Quyết định 850/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm"
Số hiệu: 850/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phạm Gia Khiêm
Ngày ban hành: 07/09/2000 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Khoa học, công nghệ, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 850/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2000

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 850/QĐ-TTG NGÀY 07 THÁNG 9 NĂM 2000 VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN XÂY DỰNG CÁC PHÒNG THÍ NGHIỆM TRỌNG ĐIỂM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ theo định hướng chiến lược phát triển khoa học và công nghệ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường tại các văn bản số: 2370/BKHCNMT-KH ngày 14/8/2000, 2047/BKHCNMT-KH ngày 14/7/2000, 1880/BKHCNMT-KH ngày 04/7/2000, 829/BKHCNMT-KH ngày 04/4/2000 và 47/TTr-BKHCNMT ngày 07/01/2000,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án "Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm" với những nội dung sau đây:

1. Mục tiêu của Đề án:

a. Tăng cường một bước cơ bản về cơ sở vật chất kỹ thuật cho khoa học và công nghệ nhằm nâng cao chất lượng nghiên cứu, tạo ra và đưa nhanh các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

b. Tập trung xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc những lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên về công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ chế tạo máy và tự động hoá, hoá dầu, năng lượng và lĩnh vực khác về cơ sở hạ tầng. Các phòng thí nghiệm trọng điểm được trang bị máy móc thiết bị đồng bộ, hiện đại đạt trình độ các nước trong khu vực, một số đạt trình độ quốc tế, với một đội ngũ chuyên gia giỏi.

2. Đối tượng, nguyên tắc đầu tư và phương thức hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm:

a. Đối tượng được đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm là các viện nghiên cứu khoa học đầu ngành, các trường đại học trọng điểm, các khu công nghệ cao thuộc sở hữu nhà nước đang thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và triển khai công nghệ thuộc các lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên và lĩnh vực khác về cơ sở hạ tầng.

b. Các phòng thí nghiệm trọng điểm được đầu tư xây dựng theo nguyên tắc tận dụng tối đa cơ sở vật chất, máy móc thiết bị, đội ngũ cán bộ tại những phòng thí nghiệm hiện có của các viện nghiên cứu, trường đại học, đồng thời đầu tư nâng cấp, trang bị đồng bộ và hiện đại để các phòng thí nghiệm này đạt trình độ phòng thí nghiệm trọng điểm. Chỉ đầu tư xây dựng mới các phòng thí nghiệm trọng điểm thuộc những chuyên ngành mà hiện nay các viện nghiên cứu và trường đại học ở nước ta chưa có.

Việc xây dựng, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư đối với từng phòng thí nghiệm trọng điểm cụ thể phải tuân thủ các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành của Nhà nước.

c. Các phòng thí nghiệm trọng điểm được hoạt động theo phương thức mở, hợp tác giữa các cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm sử dụng tối đa hiệu suất của máy móc thiết bị và năng lực của đội ngũ cán bộ.

3. Thời gian thực hiện Đề án:

Đề án được triển khai thực hiện từ năm 2000 đến 2010, chia làm 2 giai đoạn :

a. Giai đoạn I (2000-2005),

b. Giai đoạn II (2006-2010).

4. Danh mục các phòng thí nghiệm trọng điểm:

a. Trong giai đoạn I từ năm 2000 đến 2005, tập trung đầu tư xây dựng 16 phòng thí nghiệm trọng điểm (danh mục cụ thể kèm theo). Trong các năm 2000-2002, chọn ra 5 đến 6 phòng thí nghiệm trọng điểm loại cấp bách nhất để tập trung đầu tư dứt điểm và rút kinh nghiệm cho việc triển khai thực hiện Đề án trong những năm sau.

b. Trong quá trình thực hiện giai đoạn I của Đề án, nếu có những thay đổi lớn về việc cân đối và bố trí các nguồn lực đầu tư, danh mục các phòng thí nghiệm trọng điểm nêu trên sẽ được xem xét, điều chỉnh lại cho phù hợp.

5. Vốn thực hiện Đề án:

a. Tổng mức vốn đầu tư xây dựng 16 phòng thí nghiệm trọng điểm trong giai đoạn I (2000-2005) được xác định dựa trên vốn được phê duyệt của từng dự án cụ thể.

b. Vốn đầu tư để thực hiện Đề án được xác định từ các nguồn sau đây :

- Vốn ngân sách nhà nước : chi thường xuyên cho sự nghiệp khoa học, công nghệ và môi trường, sự nghiệp giáo dục và đào tạo, chi cho đầu tư phát triển, vốn vay và vốn viện trợ của nước ngoài;

- Các nguồn vốn khác: hợp đồng, hợp tác, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

6. Tổ chức thực hiện:

a. Giao Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan thực hiện các nhiệm vụ sau đây:

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế tuyển chọn và công nhận cơ quan chủ trì xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm phù hợp với các lĩnh vực ưu tiên và cơ cấu vùng lãnh thổ của đất nước;

- Tổ chức tuyển chọn và quyết định công nhận cơ quan chủ trì xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm. Cơ quan chủ trì xây dựng phòng thí nghiệm trọng điểm tiến hành các trình tự đầu tư và xây dựng theo quy định hiện hành của Nhà nước về quản lý đầu tư và xây dựng;

- Kiểm tra, đôn đốc việc đầu tư xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm, báo cáo định kỳ hàng năm, ba năm kết quả thực hiện Đề án với Thủ tướng Chính phủ;

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của phòng thí nghiệm trọng điểm; giám sát hiệu quả hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm tại các Bộ, ngành khi đưa vào sử dụng;

- Tổng kết, đánh giá kết qủa và rút kinh nghiệm thực hiện giai đoạn I (2000-2005) của Đề án, báo cáo với Thủ tướng Chính phủ để có căn cứ xem xét, quyết định việc triển khai thực hiện tiếp giai đoạn II (2006-2010) của Đề án.

b. Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan, tổ chức lựa chọn và gửi các cán bộ có phẩm chất và năng lực đi đào tạo, bồi dưỡng ở những nước có nền khoa học và công nghệ tiên tiến, bằng ngân sách nhà nước về những ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học và công nghệ ưu tiên và lĩnh vực cơ sở hạ tầng để cung cấp nguồn nhân lực cho hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm.

c. Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành có liên quan cân đối và bố trí vốn đầu tư thích hợp để xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ : Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo; Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phạm Gia Khiêm

(Đã ký)

 

DANH MỤC

CÁC PHÒNG THÍ NGHIỆM TRỌNG ĐIỂM ĐƯỢC ĐẦU TƯ XÂY DỰNG GIAI ĐOẠN I (2000-2005):
(Ban hành kèm theo Quyết định số : 850/QĐ-TTg ngày 07 tháng 9 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ)

STT

chung

Lĩnh vực khoa học và

công nghệ ưu tiên (6)

STT

lĩnh vực

Tên Phòng thí nghiệm

trọng điểm

 

I. Công nghệ thông tin

 

 

1

 

1

PTN An toàn thông tin

2

 

2

PTN Công nghệ mạng và đa phương tiện

3

 

3

PTN Mạch vi điện tử chuyên dụng

 

II. Công nghệ sinh học

 

 

4

 

1

PTN Công nghệ gene

5

 

2

PTN Công nghệ enzym và protein

6

 

3

PTN Công nghệ vắc-xin và các chế phẩm y sinh học

7

 

4

PTN Công nghệ tế bào động vật

8

 

5

PTN Công nghệ tế bào thực vật

 

III. Công nghệ vật liệu

 

 

9

 

1

PTN Vật liệu polyme và compozit

10

 

2

PTN Vật liệu và linh kiện điện tử

 

IV. công nghệ Chế tạo

máy và tự động hoá

 

 

11

 

1

PTN Công nghệ hàn và xử lý bề mặt

12

 

2

PTN Điều khiển số và kỹ thuật hệ thống

 

V. Hoá dầu

 

 

13

 

1

PTN Công nghệ lọc, hoá dầu

 

VI. Năng lượng

 

 

14

 

1

PTN Điện cao áp

 

Lĩnh vực khoa học và

công nghệ khác (1)

 

 

15

Cơ sở hạ tầng

1

PTN Chuẩn đo lường

16

Cơ sở hạ tầng

2

PTN Động lực học sông, biển