Quyết định 639/QĐ-UBND năm 2018 phê duyệt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
Số hiệu: | 639/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Bắc Kạn | Người ký: | Đỗ Thị Minh Hoa |
Ngày ban hành: | 20/04/2018 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 639/QĐ-UBND |
Bắc Kạn, ngày 20 tháng 4 năm 2018 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số: 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
Căn cứ Thông tư số: 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng ,chống dịch bệnh động vật trên cạn;
Căn cứ Thông tư số: 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số: 33/TTr-SNN ngày 03/4/2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài Nguyên và Môi trường, Tài chính, Y tế, Công Thương, Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TẠI CÁC CHỢ BUÔN BÁN ĐẠI GIA SÚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 639/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn)
Trong những năm gần đây, chăn nuôi trâu, bò được người dân quan tâm đầu tư phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhu cầu kinh doanh, mua bán, vận chuyển trâu, bò ngày càng tăng, vì vậy trên địa bàn tỉnh đã hình thành nhiều chợ chuyên diễn ra hoạt động kinh doanh, mua bán trâu, bò như các chợ Nghiên Loan, Công Bằng, Bộc Bố huyện Pác Nặm… tại đây trâu, bò được vận chuyển đến từ nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh lân cận như Tuyên Quang, Cao Bằng… Việc vận chuyển trâu, bò đến các chợ tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau như dắt bộ, bằng xe ôtô trên nhiều tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ khác nhau, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và quản lý mức độ an toàn dịch bệnh, là nguy cơ lớn làm lây lan, phát tán dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Đặc biệt, trong các năm 2016, 2017, một số hộ dân trên địa bàn các huyện Chợ Đồn, Bạch Thông và Ngân Sơn,... đã mua trâu, bò từ chợ Nghiên Loan đem về nuôi với mục đích chăn nuôi vỗ béo và phục vụ cày kéo, do gia súc không rõ nguồn gốc, xuất xứ và chưa được tiêm phòng, khi gặp điều kiện môi trường thuận lợi dịch bệnh Lở mồm long móng gia súc đã phát sinh và làm lây lan ra diện rộng gây thiệt hại về kinh tế cũng như tâm lý của người dân chăn nuôi ở một số địa phương.
Để triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, tăng cường quản lý chặt chẽ dịch bệnh tại các chợ buôn bán trâu, bò trên địa bàn tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt Phương án quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ chuyên buôn bán trâu, bò trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn với các nội dung sau:
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số: 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số: 90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về việc Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
Căn cứ Thông tư số: 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn;
Căn cứ Thông tư số: 25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn;
1. Mục đích
- Tăng cường công tác quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ chuyên buôn bán đại gia súc; thiết lập trật tự, kỷ cương trong việc kiểm soát an toàn dịch bệnh động vật tại các chợ chuyên buôn bán đại gia súc trên địa bàn tỉnh.
- Chủ động kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn, khống chế các ổ dịch phát sinh từ gia súc mang mầm bệnh được đưa đến chợ làm lây lan cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.
2. Yêu cầu
- Sự phối hợp của các ngành, các cấp trong việc tuyên truyền để các tư thương và người dân địa phương thực hiện tốt quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật theo quy định trước khi đưa đến chợ; kịp thời khống chế, ngăn chặn các ổ dịch bệnh động vật nguy hiểm phát sinh từ chợ.
- Đại gia súc đưa đến chợ phải đảm bảo trong tình trạng khỏe mạnh, có đủ giấy tờ chứng minh gia súc đã được tiêm phòng định kỳ, đảm bảo an toàn dịch bệnh theo quy định của cơ quan chuyên ngành thú y và quy định về bảo vệ môi trường.
- Việc triển khai thực hiện Phương án không làm ảnh hưởng đến giao thương, buôn bán của các tổ chức, cá nhân có hoạt động tại các chợ.
1. Điều kiện vệ sinh thú y đối với chợ chuyên buôn bán đại gia súc
- Địa điểm chuyên mua, bán đại gia súc phải tách biệt với các ngành hàng khác; diện tích phù hợp với quy hoạch chợ chuyên buôn bán đại gia súc của địa phương.
- Tại khu vực nhốt gia súc phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực buôn bán đại gia súc sau mỗi phiên chợ. Nơi cách ly kiểm dịch động vật phải định kỳ thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng ít nhất 01 lần trong tuần và trong thời gian nuôi cách ly động vật.
- Có khu cách biệt để nuôi nhốt gia súc khi nghi mắc bệnh hoặc mắc bệnh để theo dõi, điều trị; bố trí địa điểm xử lý khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc theo quy định.
2. Điều kiện vệ sinh thú y đối với đại gia súc được buôn bán, vận chuyển
- Đại gia súc vận chuyển vào chợ phải khỏe mạnh, không làm lây lan dịch bệnh động vật, không gây hại đến sức khỏe con người; động vật phải được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan quản lý chuyên ngành thú y.
- Đối với đại gia súc vận chuyển từ tỉnh khác đến phải có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch do cơ quan thú y nơi xuất phát cấp theo quy định.
3. Công tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng
- Sau các buổi họp chợ phải tiến hành thực hiện công tác vệ sinh môi trường, phun thuốc tiêu độc, khử trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc và cơ quan thú y.
- Đối tượng vệ sinh, khử trùng: Địa điểm thu gom động vật sống để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch; các phương tiện vận chuyển gia súc; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật mắc bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật.
4. Công tác kiểm soát, quản lý dịch bệnh động vật tại chợ
- Đại gia súc vận chuyển vào chợ phải được cơ quan thú y được giao nhiệm vụ kiểm soát, quản lý dịch bệnh tại chợ tiến hành kiểm tra lâm sàng đối với toàn bộ gia súc và chủ hàng xuất trình hồ sơ kiểm dịch theo quy định, gồm: Giấy kiểm dịch vận chuyển đối với gia súc xuất phát từ tỉnh ngoài vào địa bàn hoặc Giấy chứng nhận gia súc đã được tiêm phòng còn hiệu lực đối với gia súc được đưa đến từ các địa phương khác trong tỉnh; riêng đối với ngựa xuất trình Giấy kiểm dịch vận chuyển và không cần xuất trình Giấy chứng nhận tiêm phòng.
- Trường hợp đại gia súc được vận chuyển từ tỉnh khác đến không có hồ sơ kiểm dịch vận chuyển và Giấy chứng nhận tiêm phòng phải được nuôi cách ly theo dõi và tiêm phòng bổ sung vắc xin đối với một số bệnh theo quy định.
- Khi phát hiện gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Ban Quản lý chợ phối hợp với cơ quan thú y địa phương tiến hành lập biên bản, tạm giữ gia súc, yêu cầu chủ vật nuôi phải cách ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, không giết mổ, mua bán, vứt động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường.
- Trong thời gian địa phương đang công bố dịch bệnh nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với gia súc, Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo ngừng hoạt động mua, bán đại gia súc tại chợ.
5. Xử lý động vật mắc bệnh
- Khi phát hiện gia súc nghi mắc bệnh, chết bất thường mà không rõ nguyên nhân, chủ vật nuôi phải báo ngay Ban Quản lý chợ, cán bộ thú y viên cơ sở báo cáo cơ quan thú y cấp trên đến kiểm tra, xác minh kịp thời.
- Trường hợp phát hiện dịch bệnh động vật thuộc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y cấp huyện, cấp tỉnh phải thực hiện việc báo cáo dịch bệnh động vật cho cơ quan y tế cùng cấp biết để phối hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
- Đối với động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cơ quan thú y cấp tỉnh sẽ căn cứ theo quy định hiện hành để quyết định xử lý tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc. Việc tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 6, Thông tư số: 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì triển khai thực hiện Phương án quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn tỉnh; báo cáo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để Ủy ban nhân dân tỉnh có biện pháp chỉ đạo kịp thời.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y giao cho các Trạm trực thuộc Chi cục đóng trên địa bàn các huyện, thành phố:
+ Phối hợp với Ban Quản lý chợ tại địa bàn quản lý để thực hiện công tác kiểm dịch và cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển theo yêu cầu; chuẩn bị đầy đủ vắc xin tiêm phòng, hóa chất phục vụ công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại các chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn quản lý.
+ Hướng dẫn chuyên môn về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và làm tốt công tác giám sát dịch bệnh tại địa phương, trong đó: Tăng cường kiểm tra tình hình dịch bệnh động vật tại các chợ, điểm họp chợ buôn bán đại gia súc tại địa bàn được phân công.
+ Hằng quý, năm thực hiện báo cáo đánh giá về công tác quản lý dịch bệnh động vật trên địa bàn, trong đó có công tác quản lý dịch bệnh tại các chợ chuyên buôn bán đại gia súc.
- Chỉ đạo thanh tra chuyên ngành phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y định kỳ hoặc đột xuất kiểm tra các chợ buôn bán đại gia súc thực hiện công tác kiểm soát, quản lý dịch bệnh đối với gia súc đưa đến chợ, kiểm tra việc chấp hành các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường tại chợ theo quy định hiện hành.
2. Sở Công Thương
- Chủ động phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra, hướng dẫn quản lý quy hoạch mạng lưới chợ theo quy định; tổ chức quy hoạch chợ chuyên kinh doanh hoặc chợ lồng ghép mua bán, vận chuyển đại gia súc trên địa bàn tỉnh.
- Phối hợp với Công an tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động mua bán, vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Phối hợp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương giám sát, xử lý môi trường tại khu vực chợ, các khu vực có dịch bệnh nguy hiểm bùng phát và khu vực tiêu hủy động vật mắc bệnh theo quy định.
- Chủ trì phối hợp với các ngành chức năng, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố kiểm tra xử lý các trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường.
4. Sở Y tế
Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo việc tổ chức tuyên truyền sâu, rộng cho nhân dân về tác hại, nguy cơ lây nhiễm và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh gia súc lây nhiễm từ động vật sang người. Áp dụng các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh đảm bảo an toàn cho người trong vùng xảy ra dịch.
5. Sở Tài chính
Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định.
6. Công an tỉnh
- Phối hợp với các Sở, Ngành, đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện các biện pháp đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao thông tại các chợ; chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền tại các chợ theo quy định.
- Phối hợp với các đơn vị liên quan hướng dẫn, kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường.
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bắc Kạn, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh
Chủ động phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng nội dung tuyên truyền và hướng dẫn người dân thực hiện tốt công tác quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ chuyên buôn bán đại gia súc trên địa bàn.
8. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Đối với các địa phương có chợ buôn bán đại gia súc tổ chức thực hiện tốt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn quản lý.
- Chỉ đạo các Phòng, Ban liên quan phối hợp với chính quyền địa phương có chợ buôn bán đại gia súc đang hoạt động tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các tư thương và người dân địa phương thực hiện tốt quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh cho động vật theo quy định khi đưa gia súc đến chợ; tăng cường công tác giám sát dịch bệnh động vật tại các chợ; kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố ý đưa gia súc không đảm bảo về an toàn dịch bệnh vào chợ.
- Phối hợp với Sở Công Thương và các đơn vị liên quan quy hoạch, cải tạo, sửa chữa cơ sở hạ tầng đối với các chợ chuyên hoạt động buôn bán đại gia súc để đảm bảo cho an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường theo quy định.
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn có chợ buôn bán gia súc đang hoạt động củng cố bộ máy của Ban Quản lý chợ, lựa chọn cán bộ thú y viên cơ sở có năng lực chuyên môn, nhiệt tình để thực thi nhiệm vụ tại chợ.
- Thành lập quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Quản lý hoặc Tổ Quản lý chợ buôn bán đại gia súc trên địa bàn.
9. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn nơi có chợ buôn bán đại gia súc
- Thông báo cho Ban Quản lý chợ, mọi người dân và thương nhân chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh cho gia súc khi đưa đến chợ; thực hiện tốt công tác vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường chợ theo quy định.
- Chỉ đạo thú y viên cơ sở lập sổ theo dõi, thống kê đầy đủ số lượng gia súc được tiêm phòng định kỳ hằng năm, phối hợp với Trưởng thôn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm Chăn nuôi thú y cấp huyện xác nhận Giấy chứng nhận tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo quy định; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo tình hình dịch bệnh gia súc tại địa phương theo quy định.
- Cân đối nguồn thu phí, lệ phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện việc sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua một số vật tư, trang thiết bị cấp thiết phục vụ tại chợ.
10. Nhân viên thú y cấp xã
- Thực hiện sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp xã và cơ quan chuyên ngành thú y trong việc quản lý dịch bệnh động vật; báo cáo kịp thời khi phát hiện gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh tại địa phương; thống kê tổng đàn và giám sát phát hiện dịch bệnh động vật đến tận hộ chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi trên địa bàn xã và báo cáo kịp thời cho Ủy ban nhân dân cấp xã và Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện, thành phố.
+ Lập sổ theo dõi, quản lý số lượng trâu, bò đưa đến chợ buôn bán, trao đổi trên địa bàn quản lý như: Biết được nguồn gốc, xuất xứ vận chuyển từ đâu đến và sau mỗi phiên chợ số trâu, bò được xuất bán, vận chuyển đến địa phương nào.
+ Kiểm soát chặt chẽ Giấy chứng nhận tiêm phòng và nguồn gốc xuất xứ khi cho vận chuyển trâu, bò vào chợ kinh doanh; đối với số trâu, bò được vận chuyển từ nơi khác đến không có Giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc hồ sơ kiểm dịch vận chuyển phải được nuôi cách ly theo dõi và tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin theo quy định.
+ Đối với số lượng động vật vận chuyển từ các chợ đi tiêu thụ, yêu cầu chủ vật nuôi phải chấp hành nghiêm việc khai báo cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan thú y nơi đến biết để tiện theo dõi và giám sát dịch bệnh theo quy định.
+ Hướng dẫn, tham gia thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng để phòng, chống dịch bệnh lây lan; tham mưu cho cấp có thẩm quyền tiến hành vệ sinh tiêu độc khử trùng thường xuyên đối với các chợ, điểm họp chợ đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
11. Đối với chủ vật nuôi
- Chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch vận chuyển động vật.
- Phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi để các cơ quan chuyên môn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc gia súc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh đối với số gia súc vận chuyển đến các chợ buôn bán.
- Chịu trách nhiệm nuôi giữ, chăm sóc số gia súc, phương tiện vận chuyển gia súc, nội dung khai báo kiểm dịch; bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong quá trình tập trung, vận chuyển theo quy định.
- Khai báo và đăng ký với cơ quan thú y về số lượng đại gia súc phải kiểm dịch tại nơi xuất phát, chấp hành đầy đủ các nội dung trong công tác kiểm dịch vận chuyển theo quy định.
- Phải báo cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần nhất khi phát hiện bệnh lạ hoặc động vật có dấu hiệu mắc bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải công bố dịch.
- Không được đánh tráo, thay đổi số lượng trâu, bò đã được kiểm dịch; không tự ý viết thêm, tẩy xóa, sửa chữa nội dung ghi trong Giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật; nộp phí, lệ phí, chi phí kiểm dịch động vật theo quy định của pháp luật.
Yêu cầu các Sở, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố khẩn trương tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung Phương án này. Trong quá trình thực hiện nếu có nội dung chưa phù hợp, yêu cầu thực tế phát sinh hoặc vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, yêu cầu các cơ quan, đơn vị kịp thời tổng hợp và gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.
Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y Ban hành: 31/07/2017 | Cập nhật: 31/07/2017
Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT Quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn Ban hành: 30/06/2016 | Cập nhật: 22/07/2016
Nghị định 19/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường Ban hành: 14/02/2015 | Cập nhật: 02/03/2015