Thông báo 161/TB-VPCP năm 2017 kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP tại Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi
Số hiệu: 161/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Thành
Ngày ban hành: 24/03/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Trật tự an toàn xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 161/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 03 năm 2017

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ TRƯƠNG HÒA BÌNH, TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO 138/CP TẠI HỘI NGHỊ VỀ PHÒNG, CHỐNG VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG HOẠT ĐỘNG KHAI THÁC CÁT, SỎI

Ngày 07 tháng 3 năm 2017, tại trụ sở Chính phủ, đồng chí Trương Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP đã chủ trì Hội nghị về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Công an, Quốc phòng, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Tư pháp, Thông tin và Truyền thông, Văn phòng Chính phủ; các Ban: Nội chính Trung ương, Kinh tế Trung ương; Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội; Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Đài Truyền hình Việt Nam; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Phú Thọ, Hưng Yên, Hải Dương, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Kiên Giang, Khánh Hòa, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Thừa Thiên Huế, Bình Thuận, Ninh Thuận; các cơ quan: Bộ Tư lệnh Hải quân, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng), Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính). Sau khi nghe lãnh đạo các Bộ, cơ quan báo cáo về tình hình hoạt động khai thác cát, sỏi tại các địa phương và ý kiến phát biểu của các đại biểu dự họp, Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã kết luận như sau:

1. Đánh giá chung:

Cát, sỏi là nguồn tài nguyên thiên nhiên có hạn, việc tái tạo phải trải qua rất nhiều năm, với đà khai thác như hiện nay ở nước ta thì nguồn tài nguyên này sẽ sớm cạn kiệt. Đồng thời, gây ra tình trạng xói mòn, sạt lở bờ sông, thu hẹp đất liền; làm thay đổi dòng chảy tự nhiên, thất thoát tài nguyên, ảnh hưởng đến các công trình ven sông, ven đê, tác động xấu đến môi trường, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân sinh sống ở khu vực xung quanh và các phương tiện giao thông đường thủy gây mất an ninh, trật tự và bức xúc trong dư luận xã hội. Trước tình hình trên, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động này; đồng thời đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông và cửa biển. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, tình trạng vi phạm pháp luật về khai thác cát, sỏi vẫn diễn biến phức tạp, chưa được ngăn chặn hiệu quả.

Nguyên nhân:

- Địa bàn hoạt động khai thác cát rất rộng, kéo dài, giáp ranh nhiều tỉnh, có nơi thuộc địa bàn của nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Một số cấp ủy, chính quyền cơ sở còn buông lỏng quản lý, chưa phát huy tốt vai trò quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản; chưa tích cực trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân kịp thời phát hiện, đấu tranh với các hành vi khai thác trái phép.

- Việc xử lý vi phạm chưa quyết liệt, thiếu nhất quán, nhất là trong xử lý tang vật, có địa phương tịch thu đầu bơm, máy nổ, có địa phương tịch thu toàn bộ phương tiện vi phạm... Sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm chưa đồng bộ, hiệu quả chưa cao.

2. Nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

Để đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng vi phạm pháp luật trong khai thác cát, sỏi, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, quyết liệt những quy định pháp luật hiện hành, các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường hiệu lực thực thi chính sách pháp luật về khoáng sản; Thông báo Kết luận số 357/TB-VPCP ngày 06 tháng 11 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị toàn quốc về phòng, chống vi phạm pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông, và cửa biển. Đặc biệt, cần tập trung thực hiện tốt một số công việc trọng tâm sau đây:

a) Bộ Giao thông vận tải:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng văn bản quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất trong việc lập, phê duyệt quy hoạch, cấp phép khai thác theo hướng tập trung đầu mối xử lý tại các địa phương phù hợp với quy định của Luật khoáng sản; các bộ, ngành chức năng thực hiện nhiệm vụ hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện của các địa phương; trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 4 năm 2017.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định về Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 221/TTg-CN ngày 14 tháng 02 năm 2017, tạo cơ sở pháp lý cụ thể, phù hợp để quản lý chặt chẽ, khắc phục tình trạng lợi dụng các dự án nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải để khai thác cát trái phép.

- Tạm dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hóa tận thu cát nhiễm mặn để bù chí phí nạo vét, duy tu các tuyến luồng đường thủy; đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các dự án đang thực hiện, kịp thời phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

b) Bộ Xây dựng:

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, sản xuất các loại vật liệu xây dựng thay thế cát tự nhiên.

- Chủ trì, phối hợp với các địa phương rà soát, cân đối cung cầu cát, sỏi xây dựng và vật liệu san lấp.

c) Bộ Tài nguyên và Môi trường:

- Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về khai thác khoáng sản thực hiện báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt theo thẩm quyền; thanh tra trách nhiệm đối với các tổ chức hành chính và người đứng đầu trong quản lý nhà nước về khoáng sản.

- Có giải pháp nâng cao chất lượng công tác đánh giá tác động môi trường về nạo vét khơi thông luồng liên quan đến dòng chảy, tác động sạt lờ bờ sông, cửa sông.

- Chỉ đạo các đơn vị chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế các cấp kiểm soát nghiêm ngặt sản lượng khai thác khoáng sản thực tế của các tổ chức, cá nhân.

d) Bộ Tài chính:

- Nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý chặt chẽ đối với hồ sơ quyết toán các dự án công trình lớn sử dụng cát, sỏi xây dựng, đặc biệt là cát san lấp, xác định nguồn gốc mua bán khoáng sản; cơ chế chính sách, ưu đãi, khuyến khích các tổ chức cá nhân, địa phương sử dụng tiết kiệm tài nguyên hoặc sử dụng các loại vật liệu thay thế cát tự nhiên.

- Nghiên cứu, có biện pháp quản lý chặt chẽ hóa đơn thuế đối với việc mua bán cát, sỏi xây dựng; ngăn chặn tình trạng mua bán hóa đơn, hợp thức hóa chứng từ đối với cát, sỏi xây dựng.

- Tăng cường công tác kiểm tra việc thanh quyết toán thuế liên quan đến mua bán cát, sỏi nói riêng và khoáng sản nói chung.

đ) Bộ Công an:

- Đẩy mạnh công tác nghiệp vụ cơ bản, thường xuyên mà các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép tại các địa phương (trước mắt, chủ trì, phối hợp với các địa phương mở đợt cao điểm đấu tranh chống “cát tặc” đến ngày 01 tháng 6 năm 2017); tăng cường mở các chuyên án đấu tranh phòng, chống hoạt động trái phép trong khai thác, vận chuyển và tiêu thụ cát, sỏi xây dựng; xem xét khởi tố hình sự một số vụ án trọng điểm để góp phần răn đe, giáo dục phòng ngừa chung. Thường xuyên báo cáo kết quả với Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 138/CP.

- Bộ Công an - Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 138/CP chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan liên quan:

+ Nghiên cứu, đề xuất chế tài xử phạt đủ sức răn đe cần thiết đối với các tổ chức, cá nhân khai thác, vận chuyển, tiêu thụ cát, sỏi xây dựng trái phép.

+ Thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành tổ chức thanh tra, kiểm tra các địa phương trọng điểm, điểm nóng trong hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

e) Bộ Thông tin và Truyền thông:

Phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí:

- Tăng cường công tác tuyên truyền vận động người dân, doanh nghiệp chấp hành tốt các quy định của pháp luật trong hoạt động khai thác cát, sỏi; bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

- Chủ động phát hiện, cập nhật số liệu, đưa thông tin chính xác, kịp thời về những hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép ở các địa phương để cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Rà soát, đánh giá thực hiện thăm dò, khai thác bãi cát lòng sông, đề xuất điều chỉnh quy hoạch các bến bãi, tập kết cát, sỏi, quy hoạch khai thác vật liệu xây dựng thông thường của địa phương, bảo đảm phù hợp, quản lý chặt chẽ nguồn tài nguyên.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra việc khai thác cát, sỏi xây dựng tại những khu vực lòng sông giáp ranh giữa các địa phương; nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong việc ngăn chặn tình trạng khai thác cát, sỏi xây dựng trái phép. Nơi nào để xảy ra vi phạm kéo dài, gây bức xúc trong dư luận thì kiên quyết xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền quản lý địa bàn. Trường hợp phát hiện cán bộ, đảng viên có hành vi “bảo kê”, tiếp tay, bao che, dung túng thì tùy tính chất, mức độ vi phạm phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng và quy định của pháp luật.

- Khẩn trương xây dựng quy chế phối hợp, trao đổi thông tin, phát hiện và xử lý vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi giữa các lực lượng kiểm tra chuyên ngành như: Bộ đội biên phòng, Cảnh sát môi trường, Cảnh sát giao thông đường thủy, thanh tra, chính quyền địa phương... theo nguyên tắc, nếu để xảy ra vi phạm ở địa bàn cấp xã giáp ranh thì cấp huyện chịu trách nhiệm, ở địa bàn cấp huyện giáp ranh thì cấp tỉnh chịu trách nhiệm và nếu là tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giáp ranh thì chủ động phối hợp xử lý. Nếu đã là phạm pháp quả tang thì các cơ quan chức năng, các địa phương phải Iập biên bản huy động lực lượng để xử lý.

- Kịp thời tổ chức kiểm tra làm rõ những thông tin báo chí nêu, trường hợp có sai phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Văn phòng Chính phủ thông báo để các bộ, cơ quan, địa phương liên quan biết, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Thường trực ban Bí thư (để b/c);
- TTg, các PTTg (để báo cáo);
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Các Ban: Nội chính Trung ương, Kinh tế Trung ương, Tuyên giáo Trung ương;
- Ban Dân nguyện của Ủy ban thường vụ Quốc hội;
- Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ, Đài Truyền hình Việt Nam;
- Các Bộ: CA, QP, TNMT, GTVT, NNPTNT, XD, TP, TC, TTTT;
- Các Bộ Tư lệnh: Hải quân, Cảnh sát biển (Bộ Quốc phòng);
- Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính);
- Thành viên Ban Chỉ đạo 138/CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, CN, KTTH, QHĐP, PL;
- Lưu: VT, NC (3b).NQH.

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Thành