Quyết định 596/QĐ-UBND năm 2008 phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2008-2010
Số hiệu: 596/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Nguyễn Ngọc Thiện
Ngày ban hành: 10/03/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Bổ trợ tư pháp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 596/QĐ-UBND

Huế, ngày 10 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2008 – 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 140/TTr-SNV ngày 27/02/2008 và Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình 16/TTr-STP ngày 20/02/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án kiện toàn tổ chức và nâng cao hoạt động trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế, giai đoạn 2008 - 2010 (có kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban Nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện và thành phố Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tư pháp;
- Thường vụ Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- TT Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh;
- CVP, PCVP và CV: VX, TH.
- Lưu VT, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Thiện

 

ĐỀ ÁN

KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2008 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 596/QĐ-UBND ngày 10 /3/2008 của Ủy ban Nhân dân tỉnh)

Thừa Thiên Huế là một tỉnh duyên hải miền Trung. Diện tích tự nhiên 5.053,99 km2, dân số trung bình: 1.140.417 người, có trên 20 dân tộc; trong đó, có 6 dân tộc chính là: Kinh, Tàôi - PaCô, Pahy, Cơtu, Vân Kiều, Hoa và một số dân tộc khác. Toàn tỉnh có 47.500 hộ là gia đình chính sách, có 95.061 người là đối tượng chính sách; trong đó, có gần 19.000 gia đình liệt sỹ và 13.260 người là thương binh, bệnh binh, phục vụ thương binh. Có 34.249 hộ nghèo ở 152 phường, xã, thị trấn trong toàn tỉnh.

Địa hình phức tạp, có 2 huyện miền núi A Lưới, Nam Đông và các xã miền núi thuộc huyện: Phú Lộc, Hương Thủy, Hương Trà, Phong Điền; có các xã ven biển, đầm phá. Cuộc sống của đa số đồng bào dân tộc và dân cư ven biển, đầm phá có nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, còn nhiều phong tục, tập quán lạc hậu.

Với đặc điểm tình hình trên, công tác trợ giúp pháp lý đã gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý tại cơ sở.

A. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ PHẢI KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TRỢ GIÚP PHÁP LÝ NHÀ NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ.

I. Thực trạng và sự cần thiết phải kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động Trợ giúp pháp lý:

1. Về tổ chức, cán bộ của Trung tâm trợ giúp pháp lý:

Trung tâm Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi tắt là Trung tâm) được thành lập theo Quyết định số 424/1998/QĐ-UBND ngày 12/3/1998 của UBND tỉnh. Thực hiện Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Trung tâm Trợ giúp pháp lý được đổi tên thành Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế theo Quyết định số 1123/QĐ-UBND tỉnh ngày 11/5/2007 của UBND tỉnh.

Trung tâm có khuôn dấu và tài khoản riêng để hoạt động.

Trung tâm có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được trợ giúp pháp lý; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng pháp luật, chấp hành pháp luật và tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng trợ giúp trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổ chức, bộ máy của Trung tâm hiện có 06 biên chế, gồm có Giám đốc, Phó Giám đốc, 03 chuyên viên và 01 kế toán chuyên trách. Trung tâm có 96 Cộng tác viên; trong đó: 06 Luật sư, 16 Cộng tác viên cấp tỉnh, 27 Cộng tác viên cấp huyện, 47 Cộng tác viên cấp xã.

Có 09 Tổ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý ở các huyện và thành phố Huế; 10 Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý ở cơ sở: Thị trấn A Lưới (A Lưới), xã Thượng Quảng (Nam Đông), xã Lộc Thủy (Phú Lộc), xã Phong Bình (Phong Điền), xã Quảng Vinh (Quảng Điền), xã Phú Đa, Phú Hồ (Phú Vang), xã Hương Thọ (Hương Trà), xã Thủy Phù (Hương Thủy), Phường Tây Lộc (TP Huế).

2. Kinh phí và cơ sở vật chất:

- Về trụ sở: Được Sở Tư pháp bố trí 3 phòng làm việc khoảng 50m2, thuận tiện cho việc tiếp công dân đến yêu cầu trợ giúp pháp lý.

- Từ ngày thành lập (năm 1998) Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp đã trang bị cho Trung tâm 01 máy photocopy, 01 máy vi tính, 01 xe gắn máy. Ngân sách tỉnh trang bị các thiết bị văn phòng khác. Đầu năm 2007, UBND tỉnh cấp Ngân sách trang bị photocopy, máy vi tính và các thiết bị cần thiết đảm bảo cho hoạt động của Trung tâm.

- Về kinh phí: Từ khi thành lập đến nay, kinh phí do Ngân sách nhà nước tỉnh cấp là: 1.064.834.000 đồng, trong đó:

+ Máy photocopy, máy vi tính, bàn ghế làm việc, tủ tài liệu, trị giá: 102.150.000 đồng.

+ Lương, phụ cấp cho 5 biên chế và kinh phí hoạt động thường xuyên là: 855.684.000 đồng.

+ Kinh phí không thường xuyên chi trả cho Cộng tác viên theo Thông tư 21/2002/TTLB-BNV-BTC-BTP ngày 26/12/2002 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp là: 107.000.000 đồng.

3. Kết quả hoạt động trợ giúp pháp lý:

Qua 9 năm triển khai thực hiện công tác trợ giúp pháp lý tại địa bàn tỉnh đã khẳng định nhu cầu trợ giúp pháp lý của nhân dân rất lớn. Có: 10.138 vụ việc; trong đó, có 5.389 vụ việc trợ giúp pháp lý lưu động, cụ thể lĩnh vực: Dân sự -Tố tụng dân sự: 2.548 vụ việc; Hôn nhân và gia đình: 660 vụ việc; Hình sự- Tố tụng hình sự: 638 vụ việc; Hành chính- Khiếu nại tố cáo: 1445 vụ việc; Lao động việc làm: 211 vụ việc; Đất đai, nhà ở: 2473 vụ việc; Chế độ chính sách và các lĩnh vực khác: 2119 vụ việc. Đã cử gần 600 lượt luật sư thực hiện bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho đối tượng tại Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh, huyện. Công tác trợ giúp pháp lý lưu động đã góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật của người dân, giảm bớt các khiếu kiện vượt cấp, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật, tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn còn một số hạn chế nhất định, đó là thiếu hành lang pháp lý, số lượng cán bộ quá mỏng chưa đáp ứng các yêu cầu của các đối tượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu, kinh phí được cấp cho công tác này còn khiêm tốn chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao.

Căn cứ Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006, Nghị định số 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Trợ giúp pháp lý, Trung tâm thực hiện nhiệm vụ theo hướng chuyên môn hóa từng lĩnh vực trợ giúp để có Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách và quản lý tổ chức, hướng dẫn nghiệp vụ các Chi nhánh của Trung tâm đặt tại đơn vị cấp huyện…Đối tượng Trợ giúp pháp lý cũng được bổ sung thêm là người già cô đơn, người tàn tật và trẻ em không nơi nương tựa.

Vì vậy, với thực trạng hiện nay về tổ chức bộ máy biên chế và kinh phí cũng như cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Trung tâm thì khó có thể hoàn thành các nhiệm vụ mới theo quy định của pháp luật về Trợ giúp pháp lý. Do đó, việc kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý là rất cần thiết trong điều kiện, hoàn cảnh của địa phương chúng ta.

II. Cơ sở pháp lý để xây dựng đề án:

- Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban Nhân dân năm ngày 26/11/2003;

- Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006;

- Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

- Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;

- Chỉ thị số 35/2006/CT-CP ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;

- Quyết định số 08/2006/QĐ-BTP ngày 15/11/2006 của Bộ Tư pháp ban hành kế hoạch của ngành Tư pháp thực hiện Chỉ thị số 35/2006/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý;

- Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày 13/3/2007 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế về việc thực hiện Chỉ thị số 35/2005/CT-TTg ngày 13/10/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Trợ giúp pháp lý.

B. PHƯƠNG ÁN KIỆN TOÀN TỔ CHỨC VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA TRUNG TÂM.

I. Mục tiêu:

1. Mục tiêu chung:

1.1. Tăng cường mối quan hệ giữa Nhà nước và nhân dân, góp phần nâng cao dân trí pháp lý, nâng cao nhận thức pháp luật, giảm bớt các khiếu kiện không cần thiết, ngăn ngừa và phòng chống các hành vi vi phạm, làm lành mạnh hóa các quan hệ xã hội.

1.2. Đáp ứng ngày càng cao việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, mở rộng cung cấp thông tin tài liệu trợ giúp pháp lý, tạo điều kiện cho người được trợ giúp pháp lý tiếp cận pháp luật và sử dụng dịch vụ pháp lý nhằm nâng cao ý thức pháp luật để tự mình quyết định cách ứng xử phù hợp các quy định của pháp luật, góp phần bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp.

1.3. Tạo cơ chế phối hợp đồng bộ, huy động mọi lực lượng trong hệ thống chính trị tích cực tham gia trợ giúp pháp lý, coi trợ giúp pháp lý không chỉ là nhiệm vụ của Nhà nước mà là trách nhiệm của toàn xã hội.

2. Mục tiêu cụ thể:

2.1. Khắc phục những hạn chế trong tổ chức, bộ máy, cán bộ của Trung tâm; xây dựng hệ thống tổ chức trợ giúp pháp lý vững mạnh từ cấp tỉnh đến cơ sở, đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý ngày càng tăng của nhân dân, từ đó kiện toàn tổ chức và cán bộ, nhằm tăng cường năng lực và nâng cao hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương cho phù hợp với Luật Trợ giúp pháp lý và yêu cầu thực tiễn đổi mới của đất nước;

2.2. Xây dựng kế hoạch công tác trợ giúp pháp lý từ năm 2008 đến năm 2010; trong đó, ưu tiên vùng núi, ven biển, đầm phá, bãi ngang…trong việc khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý, thực hiện trợ giúp pháp lý cho người có nhu cầu và lồng ghép tuyên truyền pháp luật về Trợ giúp pháp lý và các văn bản pháp luật đến cộng đồng dân cư phải đạt được:

Năm 2007, trợ giúp pháp lý đạt tỷ lệ 55% so với người có nhu cầu;

Năm 2008, trợ giúp pháp lý đạt tỷ lệ 65% so với người có nhu cầu;

Năm 2009, trợ giúp pháp lý đạt tỷ lệ 75% so với người có nhu cầu;

Năm 2010, trợ giúp pháp lý đạt tỷ lệ 85% so với người có nhu cầu.

II. Nhiệm vụ:

Nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm được quy định tại Điều 8 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12/01/2007 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý, như sau:

1. Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch dài hạn và hàng năm của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Trung tâm thực hiện việc xây dựng chương trình, kế hoạch trợ giúp pháp lý dài hạn và hàng năm ở địa phương trình Giám đốc Sở Tư pháp phê duyệt và tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch đó.

2. Tổ chức thực hiện các nhiệm vụ và hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý bao gồm:

a) Thực hiện tư vấn pháp luật, cử người tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng và thực hiện các hình thức trợ giúp pháp lý khác cho người được trợ giúp pháp lý theo các lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

b) Thực hiện trợ giúp pháp lý lưu động và các hoạt động trợ giúp pháp lý khác quy định tại các Điều 35, 36, 37, 40 và Điều 41 Nghị định 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ; chịu trách nhiệm và phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho nhân dân;

c) Quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý cho Chi nhánh; hướng dẫn hoạt động đối với Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý và các hoạt động nghiệp vụ trợ giúp pháp lý khác;

d) Tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh; hỗ trợ bồi dưỡng nghiệp vụ cho tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý;

đ) Tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổ chức hội thảo, toạ đàm, trao đổi kinh nghiệm liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý cho Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh;

e) Quản lý, theo dõi, kiểm tra hoạt động trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên và các cán bộ khác của Trung tâm và Chi nhánh theo thẩm quyền.

3. Đề nghị cơ quan, tổ chức hữu quan phối hợp, cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc trợ giúp pháp lý; thực hiện chế độ bồi dưỡng đối với cộng tác viên tham gia trợ giúp pháp lý; phối hợp với các tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác để xác minh vụ việc trợ giúp pháp lý.

4. Chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện trợ giúp pháp lý của Trợ giúp viên pháp lý, cộng tác viên của Trung tâm và Chi nhánh.

5. Chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý.

6. Giải quyết khiếu nại theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý và pháp luật về khiếu nại, tố cáo; giải quyết tranh chấp về trợ giúp pháp lý theo thẩm quyền.

7. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những vấn đề liên quan đến thi hành pháp luật theo quy định tại Điều 41, Nghị định 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

8. Thực hiện sơ kết, tổng kết chế độ báo cáo, thống kê về tổ chức, hoạt động trợ giúp pháp lý ở địa phương với cơ quan quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.

9. Đề xuất việc khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương.

10. Các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp và quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp.

III. Giải pháp:

1. Giải pháp:

- Xác định rõ địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm và các Chi nhánh của Trung tâm tại các huyện và thành phố Huế nhằm thực hiện phân cấp chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm phù hợp, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;

- Xác định hợp lý về số lượng cán bộ, viên chức của Trung tâm và các Chi nhánh, trên cơ sở đó có quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đáp ứng yêu cầu chuyên môn và khối lượng công việc của đơn vị;

- Nâng cao năng lực cán bộ lãnh đạo làm nhiệm vụ quản lý và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong điều kiện mới, bảo đảm các lĩnh vực pháp luật đều có ít nhất một Trợ giúp viên pháp lý chuyên sâu.

2. Nâng cao hiểu biết pháp luật và nhận thức về công tác trợ giúp pháp lý:

- Thực hiện việc tuyên truyền, giới thiệu về Luật trợ giúp pháp lý và công tác trợ giúp pháp lý trong cán bộ, nhân dân trên các Báo, Đài và các phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương, xác định quyền và nghĩa vụ của người được trợ giúp pháp lý, chú trọng vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng các hình thức thiết thực, có hiệu quả.

- Trong năm 2008-2009, tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, lồng ghép hợp lý với các đợt trợ giúp pháp lý lưu động để phổ biến Luật Trợ giúp pháp lý và các văn bản hướng dẫn thi hành.

3. Nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động trợ giúp pháp lý:

a) Thực hiện đồng bộ các hình thức trợ giúp pháp lý.

- Đẩy mạnh hoạt động tư vấn pháp luật bằng các hình thức trực tiếp bằng miệng, qua điện thoại, tư vấn bằng văn bản;

- Thực hiện theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý, hoặc người đại diện hợp pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý kịp thời tham gia tố tụng theo quy định tại Điều 29 và Điều 39 Luật Trợ giúp pháp lý;

- Thực hiện theo yêu cầu của người được trợ giúp pháp lý hoặc người đại diện hợp pháp, Trung tâm Trợ giúp pháp lý cử người thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia đại diện ngoài tố tụng theo quy định tại Điều 30 và Điều 40 Luật Trợ giúp pháp lý;

- Đẩy mạnh các hoạt động xác minh, kiến nghị, hòa giải trong hoạt động trợ giúp pháp lý;

- Chỉ đạo Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Trợ giúp pháp lý tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ có chất lượng hiệu quả;

- Tổ chức sinh hoạt chuyên đề pháp luật;

- Phối hợp với cơ sở để thực hiện tốt hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động, gắn với tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn, giải thích pháp luật để nâng cao trình độ pháp lý cho đội ngũ cán bộ xã, phường, thị trấn và cộng đồng;

- Cung cấp thông tin pháp luật, tờ gấp, sách bỏ túi, các ấn phẩm tài liệu pháp luật khác qua các đợt trợ giúp pháp lý lưu động, sinh hoạt câu lạc bộ, sinh hoạt chuyên đề pháp luật; cung cấp bản sao các điều, khoản, của các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý, cung cấp địa chỉ làm việc của cơ quan, tổ chức, cá nhân mà pháp luật quy định có thẩm quyền giải quyết vụ việc.

b) Xây dựng các chương trình phối hợp về hoạt động trợ giúp pháp lý:

- Phối hợp với cơ quan Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân, Công an và Tư pháp để xây dựng chương trình phối hợp công tác trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng;

- Phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng chương trình phối hợp hoạt động trợ giúp pháp lý để thực hiện trợ giúp pháp lý cho các thành viên, hội viên;

- Phối hợp với Ban Dân tộc xây dựng chương trình phối hợp trợ giúp pháp lý đối với đồng bào dân tộc;

- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, chuyên đề về trợ giúp pháp lý.

4. Kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý (giai đoạn 2008-2010):

4.1. Vị trí:

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản để hoạt động.

4.2. Tổ chức bộ máy:

Trung tâm Trợ giúp pháp lý có Giám đốc, Phó giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, chuyên viên, kế toán và nhân viên văn phòng. Tiêu chuẩn bổ nhiệm các chức danh này theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

Trung tâm thành lập 03 Ban giúp việc: Ban Hành chính-Quản trị; Ban Tổ chức-Kiểm tra; Ban Nghiệp vụ và các Chi nhánh trực thuộc; trong đó :

4.2.1. Ban Hành chính- Quản trị, thực hiện các nhiệm vụ:

- Tổng hợp báo cáo; văn thư, lưu trữ hồ sơ, tài liệu; kế toán; thủ quỹ; lái xe; bảo vệ;

- Nghiệm thu, thanh toán và quản lý Ngân sách nhà nước và kinh phí hỗ trợ của các tổ chức trong nước và Quốc tế theo quy định.

4.2.2. Ban Tổ chức - Kiểm tra, thực hiện các nhiệm vụ:

- Quản lý các Chi nhánh;

- Quản lý Cộng tác viên, tổ Cộng tác viên, Câu Lạc bộ trợ giúp pháp lý;

- Thi đua khen thưởng - kỷ luật.

4.2.3. Ban Nghiệp vụ, thực hiện trợ giúp pháp lý các lĩnh vực pháp luật:

- Pháp luật hình sự, tố tụng hình sự và thi hành án hình sự;

- Pháp luật dân sự, tố tụng dân sự và thi hành án dân sự;

- Pháp luật về hôn nhân gia đình; pháp luật về trẻ em;

- Pháp luật hành chính, tố tụng hành chính; khiếu nại, tố cáo;

- Pháp luật lao động, tố tụng lao động và việc làm, bảo hiểm;

- Pháp luật đất đai - nhà ở, môi trường và bảo vệ người tiêu dùng;

- Pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, pháp luật chính sách ưu đãi xã hội khác;

- Các lĩnh vực pháp luật khác liên quan đến chương trình mục tiêu quốc gia, xóa đói giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân;

- Thẩm định kết quả thực hiện trợ giúp pháp lý các lĩnh vực này.

4.2.4. Thành lập các Chi nhánh:

- Chi nhánh 1 đặt tại huyện Phú Lộc thực hiện Trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý thuộc huyện Phú Lộc và các xã huyện phụ cận.

- Chi nhánh 2 đặt tại huyện Phong Điền thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý thuộc huyện Phong Điền và các xã huyện phụ cận.

- Chi nhánh 3 đặt tại huyện A Lưới thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc huyện A Lưới.

- Chi nhánh 4 đặt tại huyện Nam Đông thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý tại các xã thuộc huyện Nam Đông.

Các Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của Trung tâm đặt tại các huyện và chịu sự quản lý toàn diện của Trung tâm; Chi nhánh có con dấu để giao dịch, sử dụng cho hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ trợ giúp pháp lý. Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh và Trợ giúp viên pháp lý chuyên trách.

Chi nhánh có nhiệm vụ thực hiện trợ giúp pháp lý bằng các hình thức theo quy định của pháp luật.

Thủ tục thành lập Chi nhánh và bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý và Nghị định 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ.

4.3. Biên chế:

Bố trí cán bộ theo hướng chuyên môn hóa, mỗi lĩnh vực trợ giúp pháp lý đều có trợ giúp viên pháp lý chuyên trách, có khả năng đại diện, bào chữa chuyên sâu về lĩnh vực được giao để đảm bảo chất lượng trợ giúp pháp lý tránh việc bồi thường cho trợ giúp pháp lý sai.

Biên chế của Trung tâm và Chi nhánh đến năm 2010:

* Đối với Trung tâm:

Biên chế của Trung tâm bao gồm: Giám đốc, Phó Giám đốc, Trợ giúp viên pháp lý, một số chuyên viên, kế toán, nhân viên văn phòng và lái xe. Các trợ giúp viên pháp lý phải đảm bảo tiêu chuẩn nghiệp vụ.

* Đối với Chi nhánh:

- Biên chế cho mỗi Chi nhánh gồm Trưởng Chi nhánh, trợ giúp viên pháp lý, tùy từng Chi nhánh có thể bố trí cán bộ giúp việc.

- Trên cơ sở các giai đoạn triển khai thực hiện Đề án để điều động, tuyển dụng bố trí đủ biên chế cần thiết cho từng Chi nhánh.

- Việc bố trí và sử dụng biên chế, cán bộ của Trung tâm và Chi nhánh phải đảm bảo tính ổn định, hạn chế việc điều động, luân chuyển nhằm tránh tình trạng phải đào tạo, bồi dưỡng lại.

4.4. Tiếp tục mở rộng mạng lưới Cộng tác viên trợ giúp pháp lý:

- Thực hiện rà soát số Cộng tác viên hiện có những người đủ tiêu chuẩn theo quy định thì tiếp tục cộng tác. Những người không đủ tiêu chuẩn thì chấm dứt hợp đồng cộng tác và thu hồi thẻ Cộng tác viên.

- Bồi dưỡng, tập huấn nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trợ giúp pháp lý cho đội ngũ Cộng tác viên nắm vững chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước để hoạt động trợ giúp pháp lý có hiệu quả.

- Thường xuyên cung cấp thông tin, tài liệu cho Cộng tác viên trong quá trình hoạt động.

4.5. Đảm bảo kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất, phương tiện, trang thiết bị làm việc của Trung tâm và Chi nhánh:

- Đảm bảo đủ kinh phí hoạt động cho Trung tâm và các Chi nhánh.

- Cơ sở vật chất của Trung tâm:

+ Trung tâm Trợ giúp pháp lý có trụ sở với diện tích xây dựng theo quy định của Nhà nước.

+ Đảm bảo phương tiện làm việc, các trang thiết bị phục vụ công tác của Trung tâm.

- Cơ sở vật chất của Chi nhánh:

+ Phòng làm việc của Chi nhánh trước mắt do UBND huyện bố trí. Về lâu dài UBND tỉnh bố trí kinh phí để xây dựng trụ sở cho các Chi nhánh.

+ Các Chi nhánh của Trung tâm được trang bị phương tiện thông tin liên lạc và các trang thiết bị khác phục vụ cho hoạt động của Chi nhánh.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

I. Trách nhiệm của các ngành, các cấp:

1. Sở Tư pháp:

- Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý về tổ chức, hoạt động của Trung tâm và các hoạt động trợ giúp pháp lý của các Văn phòng luật sư, Công ty luật, Trung tâm tư vấn pháp luật trên địa bàn. Chỉ đạo Phòng Tư pháp huyện, thành phố Huế phối hợp thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý; đảm bảo người được trợ giúp pháp lý được trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm của Trung tâm và các Chi nhánh trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường lập dự án đầu tư xây dựng trụ sở của Trung tâm trợ giúp pháp lý và các Chi nhánh trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Phối hợp với Sở Tài chính trình UBND tỉnh quyết định kinh phí hoạt động của Trung tâm trợ giúp pháp lý, Chi nhánh của Trung tâm và tham mưu, đề xuất trang thiết bị, phương tiện làm việc của Trung tâm và Chi nhánh phục vụ có hiệu quả hoạt động trợ giúp pháp lý tại địa bàn tỉnh.

- Phối hợp các ngành hữu quan như Ban Dân tộc, Sở Lao động Thương binh và Xã hội, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các thành viên mặt trận…tổ chức thực hiện tốt có hiệu quả Luật trợ giúp pháp lý trên địa bàn.

2. UBND cấp huyện, cấp xã:

- Chỉ đạo Phòng Tư pháp, Ban Tư pháp phối hợp tổ chức Trợ giúp pháp lý trong việc tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trợ giúp pháp lý, phát triển Cộng tác viên cơ sở, xây dựng Tổ Cộng tác viên, phát triển Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý.

- Phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động trợ giúp pháp lý lưu động và sinh hoạt chuyên đề.

- Phối hợp chỉ đạo thành lập Câu lạc bộ trợ giúp pháp lý, quản lý, hướng dẫn hoạt động.

- Bố trí phòng làm việc cho Chi nhánh trợ giúp pháp lý đặt tại địa bàn.

II. Tiến độ triển khai thực hiện đề án:

- Năm 2008, tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng trong tổ chức và công dân về Luật Trợ giúp pháp lý, Nghị định 07/2007/NĐ-CP của Chính phủ và các văn bản liên quan đến hoạt động Trợ giúp pháp lý và tập huấn nghiệp vụ trợ giúp pháp lý.

- Từ năm 2008 đến năm 2010, từng bước thực hiện kiện toàn tổ chức, biên chế tại Trung tâm và các Chi nhánh theo điểm 4.3 khoản II của Đề án này.

- Từng bước triển khai thực hiện các thủ tục về đất đai, bố trí vốn xây dựng trụ sở của Trung tâm, trình UBND tỉnh phê duyệt.

- Từng bước củng cố, phát triển đội ngũ Cộng tác viên để đến năm 2010 có được đông đủ đội ngũ Cộng tác viên trợ giúp pháp lý.

 

 





Nghị định 07/2007/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Trợ giúp pháp lý Ban hành: 12/01/2007 | Cập nhật: 19/01/2007

Chỉ thị 35/2006/CT-TTg thi hành Luật Trợ giúp pháp lý Ban hành: 13/10/2006 | Cập nhật: 25/10/2006