà soát các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp trong thời gian qua của Trung ương và địa phương; từ đó, tiếp tục nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp để thu hút vốn đầu tư xã hội cho mục tiêu phát triển nông nghiệp theo Đề án tái cơ cấu.

g) Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới theo Quyết định 1600/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; trong đó, tập trung kiện toàn bộ máy chỉ đạo của các địa phương, xây dựng kế hoạch triển khai chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới; đồng thời rà soát, kiến nghị điều chỉnh các tiêu chí nông thôn mới cho phù hợp với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

2. Các địa phương tập trung rà soát, cập nhật quy hoạch, chủ động thực hiện có hiệu quả liên kết vùng, tiểu vùng trong quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng cho sản xuất nông nghiệp; tập trung nguồn lực, tránh lãng phí.

a) Giao Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng chủ trì, phối hợp với các tỉnh thuộc tiểu vùng Bán đảo Cà Mau xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Bán đảo Cà Mau”; giao Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp với các tỉnh thuộc tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên xây dựng Đề án “Liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên”; lấy ý kiến các Bộ, cơ quan liên quan và các nhà khoa học, gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

b) Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp chủ trì, phối hợp với các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười và các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai: Điều tra, đánh giá tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp tiểu vùng Đồng Tháp Mười; định hướng phát triển bền vững và giải pháp thực hiện liên kết tiểu vùng. Bổ sung thông tin về thị trường nông sản chủ lực của các tỉnh thuộc tiểu vùng. Xây dựng cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp vào đầu tư trong tiểu vùng; cơ chế điều phối liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười và khuyến nghị cơ chế điều phối liên kết vùng đồng bằng sông Cửu Long.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư ưu tiên bố trí ngân sách trung ương giai đoạn 2016 - 2020 cho tái cơ cấu nông nghiệp;

b) Trên cơ sở cập nhật kịch bản về biến đổi khí hậu, chủ trì rà soát quy hoạch, sử dụng đất nông, lâm nghiệp, thủy sản, quy hoạch thủy lợi cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, gắn với đặc điểm của từng tiểu vùng, theo tài nguyên nước của 03 vùng: nước mặn, nước lợ và nước ngọt.

c) Chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu tổ chức thực hiện xúc tiến thương mại, thông tin thị trường; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp.

d) Chủ trì, phối hợp với các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Cửu Long xây dựng sản phẩm chủ lực về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản để xây dựng chuỗi giá trị; xây dựng chương trình sản phẩm đặc sản để tổ chức và hỗ trợ sản xuất.

đ) Nghiên cứu, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan kiến nghị Chính phủ các giải pháp về nguồn lực để thực hiện các chính sách đã nêu tại Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 21 tháng 3 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về thí điểm hoàn thiện, nhân rộng mô hình hợp tác xã kiểu mới vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020; đồng thời, hỗ trợ các địa phương trong vùng xây dựng nội dung và giải pháp thực hiện liên kết phát triển bền vững các tiểu vùng và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

4. Các Bộ, ngành Trung ương: Tiếp tục quan tâm, hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương vùng đồng bằng sông Cửu Long. Hoàn thiện các cơ chế, chính sách đẩy mạnh liên kết vùng, tiểu vùng; đồng thời phối hợp, hỗ trợ các địa phương xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và quy hoạch ngành, sản phẩm chủ yếu; đề xuất sửa đổi, bổ sung những quy định phù hợp với thực tiễn của tiểu vùng và của vùng.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vùng đồng bằng sông Cửu Long, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, NN&PTNT, TN&MT, CT,
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBND các tỉnh, TP đồng bằng sông Cửu Long;
- Đoàn ĐB Quốc hội các tỉnh, TP đồng bằng sông Cửu Long;
- Ban Kinh tế Trung ương Đảng;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Liên minh HTX Việt Nam;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ;
- Các thành viên BCĐ liên ngành về TCCNN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTgCP, các Vụ: KTTH, TH, TKBT, TGĐ Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, KTN(3).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ
CHỦ NHIỆM




Nguyễn Sỹ Hiệp

 





Nghị định 67/2014/NĐ-CP về chính sách phát triển thủy sản Ban hành: 07/07/2014 | Cập nhật: 10/07/2014