Quyết định 61/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: 61/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Cần Thơ Người ký: Đào Anh Dũng
Ngày ban hành: 10/01/2017 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 61/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 10 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP THÀNH PHỐ CẦN THƠ  THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG  ĐẾN NĂM 2020 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 1533/QĐ-TTg ngày 30 tháng 8 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Cần Thơ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Nghị quyết số 67/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố về việc thông qua Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; 

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 17/TTr-SNN&PTNT ngày 05 tháng 01 năm 2017,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban ngành thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Anh Dũng

 

ĐỀ ÁN

(Kèm theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

I. Quan điểm và mục tiêu

1. Quan điểm

a) Tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các vùng sinh thái để phát triển nông nghiệp, nông thôn đạt mức tăng trưởng cao và bền vững; hình thành các tiểu vùng nông nghiệp đặc trưng, bao gồm: vùng lúa giống chất lượng cao, vùng chuyên canh lúa thương phẩm liên kết theo cánh đồng lớn, vùng vành đai sản xuất lương thực thực phẩm quanh đô thị ứng dụng công nghệ cao, vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp với du lịch sinh thái, vùng phát triển chăn nuôi an toàn sinh học và nuôi trồng thủy sản tập trung;

b) Phát triển nhanh, toàn diện nông nghiệp, nông thôn thành phố theo hướng hiện đại, xanh, sạch, đa dạng và bền vững; mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa các nông sản chủ lực (lúa, trái cây, thủy sản, chăn nuôi) và sản phẩm ngành nghề nông thôn, hướng mạnh vào xuất khẩu và cung ứng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến; đi đầu trong nghiên cứu, ứng dụng mô hình nông nghiệp đô thị, mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, trong đó kết hợp với các viện trường tập trung phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao cho vùng; đẩy mạnh đầu tư 03 (ba) Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao góp phần thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và cả nước theo Nghị quyết số 45-NQ/TW ngày 17 tháng 02 năm 2005 của Bộ Chính trị;

c) Phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ kinh tế hộ cá thể theo hướng trang trại, hợp tác xã và các loại hình doanh nghiệp, nâng cao vai trò đầu tàu của các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa thành phố Cần Thơ với các địa phương khác ở ĐBSCL;

d) Nâng cao hiệu quả kinh tế trên 01 ha đất nông nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho kinh tế hộ nông dân, giải quyết việc làm cho lao động khu vực nông nghiệp và nông thôn, thực hiện giảm nghèo, thu hẹp khoảng cách về thu nhập giữa thành thị và nông thôn;

đ) Phát triển nông nghiệp gắn liền với xây dựng nông thôn mới và quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, thực hiện công bằng xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, ổn định xã hội và phát triển bền vững môi trường nông thôn.

2. Mục tiêu 

a) Mục tiêu tổng quát

- Nâng cao giá trị gia tăng và phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, nâng cao sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa;

- Xây dựng ngành hàng hóa chủ lực, vùng sản xuất tập trung ứng dụng công nghệ cao, thực hiện liên kết chuỗi giá trị từ sản xuất đến thị trường tiêu thụ. Xây dựng nguồn giống cây trồng và vật nuôi chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển nông nghiệp của thành phố và cung ứng các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long;

- Khai thác và sử dụng hợp lý các nguồn lực tại địa phương gắn với xây dựng nông thôn mới.

b) Mục tiêu cụ thể

- Giai đoạn 2016 - 2020

+ Tốc độ tăng giá trị sản xuất nông nghiệp đạt bình quân từ 3,5%/năm trở lên;

+ Cơ cấu giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản năm 2020: Nông nghiệp (67,1%) - lâm nghiệp (0,2%) - thủy sản (32,7%); cơ cấu trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ nông nghiệp: trồng trọt (74,5%) - chăn nuôi (17,3%) - dịch vụ nông nghiệp (trên 8,2%);

+ Giá trị sản lượng trên 01 ha đất nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 115 triệu đồng và theo giá thực tế đạt 200 triệu đồng;

+ Cơ cấu lao động trong khu vực nông nghiệp (năm 2020) đạt từ 30% - 35%;

+ Tỷ lệ tăng vốn đầu tư trong nông nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 đạt trung bình 17%/năm;

+ Thành phố phấn đấu 36 xã (100%) đạt tiêu chí xã nông thôn mới theo quy định và thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn gấp 2 lần năm 2015.

- Giai đoạn đến 2021 - 2030

+ Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất toàn ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2030 đạt bình quân trên 2,5%/năm;

+ Tăng tỷ trọng chăn nuôi trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2030 đạt 28% - 30% và tăng tỷ trọng dịch vụ nông nghiệp đến năm 2030 đạt 10% - 20% giá trị sản xuất ngành nông nghiệp;

+ Giá trị sản lượng bình quân trên 01 ha đất nông nghiệp theo giá so sánh năm 2010 đạt 135 - 140 triệu đồng và theo giá thực tế đạt trên 400 triệu đồng;

+ Phát triển mạnh nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị trên cơ sở vận hành hiệu quả Trung tâm Giống thủy sản cấp 1 Cần Thơ, các Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố;

+ Củng cố và duy trì 100% xã đạt 100% tiêu chí về nông thôn mới.

II. Nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp

a) Xây dựng vùng lúa chất lượng cao liên kết theo cánh đồng lớn

- Diện tích đất lúa đến năm 2020 là 81.688 ha, trong đó đất chuyên trồng lúa (cần được bảo vệ nghiêm ngặt) là 76.230 ha. Mở rộng diện tích lúa liên kết theo cách đồng lớn đến năm 2020 đạt bình quân 40.000 ha/vụ. Đẩy mạnh thực hiện công tác ứng dụng, chuyển giao khoa học và kỹ thuật cho nông dân và các hợp tác xã trồng lúa. Tập huấn nâng cao cho 15.000 hộ nông dân đã tham gia tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” và đào tạo mới cho 10.000 hộ nông dân chưa được tập huấn kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng”;

- Xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP (đến năm 2018 đạt diện tích 2.000 ha, đến năm 2020 đạt diện tích 3.000 ha), vùng lúa nguyên liệu chất lượng cao. Phấn đấu nâng tỷ lệ diện tích sử dụng giống lúa chất lượng cao từ 80% năm 2015 lên trên 95% năm 2020. Trong đó, tập trung xây dựng vùng sản xuất giống ở 04 huyện: Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai và Phong Điền. Nâng cao chất lượng, năng lực cơ sở sản xuất giống ở các vùng sản xuất lúa trọng điểm, xây dựng liên kết hợp tác trong hệ thống sản xuất cung ứng giống lúa 03 cấp của thành phố để đảm bảo nhu cầu sử dụng của địa phương và cung ứng cho các địa phương khác trong vùng ĐBSCL; đến năm 2020, diện tích lúa giống đạt 10.000 ha gieo trồng với sản lượng 50.000 tấn. Trong đó, sản lượng giống cung ứng ra ngoài thành phố 30.000 tấn. Liên kết viện, trường, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu lúa gạo Cần Thơ, phấn đấu ít nhất 01 dòng lúa Cần Thơ mới được công nhận giống chính thức (giống Quốc gia) và được cấp ít nhất 01 văn bằng bảo hộ giống lúa mới; 

- Thực hiện chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây rau màu, hoa, cây cảnh, cây ăn trái nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân với diện tích 5.458 ha (bao gồm: Ô Môn 860 ha, Bình Thủy 374 ha, Cái Răng 652 ha, Thốt Nốt 935 ha, Vĩnh Thạnh 565 ha, Cờ Đỏ 459 ha, Phong điền 1.212 ha và Thới Lai 400 ha). 

b) Xây dựng vùng rau an toàn gắn với nhu cầu thị trường: Xây dựng và hình thành các vùng sản xuất chuyên canh rau, quả an toàn của thành phố Cần Thơ, góp phần nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Cần Thơ theo định hướng chung của cả nước. Vận động nông dân tổ chức 75 mô hình liên kết sản xuất chuyên canh rau; mỗi mô hình 10 ha với 25 - 30 hộ tham gia, vùng sản xuất rau, quả tươi, chuyên canh ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao với diện tích 750 ha. Ứng dụng giống lai có năng suất, chất lượng cao, áp dụng quy trình thâm canh tổng hợp và quy trình VietGAP để nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân. Tập trung triển khai thực hiện trên địa bàn có lợi thế như quận: Bình Thủy, Cái Răng, Thốt Nốt, Ô Môn và huyện Phong Điền.

c) Xây dựng mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị

- Hình thành các mô hình liên kết sản xuất sinh vật cảnh theo mô hình nông nghiệp đô thị, ven đô thị phục vụ thị trường tiêu thụ tại địa phương; tạo ngành nghề mới cho nông dân nội thị có diện tích sản xuất nhỏ. Thực hiện trên địa bàn quận: Ninh Kiều, Bình Thủy, Cái Răng và huyện Phong Điền với quy mô 30 mô hình (mỗi mô hình 02 ha với 25 - 30 hộ) liên kết hợp tác sản xuất;

- Hình thành vùng sản xuất hoa kiểng chuyên canh: Dự kiến đưa diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố đến năm 2020 đạt 200 - 300 ha với địa bàn phân bố tập trung nhiều ở các khu vực mới đô thị hóa và khu vực ven đô, nhất là các khu vực sản xuất hoa kiểng truyền thống như: Hợp tác xã hoa kiểng Bình Minh, Mãn Thanh, Thới Nhật (quận Ninh Kiều); khu vực: Bình Chánh, Bình Phó (quận Bình Thủy); phường: Thốt Nốt, Trung Kiên (quận Thốt Nốt); các xã dọc theo đường tỉnh 923, đường huyện 28 (huyện Phong Điền).

d) Phát triển vùng cây ăn trái đặc sản kết hợp du lịch sinh thái

- Xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái và du lịch nông nghiệp: Phát triển vùng cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đạt phẩm chất an toàn vệ sinh thực phẩm tại quận: Cái Răng và Bình Thủy; huyện: Phong Điền và Thới Lai. Xây dựng 50 mô hình liên kết hợp tác sản xuất (20 - 25 hộ/mô hình) chuyên canh cây ăn trái kết hợp xây dựng điểm tham quan và du lịch sinh thái nông nghiệp; 

- Tuyển chọn và công nhận một số giống cây ăn trái đầu dòng như cam sành, cam soàn, cam mật, bưởi da xanh, xoài cát Hòa Lộc, mãng cầu xiêm,… Cung ứng cho thành phố và các tỉnh lân cận. Nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất giống cây ăn trái của Trung tâm Giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản; lưu giữ nguồn giống cây ăn trái nhằm bảo tồn và cung ứng nguồn nhân giống, thực hiện liên kết với các viện, trường trong chuyển giao, sản xuất giống cây ăn trái chất lượng cao;

- Phục dựng và xây dựng mới một số thương hiệu cây ăn trái chủ lực;

- Đối với nhóm sản phẩm đã có nhãn hiệu (xoài cát Sông Hậu, dâu Hạ Châu Phong Điền, cam mật Phong Điền, mít hạt lép Ba Láng,…), thực hiện hỗ trợ quảng bá sản phẩm, duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sơ chế, đóng gói, bảo quản, nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch, từng bước nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm trên thị trường;

- Đối với nhóm sản phẩm chủ lực chưa có nhãn hiệu (sapo Long Tuyền, vú sữa Giai Xuân, nhãn Vàm Xáng, sầu riêng Tân Thới, cam xoàn,…), hoàn thiện các quy trình ứng dụng phù hợp với điều kiện thành phố và yêu cầu từ nhà tiêu thụ; tập huấn chuyển giao ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu cho các sản phẩm đạt yêu cầu theo tiêu chuẩn. 

đ) Phát triển vùng chăn nuôi liên kết đảm bảo an toàn sinh học

- Xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ cho các đối tượng nuôi chính (heo, gà, vịt): Xây dựng liên kết sản xuất trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu chăn nuôi nhỏ lẻ và tạo điều kiện tiếp cận thị trường cho các tổ sản xuất có uy tín trên địa bàn thành phố. Xây dựng 20 mô hình chăn nuôi khép kín từ khâu thức ăn, sản xuất con giống, quy trình chăn nuôi đến giết mổ gia súc, gia cầm. Giai đoạn 2016 - 2020, tổ chức 14 lớp tập huấn hướng dẫn về quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, phòng trừ một số bệnh thông thường, hướng dẫn quản lý đàn và trại chăn nuôi, hướng dẫn xử lý môi trường, xử lý chất thải, vệ sinh thú y và chương trình quản lý sức khỏe gia súc, gia cầm,… Tổ chức 15 lớp tập huấn (3 lớp/năm) và xây dựng 150 mô hình chăn nuôi an toàn sinh học; xây dựng 225 mô hình ứng dụng công nghệ đệm lót sinh học trong chăn nuôi heo thịt, gà thịt và vịt thịt;   

- Xây dựng mô hình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP: Giai đoạn 2016-2020, tổ chức 112 lớp tập huấn (16 lớp/năm) về kỹ thuật chăn nuôi và tiêu chuẩn VietGAP cho cán bộ làm công tác chuyên môn và hộ chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng 25 mô hình chăn nuôi heo, gà, vịt theo tiêu chuẩn VietGAP; 

- Hỗ trợ xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh: Tuyên truyền, vận động các cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và lớn xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh. Hàng năm, tổ chức 10 lớp tập huấn phổ biến các kiến thức về xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh cho các cơ sở chăn nuôi. Hỗ trợ xây dựng 20 cơ sở an toàn dịch bệnh;

- Phát triển giống vật nuôi: Hỗ trợ xây dựng các cơ sở nuôi giữ và nhân giống ông, bà để cung cấp giống bố, mẹ cho cơ sở sản xuất giống. Tạo được nguồn tinh giống có chất lượng cho chăn nuôi gia súc; tuyển chọn được những giống gia cầm phù hợp với địa phương, đồng thời ứng dụng nhanh và đồng bộ những tiến bộ kỹ thuật vào công tác giống gia cầm. Trong năm 2017 - 2018, đầu tư xây dựng 03 cơ sở nuôi giữ và nhân giống ông, bà để cung cấp giống bố, mẹ cho các cơ sở sản xuất giống. Năm 2019, sẽ cung cấp khoảng 40% đàn giống bố, mẹ đạt tiêu chuẩn chất lượng. Năm 2020, sẽ đáp ứng được 80% đàn giống bố, mẹ theo tiêu chuẩn giống.

e) Phát triển vùng nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn chất lượng

- Phát triển vùng chuyên canh cá tra: Xây dựng vùng công nghiệp sản xuất giống cá tra tập trung trên địa bàn huyện Cờ Đỏ với quy mô 200 ha và vùng nuôi cá tra thương phẩm với tổng diện tích 100 ha tại khu vực phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt. Kết hợp phổ biến các quy trình về kỹ thuật ương và nuôi cá tra chuyên canh tới người dân thông qua các khóa tập huấn và tài liệu khuyến ngư;

- Hỗ trợ các hộ nuôi cá tra áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt: Hỗ trợ người nuôi cá tra (tại các quận: Ô Môn, Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh) áp dụng Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt nhằm phát triển ngành nuôi cá tra theo hướng bền vững, gia tăng giá trị và tính cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu. Thực hiện hỗ trợ trên 150 hộ nuôi với diện tích 600 ha nuôi cá tra áp dụng và đạt chứng nhận Quy phạm thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (VietGAP). Giai đoạn đầu, hỗ trợ chứng nhận 400 ha với 146 hộ nuôi. Giai đoạn kế tiếp, hỗ trợ cho các doanh nghiệp đang nuôi trên địa bàn với phần diện tích còn lại;

- Phát triển giống thủy sản chất lượng phục vụ địa phương và các tỉnh trong vùng: Từ năm 2017, đưa vào vận hành Trung tâm Giống Thủy sản cấp 1. Đến năm 2020, phát triển số lượng cơ sở sản xuất giống lên 130 cơ sở. Trong đó, Sản lượng giống cá tra đạt 510 triệu con; sản lượng giống cá nước ngọt khác đạt 780 triệu con; sản lượng giống tôm càng xanh đạt 6 triệu con; sản lượng giống thủy đặc sản đạt 9 triệu con; sản lượng giống tôm sú, thẻ chân trắng là 45 triệu con, cung cấp cho thị trường các tỉnh ven biển ĐBSCL như: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng,…

III. Nguồn vốn đầu tư

Tổng nhu cầu kinh phí để triển khai thực hiện các nội dung đề án là 387,999 tỷ đồng, trong đó:

- Ngân sách nhà nước: 179,49 tỷ đồng (chiếm 46,26%);

+ Ngân sách Trung ương là 6 tỷ đồng.

+ Ngân sách địa phương là 173,49 tỷ đồng.

- Nguồn vốn khác (vốn từ các thành phần kinh tế, hộ dân,…) là 208,509 tỷ đồng (chiếm 53,74%).

(Chi tiết Phụ lục 1 đính kèm)

IV. Giải pháp thực hiện

a) Giải pháp đột phá

- Tăng đầu tư khoa học, công nghệ và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp, nông thôn để tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới;  

- Tổ chức lại sản xuất các sản phẩm chủ lực ở quy mô lớn, tập trung, hiện đại, thực hiện liên kết theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; 

- Ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, bao gồm: Đầu tư hệ thống đê bao kết hợp hệ thống giao thông vận chuyển đạt yêu cầu hoạt động của các phương tiện cơ giới và xây dựng các cụm tuyến dân cư hiện đại; hoàn thiện hệ thống kênh mương tưới tiêu kết hợp với trạm bơm điện đáp ứng yêu cầu chủ động sản xuất ở quy mô lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn.

b) Các giải pháp cụ thể thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp

- Giải pháp về tổ chức sản xuất: Nghiên cứu chuỗi giá trị các ngành hàng chủ lực của Cần Thơ. Xây dựng và triển khai quy hoạch phát triển các ngành hàng chủ lực, các chương trình và dự án ưu tiên đầu tư, gồm: Lúa gạo, cá tra, trái cây và rau, hoa, cây cảnh, nhằm triển khai đồng bộ giữa các quận, huyện. Phát triển trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp. Hỗ trợ các hộ có khả năng vốn, lao động và kinh nghiệm sản xuất mở rộng quy mô đất đai, tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất theo hướng chuyên môn hóa, hình thành kinh tế trang trại. Đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung;

- Giải pháp về tiêu thụ sản phẩm: Xây dựng và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng cụ thể đối với từng mặt hàng xuất khẩu cũng như các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật và vệ sinh an toàn thực phẩm đối với các cơ sở chế biến và xuất khẩu nông thủy sản. Tăng năng lực chế biến và xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của các doanh nghiệp nhằm tạo liên kết bền vững giữa người sản xuất với người chế biến. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng vùng sản xuất và tổ chức quảng bá rộng rãi các sản phẩm chủ lực của thành phố. Tổ chức dự báo thông tin thị trường;

- Giải pháp về khoa học, công nghệ và khuyến nông: Ưu tiên cho các đề tài nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nhằm tạo bước đột phá về nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cho các sản phẩm nông nghiệp và thủy sản, hướng tới xây dựng nền nông nghiệp an toàn và bền vững. Nghiên cứu, chọn tạo và đưa vào sản xuất các giống cây trồng và vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chịu hạn, chịu ngập úng và có sức đề kháng sâu bệnh cao. Nghiên cứu, ứng dụng các chế phẩm phân bón, nông dược, thức ăn chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản sản xuất theo hướng công nghiệp, an toàn thực phẩm và môi trường. Phát triển ngành công nghiệp chế tạo cơ khí nông nghiệp. Nghiên cứu các loại máy nông nghiệp có giá thành hạ, công nghệ phù hợp với đặc điểm và quy mô sản xuất, trình độ quản lý và khả năng đầu tư của nông hộ;

- Tăng cường quản lý chất lượng và phát triển công nghiệp chế biến: Chuyển dịch cơ cấu sản phẩm chế biến theo hướng nâng cao tỷ trọng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, nâng cao chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm và hạ giá thành sản phẩm. Nâng cao kiến thức chuyên môn của đội ngũ cán bộ thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Cần Thơ;

- Giải pháp quản lý nhà nước và đào tạo nguồn nhân lực: Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính nâng cao hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, tạo thuận lợi trong xử lý các thủ tục hành chính cho người dân. Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi để thu hút, kêu gọi đầu tư từ các thành phần kinh tế. Chú trọng đào tạo đội ngũ quản lý sản xuất kinh, doanh nông nghiệp, trước hết là cán bộ hợp tác xã, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ ở nông thôn. Tăng cường hỗ trợ đào tạo từ các viện, trường thông qua các hình thức triển khai đề tài khoa học, triển khai mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và tổ chức tham quan, hội thảo;

- Giải pháp huy động vốn: Tăng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Mở rộng nguồn vốn đầu tư tín dụng, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài;

- Phát triển thị trường đất đai: Phát triển thị trường đất đai ở nông thôn tiến tới sản xuất quy mô lớn. Tăng cường năng lực quản lý thị trường đất đai tại địa phương.

V. Tổ chức thực hiện Đề án

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Tổ chức công bố Đề án theo quy định;

b) Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và Ủy ban nhân dân quận huyện tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ và xây dựng Kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ cho giai đoạn 2016-2020 và kế hoạch triển khai hoạt động thực hiện cho từng năm; đề xuất cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực thực hiện mục tiêu của Đề án;

c) Xây dựng kế hoạch hành động cho từng lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cụ thể để triển khai thực hiện;

d) Tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp thành phố Cần Thơ thành lập Tổ giúp việc thực hiện Đề án; 

đ) Định kỳ 6 tháng, hàng năm phối hợp các cơ quan, đơn vị tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện; trong đó, nêu rõ việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp tiếp tục thực hiện để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

e) Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu thấy cần sửa đổi, bổ sung hoặc có khó khăn vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, báo cáo đề xuất Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, chỉ đạo thực hiện.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phân bổ vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại, thủy lợi hóa, cơ giới hóa, thông tin hóa, cải tiến phương thức canh tác để sử dụng có hiệu quả đất đai, tài nguyên, lao động, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản;

b) Tiếp tục đầu tư các công trình thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng, trước hết cho lúa, nuôi trồng thủy sản và các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao;

c) Tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan rà soát các văn bản về chính sách thu hút, khuyến khích đầu tư nông nghiệp, nông thôn để huy động nguồn lực thực hiện đề án. 

3. Sở Tài chính: Cân đối nguồn tài chính để triển khai thực hiện các hoạt động của Đề án tái cơ cấu nông nghiệp và Kế hoạch triển khai đề án đã được phê duyệt. Tham mưu đảm bảo các chính sách tài chính cho việc thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan tăng cường năng lực nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ và tiến bộ kỹ thuật, xã hội hóa nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ, hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố.

5. Sở Công Thương: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan nghiên cứu rà soát, cập nhật điều chỉnh hoặc lập mới các quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp như cơ khí, chế biến nông sản, sản xuất phân bón, công nghệ giảm tổn thất sau thu hoạch,… Quy hoạch phát triển hệ thống thương mại và dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ nông sản.

6. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành liên quan nghiên cứu phát triển các loại hình du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với quá trình tái cơ cấu nông nghiệp.

7. Sở Tài nguyên và Môi trường: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện triển khai thực hiện quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn thành phố; kiểm soát chặt chẽ việc thực hiện quy hoạch, đảm bảo giữ đất nông nghiệp theo quy hoạch đã được phê duyệt. Thực hiện các chính sách liên quan đến đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học theo hướng tạo thuận lợi cho nông nghiệp, nông thôn phát triển bền vững.

8. Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm.

9. Công an thành phố: Đảm bảo an ninh, trật tự trong quá trình triển khai các chủ trương, chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn của thành phố, quá trình đầu tư xây dựng hạ tầng vào các vùng sản xuất; phối hợp kiểm soát nguồn gốc các loại cây, con giống. 

10. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Cần Thơ: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng ưu tiên tập trung vốn phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Phối hợp với cơ quan liên quan tổ chức triển khai cơ chế chính sách tín dụng hỗ trợ ngành nông nghiệp thực hiện đề án tái cơ cấu.

11. Hội Nông dân thành phố, Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố, Liên minh Hợp tác xã thành phố, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh: Tham gia phổ biến, tuyên truyền nội dung Đề án đến các hội viên, đoàn viên, thanh niên. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các hoạt động thực hiện Đề án tái cơ cấu và chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố.

12. Ủy ban nhân dân quận, huyện: Triển khai rà soát, điều chỉnh quy hoạch, cơ cấu sản xuất theo hướng tập trung phát triển cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành và nhu cầu thị trường; nghiên cứu, xây dựng mô hình sản xuất và các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển phù hợp, hiệu quả. Thu hút vốn đầu tư xã hội cho phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn.

13. Các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc thực hiện đề án./.

 

PHỤ LỤC 1

KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
(Kèm theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. Kinh phí thực hiện các hoạt động theo năm:

ĐVT: Triệu đồng

STT

Dự án, kế hoạch và đề tài thực hiện

Thời gian thực hiện 2017-2020

Tổng cộng

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

I

Kế hoạch và dự án triển khai thực hiện tái cơ cấu trên từng lĩnh vực

161.773

108.070

59.049

54.907

383.799

1

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi

7.600

4.300

4.300

3.000

19.200

2

Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản thành phố Cần Thơ

12.252

6.051

6.051

6.051

30.405

3

Kế hoạch thực hiện đề án phát triển giống cây trồng vật nuôi và thủy sản đến năm 2020

30.339

22.999

23.104

25.803

102.244

4

Kế hoạch đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020

75.023

51.468

5.954

2.631

135.076

5

Kế hoạch chuyển đổi cơ cấy cây trồng tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020

11.825

7.643

2.888

3.214

25.570

6

Dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và tiêu thụ rau

15.534

10.697

10.697

9.297

46.226

7

Dự án xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái đạt tiêu chuẩn Vietgap

7.456

4.039

5.184

4.039

20.718

8

Dự án xây dựng 10 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và thụ hoa kiểng

1.744

872

872

872

4.360

II

Công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ

1.900

2.300

0

0

4.200

1

Phân tích và đánh giá thị trường (cung và cầu) nông sản sạch (trong nước và ngoài nước)

600

 

 

 

600

2

Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thị trường (thông tin thị trường, phân tích, dự báo cung, cầu, dự báo xu thế giá (trong nước và ngoài nước) đối với các nông sản sạch chủ yếu

500

300

 

 

800

3

Phân tích và đánh giá chuỗi nông sản chủ lực của thành phố Cần Thơ để đẩy mạnh thực hiện liên kết 04 nhà

300

500

 

 

800

4

Phân tích và đánh giá sự lưu thông hàng hoá nông sản giữa Cần Thơ và các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện liên kết vùng

500

1.500

 

 

2.000

 

TỔNG VỐN THỰC HIỆN

163.673

110.370

59.049

54.907

387.999

2. Phân nguồn kinh phí thực hiện theo năm

ĐVT: Triệu đồng

STT

Nguồn vốn

Năm 2017

Năm 2018

Năm 2019

Năm 2020

Tổng cộng

Tỷ lệ
(%)

1

Ngân sách nhà nước

70.071

42.224

36.927

30.267

179.490

46,26

-

Vốn Trung ương

2.400

1.200

1.200

1.200

6.000

1,55

-

Vốn địa phương

67.671

41.024

35.727

29.067

173.490

44,71

2

Nguồn vốn khác

93.602

68.146

22.122

24.640

208.509

53,74

Tổng cộng

163.673

110.370

59.049

54.907

387.999

100,00

 

PHỤ LỤC 2

CÁC QUY HOẠCH, DỰ ÁN VÀ KẾ HOẠCH ƯU TIÊN THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 61/QĐ-UBND ngày 10 tháng 01 năm 2017 của Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ)

1. Quy hoạch các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

- Đề án thành lập Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ.

- Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao 1.

- Quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao 3.

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao Cần Thơ.

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao 1 (tại xã Thới Thạnh, huyện Thới Lai).

- Dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao 3 (tại xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ).

2. Kế hoạch và dự án triển khai thực hiện tái cơ cấu trên từng lĩnh vực

- Kế hoạch thực hiện Đề án “Phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản đến năm 2020”.

- Kế hoạch xây dựng cánh đồng lớn thành phố Cần Thơ đến năm 2020.

- Kế hoạch đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực chăn nuôi.

- Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy sản thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch triển khai thực hiện tái cơ cấu lĩnh vực thủy lợi thành phố Cần Thơ.

- Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại thành phố Cần Thơ giai đoạn 2016 - 2020.

3. Các đề tài khoa học công nghệ

- Phân tích và đánh giá thị trường (cung và cầu) nông sản sạch (trong nước và ngoài nước)

- Xây dựng bộ cơ sở dữ liệu thị trường (thông tin thị trường, phân tích, dự báo cung, cầu, dự báo xu thế giá (trong nước và ngoài nước) đối với các nông sản sạch chủ yếu.

- Phân tích và đánh giá chuỗi nông sản chủ lực của thành phố Cần Thơ để đẩy mạnh thực hiện liên kết 04 nhà.

- Phân tích và đánh giá sự lưu thông hàng hóa nông sản giữa Cần Thơ và các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long để thực hiện liên kết vùng.