Thông báo số 05/TB-VPCP về việc kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng tại hội nghị an toàn giao thông toàn quốc năm 2006
Số hiệu: 05/TB-VPCP Loại văn bản: Thông báo
Nơi ban hành: Văn phòng Chính phủ Người ký: Kiều Đình Thụ
Ngày ban hành: 05/01/2007 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Trật tự an toàn xã hội, Giao thông, vận tải, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 05/TB-VPCP

Hà Nội, ngày 05 tháng 01 năm 2007

 

THÔNG BÁO

KẾT LUẬN CỦA PHÓ THỦ TƯỚNG THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ NGUYỄN SINH HÙNG TẠI HỘI NGHỊ AN TOÀN GIAO THÔNG TOÀN QUỐC NĂM 2006

Ngày 21/12/2006, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng đã chủ trì Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc. Tham dự Hội nghị có Chủ tịch, Phó chủ tịch, các Thành viên của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia; Bộ trưởng Bộ Công an; đại diện một số Ban của Đảng, Ủy ban Quốc hội; Chủ tịch UBND, Giám đốc Công an, Giám đốc Sở Giao thông vận tải/ Giao thông công chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau khi nghe báo cáo công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 11 tháng đầu năm 2006 và giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2007 của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, ý kiến của các đại biểu, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Sinh Hùng kết luận như sau:

1. Nhất trí cơ bản với Báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia về công tác bảo đảm trật tự an toàn  gaio thông 11 tháng đầu năm 2006 và giải pháp triển khai thực hiện năm 2007.

Thời gian qua, Từ Trung ương đến cơ sở đã quan tâm đến công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, đặc biệt có sự nỗ lực lớn, bảo đảm tốt an toàn giao thông trong dịp Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Hội nghị APEC. So với cùng kỳ năm 2005 đã giảm được số vụ và số người bị thương vì tai nạn giao thông; có 9 tỉnh, thành phố trực thuộcTrung ương liên tục giảm số người chết vì tai nạn giao thông từ năm 2003 đến nay. Tuy nhiên, 11 tháng đầu năm 2006 tình hình tai nạn giao thông xảy ra rất  nghiêm trọng, số người chết vì tai nạn giao thông tăng 8,96% so với cùng kỳ năm 2005, trong đó có nhiều vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường thủy đặc biệt nghiêm trọng. Tình hình vừa qua cho thấy, nơi nào cấp ủy, chính quyền thường xuyên quan tâm chỉ đạo thì tình hình trật tự an toàn giao thông có chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông giảm.

Nguyên nhân cơ bản của tình hình trên đây là: ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn kém; việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông còn hạn chế, công tác quản lý nhà nước về  trật tự an toàn giao thông bộc lộ nhiều yếu kém, đặc biệt là vai trò chỉ đạo, điều hành và tổ chức thực hiện các giải pháp bảo đảm  trật tự an toàn giao thông của các cấp, các ngành chức năng.

2. Để khắc phục những hạn chế nêu trên, phấn đấu năm 2007 làm giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, Thủ tướng chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện tốt những nhiệm vụ sau:

a. Các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành, phải coi nhiệm vụ làm giảm tai nạn giao thông là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, lâu dài; phải tiến hành kiểm điểm từng tháng, quý, 6 tháng hàng năm về tình hình an toàn giao thông và đề ra biện pháp khắc phục kịp thời.

b. Sau Hội nghị này, Chủ tịch UBND các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương cần báo cáo Tỉnh ủy, Thành ủy và tiến hành kiểm điểm đánh giá việc thực hiện Chỉ thị số 22-CT/TW ngày 24/02/2003 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Nghị quyết số 13/2002/NQ-CP ngày 19/11/2002 của Chính phủ về các giải pháp kiềm chế gia tăng và tiến tới giảm dần tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; nghiêm túc kiểm điểm, chỉ rõ những nguyên nhân, khuyết điểm và đề ra các biện pháp trọng tâm thực hiện trong năm 2007 nhằm giảm tai nạn giao thông ở địa phương.

c. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng Chiến lược bảo đảm trật tự an toàn giao thông đến năm 2010 với mục tiêu tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông; quy hoạch phát triển vận tải công cộng đi đôi với giảm thiểu phương tiện giao thông cá nhân, đặc biệt là xe mô tô, xe gắn máy. Bộ Giao thông vận tải và ủy ban An toàn giao thông quốc gia nghiên cứu trình Bộ Chính trị, Chính phủ Nghị quyết mới về bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

d. Năm 2007, phải thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể sau:

- Mục tiêu năm 2007: 47 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người bị chết vì tai nạn giao thông tăng so với năm 2005 phải phấn đấu giảm số người bị chết vì tai nạn giao thông bằng số tăng của năm 2006 so với năm 2005 và giảm thêm tối thiểu 5%; tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người bị chết  vì tai nạn giao thông không tăng so với năm 2005 thì phải giảm tổi thiếu 10% số người bị chết vì tai nạn giao thông so với năm 2006; phấn đấu năm 2007 trên toàn quốc số người bị chết vì tai nạn giao thông giảm khoảng 10% đến 12% so với năm 2006. Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương báo cáo với Tỉnh uỷ, Thành uỷ, Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố có Nghị quyết nhằm thực hiện bằng được mục tiêu trên.

- Bộ Giao thông vận tải:

+ Bộ trưởng Giao thông Vận tải trình Thủ tướng Chính phủ giao chỉ tiêu giảm thiểu tai nạn giao thông năm 2007 cho từng địa phương tổ chức thực hiện.

+ Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và địa phương liên quan trình Chính phủ: Đề án Kiềm chế, tiến tới giảm dần đến mức trung bình của thế giới về tai nạn giao thông và Đề án Khắc phục ùn tắc giao thông đô thị.

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương trình Chính phủ Nghị định bổ sung, sửa đổi Nghị định số 152/2005/NĐ-CP theo hướng tăng mức xử phạt đối với những người có hành vi vi phạm trực tiếp gây ra tai nạn giao thông và chủ phương tiện.

+ Xây dựng Đề án lập lại hành lang an toàn giao thông và phối hợp với Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện. Đến hết năm 2007 phải cơ bản giải quyết tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, đến tháng 6 năm 2007 giải quyết xong các "điểm đen" hiện nay.

+ Chủ trì, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Công an nâng cao chất lượng đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe, chứng chỉ chuyên môn, kiên quyết không để người không đủ tiêu chuẩn được điều khiển phương tiện giao thông; đến tháng 6 năm 2007 phải giải quyết được tối thiểu 50% số người điều khiển phương tiện đường sông không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định hiện hành bằng cách tổ chức cho họ được học và lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn.

+ Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ lái xe ô tô, trước mắt là đội ngũ lái xe ô tô khách. Người điều khiển phương tiện giao thông phải bảo đảm đầy đủ các yêu cầu quy định của pháp luật.

+ Phối hợp với Bộ Công an, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành kiểm tra các phương tiện giao thông, kiên quyết không cho lưu hành các phương tiện không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn giao thông, đặc biệt là phương tiện giao thông đường thuỷ nội địa. Đến hết quý I năm 2007 thực hiện xong tổng kiểm tra phương tiện, bến bãi, người điều khiển phương tiện đường thuỷ nội địa; hết năm 2007 chấm dứt tình trạng phương tiện giao thông không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn vẫn hoạt động; đến tháng 6 năm 2007 giảm 50% số phương tiện đường thuỷ nội địa không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn nhưng vẫn hoạt động; xây dựng kế hoạch triển khai chương trình người điều khiển mô tô, xe máy bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông.

- Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi quy định sử dụng kinh phí an toàn giao thông ở các địa phương theo hướng dành kinh phí này để bồi dưỡng cho lực lượng cảnh sát giao thông, Thanh tra giao thông trực tiếp tham gia công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và mua sắm phương tiện, thiết bị bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xem xét các cơ chế tài chính hỗ trợ phát triển xe buýt ở các địa phương.

- Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng tăng cường công tác tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm Luật Giao thông kể cả xử lý hành chính và hình sự, tập trung vào những tuyến quốc lộ trọng điểm thường xảy ra nhiều tai nạn giao thông.

- Bộ Văn hoá - Thông tin chủ trì, phối hợp với Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Bộ Giao thông vận tải và các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trật tự an toàn giao thông; chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng mở các diễn đàn với chủ đề "Hãy góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông", tạo dự luận xã hội lên án các hành vi vi phạm, sự đồng thuận của mọi tầng lớp nhân dân với các giải pháp của Chính phủ.

- Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an nghiên cứu đề xuất việc tăng cường thời lượng và đa dạng hoá hình thức giảng dạy pháp luật về trật tự an toàn giao thông ở tất cả cấp học, từ cấp mẫu giáo đến đại học; giáo dục học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật trật tự an toàn giao thông, học sinh chưa đủ tuổi được cấp giấy phép lái xe nhưng vẫn đi xe mô tô.

- Uỷ ban an toàn giao thông quốc gia sớm nghiên cứu bộ máy quản lý phù hợp với nhiệm vụ hiện nay về bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi lại Quyết định số 917/1997/QĐ-TTg ngày 29/10/1997.

- Các thành viên Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nêu cao trách nhiệm, tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông thuộc ngành, địa phương phụ trách; kiên quyết xử lý đối với người đứng đầu các đơn vị, địa phương thiếu trách nhiệm để tai nạn giao thông tăng và vi phạm nghiêm trọng Luật Giao thông; các đồng chí Thành viên Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia của Bộ Quốc phòng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Y tế, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh báo cáo rõ lý do không tham dự Hội nghị An toàn giao thông toàn quốc lên Thủ tướng Chính phủ.

Đ. Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia kiểm tra, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ nêu trên, hàng tháng, quý báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ.

Văn phòng Chính phủ xin thông báo để Uỷ ban An toàn giao thông quốc gia, các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết, thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Uỷ ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Tỉnh uỷ, HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Uỷ viên Uỷ ban An toàn giao thông QG;
- Văn phòng Uỷ ban An toàn giao thông QG;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP:BTCN, các PCN, Website Chính phủ, các Vụ: TH, CN, KTTH, V.I, ĐP, V.IV;
- Lưu: VT, NC (4). 320

KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM




Kiều Đình Thụ