Thông báo 447/TB-VPCP năm 2019 kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo quốc gia về khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định
Số hiệu: | 447/TB-VPCP | Loại văn bản: | Thông báo |
Nơi ban hành: | Văn phòng Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Cao Lục |
Ngày ban hành: | 28/12/2019 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Tài nguyên, Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 447/TB-VPCP |
Hà Nội, ngày 28 tháng 12 năm 2019 |
Ngày 11 tháng 12 năm 2019 tại trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, đã chủ trì Cuộc họp lần thứ hai của Ban Chỉ đạo quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (gọi tắt là Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU); cùng dự có đồng chí Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, và đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ban Tuyên giáo Trung ương, Ngoại giao, Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Tài nguyên và Môi trường, Quốc phòng, Công an, Văn phòng Chính phủ, Tổng cục Thủy sản và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển là thành viên Ban chỉ đạo quốc gia về IUU. Sau khi nghe Báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ý kiến của các thành viên Ban chỉ đạo, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kết luận như sau:
Đánh giá sơ bộ của Đoàn thanh tra EC vừa qua cho thấy Đoàn đã đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC, khẳng định Việt Nam đã có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra vào tháng 5 năm 2018 và đang đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, Đoàn thanh tra của EC cũng đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động thủy sản của chúng ta hiện nay. Trong đó, tồn tại, hạn chế lớn nhất là nhận thức về chống khai thác IUU của một số ngư dân, cá nhân, tổ chức có trách nhiệm vẫn chưa có sự chuyển biến đáng kể.
1. Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, nghiên cứu kỹ, tiếp thu đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU, đặc biệt là tham mưu đề xuất sửa đổi, bổ sung khung pháp lý đảm bảo phù hợp với khuyến nghị của Đoàn thanh tra EC và tình hình thực tiễn của Việt Nam.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu ngành, nghề thủy sản, trong đó chuyển đổi một cách hợp lý từ khai thác sang nuôi trồng, đặc biệt là nuôi biển. Khẩn trương xây dựng Chiến lược phát triển Thủy sản cho giai đoạn tới, trên cơ sở đó xây dựng Đề án phát triển nuôi biển.
2. Các Bộ, Ban, Ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:
- Tiếp tục tập trung nguồn lực triển khai thực hiện nghiêm pháp luật về thủy sản, các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban chỉ đạo quốc gia tại các văn bản liên quan, trong đó trọng tâm là triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, tập trung thực hiện các quy định liên quan về kiểm soát, giám sát tàu cá (MCS), truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác, khắc phục các tồn tại, hạn chế trong chống khai thác IUU.
- Tăng cường công tác phối hợp theo chức năng, nhiệm vụ được giao để thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU, đặc biệt là trong công tác xử lý hành vi khai thác IUU;
3. Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các tỉnh ven biển, và các Bộ, ngành liên quan triển khai các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài trong thời gian sớm nhất, cố gắng hoàn thành trước đợt thanh tra tiếp theo của EC. Kiên quyết ngăn chặn, xử lý các tàu cá xuất bến không đủ các thủ tục, giấy tờ, các trang bị thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị an toàn hàng hải; đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ lao động tham gia vào hoạt động khai thác hải sản theo quy định của pháp luật về lao động. Trao đổi kịp thời với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thông tin về các tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài. Chỉ đạo hiệp đồng giữa các lực lượng thực thi pháp luật trên biển để tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên các vùng biển, ngăn chặn, xử lý các hành vi khai thác IUU.
4. Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các Bộ, Ban, ngành và địa phương tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân về ranh giới hoạt động trên biển. Chủ động thu thập tài liệu, thông tin, chứng cứ về tàu cá và ngư dân Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, kịp thời cung cấp cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương để xử lý. Tăng cường công tác đấu tranh ngoại giao đối với các trường hợp tàu cá và ngư dân Việt Nam bị bắt giữ, xử lý tại các vùng biển chồng lấn, tranh chấp.
5. Bộ Công an khẩn trương điều tra, xử lý điểm các tổ chức, cá nhân môi giới đưa tàu cá và ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản trái phép ở ngoài vùng biển Việt Nam, các tàu cá cố tình sử dụng biển số giả của nước ngoài để vi phạm vùng biển các nước.
6. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền trong và ngoài nước, trong đó tập trung vào các kết quả đã đạt được, các mặt tích cực, điển hình tiêu biểu trong triển khai chống khai thác IUU. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc triển khai thực hiện các quy định về giám sát tàu cá bằng thiết bị giám sát hành trình (VMS); khẩn trương thẩm định hồ sơ, cấp giấy phép cung cấp dịch vụ di động vệ tinh cho các đơn vị kinh doanh thiết bị giám sát hành trình tàu cá đủ điều kiện theo quy định.
7. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển:
- Tăng cường triển khai thực hiện Luật Thủy sản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật trong thực tế; đặc biệt là các quy định liên quan chống khai thác IUU, khắc phục các khuyến nghị của EC; trong đó tập trung triển khai Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
- Xử phạt nghiêm theo Nghị định số 42/2019/NĐ-CP các ngư dân, tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, nhất là các trường hợp được phát hiện vi phạm vùng biển nước ngoài qua VMS, thường xuyên mất kết nối VMS, cố tình ngắt kết nối.
- Căn cứ đặc thù nghề cá của địa phương, chủ động xác định các trường hợp có khả năng cao vi phạm khai thác IUU để có biện pháp tuyên truyền, vận động, phòng ngừa từ sớm.
- Đảm bảo tiến độ lắp đặt thiết bị VMS, đánh dấu tàu cá theo quy định; khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để phục vụ cho công tác xử lý hành vi khai thác IUU; ngăn chặn, xử lý tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác theo quy định.
- Tăng cường nguồn lực (kinh phí, nhân lực, vật lực) của địa phương, đặc biệt là bổ sung nguồn lực cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU như Chi cục Thủy sản, Ban quản lý cảng cá, Văn phòng Thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng để nâng cao năng lực, đảm bảo đủ điều kiện để khắc phục các tồn tại, hạn chế trong công tác truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác; kiểm soát tàu cá ra cảng, vào cảng; kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ tại cảng; đảm bảo công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc hải sản từ khai thác chứng minh được độ tin cậy.
Văn phòng Chính phủ thông báo để các Bộ, cơ quan liên quan biết, thực hiện./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM |
Nghị định 42/2019/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản Ban hành: 16/05/2019 | Cập nhật: 16/05/2019