Quyết định 67/1999/QĐ-TTg về chính sách ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn
Số hiệu: 67/1999/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 30/03/1999 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 08/05/1999 Số công báo: Số 17
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 67/1999/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 30 tháng 3 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 67/1999/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 3 NĂM 1999 VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH TÍN DỤNG NGÂN HÀNG PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997-QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997; Luật các Tổ chức tín dụng số 02/1997-QH10 ngày 12 tháng 12 năm 1997;
Xét đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành một số chính sách tín dụng ngân hàng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn với nội dung sau:

I. NGUỒN VỐN

1. Nguồn vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn, bao gồm:

- Vốn của Ngân hàng huy động;

- Vốn ngân sách Nhà nước;

- Vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế và nước ngoài;

Nguồn vốn được bổ sung hàng năm và giao cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam sử dụng để phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn, trong đó dành phần vốn hợp lý cho hộ nghèo vay qua Ngân hàng phục vụ người nghèo.

2. Nguồn vốn huy động cho phát triển nông nghiệp và nông thôn chủ yếu bằng các hình thức sau đây:

- Đẩy mạnh việc huy động tiền tiết kiệm không kỳ hạn, có kỳ hạn, phát hành kỳ phiếu, trái phiếu ngân hàng thương mại ... kể cả bằng đồng Việt Nam, ngoại tệ và bằng vàng khi cần thiết;

- Từng bước đa dạng hóa việc huy động vốn trung hạn, dài hạn để bảo đảm cho các chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn trong từng thời kỳ. Trước mắt để phục vụ chương trình phát triển nông nghiệp và nông thôn của Chính phủ, các Ngân hàng thương mại có thể phát hành trái phiếu với lãi suất cao hơn lãi suất huy động bình thường tại cùng thời điểm, mức lãi suất cao hơn tối đa là 1%/năm.

- Các Ngân hàng thương mại khi huy động vốn trung hạn, dài hạn bằng vàng phải có đề án trình Ngân hàng Nhà nước chấp thuận, Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm chuyển đổi số vàng huy động được thành đồng Việt Nam.

- Tranh thủ huy động các nguồn vốn từ nước ngoài kể cả vốn ODA và vốn vay thương mại. Khẩn trương giải ngân hai dự án tài chính nông thôn và tín dụng nông thôn giai đoạn I, tạo điều kiện triển khai tiếp việc vay vốn giai đoạn II khoảng 150 triệu Đôla Mỹ đến 180 triệu Đôla Mỹ;

- Ngoài các nguồn vốn do các Ngân hàng huy động, hàng năm Nhà nước dành một phần vốn từ ngân sách chuyển sang các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện các chương trình kinh tế theo chính sách của Nhà nước.

II. VỀ CHÍNH SÁCH CƠ CHẾ TÍN DỤNG

1. Đối với loại tín dụng thông thường

a) Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và các tổ chức tín dụng khác huy động và cân đối đủ nguồn vốn đáp ứng yêu cầu tăng khối lượng tín dụng cho nhu cầu phát triển nông nghiệp, nông thôn, bao gồm:

- Chi phí sản xuất cho trồng trọt, chăn nuôi như: vật tư, phân bón, cây giống, con giống, thuốc trừ sâu, trừ cỏ, thuốc phòng, chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi...; chi phí nuôi trồng thủy sản (nước ngọt nước lợ) như: cải tạo ruộng nuôi, lồng nuôi, con giống, thức ăn, thuốc phòng, chữa bệnh...; đánh bắt hải sản như: đầu tư đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư lưới cụ, xăng dầu, nước đá...; chi phí sản xuất muối; chi phí bơm tưới, tiêu nước; làm thủy lợi nội đồng.

- Tiêu thụ, chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy, hải sản và muối;

- Phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn;

- Mua sắm công cụ, máy móc, thiết bị phục vụ cho phát triển nông nghiệp và nông thôn như: máy cày, máy bừa, máy bơm nước, máy gặt, máy tuốt lúa, máy xay xát, máy sấy, thiết bị chế biến, bình bơm thuốc trừ sâu...; mua sắm phương tiện vận chuyển hàng hóa trong nông nghiệp; xây dựng chuồng trại, nhà kho, sân phơi, các phương tiện bảo quản sau thu hoạch;

- Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn như: điện, đường giao thông nông thôn, cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường.

b) Cơ chế bảo đảm tiền vay

- Đối với hộ gia đình, ngân hàng cho vay đến 10 triệu đồng, người vay không phải thế chấp tài sản chỉ nộp kèm đơn xin vay giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

- Đối với các hộ làm kinh tế hàng hóa, kinh tế trang trại, ngân hàng cho vay trên 10 triệu đồng người vay phải thực hiện các quy định bảo đảm tiền vay của ngân hàng.

- Đối với hợp tác xã sản xuất, kinh doanh, tùy từng trường hợp cụ thể các tổ chức tín dụng áp dụng một trong các hình thức sau:

+ Thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của ngân hàng.

+ Được lấy tài sản của các thành viên Ban Quản lý làm bảo đảm tiền vay;

+ Được lấy tài sản hình thành từ vốn vay làm bảo đảm tiền vay nhưng mức cho vay tối đa bằng vốn tự có của hợp tác xã.

- Đối với doanh nghiệp

+ Các doanh nghiệp Nhà nước, được Nhà nước giao nhiệm vụ làm đầu mối thu mua để xuất khẩu gạo; nhập khẩu phân bón, được dùng tài sản hình thành từ vốn vay làm bảo đảm tiền vay; đối với các doanh nghiệp kinh doanh các sản phẩm khác thì thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của ngân hàng.

+ Các doanh nghiệp khác, vay vốn ngân hàng phải thực hiện bảo đảm tiền vay theo quy định của ngân hàng..

2. Cho vay ưu đãi lãi suất, thực hiện theo quyết định riêng của Thủ tướng Chính phủ và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước.

3. Đối với loại tín dụng thực hiện theo chính sách của Nhà nước như:

- Cho vay các hộ nghèo;

- Cho vay khắc phục hậu qủa bão lụt, thiên tai;

- Cho vay đóng mới, cải hoán tàu đánh bắt và tàu dịch vụ đánh bắt hải sản xa bờ;

- Cho vay các chương trình khác trong phạm vi nhất định thuộc các vùng khó khăn, ngành nghề khó khăn.

Các loại cho vay thực hiện theo chính sách của Nhà nước, người vay không phải thực hiện quy định về đảm bảo tiền vay; trong trường hợp có rủi ro, ngân hàng báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét giải quyết cụ thể.

III. VỀ THỜI HẠN CHO VAY

Ngân hàng cho vay theo chu kỳ sinh trưởng của cây trồng, vật nuôi, thời gian luân chuyển vật tư hàng hóa và khấu hao tài sản, máy móc, thiết bị.

Thời hạn cho vay ngắn hạn, tối đa 12 tháng;

Thời hạn cho vay trung hạn, trên 12 tháng đến 5 năm;

Thời hạn cho vay dài hạn trên 5 năm;

IV. VỀ MẠNG LƯỚI PHỤC VỤ VÀ GIAO DỊCH CỦA CÁC NGÂN HÀNG

- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam căn cứ khối lượng tín dụng và khả năng tài chính, từng bước mở rộng mạng lưới (cơ sở giao dịch, trang bị phương tiện làm việc) để thực hiện giải ngân tại chỗ, đáp ứng yêu cầu phục vụ, thuận tiện cho người vay; đồng thời có thể ủy thác cho các Qũy tín dụng nhân dân, Ngân hàng Thương mại cổ phần nông thôn làm đại lý một số nghiệp vụ cụ thể về tín dụng.

- Khuyến khích các tổ chức tín dụng tham gia cho vay vốn để phát triển nông nghiệp và nông thôn. Các tổ chức tín dụng khác khi tham gia cho vay vốn phát triển nông nghiệp và nông thôn được thực hiện quy định của Quyết định này.

- Các tổ chức tín dụng cần cải tiến quy trình cho vay, thủ tục đơn giản;

V. XỬ LÝ RỦI RO:

Vốn cho vay phát triển nông nghiệp và nông thông trong trường hợp bị thiệt hại do nguyên nhân khách quan bất khả kháng như: bão, lụt, hạn hán, dịch bệnh, Nhà nước có chính sách xử lý thiệt hại cho người vay và ngân hàng cho vay (xóa, miễn, khoanh, giãn nợ tùy theo mức độ thiệt hại).

Việc xử lý khi xảy ra thiệt hại đối với từng trường hợp cụ thể, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và chính quyền địa phương kiểm tra, kiến nghị biện pháp xử lý trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 2. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Tấn Dũng

(Đã ký)