Thông báo 160/TB-VPCP về ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại buổi làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam
Số hiệu: 160/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 14/06/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tổ chức chính trị - xã hội, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 160/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 14 tháng 06 năm 2010

 

THÔNG BÁO

Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ NGUYỄN TẤN DŨNG TẠI BUỔI LÀM VIỆC VỚI ĐOÀN CHỦ TỊCH TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Thực hiện Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ngày 02 tháng 6 năm 2010 tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã làm việc với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Cùng dự làm việc với Thủ tướng có lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lao động – Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tư pháp, Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Văn phòng Chính phủ.

Sau khi nghe đồng chí Đặng Ngọc Tùng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo và ý kiến phát biểu của lãnh đạo các Bộ, cơ quan, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng kết luận như sau:

I. VỀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHỨC CÔNG ĐOÀN

Trong thời gian qua, Công đoàn tiếp tục đổi mới về nội dung và phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, phối hợp tốt với chính quyền và tổ chức chính trị - xã hội các cấp nhằm giải quyết việc làm, cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, viên chức, lao động. Các phong trào thi đua do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát động, nhất là tại những công trình trọng điểm của đất nước đã mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực.

Các cấp Công đoàn đã tích cực tham gia xây dựng, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, luật pháp, chế độ liên quan đến quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động. Tích cực tham gia giải quyết việc làm, chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; có vai trò tích cực trong việc tham gia giải quyết tranh chấp lao động và đình công, góp phần ổn định quan hệ lao động và sản xuất kinh doanh ở cơ sở.

Sự phối hợp công tác giữa Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với Chính phủ, giữa công đoàn các ngành, địa phương với chính quyền cùng cấp ngày càng được tăng cường, có hiệu quả thiết thực, góp phần tạo nên sức mạnh tổng hợp thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện pháp luật trong lĩnh vực lao động, việc làm, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Chính phủ hoan nghênh, đánh giá cao sự đóng góp của công nhân, viên chức, người lao động và tổ chức Công đoàn vào thành tựu chung của đất nước, đặc biệt là trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong những năm qua.

Thời gian tới, công đoàn các cấp cần tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua, tăng cường kiểm tra, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, động viên công nhân, viên chức, người lao động thực hiện tốt nhiệm vụ được giao; phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành và chính quyền địa phương trong việc thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tiếp tục phục hồi đà tăng trưởng, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2010 và những năm tiếp theo.

II. VỀ CÁC ĐỀ NGHỊ CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã trình Chính phủ Đề án “Xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu chế xuất”, Chính phủ sẽ phê duyệt Đề án này trong thời gian tới.

2. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam căn cứ vào kế hoạch phát triển Trường Đại học Công đoàn để lập Dự án thành lập cơ sở 2 của Trường Đại học Công đoàn theo quy định, phù hợp với quy hoạch mạng lưới chung các trường đại học, cao đẳng, gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ.

3. Bộ Tài chính khẩn trương trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007 của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó quy định việc tổ chức Công đoàn của doanh nghiệp cổ phần hóa mua cổ phần nhằm tham gia vào Hội đồng quản trị để đại diện cho người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa. Công đoàn cơ sở được dùng quỹ hợp pháp của tổ chức Công đoàn hoặc là nguồn tiền do doanh nghiệp cổ phần hóa ủng hộ để mua cổ phần theo giá ưu đãi như người lao động.

4. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng, trong đó có việc xét tặng thưởng Huân chương Lao động cho công nhân, viên chức, lao động có 5 Bằng lao động sáng tạo trở lên là một trong các điều kiện để xét tặng Huân chương Lao động.

5. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các cơ quan liên quan nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 14/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định tổ chức cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện bảo đảm phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về lao động, giải quyết tranh chấp lao động và đình công trong các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn.

6. Để thực hiện kết luận số 23-KL/TW ngày 8 tháng 4 năm 2008 của Bộ Chính trị về những công việc cần cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 khóa X về “Tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Thủ tướng Chính phủ giao:

- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng chính sách phát triển dạy nghề, đổi mới hệ thống dạy nghề và nâng cao trình độ văn hóa cho công nhân, trình Thủ tướng Chính phủ;

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, dự thảo những định hướng chính của Đề án ban hành khuôn khổ pháp lý để hình thành các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội tại doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, trình Thủ tướng Chính phủ;

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị định số 71/1998/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong hoạt động của cơ quan; phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu ban hành thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 09/1998/TCCP-TLĐLĐVN ngày 04 tháng 12 năm 1998 về hướng dẫn tổ chức hội nghị cán bộ, công chức cơ quan phù hợp với quy định hiện hành; phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Nghị định 87/2007/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, trên cơ sở đó kiến nghị Chính phủ xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước;

- Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, các Bộ, ngành, đoàn thể liên quan nghiên cứu chính sách đối với đội ngũ cán bộ Đảng, Công đoàn, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại các doanh nghiệp.

7. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu việc hỗ trợ kinh phí hàng năm về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm nâng cao năng lực cho các trường, trung tâm dạy nghề của hệ thống tổ chức công đoàn nhằm mục tiêu dạy nghề cho 1 triệu lao động trong giai đoạn 2010 – 2014 theo hướng lồng ghép vào Đề án “Đổi mới và phát triển dạy nghề đến năm 2020”, nâng cao chất lượng, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và xã hội, phù hợp với năng lực của cơ sở đào tạo.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu, rà soát năng lực của các cơ sở dạy nghề hiện có của hệ thống tổ chức công đoàn, xây dựng quy hoạch mạng lưới cơ sở dạy nghề để Chính phủ xem xét, hỗ trợ đầu tư.

8. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc năm 2011 bố trí tăng thêm nguồn vốn phân bổ từ Quỹ quốc gia giải quyết việc làm theo mức tăng chung. Trước mắt, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sử dụng có hiệu quả nguồn vốn đã được bố trí.

Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổng kết mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ trợ vốn cho người lao động nghèo vay tự tạo việc làm (Quỹ CEP) và xây dựng đề án nhân rộng mô hình Quỹ CEP. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan xem xét cụ thể đề án, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ cho vay ưu đãi hoặc không tính lãi để nhân rộng mô hình tổ chức và hoạt động của Quỹ này.

9. Bộ Xây dựng đẩy mạnh việc triển khai thực hiện các Quyết định số 66/2009/QĐ-TTg67/2009/QĐ-TTg ban hành ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở cho công nhân, lao động ở các khu công nghiệp và người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị; nghiên cứu đề xuất bổ sung chính sách cho các doanh nghiệp sử dụng đông công nhân, lao động nằm ngoài khu công nghiệp có quỹ đất để xây nhà ở cho công nhân.

- Bộ Xây dựng kiểm tra, rà soát việc phê duyệt quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất đảm bảo yêu cầu: các địa phương và chủ đầu tư các khu công nghiệp, khu chế xuất phải có các giải pháp đồng bộ, trong đó việc đáp ứng nhu cầu ở cho công nhân và người lao động làm việc trong các khu công nghiệp, khu chế xuất;

- Đồng ý cho Liên đoàn Lao động các tỉnh, thành phố lớn, trọng điểm, có điều kiện được làm chủ đầu tư bằng nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước để xây dựng nhà ở cho công nhân, lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất và người lao động có thu nhập thấp.

10. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng quy định cụ thể và cơ chế ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp, các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng nhà ở cùng các công trình công cộng (nhà trẻ, trường học, cơ sở khám chữa bệnh …) phục vụ đời sống công nhân, người lao động các khu công nghiệp, khu chế xuất.

11. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam khẩn trương xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện các chế độ, chính sách đối với người lao động làm các nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế.

12. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, các Bộ, ngành liên quan và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp về chi trả chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo hướng người lao động phải được hưởng đầy đủ quyền lợi khi họ đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội cho người sử dụng lao động, nhất là khi người lao động đủ điều kiện hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội chuyển đến nơi khác làm việc hoặc nghỉ việc; đề xuất các hình thức xử lý đối với các doanh nghiệp đã thu bảo hiểm xã hội của người lao động nhưng không đóng cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

13. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tăng cường chỉ đạo, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với lao động là người nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam; kiểm tra việc thuê, sử dụng lao động của các nhà thầu trên các công trình trọng điểm.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành cơ chế, chính sách về quản lý tiền lương, tiền thưởng trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, về tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước và tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện tại doanh nghiệp.

14. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan, đoàn thể liên quan khẩn trương ban hành quy chế quản lý về việc tổ chức tôn vinh, khen thưởng đối với các doanh nghiệp, trong đó cần quy định rõ những doanh nghiệp có vi phạm pháp luật, chính sách, chế độ đối với Nhà nước và người lao động không được đề nghị xét tôn vinh, khen thưởng.

15. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chỉ đạo ngành Lao động – Thương binh và Xã hội các cấp phối hợp với tổ chức công đoàn, các cơ quan cùng cấp liên quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, chế độ, chính sách tại doanh nghiệp; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 05 tháng 6 năm 2008 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp.

16. Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn tòa án các cấp về quy trình xét xử các vụ kiện tranh chấp lao động và đòi nợ chế độ bảo hiểm xã hội.

17. Đồng ý với đề nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về việc sửa chữa, nâng cấp trụ sở hiện tại thành Nhà bảo tàng Công nhân và Công đoàn Việt Nam và xây dựng mới trụ sở làm việc của cơ quan Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây dựng đề án, làm việc cụ thể với các Bộ, ngành liên quan theo đúng quy định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

18. Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam duy trì làm việc định kỳ hàng năm giữa Thủ tướng Chính phủ với Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam theo “Quy chế về mối quan hệ công tác giữa Chính phủ và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam” ban hành kèm theo Quyết định số 04/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ thông báo để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và các địa phương biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Ban Dân vận Trung ương;
- Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Liên minh hợp tác xã Việt Nam;
- Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc;
- Lưu: Văn thư, TH (5b)

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM




Nguyễn Xuân Phúc