Quyết định 931/QĐ-UBND Kế hoạch thực hiện nhiệm vụ trọng tâm về giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020
Số hiệu: 931/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định Người ký: Trần Châu
Ngày ban hành: 18/03/2020 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài nguyên, Nông nghiệp, nông thôn, Ngoại giao, điều ước quốc tế, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 931/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 18 tháng 03 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH KẾ HOẠCH THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC CẢNH BÁO CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VỀ KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO, KHÔNG THEO QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy sản ngày 21/11/2017;

Căn cứ Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định;

Căn cứ Công điện 732/CĐ-TTg ngày 28/05/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc ngăn chặn, giảm thiểu và chấm dứt tàu cá và ngư dân Việt nam khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài;

Căn cứ Thông báo số 447/TB-VPCP ngày 28/12/2019 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp BCĐ quốc gia về chống khai thác IUU;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 68/TTr-SNN ngày 13/3/2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020.

Điều 2. Giao Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy sản và Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan, chịu trách nhiệm thi hành quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, PCT UBND tỉnh Trần Châu;
- Lãnh đạo VPUBND tỉnh;
- Lưu: VT, K13 (30b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM VỀ CÁC GIẢI PHÁP CẤP BÁCH KHẮC PHỤC CẢNH BÁO CỦA ỦY BAN CHÂU ÂU VỀ KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP, KHÔNG BÁO CÁO, KHÔNG THEO QUY ĐỊNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 931/QĐ-UBND ngày 18/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh)

Nhằm đảm bảo thực thi Luật Thủy sản 2017 và khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (chống khai thác IUU), UBND tỉnh Bình Định ban hành Kế hoạch thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về các giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của EC về chống khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Định năm 2020 như sau:

I. Mục đích, yêu cầu

1.Tăng cường triển khai thực hiện Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định liên quan chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, tập trung triển khai thực hiện xử phạt theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP , ngày 16/5/2019 của Chính phủ để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.

2. Tạo sự chuyển biến trong nhận thức và hành động của các cơ quan quản lý cảng cá, ngư dân, chủ tàu khai thác hải sản và doanh nghiệp thu mua chế biến xuất khẩu thủy sản về thực hiện các quy định của khai thác IUU.

3. Thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình và tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và thanh tra, xử lý, điều tra các hành vi vi phạm khai thác IUU theo quy định để đảm bảo thực hiện các giải pháp cấp bách khắc phục cảnh báo của Ủy ban Châu Âu về khai thác IUU trên địa bàn tỉnh Bình Định.

4. Sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất, đồng bộ và triển khai thực hiện các giải pháp một cách quyết liệt của các cơ quan chức năng và địa phương trong tỉnh.

II. Nội dung thực hiện kế hoạch

1. Công tác tuyên truyền

1.1. Mục tiêu: Đảm bảo 100% ngư dân trên địa bàn tỉnh hiểu biết sấu, rộng đầy đủ các quy định của Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn Luật.

1.2. Giải pháp thực hiện

Tiếp tục tổ chức tuyên truyền sâu, rộng Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định liên quan chống khai thác IUU đến cộng đồng ngư dân thông các hình thức như:

- Xây dựng phóng sự, tổ chức tọa đàm trên đài truyền hình, cung cấp thông tin cho các báo, đài, viết bài gửi UBND các địa phương ven biển để phát trên đài truyền thanh.

- In ấn, phát tờ rơi hướng dẫn về các quy định IUU cho tàu cá xa bờ, đặc biệt là các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản theo Nghị định 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ và các quy định về chống khai thác IUU theo Chỉ thị 45/CT-TTg cho tàu cá khai thác xa bờ của tỉnh.

- Hướng dẫn chủ tàu, thuyền trưởng tàu cá chấp hành nghiêm các quy định trong hoạt động khai thác thủy sản.

1.3. Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2. Công tác xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài

2.1. Mục đích: Chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân của Bình Định khai thác bất hợp pháp tại các vùng biển nước ngoài.

2.2.Giải pháp thực hiện:

- Tăng cường công tác tuyên truyền về an ninh, biển đảo, biên giới biển cho các chủ tàu, thuyền trưởng khai thác tại các vùng biển khơi. Vận động ngư dân cam kết không hoạt động khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài.

- Tăng cường công tác theo dõi, phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu và ngư dân Việt nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép và khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự đối với hành vi này.

- Kiểm tra, xác minh tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài và tàu cá bị cảnh báo trong năm 2018, 2019 và 2020 xử lý hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật. Trường hợp chưa đủ cơ sở căn cứ để xử phạt vi phạm hành chính, lập hồ sơ để báo cáo Chính phủ, Bộ Nông nghiệp & PTNT xem xét, chỉ đạo.

- Xác minh, xử lý theo quy định các trường hợp tàu cá bị cảnh báo ra ngoài vùng biển ngư dân được phép khai thác qua hệ thống giám sát tàu cá.

2.3. Thời gian thực hiện: Thực hiện trước ngày 30/4/2020.

3. Công tác lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá

3.1. Mục tiêu: Đảm bảo tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trước ngày 01/4/2020 và đảm bảo giám sát tàu cá lắp đặt giám sát hành trình theo quy định.

3.2. Giải pháp thực hiện

- Xây dựng Kế hoạch chi tiết lắp đặt giám sát hành trình cho từng tàu cá của địa phương; phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị tổ chức lắp đặt theo kế hoạch.

- Xây dựng Quy chế quản lý, khai thác và sử dụng thông tin, dữ liệu của hệ thống thông tin giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Bình Định đảm bảo tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình thực hiện đầy đủ quy định của nhà nước. Tổ chức chia sẻ tài khoản phần mềm quản lý tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho các cơ quan chức năng và địa phương liên quan để phối hợp quản lý, xử lý vi phạm theo quy định.

- Nâng cao năng lực quản lý hệ thống giám sát hành trình cho cán bộ quản lý tại các cơ quan, đơn vị liên quan thông qua việc học tập kinh nghiệm tại các tỉnh phía Nam.

3.3. Thời gian thực hiện: Trước ngày 01/4/2020.

4. Công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác xuất khẩu

4.1. Mục tiêu: Đảm bảo công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc nguyên liệu thủy sản khai thác theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2018/TT- BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

4.2. Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức kiểm tra tàu cập cảng, rời cảng và giám sát sản lượng tàu cá cập cảng, cấp giấy biên nhận thủy sản bốc dỡ qua cảng theo đúng quy định tại Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Trang bị đầy đủ các trang thiết bị cho Ban quản lý cảng cá để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU.

- Cấp phát mẫu, thu nhận nhật ký khai thác, báo cáo khai thác khi tàu cập bến tại các cảng cá và Cập nhật dữ liệu từ nhật ký, báo cáo khai thác thủy sản vào cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia.

- Tổ chức việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác xuất khẩu theo đúng quy định.

- Tổ chức kiểm tra công tác triển khai thực hiện nhiệm vụ của Ban quản lý cảng cá và Tổ IUU tại cảng cá.

4.3. Thời gian thực hiện:Thường xuyên.

5. Về công tác đảm bảo tàu cá khai thác thủy sản đầy đủ giấy phép khai thác thủy sản

5.1. Mục tiêu: Đảm bảo tàu cá khai thác thủy sản phải có giấy phép khai thác thủy sản.

5.2.Giải pháp thực hiện:

- Tiến hành thông báo tàu cá mất tích đối với các tàu cá chưa có giấy phép hoặc giấy phép khai thác thủy sản đã hết hạn gửi các địa phương để thông báo theo quy định. Sau thời gian một năm kể từ ngày thông báo mất tích, các tàu cá không đến Chi cục Thủy sản làm giấy tờ, Chi cục Thủy sản thực hiện xóa đăng ký theo quy định.

- Thanh tra ngành thủy sản phối hợp với các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trên biển, tại các cảng cá, tập trung vào đối tượng thường có hành vi khai thác bất hợp pháp, tập trung vào vùng biển, khu vực có nhiều tàu qua lại, khu vực thường xuyên có hành vi vi phạm để lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính nghiêm theo quy định các tàu cá vi phạm.

- Tổ thanh tra, kiểm soát nghề cá tại các các cảng cá trên địa bàn tỉnh phối hợp với Ban quản lý cảng cá, Trạm kiểm soát Biên phòng thực hiện kiểm tra tàu cá cập cảng, rời cảng theo Thông tư số 21/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT.

5.3. Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

6. Công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát trên biển

6.1. Mục tiêu:

- Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trong hoạt động thủy sản trên địa bàn tỉnh; Ngăn chặn không cho ra khơi hoạt động hoặc vào neo đậu, cập cảng lên cá tại cảng cá, vùng mặt nước trước cảng cá Quy Nhơn và Đề Gi khi phương tiện tàu cá không có đầy đủ các giấy tờ, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định hoặc không tuân thủ theo các quy định của Ban quản lý cảng cá Bình Định trong quá trình rời, cập cảng cá. Trọng tâm là đảm bảo việc kiểm tra, kiểm soát tàu giã cào (nhóm tàu có nguy cơ vi phạm cao); Đồng thời đảm bảo hoạt động khai thác thủy sản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, góp phần vào công tác khắc phục thẻ vàng đối với thủy sản của EC.

- Xử lý nghiêm các hành vi khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định theo Luật Thủy sản 2017, ngăn chặn không cho các tàu cá vi phạm IUU vào khu vực cảng neo đậu, lên cá khi Đoàn thanh tra của EC đến Bình Định kiểm tra (nếu có).

6.2. Giải pháp thực hiện:

- Tổ chức các đợt tăng cường phối hợp tuần tra, kiểm soát giữa các lực lượng chức năng trên biển tại các cảng cá Đề Gi, Quy Nhơn và các vùng biển vem đầm lân cận.

- Tổ chức thực hiện đợt cao điểm (07 ngày) tại một địa điểm khi Đoàn thanh tra của EC đến Bình Định kiểm tra (nếu có).

III. Kinh phí thực hiện

1. Tổng kinh phí: 2.674.241.700 đồng (Hai tỷ sáu trăm bảy mươi bốn triệu hai trăm bốn mươi mốt nghìn bảy trăm đồng), cụ thể:

1.1. Tuyên truyền: 33.000.000 đồng.

1.2. Quản lý xây dựng quy chế lắp đặt TBGSHT tàu cá: 236.500.000 đồng.

1.3. Mua sắm trang thiết bị tại cảng cá: 987.796.000 đồng.

1.4. Kiểm tra công tác thực hiện nhiệm vụ IUU tại cảng: 37.400.000 đồng.

1.5. Kinh phí tuần tra, kiểm soát: 1.154.187.380 đồng.

1.6. Tiếp đón Đoàn Bộ Nông nghiệp và PTNT: 118.248.000 đồng.

1.7. Tiếp đoán Đoàn thanh tra EC (nếu có): 107.110.320 đồng.

2. Nguồn kinh phí: Ngân sách tỉnh cấp bổ sung theo quy định.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị chức năng và các địa phương liên quan tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch trên địa bàn tỉnh Bình Định.

- Chủ trì, phối hợp UBND các huyện, thành phố, các đơn vị cung cấp thiết bị triển khai chính sách hỗ trợ và lắp đặt và quản lý hệ thống giám sát hành trình cho toàn bộ tàu cá đang hoạt động của tỉnh trước ngày 01/4/2020. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu sau ngày 01/4/2020 còn tàu cá của địa phương hoạt động mà không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

- Chỉ đạo công tác kiểm tra tàu cá rời cảng, cập cảng; giám sát sản lượng tàu cá cập cảng; công tác quản lý cảng cá; bố trí, sắp xếp địa điểm cho tàu thuyền của huyện Hoài Nhơn vào các cảng cá Đề Gi, Quy Nhơn để xác nhận nguyên liệu thủy sản.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển xây dựng kế hoạch chi tiết, tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển và các cảng cá chỉ định cho tàu đánh bắt vùng khơi của tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

- Phối hợp Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới vùng tự do đánh bắt của Việt Nam và tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

- Thường xuyên nắm bắt tình hình triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, phối hợp với các Sở ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố ven biển đề xuất tháo gỡ, xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.

2. UBND các huyện/thành phố ven biển

- Xây dựng Kế hoạch chi tiết lắp đặt giám sát hành trình cho từng tàu cá của địa phương; phối hợp với các đơn vị cung cấp thiết bị tổ chức lắp đặt theo kế hoạch, triển khai việc nghiệm thu và hướng dẫn chủ tàu nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ, tổ chức thẩm định trình danh sách chủ tàu đủ điều kiện hỗ trợ cho UBND tỉnh xem xét, quyết định. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để trường hợp tàu cá của địa phương hoạt động mà không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định.

- Chỉ đạo việc kiểm điểm chủ tàu, thuyền trưởng, lãnh đạo địa phương có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài và phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT xử lý các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới vùng tự do đánh bắt của Việt Nam và tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển.

- Phối hợp với các lực lượng chức năng thực thi trên biển tiến hành tuần tra, kiểm soát toàn khu vực biển, đầm tại địa phương.

- Thông báo cho từng chủ tàu cá thiếu giấy phép khai thác thủy sản, không trang bị thiết bị giám sát hành trình, yêu cầu phải tiến hành thủ tục cấp phép, trang bị giám sát hành trình trước khi đưa tàu đi hoạt động sản xuất. Trường hợp tàu không đi sản xuất thì chủ tàu phải có cam kết nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

- Tiếp tục tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động ngư dân địa phương thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 và các giải pháp chống khai thác IUU.

3. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với Sở Ngoại vụ, Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND các huyện, thành phố ven biển kiểm tra, lập hồ sơ đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài; tàu cá bị cảnh báo vượt ranh giới vùng tự do đánh bắt của Việt Nam và tàu cá mất tín hiệu kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển; đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Chỉ đạo các Đồn, Trạm kiểm soát Biên phòng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tàu cá xuất bến theo đúng quy định, không cho các tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định xuất bến đi sản xuất. Trường hợp tàu cá cố tình vượt Trạm đi sản xuất, khi tàu về bến tổ chức kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính nghiêm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh nếu để trường hợp tàu cá không có giấy phép khai thác thủy sản, tàu cá chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định xuất bến đi sản xuất mà không có xử lý theo quy định.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển và các cảng cá chỉ định cho tàu đánh bắt vùng khơi của tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 của Chính phủ.

- Tăng cường công tác tuyên truyền về an ninh, biển đảo, biên giới biển cho các chủ tàu, thuyền trưởng khai thác tại các vùng biển khơi. Vận động ngư dân cam kết không hoạt động khai thác thủy sản trái phép ở vùng biển thuộc chủ quyền của nước ngoài.

4. Công an tỉnh

- Chỉ đạo tăng cường công tác theo dõi, phát hiện, xác minh, điều tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân môi giới, tổ chức đưa tàu và ngư dân Việt nam đi khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, các hành vi lợi dụng tàu cá, khai thác hải sản để buôn lậu, tổ chức vượt biên trái phép và khởi tố vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật hình sự đối với hành vi này.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, UBND các huyện, thành phố ven biển tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm soát trên biển và các cảng cá chỉ định cho tàu đánh bắt vùng khơi của tỉnh; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NĐ-CP .

5. Sở Ngoại vụ

Cung cấp hồ sơ, chứng cứ liên quan đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài (nếu có) cho Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh để lập hồ sơ đề xuất xử lý theo quy định.

6. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tham mưu, đề xuất kinh phí để tổ chức, triển khai thực hiện Kế hoạch.

7. Các đơn vị cung cấp lắp đặt thiết bị giám sát hành trình

Đảm bảo cung cấp đủ số lượng thiết bị, nguồn nhân lực thực hiện lắp đặt thiết bị Giám sát hành trình theo kế hoạch chi tiết của UBND các huyện/thành phố ven biển cung cấp. Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong trường hợp không bố trí lắp đặt theo đúng tiến độ đối với chủ tàu đã đăng ký kế hoạch và trả kinh phí lắp đặt.

8. Đài Phát thanh và truyền hình Bình Định và Báo Bình Định

- Tiếp tục tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật Việt Nam trong khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy hải sản; các chủ trương của Đảng, Nhà nước về chính sách phát triển thủy sản.

- Tuyên truyền rộng rãi đến tận cộng đồng ngư dân, đặc biệt là các chủ tàu, thuyền trưởng, các cơ sở cảng cá, bến cá về chương trình hành động của Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành về ngăn chặn, giảm thiểu và loại bỏ khai thác thủy sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định.

- Thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ đội Biên phòng tỉnh kịp thời đưa tin phản ánh gương người tốt, việc tốt hoặc đấu tranh phê phán hoạt động khai thác hải sản trái phép trong thực hiện Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017.

Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc các Sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố báo cáo kịp thời cho UBND tỉnh để xem xét điều chỉnh, bổ sung và chỉ đạo xử lý, giải quyết./.