Quyết định 861/QĐ-UBND về Kế hoạch trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2014
Số hiệu: 861/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Thái Văn Hằng
Ngày ban hành: 12/03/2014 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 861/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 12 tháng 3 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2014

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29/6/2006;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Quyết định số 1740/QĐ-UBND ngày 22/5/2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 229/TTr-STP ngày 25/02/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An năm 2014.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan; Giám đốc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Thái Văn Hằng

 

KẾ HOẠCH

TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN NĂM 2014
(Ban hành Kèm theo Quyết định số 861/QĐ-UBND ngày 12 tháng 3 năm 2014 của UBND tỉnh Nghệ An)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tổ chức triển khai và thực hiện có hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, các văn bản hướng dẫn thi hành của Trung ương và Đề án đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015.

2. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp của các ngành, các cấp, các tổ chức, đoàn thể để hoạt động trợ giúp pháp lý được triển khai sâu rộng, đáp ứng nhu cầu của người được hưởng chính sách ưu đãi của nhà nước về trợ giúp pháp lý trong năm 2014.

3. Công tác trợ giúp pháp lý trên địa bàn tỉnh phải thực hiện đúng phạm vi, đối tượng, nội dung, tiết kiệm và có hiệu quả theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

- Thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, các Báo: Nghệ An, Công an, Lao động, Tập san đời sống và pháp luật...; trợ giúp pháp lý lưu động ở cơ sở, phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện, Hội Cựu chiến binh cấp huyện thực hiện tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trong nhân dân về các thông tin về: tổ chức và hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước, các Chi nhánh của Trung tâm và các Câu lạc bộ TGPL tại các xã, các đối tượng được TGPL để người dân nắm được địa chỉ của Trung tâm, Chi nhánh và Câu lạc bộ, biết về quyền được TGPL của mình.

- Thường xuyên cấp phát tờ gấp pháp luật đến tận người dân, đặc biệt là ở các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, các huyện nghèo thuộc Chương trình 30a; tiếp tục tiến hành lắp đặt Bảng thông tin về trợ giúp pháp lý tại “Trung tâm giao dịch một cửa” các xã, phường, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh.

2. Công tác trợ giúp pháp lý

a) Trợ giúp pháp lý lưu động

- Đẩy mạnh hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động để nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác trợ giúp pháp lý. Phối hợp tốt hơn giữa chính quyền cơ sở với Trung tâm và các Chi nhánh để tổ chức trợ giúp pháp lý về tận thôn, bản, ưu tiên vùng sâu, vùng xa, tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng không có khả năng kinh tế, phương tiện đi lại được tiếp cận với dịch vụ trợ giúp pháp lý miễn phí, giảm được thời gian, chi phí đi lại cho người dân.

- Thực hiện khảo sát nhu cầu TGPL trước mỗi đợt TGPL lưu động để từ đó có định hướng nội dung tuyên truyền, tư vấn pháp luật một cách thiết thực. Tại các điểm TGPL lưu động sẽ lồng ghép tuyên truyền và trợ giúp pháp lý cá biệt để triển khai tuyên truyền những văn bản pháp luật liên quan đến vấn đề người dân quan tâm và thực hiện trực tiếp trợ giúp pháp lý cá biệt cho công dân có nhu cầu. Trong năm 2014, đảm bảo triển khai thực hiện TGPL lưu động tại mỗi huyện ít nhất 01 đợt (mỗi đợt 2 - 3 xã). Riêng các xã thuộc huyện miền núi thuộc Chương trình 30a và các xã vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo danh sách các xã, thôn, bản theo Quyết định số 59/2012 được trợ giúp pháp lý lưu động ít nhất 01đợt/năm.

b) Hoạt động xác minh, kiến nghị

- Tăng cường số lượng vụ việc xác minh, kiến nghị trong năm 2014 bằng cách khai thác vụ việc từ hoạt động TGPL lưu động, từ cộng tác viên pháp lý tại cơ sở. Đặc biệt chú trọng những vụ việc nổi cộm, có đông đối tượng yêu cầu TGPL như vụ việc liên quan đến chính sách hỗ trợ cho đồng bào tái định cư các công trình thủy điện.

- Cán bộ Trung tâm chủ động trong thực hiện xác minh sự việc và ra văn bản kiến nghị kịp thời để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người yêu cầu TGPL; khuyến khích lực lượng cộng tác viên, cộng tác viên là luật sư tham gia tích cực vào hình thức xác minh.

- Thực hiện kiến nghị bằng văn bản với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định tại Điều 42 của Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 và Điều 41 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ.

c) Các hình thức trợ giúp pháp lý khác

- Bố trí cán bộ thường xuyên trực tại phòng tiếp dân để đảm bảo việc trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

- Cử luật sư cộng tác viên, trợ giúp viên pháp lý có đủ năng lực để tham gia bào chữa, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong tất cả các vụ án có đương sự, bị can, bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí có yêu cầu TGPL, giúp họ được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Khuyến khích luật sư là cộng tác viên tham gia hoạt động hòa giải, góp phần giảm bớt khiếu kiện.

- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn đi đôi với nâng cao chất lượng tư vấn để giảm bớt việc khiếu nại, tố cáo không có cơ sở do thiếu hiểu biết về pháp luật trong cộng đồng dân cư.

3. Công tác tổ chức bộ máy

a) Về tổ chức, biên chế

- Ổn định tổ chức bộ máy tại văn phòng Trung tâm và các Chi nhánh trên cơ sở bố trí cán bộ theo hướng chuyên môn hóa, phấn đấu tại Văn phòng Trung tâm mỗi lĩnh vực pháp luật đều có trợ giúp viên pháp lý chuyên trách và có năng lực chuyên sâu về lĩnh vực được giao để đảm bảo chất lượng TGPL.

- Cử cán bộ đi đào tạo chức danh luật sư, bồi dưỡng nghiệp vụ trợ giúp viên; đồng thời, tiến hành các thủ tục theo quy định để bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý khi đủ điều kiện, dự kiến năm 2014 bổ nhiệm thêm 6 Trợ giúp viên nâng số lượng trợ giúp viên của Trung tâm lên 16 người.

b) Về tổ chức và hoạt động của Cộng tác viên

- Tiếp tục ký hợp đồng cộng tác đối với cộng tác viên có tâm huyết đã hết thời hạn cộng tác. Chấm dứt hợp đồng cộng tác đối với những cộng tác viên không hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả.

- Ưu tiên phát triển đội ngũ cộng tác viên cấp cơ sở; mở rộng phát triển đội ngũ cộng tác viên tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, chú trọng phát triển các cộng tác viên là cán bộ xã ở các xã, người dân tộc có uy tín trong cộng đồng để tăng cường hỗ trợ cho Trung tâm, Chi nhánh và Câu lạc bộ TGPL trong quá trình hoạt động, đặc biệt TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ và xác minh kiến nghị.

- Thường xuyên quan tâm bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng TGPL cho Cộng tác viên; tổ chức các cuộc tọa đàm, trao đổi để khắc phục vướng mắc trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý của cộng tác viên và tìm ra giải pháp, phương hướng hoạt động hiệu quả; quản lý chặt chẽ hoạt động và chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý của Cộng tác viên theo Bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng vụ việc trợ giúp pháp lý ban hành kèm theo Thông tư số 02/2013/TT-BTP ngày 05/01/2013 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

- Phối hợp với Phòng Tư pháp các huyện chỉ đạo các tổ cộng tác viên hoạt động có hiệu quả.

4. Công tác phối hợp

a) Tiếp tục thực hiện triệt để, có hiệu quả Thông tư liên tịch số 11/2013/TTLT-BCA-BTP-BTC-BQP-VKSNDTC-TANDTC bằng cách củng cố và tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng các cấp với tổ chức TGPL: Xây dựng kế hoạch cụ thể để chỉ đạo tăng số lượng vụ việc trợ giúp pháp lý bằng hình thức tham gia tố tụng của Luật sư cộng tác viên, Trợ giúp viên lên 300 vụ việc; thực hiện có hiệu quả việc thông báo, giới thiệu người thuộc diện được trợ giúp pháp lý đến Trung tâm trợ giúp pháp lý.

b) Xúc tiến các hoạt động trợ giúp pháp lý được xây dựng trong Chương trình phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh tỉnh và Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước thông qua phối hợp tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, trợ giúp pháp lý lưu động và trợ giúp pháp lý cá biệt.

c) Xây dựng chương trình phối hợp với Hội Nông dân để thực hiện trợ giúp pháp lý cho hội viên Hội Nông dân. Xây dựng chương trình phối hợp với Bộ đội biên phòng tỉnh để xây dựng chương trình phối hợp thực hiện TGPL cho đồng bào dân tộc miền núi, vùng biên giới Việt Lào.

d) Xây dựng chương trình, Kế hoạch thực hiện trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

III. THỜI GIAN TRIỂN KHAI, THỰC HIỆN

1. Quý I

- Xây dựng chương trình kế hoạch hoạt động năm 2014.

- Xây dựng kế hoạch hoạt động liên ngành, Kế hoạch phối hợp với HCCB tỉnh.

- Xây dựng văn bản hướng dẫn và chỉ đạo các Câu lạc bộ và Tổ cộng tác viên TGPL hoạt động có hiệu quả.

- Thực hiện TGPL tại văn phòng Trung tâm và các Chi nhánh, đặc biệt là hoạt động tư vấn, xác minh kiến nghị, bào chữa đại diện và tham gia hòa giải.

- Xác minh một số vụ việc người dân đã có đơn yêu cầu TGPL trong các đợt TGPL lưu động liên quan đến đền bù tái định cư của một số công trình thủy điện trên địa bàn tỉnh mà người dân có yêu cầu lớn.

- Trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện Con Cuông, Quỳ Hợp theo Quyết định 59, huyện Quỳnh Lưu, thị xã Hoàng Mai theo nguồn ngân sách địa phương.

- Họp hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng.

Bố trí tại Văn phòng Trung tâm đủ mỗi lĩnh vực pháp luật có 1 viên chức đảm nhiệm thực hiện chuyên sâu từng lĩnh vực pháp luật để nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác TGPL.

2. Quý II

- Thực hiện TGPL tại văn phòng Trung tâm và các Chi nhánh có hiệu quả.

- TGPL lưu động tại các huyện Quế Phong, Tương Dương, Nghĩa Đàn, Nghi Lộc, Đô Lương, Yên Thành.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan để triển khai thực hiện TGPL có hiệu quả theo Đề án và chương trình kế hoạch đã ký kết.

- Phối hợp với bộ đội biên phòng tỉnh để xây dựng kế hoạch tuyên truyền pháp luật và TGPL cho đồng bào dân tộc vùng biên giới.

- Bổ nhiệm chức danh Trợ giúp viên cho 3 viên chức đủ điều kiện.

- Tập huấn nghiệp vụ cho cộng tác viên và thành viên Câu lạc bộ TGPL trên địa bàn huyện Quế Phong và Tương Dương.

3. Quý III

- Tổ chức thực hiện TGPL tại văn phòng Trung tâm và các Chi nhánh.

- Tổ chức TGPL lưu động tại huyện Kỳ Sơn, Thanh Chương, Tân Kỳ, Hưng Nguyên, Nam Đàn và thị xã Cửa Lò.

- Tổ chức tập huấn cho cộng tác viên, thành viên Câu lạc bộ TGPL tại huyện Kỳ Sơn; tập huấn có Trợ giúp viên, cộng tác viên mới được công nhận và cộng tác viên hoạt động tích cực.

- Kiểm tra công tác phối hợp liên ngành tại một số cơ quan tiến hành tố tụng tại huyện Quỳ Châu, Quế Phong.

- Lắp bảng tin TGPL trên địa bàn các xã, thôn, bản nghèo trong diện quy định tại Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

4. Quý IV

- Thực hiện TGPL tại văn phòng Trung tâm và Chi nhánh có hiệu quả kịp thời.

- TGPL lưu động tại huyện Anh Sơn, Quỳ Châu, Đô Lương và thị xã Thái Hòa.

- Kiểm tra hoạt động của 15 Câu lạc bộ TGPL tại 3 huyện nghèo.

- Tổng kết chương trình phối hợp với HCCB tỉnh.

- Họp hội đồng phối hợp liên ngành trong hoạt động tố tụng.

- Thực hiện việc tổng kết cuối năm trên các mặt hoạt động của Trung tâm, đánh giá viên chức cuối năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm

a) Sở Tư pháp: Chỉ đạo Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tổ chức thực hiện tốt các nội dung:

- Triển khai thực hiện kế hoạch trợ giúp pháp lý đề ra, phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh; Phòng, ban cấp huyện; UBND các xã trong quá trình thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý.

- Phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Nghệ An, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện tốt công tác tuyên truyền pháp luật về trợ giúp pháp lý, kịp thời biểu dương những vụ việc trợ giúp pháp lý điển hình, đồng thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Chủ động phối hợp với các thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng xây dựng, ban hành Kế hoạch hoạt động của Hội đồng năm 2014.

Có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc và báo cáo kết quả triển khai thực hiện các nội dung của Kế hoạch về UBND tỉnh theo quy định.

b) Sở Tài chính:

Trên cơ sở tổng hợp dự toán hàng năm của Sở Tư pháp, Sở Tài chính thẩm định bố trí kinh phí vào dự toán năm trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

c) Các cơ quan tiến hành tố tụng:

Phối hợp tốt với Sở Tư pháp và Trung tâm TGPL để Hội đồng phối hợp liên ngành về trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng hoạt động có hiệu quả.

d) Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện:

Chỉ đạo các phòng, ban cấp huyện, UBND các xã, phường, thị trấn tạo điều kiện để tổ chức trợ giúp pháp lý hoạt động có hiệu quả; đồng thời phối hợp với tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý thực hiện tốt công tác này

e) Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước:

Chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan tổ chức thực hiện các nội dung Kế hoạch này.

f) Hội đồng phối hợp liên ngành:

Thành viên của Hội đồng phối hợp liên ngành có trách nhiệm giúp lãnh đạo các ngành chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, phối hợp giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh trong thực tiễn triển khai Thông tư liên tịch số 10.

2. Kinh phí thực hiện

Kinh phí thực hiện Kế hoạch năm 2014 được cấp từ nguồn ngân sách địa phương, nguồn Quỹ Trợ giúp pháp lý Việt Nam, nguồn các Chương trình mục tiêu quốc gia theo Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hỗ trợ khác.

Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị các Sở, ngành, địa phương kịp thời báo cáo (qua Sở Tư pháp) để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 





Nghị định 07/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý Ban hành: 12/01/2007 | Cập nhật: 19/01/2007

Chỉ thị 35/2006/CT-TTg thi hành Luật Trợ giúp pháp lý Ban hành: 13/10/2006 | Cập nhật: 25/10/2006