Thông báo 295/TB-VPCP về kết luận của Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại Hội nghị ban chỉ đạo Tây Bắc
Số hiệu: 295/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Văn Trọng Lý
Ngày ban hành: 21/09/2009 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 295/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 21 tháng 09 năm 2009

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG TRƯƠNG VĨNH TRỌNG TẠI HỘI NGHỊ BAN CHỈ ĐẠO TÂY BẮC

Trong các ngày 22 và 23 tháng 8 năm 2009 tại Yên Bái, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã chủ trì Hội nghị doanh nghiệp hỗ trợ các huyện nghèo thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; Hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc đánh giá công tác 8 tháng đầu năm 2009 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2009. Tham dự các Hội nghị trên có các thành viên Ban Chỉ đạo, một số doanh nghiệp và lãnh đạo của 43 huyện nghèo thuộc vùng Tây Bắc

Tại Hội nghị Ban Chỉ đạo Tây Bắc, sau khi nghe Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc báo cáo kết quả hoạt động trong 8 tháng đầu năm và phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2009, các Bộ: Lao động – Thương binh và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư báo cáo các chuyên đề và ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng đã có ý kiến kết luận như sau:

I. ĐÁNH GIÁ CHUNG

1. Trong 8 tháng đầu năm 2009 vừa qua, trong điều kiện khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, suy giảm kinh tế trong nước và thiên tai liên tiếp xảy ra, gây thiệt hại lớn về người, tài sản cho một số tỉnh trong Vùng, nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong Vùng đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn, tiếp tục đạt được kết quả toàn diện: kinh tế các tỉnh cơ bản giữ được ổn định tốc độ, tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) toàn Vùng ước đạt 7,81%; cơ cấu sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp chuyển dịch tích cực, cây cao su và cây nguyên liệu giấy phát triển nhanh, hình thành các vùng sản xuất tập trung; sản xuất công nghiệp, dịch vụ được duy trì và đang phục hồi; các dự án giao thông đường bộ trọng điểm được đẩy nhanh; văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống đồng bào các dân tộc cơ bản ổn định; quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng GDP toàn Vùng giảm 2,1% so với cùng kỳ năm 2008; sản xuất công nghiệp của một số địa phương gặp nhiều khó khăn, thương mại, dịch vụ tăng chậm; một số địa phương chưa tận dụng phát huy tốt các gói kích cầu, tiến độ triển khai nhiều dự án còn chậm so với chỉ đạo của Chính phủ, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục thuộc nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, nhất là đồng bào ở vùng cao và vùng bị thiên tai; tình trạng di cư tự do, hoạt động truyền đạo trái pháp luật, khiếu kiện, vượt biên trái phép, buôn bán phụ nữ, trẻ em qua biên giới, buôn bán ma túy vẫn còn diễn biến phức tạp; hệ thống chính trị cơ sở nhiều nơi chưa thực sự vững mạnh, năng lực đội ngũ cán bộ còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của tình hình mới.

2. Các địa phương có huyện nghèo và nhiều doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ theo tinh thần Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 57/TB-VPCP ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ; đã có 41 Doanh nghiệp đăng ký, cam kết hỗ trợ, giúp đỡ 62 huyện nghèo trên 1.600 tỷ đồng, trong đó có 33 doanh nghiệp nhận hỗ trợ 36 huyện nghèo của vùng Tây Bắc là 1.290,9 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xóa nhà dột nát, xây dựng cơ sở y tế, giáo dục và kết cấu hạ tầng xã hội; hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo; hỗ trợ sản xuất, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề miễn phí và tiếp nhận lao động vào làm việc tại các đơn vị trực thuộc để tăng thu nhập cho các hộ dân.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, việc triển khai hỗ trợ, giúp đỡ huyện nghèo của các doanh nghiệp thực hiện còn chậm; một số doanh nghiệp chưa tiến hành khảo sát, xây dựng chương trình hỗ trợ, giúp đỡ cụ thể, sát hợp với yêu cầu giải quyết khó khăn của địa phương. Việc khảo sát tiềm năng, lợi thế ở mỗi vùng để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh nhằm tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hộ nghèo chưa được nhiều. Chính quyền các cấp ở một vài địa phương chưa chủ động, phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp để triển khai, thực hiện nhiệm vụ.

3. Về hoạt động của Ban Chỉ đạo: Trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, đề cao tinh thần chủ động, lựa chọn những nội dung công tác trọng tâm để tập trung chỉ đạo. Các hoạt động của Cơ quan chuyên trách, các thành viên kiêm nhiệm tại các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực và có hiệu quả hơn. Quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ có nhiều sáng tạo và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương liên quan; nhiều nội dung công tác của Ban đã giúp cho các địa phương trong Vùng giải quyết những khó khăn, vướng mắc.

Lưu ý một số điểm: việc nắm thông tin ở một số lĩnh vực, địa phương chưa đầy đủ và kịp thời; công tác kiểm tra, đôn đốc chưa thường xuyên, chưa tập trung vào các chương trình, dự án trọng điểm, khó khăn để tháo gỡ; kết quả nghiên cứu, tham mưu đề xuất chưa được nhiều.

II. NHIỆM VỤ THỜI GIAN TỚI

Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm 2009 đã đề ra; rà soát, bổ sung thêm các giải pháp, chú trọng một số nhiệm vụ cơ bản sau:

1. Về việc triển khai các biện pháp hỗ trợ các huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

- Các Bộ, ngành liên quan cần khẩn trương hoàn thành các văn bản hướng dẫn về thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP theo chỉ đạo của Chính phủ; tiếp tục vận động các doanh nghiệp hỗ trợ, giúp đỡ các huyện nghèo; khảo sát thực tế, xây dựng chương trình, huy động nguồn lực và triển khai các hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả cao nhất;

- Ủy ban nhân dân các tỉnh khẩn trương thẩm định, phê duyệt Đề án giảm nghèo của các huyện chưa phê duyệt; chỉ đạo các huyện nghèo cân đối các nguồn kinh phí, sử dụng nguồn vốn tạm ứng, lồng ghép với nguồn vốn các chương trình, dự án và nguồn hỗ trợ của doanh nghiệp, thực hiện ngay các chính sách đặc thù quy định tại Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp triển khai các hoạt động hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nghề, xuất khẩu lao động, tạo việc làm cho con em hộ nghèo; thực hiện tốt quy chế dân chủ, công khai, phát huy vai trò người dân trong việc tham gia giám sát quá trình thực hiện các chính sách, dự án trên địa bàn.

- Các doanh nghiệp được phân công giúp đỡ huyện nghèo: những đơn vị đã có chương trình, kế hoạch cụ thể, cần triển khai thực hiện ngay các cam kết với địa phương; các đơn vị chưa triển khai, cần khẩn trương hoàn thành công tác khảo sát, thống nhất với địa phương về khả năng kinh phí, các nội dung công việc, phương thức hỗ trợ và sớm triển khai thực hiện hỗ trợ cho địa phương theo cam kết;

Đối với các khoản hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo … cần trao đổi thống nhất với địa phương để lựa chọn phương thức hỗ trợ phù hợp với từng đối tượng, hoàn cảnh cụ thể và phong tục tập quán của địa phương để nâng cao hiệu quả của việc hỗ trợ; phải thường xuyên trao đổi, giám sát để bảo đảm các nguồn hỗ trợ đến đúng đối tượng, tránh thất thoát, lãng phí.

2. Đối với các tỉnh trong Vùng

Các tỉnh cần tập trung thực hiện hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ về kinh tế - xã hội năm 2009 của địa phương đã đề ra, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009, đồng thời rút ngắn khoảng cách chênh lệch về phát triển, về mức sống của từng địa phương so với các địa phương của các vùng khác, chú trọng các nhiệm vụ sau:

- Tiếp tục thực hiện các giải pháp ổn định kinh tế, ngăn chặn suy giảm kinh tế, phòng ngừa lạm phát theo chỉ đạo của Chính phủ; thực hiện có hiệu quả các giải pháp kích cầu đầu tư và tiêu dùng; rà soát, tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; phối hợp, đôn đốc các đơn vị liên quan bố trí đủ lực lượng thi công để đảm bảo tiến độ các tuyến giao thông huyết mạch, các tuyến đường tuần tra biên giới …; đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng các dự án giáo dục, y tế …;

- Chỉ đạo quyết liệt các giải pháp tiêu thụ nông, lâm sản, nhất là chè, cây nguyên liệu gỗ, giấy, …; tăng cường lực lượng, chủ động phòng, chống dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, đấu tranh có hiệu quả với nạn phá rừng; triển khai các dự án trồng cao su; tạo quỹ đất để phát triển cao su đại điền, gắn với hình thành các tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp với hộ nông dân để chăm sóc, bảo vệ cây trồng, gắn lợi ích lâu dài của người dân với doanh nghiệp trong suốt quá trình triển khai thực hiện;

- Triển khai mạnh mẽ các hoạt động đảm bảo an sinh xã hội; tập trung cao cho việc tổ chức thực hiện các đề án giảm nghèo nhanh và bền vững ở 43 huyện nghèo trong Vùng theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; tăng cường chỉ đạo công tác phòng chống thiên tai, khẩn trương di dời dân cư khỏi các địa bàn có nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất; chuẩn bị đầy đủ phương tiện, lực lượng theo phương châm “4 tại chỗ” để tổ chức cứu trợ kịp thời khi có thiên tai xảy ra;

- Tập trung cao hơn cho công tác giáo dục ở vùng cao, vùng xa; bằng kinh nghiệm thực tiễn ở địa phương và các chính sách đặc thù, tổ chức các hình thức giáo dục phổ thông dân tộc bán trú, bảo đảm cho học sinh các thôn, bản xa trung tâm có điều kiện theo học phổ thông, tạo nguồn để nâng cao dân trí và đào tạo cán bộ tại chỗ;

- Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc, Nghị quyết số 25-NQ/TW về công tác tôn giáo; Kết luận của Ban Bí thư Trung ương tiếp tục thực hiện Thông báo số 160-TB/TW về chủ trương công tác đối với đạo Tin lành, các địa phương vận dụng vào tình hình thực tiễn của mỗi địa bàn để có kế hoạch và tổ chức thực hiện nghiêm túc, bảo đảm quyền bình đẳng, quyền tự do tín ngưỡng, sống tốt đời đẹp đạo; không để các thế lực thù địch lợi dụng, kích động, chia rẽ, chống phá ta;

- Đấu tranh có hiệu quả với âm mưu “diễn biến hòa bình”; thủ đoạn tuyên truyền lập “Vương quốc Mông”; tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, nhất là tệ nạn ma túy;

- Tiếp tục quan tâm xây dựng hệ thống chính trị các cấp, nhất là cấp cơ sở, vùng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số; làm tốt công tác tư tưởng, thông tin tuyên truyền trong nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

3. Đối với Ban Chỉ đạo Tây Bắc

Nhiệm vụ của Ban Chỉ đạo từ nay đến hết năm 2009, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung sau:

- Tăng cường chỉ đạo, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết 30/2008/NQ-CP và Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ; các chương trình an sinh xã hội; chương trình 135; các Quyết định: số 167/2008/QĐ-TTg , số 120/2003/QĐ-TTg; Chỉ thị: số 01/CT-TTg , số 14/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; các dự án kinh tế - xã hội trọng điểm; chỉ đạo, đôn đốc các doanh nghiệp thực hiện tốt chương trình hỗ trợ các huyện nghèo mở mang hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Tây Bắc; chú trọng công tác phòng tránh thiên tai, dịch bệnh trong mùa mưa lũ, mùa rét; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và một số địa phương nghiên cứu, trồng thí điểm một số cây, con giống mới như: cây sâm, các loại cây dược liệu … ở những vùng phù hợp;

- Tập trung kiểm điểm, đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 01 tháng 7 năm 2004 của Bộ Chính trị, 4 năm thực hiện Quyết định số 79/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Bắc rà soát khả năng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết số 37-NQ/TW, tham mưu, đề xuất với Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ những nội dung cần điều chỉnh, bổ sung và đề xuất giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng trung du và miền núi Bắc Bộ trong giai đoạn tiếp theo;

- Kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình kiên cố hóa trường, lớp học; tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên địa bàn vùng cao để nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo;

- Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách cho loại hình phổ thông dân tộc bán trú trong quý IV/2009 theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 251/TB-VPCP ngày 25 tháng 8 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ; rà soát, kiểm tra các chính sách đặc thù đối với vùng Tây Bắc;

- Phối hợp chỉ đạo, tổ chức tốt “Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số Việt Nam” các cấp; nghiên cứu, đề xuất giải pháp “Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị cơ sở ở vùng Tây Bắc”.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các Bộ, ngành, cơ quan và các tỉnh trong Vùng liên quan biết và thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND các tỉnh vùng Tây Bắc;
- Huyện ủy, HĐND, UBND các huyện nghèo thuộc vùng Tây Bắc;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo Tây Bắc;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, KTN, KGVX, NC, QHQT, TKBT;
- Lưu: VT, ĐP (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Văn Trọng Lý

 





Chỉ thị 01/CT-TTg năm 2014 triển khai thi hành Luật đất đai Ban hành: 22/01/2014 | Cập nhật: 24/01/2014