Quyết định 83/2008/QĐ-UBND về quy trình xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành
Số hiệu: 83/2008/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận Người ký: Hoàng Thị Út Lan
Ngày ban hành: 27/03/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 83/2008/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 27 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY TRÌNH XÉT DUYỆT, THẨM ĐỊNH VÀ THÔNG BÁO QUYẾT TOÁN NĂM ĐỐI VỚI CÁC CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP, TỔ CHỨC ĐƯỢC NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC HỖ TRỢ VÀ NGÂN SÁCH CÁC CẤP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 594/TTr-STC ngày 20 tháng 3 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy trình xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, thủ trưởng các cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

QUY TRÌNH

XÉT DUYỆT, THẨM ĐỊNH VÀ THÔNG BÁO QUYẾT TOÁN NĂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 83/2008/QĐ-UBND ngày 27 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

I. TRÁCH NHIỆM XÉT DUYỆT, THẨM ĐỊNH VÀ THÔNG BÁO QUYẾT TOÁN NĂM:

1. Đối với đơn vị dự toán cấp II: đơn vị dự toán cấp II có trách nhiệm xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm đối với các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc.

2. Đối với đơn vị dự toán cấp I: đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm đối với các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc. Riêng đối với quyết toán của các đơn vị dự toán cấp III đã được đơn vị dự toán cấp II trực thuộc xét duyệt, đơn vị dự toán cấp I có trách nhiệm thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm.

3. Đối với cơ quan tài chính các cấp:

3.1. Đối với quyết toán của các đơn vị dự toán cấp I cùng cấp: cơ quan tài chính có trách nhiệm thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm. Trường hợp đơn vị dự toán cấp I đồng thời là đơn vị sử dụng ngân sách thì cơ quan tài chính thực hiện xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán năm;

3.2. Đối với quyết toán ngân sách các cấp: cơ quan tài chính cấp trên có trách nhiệm thẩm định và thông báo kết quả thẩm định quyết toán năm đối với quyết toán ngân sách cấp dưới trực thuộc.

4. Đối với kinh phí ủy quyền:

Cơ quan tài chính nhận kinh phí ủy quyền chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý chuyên ngành cùng cấp xét duyệt và thông báo kết quả xét duyệt quyết toán kinh phí ủy quyền của đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí ủy quyền; sau đó tổng hợp, lập báo cáo quyết toán gửi cơ quan tài chính ủy quyền và cơ quan quản lý chuyên ngành cấp trên.

Riêng đối với kinh phí ủy quyền thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng thực hiện theo hướng dẫn riêng của liên Bộ Tài chính - Lao động - Thương binh và Xã hội.

II. NỘI DUNG XÉT DUYỆT, THẨM ĐỊNH VÀ THÔNG BÁO QUYẾT TOÁN NĂM:

1. Đối với các đơn vị dự toán:

1.1 Xét duyệt quyết toán năm:

Nội dung xét duyệt quyết toán năm bao gồm kiểm tra những nội dung sau:

a) Kiểm tra danh mục báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán năm theo quy định tại Quyết định số 19/2006/QĐ-BTC ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và các văn bản liên quan. Danh mục báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán bao gồm các biểu sau:

STT

Ký hiệu biểu

Tên biểu báo cáo

Ghi chú

1

B01 - H

Bảng cân đối tài khoản.

 

2

B02 - H

Tổng hợp tình hình kinh phí và quyết toán kinh phí đã sử dụng.

 

3

F02 - 1H

Báo cáo chi tiết kinh phí hoạt động

 

4

F02 - 2H

Báo cáo chi tiết kinh phí dự án.

 

5

F02 - 3aH

Bảng đối chiếu dự toán kinh phí ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

 

6

F02 - 3bH

Bảng đối chiếu tình hình tạm ứng và thanh toán tạm ứng kinh phí ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

 

7

B03 - H

Báo cáo thu - chi hoạt động sự nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

 

8

B04 - H

Báo cáo tình hình tăng, giảm tài sản cố định.

 

9

B05 - H

Báo cáo số kinh phí chưa sử dụng đã quyết toán năm trước chuyển sang.

 

10

B06 - H

Thuyết minh báo cáo tài chính.

 

11

Biểu 01

Báo cáo thực hiện xử lý kiến nghị của kiểm toán, thanh tra, tài chính.

kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007.

12

01/QTCTMTQG

Báo cáo quyết toán chi chương trình, mục tiêu, dự án quốc gia.

ban hành kèm theo Quyết định số 25/2006/QĐ-BTC ngày 11 tháng 4 năm 2006 của Bộ Tài chính

13

01/HCSN

Thuyết minh tăng chi so với dự toán.

ban hành kèm theo công văn số 3341/STC-NS ngày 26 tháng 12 năm 2007 của Sở Tài chính

 

b) Kiểm tra các khoản thu phí, lệ phí và thu khác: kiểm tra từng chứng từ thu phí, lệ phí và các khoản thu khác được giao quản lý, thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật (nếu có); hạch toán, kế toán các khoản thu, bảo đảm theo đúng chế độ kế toán, năm ngân sách, cấp ngân sách và Mục lục Ngân sách Nhà nước; xác định nguồn cải cách tiền lương từ số thu được để lại theo chế độ quy định (nếu có);

c) Kiểm tra dự toán chi ngân sách được cấp có thẩm quyền giao:

- Kiểm tra tính chính xác và pháp lý của dự toán chi ngân sách được giao, bảo đảm khớp đúng với dự toán được cấp có thẩm quyền giao về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi (dự toán giao đầu năm, dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm). Kiểm tra, đối chiếu số quyết toán với dự toán đã giao chi tiết từng nguồn kinh phí.

- Kinh phí tự chủ, không tự chủ đối với đơn vị hành chính.

- Kinh phí thường xuyên, không thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp.

Riêng đối với dự toán chi từ nguồn viện trợ thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại;

d) Kiểm tra tính hợp pháp của từng khoản chi, bảo đảm khoản chi phải có trong dự toán ngân sách Nhà nước được giao, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc mức chi theo Quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị và đã được thủ trưởng đơn vị hoặc người được ủy quyền quyết định chi; hạch toán, kế toán các khoản chi, bảo đảm theo đúng chế độ kế toán, năm ngân sách, cấp ngân sách và Mục lục Ngân sách Nhà nước;

đ) Kiểm tra việc mua sắm, quản lý và xử lý tài sản; việc tổ chức đấu thầu, thẩm định giá đối với những khoản chi mua sắm, sửa chữa lớn; bảo đảm việc mua sắm, quản lý và sử dụng tài sản theo đúng các quy định của pháp luật;

e) Kiểm tra tính khớp đúng của số liệu trên các chứng từ thu, chi, sổ kế toán và báo cáo quyết toán;

f) Kiểm tra số dư kinh phí được chuyển sang năm sau sử dụng và thanh toán gồm: số dư kinh phí đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại Thông tư số 101/2005/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Bộ Tài chính và số dư kinh phí đương nhiên được sử dụng và thanh toán theo chế độ quy định. Đối với số dư kinh phí không được chuyển sang năm sau sử dụng và thanh toán thì phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước;

g) Kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền qua công tác kiểm toán, thanh tra, xét duyệt hoặc thẩm định quyết toán;

h) Cơ quan có thẩm quyền xét duyệt quyết toán phải lập biên bản xét duyệt quyết toán năm để làm căn cứ thông báo quyết toán năm (lập theo Biểu 03 kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính).

1.2 Thẩm định quyết toán năm: nội dung thẩm định quyết toán năm bao gồm kiểm tra những nội dung sau:

a) Kiểm tra danh mục báo cáo tài chính và báo cáo quyết toán năm quy định, Danh mục theo điểm 1.1 khoản 1 mục II Quy trình này; nếu thiếu thì đề nghị đơn vị được thẩm định lập và gửi bổ sung ngay cho đầy đủ theo quy định;

b) Kiểm tra tính chính xác của số liệu quyết toán thu phí, lệ phí và các khoản thu khác được giao quản lý, thu nộp ngân sách Nhà nước theo quy định của pháp luật (nếu có); bảo đảm khớp đúng với số liệu quyết toán của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc đã được xét duyệt hoặc thẩm định;

c) Kiểm tra tính chính xác và pháp lý của dự toán chi ngân sách được giao, bảo đảm khớp đúng với dự toán được cấp có thẩm quyền giao về tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực chi (kể cả dự toán bổ sung, điều chỉnh trong năm). Riêng đối với dự toán chi từ nguồn viện trợ thực hiện theo quy định hiện hành về chế độ quản lý tài chính Nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại;

d) Kiểm tra tính chính xác và pháp lý của số liệu quyết toán so dự toán ngân sách được giao; bảo đảm khớp đúng với số liệu quyết toán của các đơn vị dự toán cấp dưới trực thuộc đã được xét duyệt hoặc thẩm định về tổng số và chi tiết theo Mục lục Ngân sách Nhà nước;

đ) Kiểm tra số dư kinh phí được chuyển sang năm sau sử dụng và thanh toán gồm: số dư kinh phí đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận bằng văn bản theo quy định tại Thông tư số 101/2005/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Bộ Tài chính và số dư kinh phí đương nhiên được sử dụng và thanh toán theo chế độ quy định. Đối với số dư kinh phí không được chuyển sang năm sau sử dụng và thanh toán thì phải thu hồi nộp ngân sách Nhà nước;

e) Kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền qua công tác kiểm toán, thanh tra, thẩm định quyết toán năm;

f) Kết thúc việc thẩm định quyết toán năm, cơ quan có thẩm quyền thẩm định phải lập biên bản thẩm định quyết toán năm để làm căn cứ thông báo quyết toán năm (lập theo Biểu 03 kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính).

1.3 Thông báo quyết toán năm:

Căn cứ báo cáo quyết toán của đơn vị được xét duyệt và biên bản xét duyệt quyết toán năm, cơ quan có thẩm quyền xét duyệt ra thông báo xét duyệt quyết toán năm gửi đơn vị được xét duyệt (lập theo Biểu 04 kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính).

Căn cứ báo cáo quyết toán của đơn vị được thẩm định và biên bản thẩm định quyết toán năm, cơ quan có thẩm quyền thẩm định ra thông báo thẩm định quyết toán năm gửi đơn vị được thẩm định (lập theo Biểu 04 kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính).

1. Đối với ngân sách các cấp:

2.1 Thẩm định quyết toán năm:

a) Nội dung thẩm định quyết toán năm của ngân sách cấp dưới trực thuộc bao gồm những nội dung sau:

- Kiểm tra danh mục báo cáo quyết toán năm theo quy định tại Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 và Thông tư số 101/2005/TT-BTC ngày 17 tháng 11 năm 2005 của Bộ Tài chính và tại các văn bản quy định có liên quan; nếu thiếu thì đề nghị cơ quan tài chính cấp dưới lập và gửi bổ sung ngay cho đầy đủ theo quy định.

- Xem xét, xác định tính chính xác và hợp pháp của số liệu quyết toán của các khoản tăng, giảm so dự toán được giao.

- Kiểm tra số quyết toán thu ngân sách các cấp so với số thu đã nộp ngân sách tại Kho bạc Nhà nước.

- Kiểm tra số bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới so với số liệu của cơ quan tài chính cấp trên và số liệu hạch toán qua Kho bạc Nhà nước;

- Kiểm tra việc thực hiện các kiến nghị của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền qua công tác kiểm toán, thanh tra, thẩm định quyết toán.

- Nhận xét về quyết toán năm: thời gian gửi báo cáo quyết toán cho cơ quan tài chính cấp trên và thời gian gửi báo cáo quyết toán sau khi Hội đồng nhân dân phê chuẩn, về sử dụng và trích lập Quỹ dự trữ tài chính, thuyết minh, giải trình số liệu quyết toán;

b) Khi thực hiện thẩm định quyết toán năm của ngân sách cấp dưới trực thuộc, cơ quan tài chính cấp trên có quyền:

- Yêu cầu cơ quan tài chính cấp dưới bổ sung thêm những thông tin và số liệu cần thiết cho việc thẩm định quyết toán.

- Yêu cầu cơ quan có trách nhiệm xuất toán, thu hồi các khoản chi không đúng chế độ và nộp ngay các khoản phải nộp vào ngân sách Nhà nước theo chế độ quy định.

- Kiến nghị Ủy ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp điều chỉnh lại quyết toán ngân sách cấp dưới nếu có sai sót.

2.2 Thông báo thẩm định quyết toán năm: căn cứ báo cáo quyết toán thu, chi của ngân sách cấp dưới đã được Hội đồng nhân dân phê chuẩn, cơ quan Tài chính cấp trên thẩm định và ra thông báo quyết toán năm gửi cơ quan tài chính cấp dưới (lập theo Biểu 05 kèm theo Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính); trường hợp thay đổi số liệu quyết toán thì gửi Ủy ban nhân dân cấp dưới để trình Hội đồng nhân dân xem xét, phê chuẩn điều chỉnh quyết toán.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

1. Các nội dung khác không quy định tại Quy trình này có liên quan đến việc xét duyệt, thẩm định và thông báo quyết toán năm đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, tổ chức được ngân sách Nhà nước hỗ trợ và ngân sách các cấp thực hiện theo quy định tại Thông tư số 01/2007/TT-BTC ngày 02 tháng 01 năm 2007 của Bộ Tài chính.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy trình này, trong quá trình thực hiện có phát sinh vuớng mắc, tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp theo quy định./.