Quyết định 80/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định về cơ chế quản lý, điều hành ngân sách đối với Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 80/2010/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Nguyễn Thị Hồng
Ngày ban hành: 19/11/2010 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 15/12/2010 Số công báo: Số 100
Lĩnh vực: Tài chính, Tổ chức bộ máy nhà nước, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 80/2010/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 4 về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 724/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về danh sách huyện, quận, phường của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị quyết số 725/2009/UBTVQH12 ngày 16 tháng 01 năm 2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và quy định nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23 tháng 02 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 26/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội khóa XII về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;
Căn cứ Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân;
Căn cứ Thông tư số 59/2003/TT-BTC ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư số 63/2009/TT-BTC ngày 27 tháng 3 năm 2009 của Bộ Tài chính quy định về công tác lập dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách huyện, quận, phường nơi không tổ chức Hội đồng nhân dân;
Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Công văn số 11393/STC-QHPX ngày 09 tháng 11 năm 2010 về ban hành quy định về cơ chế quản lý, điều hành ngân sách đối với Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân cùng cấp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về cơ chế quản lý, điều hành ngân sách đối với Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Tài chính, Cục trưởng Cục Thuế thành phố, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tư pháp, Giám đốc Sở Nội vụ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Hồng

 

QUY ĐỊNH

VỀ CƠ CHẾ QUẢN LÝ, ĐIỀU HÀNH NGÂN SÁCH ĐỐI VỚI ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG THỰC HIỆN THÍ ĐIỂM KHÔNG TỔ CHỨC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN HUYỆN, QUẬN, PHƯỜNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 80/2010/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Quy định này quy định về cơ chế quản lý, điều hành ngân sách đối với Ủy ban nhân dân huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường.

2. Ngoài những quy định tại cơ chế này, các huyện, quận, phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường vẫn tiếp tục thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

3. Đối với xã và thị trấn tiếp tục thực hiện theo các quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

Điều 2. Quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm phân chia nguồn thu cho ngân sách huyện, quận, phường

1. Các huyện, quận phường thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường thực hiện theo quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp ngân sách được Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước.

2. Việc bổ sung cân đối từ ngân sách quận - huyện cho ngân sách phường - xã, thị trấn (nếu có) do Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định.

Chương II

LẬP, QUYẾT ĐỊNH, PHÂN BỔ VÀ GIAO DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 3. Lập dự toán ngân sách nhà nước

1. Đối với ngân sách phường: Hàng năm, trên cơ sở hướng dẫn của Ủy ban nhân dân quận, công chức tài chính - kế toán phường xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách phường báo cáo Ủy ban nhân dân phường và Ủy ban nhân dân phường gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân quận quyết định.

2. Đối với ngân sách quận - huyện: Hàng năm, căn cứ các văn bản của Bộ Tài chính, Ủy ban nhân dân thành phố và Sở Tài chính về hướng dẫn xây dựng dự toán năm, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận - huyện phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách quận - huyện báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện. Ủy ban nhân dân quận - huyện sau khi thông qua, gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 4. Quyết định giao dự toán ngân sách nhà nước

1. Sở Tài chính tổng hợp dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận - huyện, dự toán thu, chi ngân sách quận - huyện trình Ủy ban nhân dân thành phố để trình Hội đồng nhân dân thành phố quyết định.

2. Căn cứ Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố, Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho Ủy ban nhân dân quận - huyện. Dự toán chi ngân sách quận - huyện được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phân bổ chi tiết đối với các lĩnh vực chi sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp y tế, dự phòng ngân sách và nguồn cải cách tiền lương.

Chậm nhất sau 05 ngày, kể từ ngày Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố có hiệu lực, Ủy ban nhân dân thành phố có trách nhiệm giao dự toán thu, chi ngân sách cho quận - huyện.

3. Sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Ủy ban nhân dân thành phố, chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân thành phố quyết định dự toán và phân bổ ngân sách, Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định cụ thể dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn; dự toán thu, chi ngân sách địa phương; phân bổ ngân sách cấp quận - huyện; giao dự toán thu, chi ngân sách cho các cơ quan, đơn vị cùng cấp và dự toán thu, chi ngân sách cho cấp dưới.

4. Sau khi nhận được quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách của Ủy ban nhân dân quận, Ủy ban nhân dân phường phân bổ dự toán ngân sách cấp mình chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày Ủy ban nhân dân quận quyết định dự toán thu, chi ngân sách.

5. Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định danh mục các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách quận - huyện, danh mục các dự án nhóm C sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của thành phố phân cấp cho quận - huyện quản lý, danh mục các dự án sử dụng nguồn thu được thành phố để lại cho quận - huyện chi đầu tư phát triển và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân để chi cho đầu tư. Khi quyết định danh mục các dự án đầu tư và bố trí vốn, Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm xem xét kỹ về khả năng cân đối nguồn vốn để tập trung bố trí vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách và những dự án có khả năng hoàn thành trong năm trên địa bàn quận - huyện.

Điều 5. Phân bổ dự toán ngân sách nhà nước

1. Ủy ban nhân dân quận - huyện khi phân bổ, giao dự toán đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo và dạy nghề, sự nghiệp y tế, dự phòng ngân sách và nguồn cải cách tiền lương không được phân bổ chi thấp hơn mức dự toán chi do Ủy ban nhân dân thành phố giao.

2. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân và cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp kết quả phân bổ và giao dự toán ngân sách địa phương chậm nhất 05 ngày sau khi dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ ngân sách được cơ quan có thẩm quyền quyết định.

3. Trường hợp phân bổ dự toán ngân sách quận - huyện chưa phù hợp với dự toán thu, chi ngân sách được Ủy ban nhân dân thành phố quyết định, Sở Tài chính báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố yêu cầu Ủy ban nhân dân quận - huyện điều chỉnh lại dự toán thu, chi ngân sách cho phù hợp. Trường hợp phân bổ dự toán ngân sách phường chưa phù hợp với dự toán thu, chi ngân sách được Ủy ban nhân dân quận quyết định, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận báo cáo Ủy ban nhân dân quận yêu cầu Ủy ban nhân dân phường điều chỉnh lại dự toán thu, chi ngân sách cho phù hợp.

Điều 6. Dự toán ngân sách quận - huyện, phường phải được công khai trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường quyết định. Việc công khai dự toán ngân sách quận - huyện, phường thực hiện theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 7. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện, điều hành ngân sách theo dự toán được giao.

Điều 8. Trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước, nếu có sự thay đổi về thu, chi, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường thực hiện như sau:

1. Số tăng thu và tiết kiệm chi so với dự toán được giao sau khi bố trí nguồn cải cách tiền lương theo quy định được sử dụng để tăng chi đầu tư phát triển, tăng dự phòng ngân sách. Công chức tài chính - kế toán phường báo cáo Ủy ban nhân dân phường, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận - huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định phương án sử dụng số tăng thu, tiết kiệm chi đối với từng nhiệm vụ chi của địa phương.

2. Trường hợp số thu không đạt dự toán được Ủy ban nhân dân cấp trên giao, công chức tài chính - kế toán phường (đối với ngân sách cấp phường), Phòng Tài chính - Kế hoạch quận - huyện (đối với ngân sách cấp quận - huyện)

báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp điều chỉnh giảm một số khoản chi tương ứng, đồng thời báo cáo cơ quan tài chính cấp trên để báo cáo cấp có thẩm quyền đã quyết định dự toán ngân sách đầu năm.

3. Nếu phát sinh các công việc đột xuất như: chi phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hỏa hoạn, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và các nhiệm vụ chi cấp bách khác mà dự phòng ngân sách của địa phương không cân đối được thì công chức tài chính - kế toán phường báo cáo Ủy ban nhân dân phường, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận - huyện báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định sắp xếp lại các khoản chi trong dự toán được giao để đáp ứng nhu cầu chi. Trường hợp sau khi sắp xếp lại các khoản chi, ngân sách cấp mình vẫn chưa đáp ứng được, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường thực hiện như sau:

a) Đối với ngân sách phường: Ủy ban nhân dân phường báo cáo Phòng Tài chính - Kế hoạch quận để xem xét, trình Ủy ban nhân dân quận quyết định sử dụng dự phòng ngân sách quận để xử lý.

b) Đối với ngân sách quận - huyện: Ủy ban nhân dân quận - huyện báo cáo Sở Tài chính để xem xét, trình Ủy ban nhân dân thành phố quyết định.

Điều 9. Khi nhận được tiền thưởng vượt thu từ ngân sách thành phố, Ủy ban nhân dân quận - huyện sử dụng nguồn tiền thưởng này để bổ sung vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo mục tiêu do Ủy ban nhân dân thành phố quy định (nếu có) hoặc theo các danh mục công trình do Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định. Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm bố trí vốn đảm bảo tính cân đối và có trọng tâm để sử dụng nguồn vốn đầu tư có hiệu quả, đặc biệt ưu tiên bố trí vốn cho các công trình, dự án trọng điểm, cấp bách trên địa bàn quận - huyện.

Điều 10. Về sử dụng dự phòng ngân sách

1. Đối với ngân sách phường: Ủy ban nhân dân phường quyết định sử dụng và định kỳ 3 tháng báo cáo về Phòng Tài chính - Kế hoạch quận chậm nhất là ngày 5 của tháng đầu quý sau để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận.

2. Đối với ngân sách quận - huyện: Ủy ban nhân dân quận - huyện quyết định sử dụng và định kỳ 3 tháng báo cáo về Sở Tài chính chậm nhất là ngày 10 của tháng đầu quý sau để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố hàng quý và báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp gần nhất.

Điều 11. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường thực hiện vận động nhân dân đóng góp các quỹ ở địa phương phải đảm bảo đúng quy định pháp luật và báo cáo kết quả hoạt động hàng năm của từng loại quỹ nhân dân đóng góp cho cơ quan tài chính cấp trên để báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và thực hiện công khai theo đúng quy định.

Điều 12. Về kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự toán ngân sách quận - huyện, phường - xã, thị trấn

1. Ủy ban nhân dân quận - huyện chịu sự kiểm tra của Ủy ban nhân dân thành phố và sự giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, có trách nhiệm báo cáo và đề xuất những vấn đề liên quan đến việc điều hành, thực hiện dự toán ngân sách theo yêu cầu của cơ quan kiểm tra và giám sát.

2. Ủy ban nhân dân quận - huyện có trách nhiệm kiểm tra việc xây dựng và thực hiện dự toán ngân sách của Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn; riêng đối với Ủy ban nhân dân huyện còn có trách nhiệm kiểm tra Nghị quyết của Hội đồng nhân dân xã, thị trấn về tài chính - ngân sách.

3. Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường có trách nhiệm thực hiện chế độ thông báo, giải quyết và trả lời các kiến nghị liên quan đến tài chính - ngân sách cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân cùng cấp.

Chương IV

QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Điều 13. Quyết toán ngân sách

1. Đối với ngân sách phường: Công chức tài chính - kế toán phường lập quyết toán thu, chi ngân sách phường báo cáo Ủy ban nhân dân phường phê duyệt, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch quận thẩm định và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân quận phê duyệt.

2. Đối với ngân sách quận - huyện: Phòng Tài chính - Kế hoạch quận - huyện lập báo cáo quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận - huyện; quyết toán thu, chi ngân sách quận - huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân quận - huyện phê duyệt và gửi Sở Tài chính thẩm định chậm nhất là ngày 30 tháng 4 năm sau.

3. Ủy ban nhân dân quận - huyện chịu trách nhiệm về số liệu quyết toán thu chi ngân sách của quận - huyện trước Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố.

4. Sở Tài chính tổng hợp quyết toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn quận - huyện, quyết toán thu, chi ngân sách quận - huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố trình Hội đồng nhân dân thành phố phê chuẩn.

Điều 14. Xử lý kết dư

Căn cứ quyết định phê duyệt quyết toán ngân sách của Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường; trường hợp có kết dư ngân sách, Phòng Tài chính - Kế hoạch quận - huyện, Ủy ban nhân dân phường có văn bản gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch làm thủ tục hạch toán chuyển vào thu ngân sách năm sau theo chế độ quy định.

Điều 15. Quyết toán ngân sách quận - huyện, phường phải được công khai trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày được Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường phê duyệt. Việc công khai quyết toán ngân sách quận - huyện, phường thực hiện theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 16. Căn cứ vào Quy định này, Ủy ban nhân dân quận - huyện, phường lập, quyết định, phân bổ dự toán, tổ chức thực hiện dự toán và quyết toán ngân sách quận - huyện, phường.

Điều 17. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc Sở Tài chính chủ động hướng dẫn, giải quyết theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo kịp thời./.





Nghị định 60/2003/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Ngân sách nhà nước Ban hành: 06/06/2003 | Cập nhật: 06/12/2012