Quyết định 579/QĐ-BNN-TT năm 2015 phê duyệt quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Số hiệu: 579/QĐ-BNN-TT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Lê Quốc Doanh
Ngày ban hành: 13/02/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 579/QĐ-BNN-TT

Hà Nội, ngày 13 tháng 02 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH ĐIỀU ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và PTNT;

Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;

Căn cứ Quyết định số 3993/QĐ-BNN-TT ngày 18/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT phê duyệt Đề án phát triển bền vững ngành điều Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành điều đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM QUY HOẠCH

1. Quy hoạch ngành điều phải dựa trên nhu cầu thị trường và lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội để phát triển ngành điều theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, hiệu quả và bền vững.

2. Phát triển ngành điều cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng những thành tựu khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả cho người trồng điều.

3. Phát triển mạnh công nghiệp chế biến sâu các sản phẩm từ điều, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng rộng rãi nhu cầu của thị trường, nhất là các thị trường xuất khẩu.

4. Phát huy mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế và sự hỗ trợ của nhà nước để đầu tư phát triển ngành điều bền vững.

II. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN

1. Đến năm 2020

- Diện tích trồng điều cả nước ổn định ở quy mô 300.000 ha; năng suất bình quân đạt 1,5 tấn/ha. ở vùng trồng điều tập trung thuộc vùng trọng điểm đạt trên 2 tấn/ha; sản lượng hạt điều đạt khoảng 400.000 tấn.

- Tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 20%, chế biến dầu từ vỏ hạt điều đạt tỷ lệ 50%.

- Tồng giá trị kim ngạch xuất khẩu điều đạt khoảng 2,5 tỷ USD.

2. Định hướng đến năm 2030

Tiếp tục ổn định diện tích trồng điều, nhưng cần tập trung đầu tư thâm canh, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất, đảm bảo ngành điều phát triển bên vững.

Định hướng đến năm 2030, năng suất điều bình quân cả nước đạt 2 tấn/ha, ở vùng sản xuất điều tập trung thuộc vùng trọng điểm đạt trên 2,5 tấn/ha; tỷ lệ chế biến sâu sản phẩm nhân điều đạt 40-50%, kim ngạch xuất khẩu đạt trên 3 tỷ USD.

III. QUY HOẠCH ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2030

1. Quy hoạch vùng trồng điều

- Vùng trồng điều trọng điểm, diện tích khoảng 200.000 ha ở 4 tỉnh: Bình Phước: 135.000 ha, Đồng Nai: 40.000 ha, Bình Thuận (huyện Đức Linh, Tánh Linh và Hàm Tân): 17.000 ha, Bà Rịa - Vung Tàu (huyện Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành): 8.000 ha.

- Các vùng khác khoảng 100.000 ha, gồm các tỉnh: Gia Lai 27.000 ha, Đắk Lắk 21.500 ha, Đắk Nông 9.000 ha, Lâm Đồng 9.000 ha, các huyện còn lại của tỉnh Bình Thuận 9.000 ha, Bình Định 15.000 ha, Phú Yên 3.000 ha, Khánh Hòa 3.500 ha, Ninh Thuận 2.000 ha, 3 tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh) khoảng 1.000 ha.

2. Quy hoạch chế biến điều

- Rà soát quy hoạch các nhà máy, cơ sở chế biến nhân điều theo hướng giảm những cơ sở chế biến nhỏ, không đảm bảo điều kiện an toàn thực phẩm; khuyến khích mở rộng những cơ sở chế biến quy mô lớn, sử dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến.

Đến năm 2020, có 100% cơ sở chế biến nhân điều tự động hóa khâu cắt tách vỏ cứng hạt điều và bóc vỏ lụa nhân điều, 95% cơ sở chế biến hạt điều được cấp giấy chứng nhận quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP...

- Quy hoạch và đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp các cơ sở chế biến sản phẩm khác từ điều với thiết bị đồng bộ, tiên tiến để mỗi năm đạt sản lượng 125 ngàn lít dầu, 100 ngàn lít nước ép quả điều để sản xuất cồn, 10 ngàn m3 ván ép từ gồ điều và bã vỏ điều...

IV. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Về công tác quy hoạch

- Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ định hướng quy hoạch phát triển ngành điều toàn quốc tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh rà soát quy mô trồng và chế biến điều tại địa phương trong quá trình lập đề án tái cơ cấu (hoặc quy hoạch) ngành trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện.

- Đối với những vườn điều trồng ở nơi điều kiện sinh thái không thích hợp, có năng suất và hiệu quả thấp cần khuyến khích chuyển sang trồng cây khác. Những vườn điều nằm trong vùng quy hoạch nhưng già cỗi, hoặc sử dụng giống có chất lượng kém cần có kế hoạch trồng tái canh, hoặc ghép cải tạo bằng giống điều có năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu bệnh tốt.

2. Về khoa học công nghệ

- Nâng cao năng lực nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ về cây điều để đáp ứng được yêu cầu phát triển ngành điều hiệu quả, bền vững.

- Về giống: Trước hết, cần tổ chức chọn lọc, bình tuyển những cây đầu dòng có đặc tính tốt về năng suất, chất lượng và khả năng chống chịu sâu bệnh ở từng vùng để người dân khai thác chồi ghép cải tạo hoặc nhân giống; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, chọn tạo giống điều mới có đặc tính nổi trội so với các giống hiện có. Tạo điều kiện phát triển các cơ sở nhân giống điều đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn của ngành và quản lý tốt nguồn cây giống cung cấp ra thị trường, đảm bảo người sản xuất được sử dụng giống đúng chất lượng.

- Về kỹ thuật canh tác: Hoàn thiện các gói kỹ thuật thâm canh, trồng mới và ghép cải tạo vườn điều. Đồng thời, thực hiện các giải pháp chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ mới cho người trồng điều. Tổ chức sản xuất điều theo chứng chỉ chất lượng VietGAP, Global GAP,....

- Về chế biến sản phẩm: Tiếp tục nghiên cứu công nghệ và chế tạo các dây chuyền thiết bị chế biến sâu sản phẩm điều chuyển giao cho các doanh nghiệp chế biến để tạo ra các sản phẩm chất lượng cao phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

- Bổ sung, hoàn thiện các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về cây giống, chồi giống; về nhân điều và các sản phẩm chế biến từ điều; kho chứa và cơ sở chế biến điều... phục vụ cho công tác quản lý.

- Đào tạo nâng cao năng lực cán bộ nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao và quản lý ngành điều từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

3. Về tiêu thụ sản phẩm

- Tiếp tục hoàn thiện hệ thống các kênh tiêu thụ sản phẩm điều; kết nối chặt chẽ các khâu trong chuỗi sản xuất từ trồng đến thu mua, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

- Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thu mua, chế biến, xuất khẩu điều liên kết với nông dân đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm.

- Tăng cường xúc tiến thương mại, xây dựng và quảng bá thương hiệu điều Việt Nam. Khai thác tốt các thị trường truyền thống, mở rộng các thị trường mới, đẩy mạnh tiêu thụ các sản phẩm điều trong nước.

- Đề xuất Chính phủ ban hành điều kiện đối với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp nhập khẩu hạt điều thô chế biến xuất khẩu nhằm kiểm soát chất lượng sản phẩm và các đầu mối xuất khẩu.

4. Về cơ chế chính sách

- Tiếp tục triển khai một số chính sách đã ban hành: Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thủy sản đến năm 2020 (Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009); Chính sách khuyến khích hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng mẫu lớn (Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg ngày 25/10/2013); Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013); Chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012); Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp (Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013); chính sách tín dụng phục vụ xuất khẩu (Nghị định số 75/2011/NĐ-CP ngày 30/8/2011 và Nghị định số 54/2013/NĐ-CP ngày 22/5/2013 của Chính phủ)...

- Đề xuất Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách mới: Hỗ trợ kinh phí mua giống cây điều tái canh, chính sách tín dụng cho trồng tái canh và thâm canh cây điều...

5. Về hợp tác quốc tế

- Tiếp tục mở rộng hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế để nhập nội các giống điều mới, tiếp thu những thành tựu khoa học công nghệ mới về trồng và chế biến điều.

- Tăng cường phát triển hợp tác với Hiệp hội Điều quốc tế, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác để hỗ trợ xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm ngành điều Việt Nam.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT

a) Cục Trồng trọt

Chủ trì tham mưu cho Bộ hướng dẫn các địa phương trồng điều triển khai thực hiện phương án quy hoạch. Hàng năm, tổng hợp kết quả sản xuất, chế biến điều báo cáo Bộ Nông nghiệp và PTNT.

b) Các đơn vị khác

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Cục Trồng trọt triển khai, thực hiện phương án quy hoạch.

2. Các Bộ, ngành Trung ương

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các địa phương trồng điều kiểm tra, giám sát thực hiện phương án quy hoạch; báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách phát triển ngành điều bền vững.

3. Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh có trồng và chế biến điều

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân các tỉnh: (i) Rà soát quy mô, địa bàn trồng và chế biến điều trong quá trình lập đề án tái cơ cấu ngành hoặc rà soát quy hoạch ngành tại địa phương; (ii) Chỉ đạo tổ chức thực hiện định hướng phát triển ngành điều tại địa phương; (iii) Hàng năm báo cáo kết quả thực hiện để Bộ Nông nghiệp và PTNT tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, Ngành liên quan.

4. Hiệp hội điều Việt Nam

Phối hợp với các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và PTNT và các tỉnh/thành phố có trồng và chế biến điều thực hiện phương án quy hoạch. Tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm điều.

5. Các doanh nghiệp chế biến điều

Liên kết với nông dân xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức thu mua nguyên liệu. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh cải tiến thiết bị và công nghệ chế biến sâu các sản phẩm từ điều nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3: Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ, Giám đốc Sở Nông nghiệp & PTNT các tỉnh/thành phố trồng và chế biến điều chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính Phủ (để báo cáo);
- Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải (để báo cáo);
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng, các Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp – PTNT
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- UBMD các tỉnh: Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Đắk Nông, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Gia Lai, An Giang, Kiên Giang, Trà Vinh;
- Hiệp hội điều Việt Nam;
- Website Bộ Nông nghiệp & PTNT;
- Lưu VT, TT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh