Thông báo 22/TB-VPCP năm 2014 ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam
Số hiệu: | 22/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Hữu Vũ |
Ngày ban hành: | 17/01/2014 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Công nghiệp, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 22/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 17 tháng 01 năm 2014 |
THÔNG BÁO
Ý KIẾN CHỈ ĐẠO CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG HOÀNG TRUNG HẢI TẠI HỘI NGHỊ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH NĂM 2014 CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM
Ngày 04 tháng 01 năm 2014, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã tham dự: Hội nghị triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, sau khi nghe báo cáo của Tập đoàn Điện lực Việt Nam, ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến chỉ đạo như sau:
I. ĐÁNH GIÁ CHUNG:
Trong những năm qua, tình hình thế giới có nhiều diễn biến rất phức tạp Kinh tế thế giới phục hồi chậm hơn dự báo. Cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu lần này được đánh giá là rất trầm trọng, nhiều nước công nghiệp phát triển đã điều chỉnh mạnh chính sách để bảo hộ sản xuất trong nước....Thực trạng trên tác động bất lợi đến phát triển kinh tế - xã hội nước ta, Tuy nhiên, kết thúc năm 2013 đất nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đã đạt được các mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2013 đã đề ra; thể hiện ở các nội dung sau: Kinh tế vĩ mô cơ bản giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, cơ cấu kinh tế có hướng chuyển dịch tích cực, sản xuất công nghiệp có dấu hiệu phục hồi dần, nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; xuất khẩu tăng nhanh cân đối thương mại theo hướng tích cực,..
Trong thành quả chung của đất nước, có sự đóng góp quan trọng của Tập đoàn Điện lực Việt Nam. Trong năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều kết quả quan trọng, nổi bật là:
- Thực hiện tốt vai trò chủ đạo trong ngành điện: Về cơ bản đã bảo đảm cung cấp đủ điện cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất và kinh doanh, không phải thực hiện điều hòa, tiết giảm điện trên phạm vi cả nước. Sau nhiều năm, hệ thống điện đã có công suất dự phòng.
- Việc điều tiết khai thác các hồ thủy điện tốt; đồng thời, các hồ thủy điện, nhất là các hồ thủy điện vừa và lớn đã phát huy được hiệu ích tổng hợp: Phát điện, cấp nước đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt và đẩy mặn tại nhiều địa phương và góp phần giảm thiểu tác hại của lũ lụt trong các trận bão, lũ năm 2013.
- Tích cực tham gia thị trường phát điện cạnh tranh, xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, chuyển đổi hợp đồng mua bán điện; công tác điều hành thị trường điện đã đảm bảo an toàn hệ thống và huy động hiệu quả các nhà máy điện theo qui định của thị trường điện,... góp phần vào thành công bước đầu của thị trường phát điện cạnh tranh, qua hơn một năm vận hành, hơn 40% công suất nguồn điện tham gia thị trường, với giá điện cạnh tranh; tạo sự minh bạch hơn đối với khách hàng sử dụng điện.
- Các đơn vị phát điện, truyền tải, phân phối điện và điều độ hệ thống điện các cấp đã phối hợp chặt chẽ, huy động hiệu quả các nguồn điện, vận hành hệ thống điện ổn định an toàn trong điều kiện truyền tải cao liên tục tuyến Bắc - Nam, chủ động chuẩn bị phòng chống bão lụt, giữ được an toàn cho các hồ đập thủy điện, hạn chế thiệt hại và khắc phục nhanh hậu quả thiên tai.
- Đã thực hiện tốt chủ đề năm về “Kinh doanh và Dịch vụ khách hàng”; tạo được chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về chất lượng dịch vụ khách hàng. Năm đầu tiên chính thức áp dụng đánh giá chất lượng cung cấp điện thông qua các chỉ số đánh giá cụ thể về độ tin cậy cung cấp điện: Thời gian mất điện bình quân năm (SAIDI), tần suất mất điện kéo dài bình quân (SAIFI) và tần suất mất điện thoáng qua bình quân (MAIFI). Kết quả các chỉ số đều giảm so với năm 2012.
- Trong điều kiện thị trường tài chính có khó khăn, Tập đoàn đã nỗ lực trong việc công tác thu xếp vốn: Trong năm 2013, tổng giá trị đầu tư toàn Tập đoàn đạt gần 105 nghìn tỷ đồng, tăng 47,3% so với năm 2012; giá trị đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đều vượt kế hoạch. Đầu tư phát triển là cơ sở để bảo đảm cung cấp điện trong các năm tới; do đó, sự cố gắng và kết quả đạt được như trên là đáng trân trọng.
- Công tác tái cơ cấu Tập đoàn, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hoàn thiện cơ chế quản lý đã triển khai thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ và đạt được kết quả những bước đầu: Phê duyệt đề án tái cơ cấu Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia và 05 Tổng công ty Điện lực; các Tổng công ty Phát điện trong Tập đoàn đã đi vào hoạt động chính thức, ổn định và phát huy hiệu quả.
- Tập đoàn và các đơn vị trong Tập đoàn đã làm tốt nhiệm vụ tham gia đảm bảo an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện các dự án cấp điện cho đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn và hỗ trợ các huyện nghèo. Đến cuối năm 2013, có 97,28% số hộ dân nông thôn có điện, chỉ tiêu này không nhiều nước đang phát triển có trình độ phát triển kinh tế tương tự như Việt Nam thực hiện được.
Nhìn chung cả năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ trong sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển điện. Phó Thủ tướng biểu dương và đánh giá cao kết quả công tác Tập đoàn đạt được trong năm 2013; biểu dương các bộ, công nhân viên chức của Tập đoàn đã có nhiều nỗ lực, cố gắng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, góp phần thiết thực vào thành tựu chung của đất nước.
Tuy nhiên, trong năm qua vẫn còn một số tồn tại, cần có giải pháp để khắc phục và từng bước khắc phục trong thời gian tới: Tình trạng quá tải lưới điện tại một số khu vực chậm được khắc phục; vẫn để xảy ra các sự cố chủ quan. Đặc biệt sự cố dẫn đến mất điện toàn bộ khu vực miền Nam ngày 22 tháng 5 năm 2013, Tập đoàn cần tiếp tục phân tích, đề ra nhiều giải pháp, không để sự cố tương tự tái diễn.
Ngoài ra, ngành điện của Việt Nam vẫn còn yếu so với nhiều nước trong; khu vực và trên thế giới, thể hiện qua các chỉ tiêu: Năng suất lao động (định mức người/MW đối với các nhà máy điện; người/GWh đối với bộ phận kinh doanh điện người/MVA hoặc người/km đối với các bộ phận quản lý lưới điện; còn thấp. Chất lượng điện năng cũng còn thấp, ngoài tần số, điện áp, cần quan tâm đến các tiêu chuẩn về: sóng hài, mức nhấp nhát điện áp, dao động điện áp, cân bằng pha,... vấn đề chất lượng điện áp nếu không xử lý sớm sẽ rất khó thu hút và phát triển được công nghệ cao. Trị số các chỉ tiêu đánh giá chất lượng, độ tin cậy cung cấp điện: SAIDI, SAIFI và MAIFI của Tập đoàn cũng còn cao hơn so với một số nước trong khu vực.
Để rút ngắn và từng bước đuổi kịp trình độ của các nước có ngành điện phát triển trong khu vực và trên thế giới, Tập đoàn cần đưa ra các mục tiêu, tiêu chí và lộ trình thực hiện; lựa chọn quốc gia và thời gian đuổi kịp; phân công; cho một lãnh đạo của Tập đoàn theo dõi, phụ trách việc này.
II. NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM CỦA TẬP ĐOÀN ĐIỆN LỰC VIỆT NAM TRONG NĂM 2014 VÀ CÁC NĂM SAU:
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014 đã được Quốc hội thông qua và đã được đưa vào Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014, trong đó khẳng định: Tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; tăng trưởng hợp lý và nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các mục tiêu Chính phủ đề ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP nêu trên đều gắn với nhiệm vụ của Tập đoàn, ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có những chỉ đạo, định hướng rõ về mục tiêu, nhiệm vụ trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm 2011-2015 và Đề án tái cơ cấu Tập đoàn Điện lực Việt Nam giai đoạn 2012-2015.
Về các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp thực hiện kế hoạch năm 2014, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần lưu ý thực hiện tốt những nhiệm vụ sau đây:
1. Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm đảm bảo cung ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân, không được để xảy ra tình trạng thiếu điện như một số năm trước đây, do vậy cần bám sát tiến độ các dự án trong Quy hoạch điện VII để chỉ đạo các dự án phù hợp.
Năm 2014, điện sản xuất và mua là 140,5 tỷ kWh, tăng gần 10% so với năm 2013 là phù hợp. Tuy nhiên, Tập đoàn cần có phương án để có thể đáp ứng cho nhu cầu điện tăng cao hơn khi xuất hiện tình hình thuận lợi, kinh tế phát triển cao hơn dự kiến.
2. Cần quản lý chặt chẽ vốn và tài sản của Tập đoàn; củng cố các Ban quản lý dự án để đảm bảo tiến độ, khối lượng và chất lượng đầu tư xây dựng các công trình nguồn điện và lưới điện theo Quy hoạch điện VII và theo Kế hoạch 5 năm 2011-2015 của Tập đoàn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tập trung nguồn vốn cho các dự án điện cấp bách, nhất là các dự án điện với mục tiêu bảo đảm cung cấp điện cho miền Nam.
3. Tập trung đẩy nhanh công tác quyết toán các công trình xây dựng cơ bản đã hoàn thành trên cơ sở rà soát, giao thời gian và trách nhiệm cá nhân cụ thể trong việc hoàn thành quyết toán từng công trình.
4. Thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn và quản trị doanh nghiệp theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển Tập đoàn bền vững. Trước mắt, lựa chọn một Tổng công ty phát điện (Genco) hoạt động tương đối ổn định, chuẩn bị hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để thực hiện thí điểm cổ phần hóa trong năm 2014 - 2015. Rút kinh nghiệm để tiến hành cổ phần hóa các Genco còn lại trong các năm tiếp theo.
5. Tập đoàn và các Tổng công ty thực hiện phân tích kinh tế - tài chính trong giai đoạn 5-10 năm, đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững; thực hiện tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp với việc tiếp tục sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy điều hành, hoàn thiện quy chế cán bộ và tăng cường kiểm soát nội bộ, từng bước phát triển Tập đoàn, các Tổng công ty trong Tập đoàn thành các doanh nghiệp mạnh có tín nhiệm tài chính cao để có thể tự huy động vốn trên thị trường tài chính trong và ngoài nước mà không cần đến sự hỗ trợ bảo lãnh của Chính phủ.
6. Ưu tiên đầu tư cho phát triển lưới điện truyền tải, không để thiếu vốn cho Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia (NPT). Tăng giá truyền tải điện năm 2014, đảm bảo NPT có khả năng tự cân đối được tài chính, có thể thu xếp đủ vốn để đẩy nhanh đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đảm bảo lưới điện truyền tải đáp ứng được yêu cầu bảo đảm an ninh cung cấp điện theo tiêu chuẩn n-1 và yêu cầu khai thác hiệu quả các nhà máy điện trong mọi chế độ vận hành của thị trường điện.
7. Một số nhiệm vụ liên quan đến các lĩnh vực của Tập đoàn:
a) Lĩnh vực phát điện:
- Các nhà máy điện trực thuộc Tập đoàn và các Tổng công ty phát điện cần xây dựng kế hoạch đảm bảo chất lượng công tác vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa tổ máy để nâng cao độ sẵn sàng; hạn chế tối đa việc bảo dưỡng, sửa chữa các tổ máy nhiệt điện trong 6 tháng mùa khô.
- Các Genco cần thực hiện tốt cả 2 nhiệm vụ: Quản lý, vận hành có hiệu quả các nhà máy điện hiện có, tham gia cạnh tranh bình đẳng, minh bạch trong thị trường phát điện cạnh tranh; đồng thời thực hiện tốt nhiệm vụ đầu tư phát triển nguồn điện mới, đảm bảo quá trình tái sản xuất mở rộng Genco. Chuẩn bị các điều kiện để có thể thực hiện cổ phần hóa Genco.
- Chỉ đạo tập trung hoàn thiện và củng cố các thiết bị để vận hành ổn định các tổ máy nhiệt điện than miền Bắc ngay từ đầu năm 2014. Chuẩn bị tốt các điều kiện để đưa các nhà máy nhiệt điện mới vào vận hành ổn định, hiệu quả: Quảng Ninh 2, Hải Phòng 2, Nghi Sơn 1 và Vĩnh Tân 2.
- Chỉ đạo các nhà máy thủy điện làm việc cụ thể với chính quyền các địa phương vùng hạ du để phối hợp điều hành tốt việc phát điện, chống lũ, cấp nước trong năm 2014 để phát huy các hiệu ích tổng hợp của công trình.
- Chỉ đạo các đơn vị phát điện quản lý các nhà máy nhiệt điện dầu FO để đảm bảo khả năng sẵn sàng huy động và thực hiện yêu cầu vận hành; phối hợp với các đơn vị phát điện quản lý cụm nhà máy điện tua bin khí Phú Mỹ, Bà Rịa, Nhơn Trạch, Cà Mau để đảm bảo khả năng sẵn sàng và thực hiện chuyển đổi sang chạy dầu DO theo nhu cầu phụ tải điện toàn hệ thống và trong thời gian sửa chữa hệ thống cung cấp khí Nam Côn Sơn.
b) Lĩnh vực truyền tải điện:
- NPT cần tập trung nguồn lực để đưa vào vận hành các công trình điện trọng điểm tăng cường cung cấp điện cho lưới điện miền Nam và các công trình nâng cấp lưới truyền tải miền Nam đúng tiến độ, đặc biệt là đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.
- Tập đoàn chỉ đạo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia phối hợp với NPT và các Tổng công ty Điện lực rà soát phương án vận hành lưới điện truyền tải 500-220kV Hệ thống điện quốc gia, đặc biệt là Hệ thống điện miền Nam; rà soát lại hệ thống rơ le bảo vệ trong các nhà máy điện và trên toàn hệ thống điện nhằm ứng phó với tình huống sự cố các mạch đường dây 500kV Bắc - Nam khi đang truyền tải cao, đảm bảo các Hệ thống điện miền không bị rã lưới và rút ngắn thời gian khôi phục sau sự cố.
c) Lĩnh vực phân phối điện:
- Chuẩn bị nguồn nhân lực, vật tư thiết bị để bảo dưỡng và vận hành tốt nhất hệ thống lưới điện, đảm bảo đáp ứng nhu cầu phụ tải của từng khu vực và toàn địa bàn với chất lượng ngày càng tốt hơn. Thực hiện từng bước đổi mới công nghệ lưới điện; công nghệ trong kinh doanh điện năng và dịch vụ khách hàng: hệ thống đo đếm điện năng, dịch vụ thu tiền điện; đặc biệt cần tăng cường quản lý kỹ thuật, giảm tổn thất điện năng và nâng cao chất lượng điện năng, độ tin cậy cung cấp điện.
- Chuẩn bị các điều kiện về hạ tầng lưới điện, công nghệ thông tin, viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực; cơ cấu lại tổ chức cơ quan các Tổng công ty Điện lực, các Công ty điện lực để thực hiện tốt việc tham gia thị trường điện, trước mắt là thị trường bán buôn cạnh tranh sẽ được thực hiện thí điểm từ năm 2015 theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 63/2013/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013. Trong thị trường bán buôn cạnh tranh, thay vì mua theo giá bán điện nội bộ đầu nguồn hiện nay, các Tổng công ty Điện lực sẽ cạnh tranh mua điện từ các đơn vị phát điện, các đơn vị phát điện sẽ cạnh tranh bán điện cho các Tổng công ty Điện lực.
- Để đối phó với trường hợp có khả năng mất cân đối cung - cầu điện trong Hệ thống điện phía Nam, Tổng công ty Điện lực miền Nam, Tổng công ty Điện lực thành phố Hồ Chí Minh cần rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị các phương án điều tiết nhu cầu điện, tăng cường tuyên truyền sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả để đảm bảo nhu cầu điện cho sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh và các nhu cầu thiết yếu khác.
d) Về một số lĩnh vực, nội dung công việc khác:
- Tập đoàn cần chỉ đạo các đơn vị cần tăng cường kỷ luật trong công tác bảo dưỡng, vận hành, điều hành các công trình điện; cần ban hành đầy đủ các quy trình vận hành, xử lý sự cố đường dây điện, thiết bị điện,... Cụ thể hóa bằng các tiêu chí, tiêu chuẩn để tổ chức thực hiện. Tăng cường công tác kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, kiểm tra chéo trong nội bộ Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty,...
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực để từng bước nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ cung cấp điện.
- Tăng cường hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, giải thích để tạo sự đồng thuận, với người dân và trong toàn xã hội, nhất là những vấn đề nhạy cảm, như: Vận hành các công trình thủy điện, vấn đề giá điện,...
III. VỀ CÁC KIẾN NGHỊ CỦA TẬP ĐOÀN
Đối với các kiến nghị của Tập đoàn thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương, đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương giải quyết theo thẩm quyền, về các kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ:
1. Về việc điều chỉnh giá bán điện theo cơ chế thị trường:
Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đã được quy định trong Luật Điện lực, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành một số Quyết định theo thẩm quyền: số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19 tháng 11 năm 2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, số 2165/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 về khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân các năm 2013 - 2015; chuẩn bị ban hành cơ cấu biểu giá bán lẻ điện,... Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để thực hiện điều chỉnh giá bán điện.
Tuy nhiên, việc điều chỉnh giá bán điện cần phải được thực hiện công khai, minh bạch. Hàng năm, Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải công bố giá thành điện trên cơ sở kết quả kiểm toán do cơ quan kiểm toán độc lập thực hiện, xây dựng phương án giá bán điện trình các cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét; quy trình cho phép điều chỉnh giá bán điện cũng được thực hiện theo quy định.
2. Về việc tăng cường tiết kiệm điện:
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết và hiệu quả giai đoạn 2012-2015, Bộ Công Thương cần chỉ đạo các cơ quan liên thực hiện tổng kết việc thực hiện trong thời gian qua; Bộ Công Thương cần chỉ đạo các Sở Công Thương các địa phương:
- Phối hợp với các Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương trên phạm vi cả nước, đặc biệt ở các tỉnh miền Nam tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các biện pháp tiết kiệm điện, sử dụng điện hợp lý và hiệu quả theo Chỉ thị số 171/CT-TTg ngày 26/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
- Phối hợp với NPT, Tổng công ty Điện lực, Công ty Điện lực tại địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, giám sát và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực theo đúng thẩm quyền quy định tại Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
3. Về việc bố trí vốn để hoàn thành các dự án cấp điện cho vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc:
Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2081/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2013, Bộ Công Thương và Tập đoàn cần tổ chức tổng kết đánh giá việc thực hiện các Chương trình đưa điện về nông thôn trong 15 năm qua, nhất là các Chương trình Năng lượng nông thôn vay vốn của WB giai đoạn 1 và giai đoạn 2 (REE I và REE II); lãnh đạo Chính phủ sẽ chủ trì Hội nghị tổng kết có sự tham gia của các nhà tài trợ để đánh giá các công việc đã thực hiện được trong thời gian qua và vận động tài trợ tiếp trong giai đoạn tới.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Tập đoàn Điện lực Việt Nam, các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 Ban hành: 01/01/2021 | Cập nhật: 04/01/2021
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 Ban hành: 01/01/2020 | Cập nhật: 02/01/2020
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019 Ban hành: 01/01/2019 | Cập nhật: 01/01/2019
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 Ban hành: 01/01/2018 | Cập nhật: 02/01/2018
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2017 Ban hành: 01/01/2017 | Cập nhật: 05/01/2017
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016 Ban hành: 07/01/2016 | Cập nhật: 12/01/2016
Nghị quyết 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 Ban hành: 03/01/2015 | Cập nhật: 05/01/2015
Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 Ban hành: 02/01/2014 | Cập nhật: 03/01/2014
Quyết định 63/2013/QĐ-TTg quy định về lộ trình, điều kiện và cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển cấp độ thị trường điện lực tại Việt Nam Ban hành: 08/11/2013 | Cập nhật: 11/11/2013
Quyết định 2081/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Chương trình cấp điện nông thôn, miền núi và hải đảo giai đoạn 2013-2020 Ban hành: 08/11/2013 | Cập nhật: 15/11/2013
Nghị định 134/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Ban hành: 17/10/2013 | Cập nhật: 18/10/2013
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2013 về giải pháp chủ yếu chỉ đạo thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013 Ban hành: 07/01/2013 | Cập nhật: 11/01/2013
Nghị quyết 01/NQ-CP về giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2012 Ban hành: 03/01/2012 | Cập nhật: 05/01/2012
Chỉ thị 171/CT-TTg năm 2011 về tăng cường thực hiện tiết kiệm điện Ban hành: 26/01/2011 | Cập nhật: 28/01/2011
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2011 về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2010 Ban hành: 04/01/2011 | Cập nhật: 09/02/2011
Nghị quyết 01/NQ-CP năm 2010 thành lập phường Chiềng Cơi thuộc thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La Ban hành: 07/01/2010 | Cập nhật: 12/01/2010
Nghị quyết số 01/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2009 Ban hành: 09/01/2009 | Cập nhật: 20/01/2009