Quyết định 57/2006/QĐ-UBND về Đề án phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010
Số hiệu: 57/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Huỳnh Tấn Thành
Ngày ban hành: 20/07/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 57/2006/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 20 tháng 7 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 43/2006/NQ-HĐND ngày 10/7/2006 của Hội đồng nhân dân Tỉnh khóa VIII - kỳ họp thứ 6 về tiếp tục đẩy mạnh Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa – Thông tin,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006-2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND Tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành Tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

ĐỀ ÁN

PHONG TRÀO “TOÀN DÂN ĐOÀN KẾT XÂY DỰNG ĐỜI SỐNG VĂN HÓA” TỈNH BÌNH THUẬN GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Kèm theo Quyết định số 57/2006/QĐ-UBND ngày 20 tháng 7 năm 2006 của UBND tỉnh Bình Thuận)

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X về tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, ngày 29/6/2001, UBND Tỉnh đã có Quyết định số 35/QĐ/2001/CTUBBT về việc ban hành Đề án triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” giai đoạn 2001-2005.

Qua năm năm triển khai thực hiện, tính đến cuối năm 2005, toàn Tỉnh có 216.432/226.528 hộ đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa, qua bình xét đã công nhận 181.869 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa (chiếm 80,29% số hộ toàn Tỉnh); có 535/678 thôn – khu phố phát động xây dựng Thôn – Khu phố văn hóa (chiếm 78,9%), trong đó có 240 thôn – khu phố đạt danh hiệu Thôn – khu phố văn hóa (chiếm 36,98% so với tổng số thôn – khu phố toàn Tỉnh); có 1.408/1.455 cơ quan, đơn vị đăng ký xây dựng Đơn vị có nếp sống văn minh, trong đó đã có 1.269 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị có nếp sống văn minh; có 21/126 xã, phường, thị trấn phát động xây dựng Xã - Phường - Thị trấn văn hóa; có 338/678 thôn – khu phố đăng ký xây dựng Khu dân cư tiên tiến, trong đó có 279 thôn – khu phố đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến; có 64 cơ sở thờ tự và 14 dòng tộc đăng ký xây dựng Nếp sống văn hóa tại cơ sở thờ tự ...

Nhìn chung, qua 5 năm triển khai (giai đoạn 2001 – 2005) Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (sau đây viết tắt là TDĐKXDĐSVH) trên địa bàn Tỉnh đã được các Cấp ủy, Chính quyền, Mặt trận, Đoàn thể và các Sở, Ngành trong Tỉnh tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện với nhiều biện pháp thiết thực; chất lượng Phong trào từng bước được nâng cao, các tầng lớp nhân dân đồng tình hưởng ứng. Phong trào đã được xây dựng và phát triển, góp phần nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở; tinh thần đoàn kết, tình làng nghĩa xóm tiếp tục được khơi dậy; ý thức trách nhiệm cộng đồng được phát huy trong các lĩnh vực; đời sống kinh tế của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, công tác giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói, giảm nghèo, huy động sức dân xây dựng cơ sở hạ tầng được đẩy mạnh; bộ mặt xóm, thôn, khu phố được đầu tư khang trang hơn; an ninh trật tự được đảm bảo, các tệ nạn xã hội dần được hạn chế; hệ thống chính trị ở cơ sở tiếp tục được củng cố vững chắc, tạo động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao mức hưởng thụ đời sống văn hóa của nhân dân trong Tỉnh.

Tuy nhiên, Phong trào “TDĐKXDĐSVH” tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2001 – 2005 vẫn còn bộc lộ những yếu kém, tồn tại cần phải có biện pháp khắc phục. Đáng chú ý nhất là nhận thức của một số ít Cấp ủy, Chính quyền, Ban, Ngành, Đoàn thể về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Phong trào chưa đầy đủ; chất lượng Gia đình văn hóa, Thôn - Khu phố văn hóa, Đơn vị có nếp sống văn minh ở một số nơi, một số trường hợp chưa đúng thực chất. Không ít Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động còn lúng túng. Một số cơ quan, đơn vị chưa tích cực thực hiện cuộc vận động xây dựng Đơn vị có nếp sống văn minh. Sự phối hợp giữa các Ngành, các cấp chưa chặt chẽ; việc kiểm tra đôn đốc chưa thường xuyên … nên đã ảnh hưởng đến kết quả chung của Phong trào.

Nhằm tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trên địa bàn Tỉnh trong thời gian tới, UBND Tỉnh xây dựng Đề án triển khai Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2006 – 2010 với nội dung cụ thể như sau:

I. Mục đích, yêu cầu:

1. Tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp Ủy, chính quyền các cấp, các ngành, các tổ chức Mặt trận, Đoàn thể, trong cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân trong Tỉnh về vai trò, vị trí của văn hoá và nhân tố con người đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; trong đó phong trào “TDĐKXDĐSVH” là giải pháp quan trọng hàng đầu để thực hiện Nghị quyết Trung ương V khoá VIII của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để từ đó huy động mọi lực lượng nhân dân và cả hệ thống chính trị ở cơ sở đẩy mạnh thực hiện và nâng cao chất lượng Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trong giai đoạn 2006-2010;

2. Kiểm điểm, đánh giá mặt được và những tồn tại, hạn chế của Phong trào “TDĐKXDĐSVH” giai đoạn 2001-2005 để kế thừa, phát huy có hiệu quả những thành quả đạt được, khắc phục những thiếu sót, yếu kém để nâng cao chất lượng, từng bước đưa Phong trào đi vào chiều sâu và thật sự của dân, do dân và phục vụ lợi ích chính đáng của nhân dân. Gắn kết với phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở để nâng cao chất lượng gia đình văn hoá, thôn văn hoá, khu phố văn hoá, khu dân cư tiên tiến, cơ quan, đơn vị có nếp sống văn minh. Đồng thời, huy động mọi nguồn lực của xã hội đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các thiết chế văn hóa, đẩy mạnh các phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao chăm lo đời sống văn hóa ở cơ sở.

II. Mục tiêu và các chỉ tiêu chủ yếu của Đề án:

1. Mục tiêu:

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khoá VIII), Kết luận Trung ương 10 (khoá IX) của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X về đa dạng hóa các phương thức hoạt động và tổ chức triển khai Phong trào “TDĐKXDĐSVH” theo hướng huy động mọi nguồn lực và cả hệ thống chính trị ở cơ sở, tiếp tục mở rộng và nâng cao chất lượng Phong trào, phấn đấu đến năm 2010 đạt được các mục tiêu theo 05 nội dung cụ thể như sau:

a) Đẩy mạnh thực hiện Phong trào rộng khắp và đồng đều ở các địa bàn dân cư, chú trọng triển khai thực hiện ở những thôn - khu phố văn hóa chưa phát huy tốt các việc: giúp nhau xoá đói giảm nghèo; không để xảy ra sinh con thứ 3; thực hiện 3 giảm (tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, phạm pháp hình sự); nâng cao tỷ lệ hộ đạt 3 công trình vệ sinh, cải thiện vệ sinh môi trường, huy động sức dân chỉnh trang nông thôn, đô thị; giảm tình trạng học sinh bỏ học, giữ gìn trật tự xã hội; đầu tư xây dựng trụ sở sinh hoạt cộng đồng …;

b) Kế thừa những thành quả đạt được, khắc phục những thiếu sót tồn tại, nâng cao chất lượng Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, đưa Phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, có hiệu quả. Nâng cao chất lượng các danh hiệu: Gia đình văn hóa, Khu dân cư tiên tiến, Thôn - Khu phố văn hóa, Xã - Phường - Thị trấn văn hóa và Đơn vị có nếp sống văn minh;

c) Tạo ra chuyển biến cơ bản, vững chắc trong việc xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, trọng tâm là thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang, lễ hội; đẩy lùi các tệ nạn xã hội; xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống tốt đẹp; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa dân tộc, xây dựng địa phương xanh - sạch - đẹp, con người Bình Thuận văn minh, thanh lịch, thân thiện, nghĩa tình;

d) Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nội dung văn hóa trong phong trào thi đua của các cấp, các Ngành, Đoàn thể gắn với Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và tạo nên động lực thúc đẩy việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bình Thuận lần thứ XI;

e) Phát triển rộng khắp đi đôi với việc nâng cao chất lượng các thiết chế văn hóa thông tin, thể dục thể thao ở cơ sở. Đẩy mạnh các phong trào văn hóa văn nghệ và thể dục thể thao quần chúng, nâng cao hơn nữa mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân ở địa phương.

2. Chỉ tiêu phấn đấu đến năm 2010:

a) Có 90% hộ toàn Tỉnh đạt danh hiệu Gia đình văn hóa;

b) Có 65 % thôn - khu phố đạt danh hiệu Thôn - Khu phố văn hóa;

c) Có trên 25 xã, phường, thị trấn đạt danh hiệu Xã - Phường - Thị trấn văn hóa;

d) Có 95% cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu Đơn vị có nếp sống văn minh;

e) Có 95% thôn - khu phố chưa đăng ký xây dựng Thôn – Khu phố văn hóa đạt danh hiệu Khu dân cư tiên tiến;

f) Có 75% thôn, khu phố có hội trường sinh hoạt cộng đồng;

g) Có 65% xã, phường, thị trấn có Nhà văn hóa;

III. Nội dung cụ thể của Đề án:

1. Xây dựng người tốt, việc tốt, các điển hình tiên tiến:

a) Có tinh thần yêu nước, ý thức tự cường dân tộc, phấn đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có ý chí vươn lên đưa quê hương, đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, đoàn kết với nhân dân thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội;

b) Có ý thức tập thể, đoàn kết, phấn đấu vì lợi ích chung, chống chủ nghĩa cá nhân;

c) Có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm, trung thực, nhân nghĩa, tôn trọng kỷ cương phép nước, qui ước của cộng đồng; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái;

d) Lao động chăm chỉ với lương tâm nghề nghiệp, có kỹ thuật, sáng tạo, năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể và xã hội;

e) Thường xuyên học tập, nâng cao hiểu biết, trình độ chuyên môn, trình độ thẩm mỹ và thể lực.

2. Xây dựng Gia đình văn hóa (GĐVH) :

a) Gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương:

- Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật Nhà nước; quy ước, hương ước cộng đồng;

- Giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, vệ sinh môi trường, nếp sống văn hóa nơi công cộng và bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, cảnh quan của địa phương;

- Không sử dụng văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; không mắc các tệ nạn xã hội;

- Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua, các buổi sinh hoạt, hội họp ở cộng đồng.

b) Gia đình hoà thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng:

- Vợ chồng bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau; bố mẹ có trách nhiệm nuôi con khoẻ, dạy con ngoan, đối xử công bằng với các con; người lớn (ông bà, cha mẹ, anh chị) sống mẫu mực, con cháu hiếu thảo, chăm ngoan, lễ phép, làm tròn bổn phận chăm sóc chu đáo ông bà, bố mẹ và người thân;

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội;

- Mỗi cặp vợ chồng chỉ có một hoặc hai con;

- Chăm lo rèn luyện sức khoẻ, giữ gìn vệ sinh phòng bệnh;

- Sử dụng điện an toàn, tiết kiệm; có nhà tắm, nước sạch và hố xí hợp vệ sinh;

- Đoàn kết xóm giềng, tham gia hòa giải, tương trợ giúp đỡ nhau trong lao động, sản xuất, khi khó khăn, hoạn nạn, tham gia các hoạt động xoá đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện ở cộng đồng.

c) Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác học tập đạt năng suất, chất lượng và hiệu quả:

- Kinh tế gia đình ổn định, tiêu dùng hợp lý, tiết kiệm, có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các thành viên;

- Các thành viên trong gia đình đều hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập.

3. Xây dựng Khu phố văn hóa:

a) Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển:

- Có từ 90% hộ gia đình trở lên có đời sống kinh tế phát triển, ổn định; nhiều người có công ăn việc làm, nhiều hộ gia đình giàu, giảm còn dưới 5% hộ gia đình nghèo, không còn hộ đói;

- Có từ 90% hộ gia đình trở lên có nhà xây bền vững, nhà có tường xây bằng gạch đá, không còn nhà vách đất, lá, cót.

b) Có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú:

- Có đội văn nghệ quần chúng và duy trì sinh hoạt thường xuyên; có các thiết chế văn hóa, giáo dục, y tế, có điểm sinh hoạt văn hoá - thể thao, vui chơi giải trí (Nhà văn hoá, sân thể thao); có hoạt động văn hoá - thể thao thường xuyên;

- Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan.

c) Có môi trường, cảnh quan sạch đẹp:

- Đường giao thông trải nhựa, bê tông, sỏi hóa; có hệ thống đèn chiếu sáng; đường phố, nơi sinh hoạt công cộng sạch đẹp; thực hiện tốt các Nghị định của Chính phủ về trật tự, an toàn giao thông;

- Có 100% hộ được sử dụng nước sạch, có trên 80% hộ gia đình có nhà tắm, hố xí đúng tiêu chuẩn, vệ sinh môi trường được bảo đảm.

- Tôn tạo, bảo vệ và phát huy các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam thắng cảnh ở địa phương.

d) Thực hiện đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước:

- Thực hiện tốt đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước;

- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện tốt nếp sống văn minh đô thị, và quy chế dân chủ ở cơ sở;

- Không có tệ nạn xã hội (ma tuý, mại dâm, cờ bạc, số đề, huê hụi,…); không tàng trữ và sử dụng, buôn bán, lưu hành văn hoá phẩm thuộc loại cấm lưu hành; cảm hóa 100% người lầm lỗi trở về tái hoà nhập cộng đồng;

- Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường; đạt chuẩn Quốc gia về Phổ cập giáo dục trung học cơ sở;

- Có 80% người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hóa gia đình; không có người sinh con thứ 03 trở lên; không có trẻ em suy dinh dưỡng.

e) Đăng ký và thực hiện Quy ước Khu phố văn hoá:

- Xây dựng và thực hiện Quy ước, Hương ước theo Chỉ thị 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có 100% hộ gia đình tự nguyện xây dựng Gia đình văn hóa. Cuối năm có trên 90% hộ gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa;

- Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, duy trì sinh hoạt theo định kỳ có hiệu quả, động viên đông đảo các thành viên tham gia tốt phong trào hành động cách mạng tại địa phương.

4. Xây dựng Thôn văn hóa (áp dụng cho vùng đồng bằng, trung du):

a) Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển:

- Có từ 85% hộ gia đình trở lên có đời sống kinh tế phát triển, ổn định; nhiều hộ gia đình giàu, nhiều người có công ăn việc làm, giảm còn dưới 5% hộ gia đình nghèo, không còn hộ đói;

- Có từ 85% hộ gia đình trở lên có nhà xây bền vững hoặc nhà có tường xây bằng gạch đá, không có nhà tranh tre vách đất, lá, cót.

b) Dân số, giáo dục, văn hóa, thể thao:

- Có ít nhất 80% người trong độ tuổi sinh đẻ thực hiện kế hoạch hoá gia đình, mỗi cặp vợ chồng chỉ có 01 hoặc 02 con, không sinh con thứ 03 trở lên;

- Giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng xuống dưới 20%; trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường, đạt chuẩn quốc gia về Phổ cập giáo dục tiểu học trở lên;

- Có nhà văn hoá (hoặc trụ sở), sân chơi thể thao để sinh hoạt văn hóa - văn nghệ, hội họp, sinh hoạt của câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động thể thao. Có các câu lạc bộ sinh hoạt thường xuyên nề nếp và phát huy tác dụng tốt. Có đội văn nghệ - thể thao và duy trì sinh hoạt, tổ chức tốt phong trào văn hóa - văn nghệ, thể thao, vui chơi - giải trí thường xuyên trong thôn;

- Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng, bài trừ mê tín dị đoan;

- Phát huy tốt tình làng nghĩa xóm, đoàn kết giúp nhau lúc hoạn nạn, khó khăn; giúp đỡ người nghèo; chăm sóc phụng dưỡng các bà mẹ Việt Nam anh hùng, người có công với nước, gia đình thương binh liệt sĩ gặp khó khăn; chăm lo cuộc sống người già, trẻ mồ côi, người bất hạnh, tật nguyền.

c) Có môi trường cảnh quan sạch đẹp:

- Đảm bảo vệ sinh sạch đẹp trong từng gia đình, đường giao thông, đường làng, ngõ xóm, trong khu dân cư có nhiều cây xanh và từng bước được nâng cấp, thực hiện tốt quy định về an toàn giao thông của Chính phủ;

- Huy động tốt sức dân tham gia xây dựng và nâng cấp cơ sở hạ tầng: trường học, đường làng và các công trình phúc lợi công cộng, đặc biệt là cơ sở sinh hoạt văn hóa - thể thao;

- Có từ 80% hộ gia đình trở lên được sử dụng nước sạch và nhà tắm, hố xí đúng tiêu chuẩn;

- Tôn tạo và bảo vệ các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể, các di tích lịch sử văn hoá - danh lam thắng cảnh ở địa phương.

d) Thực hiện đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

- Thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, làm tròn các nghĩa vụ của công dân đối với Nhà nước;

- Đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội nghiêm trọng, không tàng trữ và sử dụng văn hóa phẩm thuộc loại cấm lưu hành; thực hiện tốt quy định về Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng của Chính phủ, cảm hoá 100% người lầm lỡ trở về tái hòa nhập cộng đồng, đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng Thôn an toàn giao thông.

e) Đăng ký và thực hiện Quy ước:

- Xây dựng và thực hiện Quy ước, Hương ước theo Chỉ thị 24/1998-CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Có trên 95% hộ gia đình tự nguyện xây dựng Gia đình văn hóa. Có trên 80% hộ gia đình được công nhận là Gia đình văn hóa;

- Hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn, duy trì sinh hoạt theo định kỳ có hiệu quả, động viên các thành viên tham gia tốt phong trào hành động cách mạng của địa phương, thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở, cuối năm có 80% tổ tự quản, tổ dân cư, xóm đạt danh hiệu tiên tiến;

- Thực hiện Phong trào Đền ơn đáp nghĩa và hoạt động từ thiện xã hội có hiệu quả.

5. Xây dựng Thôn văn hoá ở các xã nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số:

a) Có đời sống kinh tế từng bước phát triển:

- Đã định canh định cư, có 70% số hộ gia đình trở lên được sử dụng điện lưới quốc gia, có từ 70% số hộ trở lên có đời sống kinh tế ổn định, không có hộ đói, số hộ gia đình nghèo còn dưới 10%;

- Có từ 60% số hộ gia đình trở lên có nhà ở được xây hoặc làm bền vững (có thể là nhà sàn được cất công phu). Địa phương được công nhận đã xóa xong nhà tạm, nhà dột nát cho người nghèo.

b) Có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú:

- Có Nhà văn hóa để sinh hoạt văn hóa - thể thao, có đội văn nghệ quần chúng, có đội bóng đá, bóng chuyền duy trì được các sinh hoạt văn hóa - thể thao truyền thống của dân tộc, có trạm (đài) truyền thanh, có điểm Bưu điện - Văn hóa xã hoạt động hiệu quả;

- Trẻ em đang độ tuổi đi học đều được đến trường; đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học;

- Giữ gìn thuần phong mỹ tục, không còn hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Tổ chức thực hiện việc cưới, việc tang, lễ hội theo Nếp sống văn hóa phù hợp với phong tục, tập quán dân tộc ở địa phương;

- Không tàng trữ và sử dụng văn hóa phẩm độc hại thuộc loại cấm lưu hành; không trồng, buôn bán và sử dụng thuốc phiện, ma túy, mọi người đều có ý thức phòng chống ma túy, HIV/AIDS.

c) Có môi trường cảnh quan xanh, sạch, đẹp:

- Có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm hợp vệ sinh; cảnh quan đường làng, thôn, xóm, nơi sinh hoạt công cộng thông thoáng, xanh, sạch, đẹp, không bị ô nhiễm;

- Có từ 70% số hộ gia đình trở lên được sử dụng nước sạch và có nhà tắm, hố xí hợp vệ sinh;

- Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các công trình phúc lợi; các tuyến giao thông trong thôn, xóm được nâng cấp.

d) Thực hiện tốt chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước:          - Thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chăm lo những người thuộc diện chính sách, người già neo đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi;

- Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở;

- 100% hộ gia đình cam kết và thực hiện tốt mục tiêu 3 giảm: giảm phạm pháp hình sự, giảm tai nạn giao thông, giảm tệ nạn xã hội ma tuý, mại dâm. Địa phương được công nhận “Không có tệ nạn mại dâm, ma túy”.

e) Đăng ký và thực hiện Quy ước thôn - bản văn hóa:

- Xây dựng và thực hiện Quy ước, Hương ước theo Chỉ thị 24/1998/CT-TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ. Có trên 90% hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa và hưởng ứng thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Cuối năm có từ 60% số hộ gia đình trở lên đạt danh hiệu Gia đình văn hóa;

- Đảng bộ (Chi bộ) trong sạch, vững mạnh, chính quyền và các tổ chức Mặt trận đoàn thể hoạt động có hiệu quả, đạt danh hiệu vững mạnh.

6. Xây dựng xã - phường - thị trấn văn hóa:

a) Về phát triển kinh tế:

- Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, không có hộ đói;

- Hộ nghèo ở đô thị còn dưới 4%, vùng nông thôn còn dưới 6%, vùng miền núi còn dưới 10%.

b) Về phát triển văn hóa – xã hội:

- Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, không có hủ tục lạc hậu mê tín; số thôn, khu phố có Nhà văn hoá chiếm từ 60% trở lên; số thôn, khu phố đạt chuẩn văn hoá chiếm từ 80% trở lên (khu vực miền núi từ 60% trở lên); hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hoá chiếm từ 80% trở lên (khu vực miền núi từ 60% trở lên); xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh liệt sĩ và người có công. Có đội văn nghệ quần chúng; có trạm truyền thanh; có phòng đọc sách;

- Hoàn thành Giáo dục phổ cập giáo dục tiểu học, Giáo dục phổ cập trung học cơ sở trở lên; Trẻ em đến tuổi được đi học, có biện pháp giúp đỡ học sinh nghèo, khuyến khích học sinh giỏi. Hạn chế đến mức thấp nhất tỉ lệ học sinh bỏ học giữa chừng. Có ít nhất 01 trường học được công nhận đạt chuẩn quốc gia;

- Đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng; trẻ em trong độ tuổi được tiêm chủng, phòng dịch theo quy định; số hộ có nhà tắm, hố xí dùng nước sạch từ 70% trở lên (miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 65% trở lên);

- Có môi trường cảnh quan sạch đẹp, không bị ô nhiễm.

c) Về an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội:

- Đảng bộ trong sạch, vững mạnh; số Chi bộ đạt trong sạch vững mạnh từ 80% trở lên; không có Chi bộ yếu kém;

- Chính quyền vững mạnh; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở;

- Khiếu kiện, đơn thư của nhân dân được giải quyết ở cơ sở;

- Đạt tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn lành mạnh không có tệ nạn mại dâm, ma tuý;

- Xây dựng hương ước, quy ước, quy chế cụm dân cư;

- Không có điểm nóng về tình hình an ninh trật tự.

d) Về cơ sở vật chất - kết cấu hạ tầng:

- Đường làng, ngõ xóm thông thoáng được cải tạo nâng cấp theo hướng bê tông hoá, nhựa hoá;

- Bảo vệ và sử dụng có hiệu quả các công trình phúc lợi, di tích danh lam thắng cảnh;

- Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và bài trừ mê tín dị đoan;

- Có điện lưới quốc gia;

- Trung tâm xã được xây dựng, quy hoạch.

7. Xây dựng cơ quan, đơn vị có nếp sống văn minh:

a) Hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, kinh tế xã hội:

- Hàng năm hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ chính trị, sản xuất, kinh doanh của cơ quan, đơn vị, giải quyết được việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người công nhân viên chức, lao động;

- Chấp hành tốt chế độ phòng gian bảo mật; có lực lượng tự vệ, bảo vệ được huấn luyện theo chế độ thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ cơ quan;

- Không có trường hợp vi phạm pháp luật, kỷ luật hoặc sai sót nghiêm trọng trong sinh hoạt, công tác.

b) Thực hiện tốt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước:

- Gia đình công nhân viên chức, lao động hoà thuận gương mẫu, thực hiện tốt các tiêu chuẩn và được công nhận gia đình văn hoá, khu tập thể văn hoá;

- Nội bộ đoàn kết, nhất trí thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở và các nghĩa vụ, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

- Tích cực tham gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, thực hành tiết kiệm, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, không mê tín dị đoan;

- Thực hiện tốt cuộc vận động dân số và kế hoạch hoá gia đình;

- Thực hiện tốt nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, không cửa quyền, hách dịch, thực hiện giao tiếp, ứng xử văn minh, lịch thiệp, nghĩa tình trong quan hệ giải quyết công việc hằng ngày.

c) Có môi trường văn hoá lành mạnh:

- Công sở làm việc xanh, sạch, đẹp, có bảng nội quy, có bảng tên đơn vị, treo cờ, khẩu hiệu đúng quy định, đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường, phòng chống cháy nổ;

- Giữ gìn mối quan hệ đoàn kết, nghĩa tình, thân thiện với nhân dân nơi công tác và cư trú;

- Có tác phong làm việc khoa học, văn minh, hiệu quả;

- Có các thiết chế văn hoá, thể thao phù hợp;

- Có các hoạt động thông tin tuyên truyền phổ biến kịp thời chủ trương, chính sách, chế độ, pháp luật của Đảng, Nhà nước, công đoàn và tổ chức chính trị xã hội đến công nhân viên chức, lao động.

d) Có đời sống văn hoá tinh thần lành mạnh, phong phú:

- Có kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá - thể thao;

- Tổ chức tốt các hoạt động văn hoá văn nghệ, thể dục thể thao quần chúng thu hút đông đảo công nhân viên chức, lao động đến sinh hoạt, rèn luyện.

8. Xây dựng Khu dân cư tiên tiến:

a) Đoàn kết giúp đỡ nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo:

Phát huy các thành phần kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, huy động được nhiều nguồn lực, tạo nhiều việc làm để phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Bảo đảm ở mỗi khu dân cư xóa hộ đói, giảm hộ nghèo, không có nhà ở dột nát; ngày càng có đông số hộ khá giả, tăng hộ giàu hợp pháp;

b) Đoàn kết phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân tương ái”:

Có nhiều hoạt động đền ơn đáp nghĩa và nhân đạo từ thiện. Bảo đảm các gia đình liệt sĩ, thương binh và những người có công với nước có mức sống cao hơn mức sống trung bình ở khu dân cư. Người già cô đơn, trẻ em tàn tật, những nạn nhân của chất độc hóa học và những người bất hạnh trong cuộc sống đều được chăm sóc chu đáo bằng việc thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước và bằng sự trợ giúp của cộng đồng dân cư.

c) Đoàn kết phát huy dân chủ, giữ gìn kỷ cương:

Mọi người sống và làm việc theo pháp luật, theo quy ước, hương ước của cộng đồng; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Bảo đảm ở khu dân cư không có tệ nạn xã hội và tội phạm, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hòa giải tại chỗ những mâu thuẫn nội bộ, cảm hóa được những người lầm lỗi, mọi người tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc và xây dựng nền quốc phòng toàn dân.

d) Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa:

Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và thuần phong mỹ tục trong nhân dân, bảo vệ các di tích lịch sử - văn hóa, di tích cách mạng, các khu bảo tồn thiên nhiên, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Bảo đảm ở khu dân cư thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và trong quan hệ ứng xử, có điểm giải trí vui chơi công cộng sạch sẽ; phần đông các hộ có phương tiện nghe nhìn, mọi hộ gia đình sống hòa thuận, quan hệ xóm giềng tốt đẹp; đa số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa.

e) Đoàn kết chăm lo sự nghiệp giáo dục, bảo vệ sức khoẻ, phát triển thể dục thể thao và thực hiện dân số-kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ môi trường:

Bảo đảm ở khu dân cư, mọi trẻ em đến trường đúng độ tuổi và không có trẻ em bỏ học, thực hiện xóa mù chữ và phổ cập tiểu học, học sinh nghèo được giúp đỡ, học sinh giỏi được khuyến khích, mọi trẻ em được bảo vệ, chăm sóc chu đáo và tiêm chủng đúng định kỳ, không có người sinh con thứ 03 trở lên. Phần đông số hộ có điện, có nước sạch dùng trong sinh hoạt, bảo vệ cây xanh nơi công cộng và khuyến khích mọi nhà trồng cây xanh, xây dựng vườn hoa, cây cảnh; đường làng, ngõ phố phong quang, sạch sẽ.

f) Đoàn kết xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh:

Mọi cán bộ, đảng viên gắn bó mật thiết với nhân dân nơi cư trú. Động viên và tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy dân chủ, xây dựng, giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức Nhà nước và đòi hỏi sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong rèn luyện tư tưởng, đạo đức và lối sống, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền, các đoàn thể và Ban công tác Mặt trận, mở rộng lực lượng nòng cốt làm công tác Mặt trận ở khu dân cư.

IV. Nhiệm vụ và giải pháp tổ chức thực hiện Phong trào:

1. Cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Phong trào thông qua việc định kỳ nghe báo cáo kiểm tra, đánh giá của Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” cùng cấp, qua đó chỉ đạo mở rộng và nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hoá, Thôn – Khu phố văn hoá, Xã – Phường - Thị trấn văn hoá, Khu dân cư tiên tiến, Đơn vị có nếp sống văn minh phát triển đúng hướng, đạt hiệu quả tốt. Đối với những nơi đã phát động, xây dựng Phong trào “TDĐKXDĐSVH”, tiến hành khảo sát, đánh giá thực chất tình hình và kết quả Phong trào ở địa bàn, từng loại hình cơ sở. Từ đó, rà soát, điều chỉnh, bổ sung từng nội dung tiêu chí Phong trào phù hợp với đặc điểm từng nơi, làm cơ sở cho việc củng cố, nâng cao chất lượng Phong trào; kiên quyết khắc phục tình trạng chạy theo số lượng đơn thuần, phô trương hình thức;

2. Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền vận động một cách thường xuyên, sâu rộng về mục đích, ý nghĩa và nội dung của Phong trào “TDĐKXDĐSVH” trong nhân dân, từng khu dân cư, từng hộ gia đình trên tất cả các kênh thông tin để mọi người, mọi nhà tích cực tham gia đóng góp cho Phong trào chung, nhất là việc xây dựng các thiết chế và hoạt động văn hóa - thể thao tại địa phương gắn với việc thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở …;

3. Củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo Phong trào “TDĐKXDĐSVH” các cấp; đồng thời có kế hoạch thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn cán bộ giúp việc cho Ban Chỉ đạo nhằm nâng cao hiệu lực chỉ đạo và điều hành của hệ thống Ban Chỉ đạo các cấp;

4. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình phối hợp liên ngành trong thực hiện Phong trào, nhất là các Sở, Ngành là thành viên Ban Chỉ đạo Phong trào. Tiếp tục rà soát, bổ sung và nâng cao các nội dung, tiêu chí các chương trình phối hợp liên ngành; chú trọng công tác chỉ đạo triển khai thực hiện các chương trình phối hợp một cách sâu rộng, có hiệu quả đến tất cả các đơn vị, địa phương, nhất là ở cơ sở; lồng ghép các nội dung phối hợp vào các phong trào cụ thể để triển khai thực hiện có hiệu quả. Tăng cường sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, các đoàn thể, các tổ chức xã hội để triển khai Phong trào theo hướng phát triển chiều rộng, chú trọng chiều sâu, chống chạy theo thành tích, nhất là đối với các ngành đã ký kết các chương trình, kế hoạch phối hợp liên tịch thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” với Ngành Văn hóa – Thông tin. kết hợp chặt chẽ giữa Phong trào “TDĐKXDĐSVH” với Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, đảm bảo an ninh trật tự”;

5. Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, kiên quyết đấu tranh đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là các tệ nạn xã hội nghiêm trọng. Tạo sự chuyển biến cơ bản trong việc thực hiện nếp sống văn minh, thực hiện tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị và Chỉ thị 14/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đổi mới nội dung và phương thức vận động, tập trung vào bài trừ mê tín dị đoan, hủ tục lạc hậu, chống khuynh hướng vụ lợi, thương mại hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Phấn đấu đến năm 2010, có trên 80% số khu dân cư, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đơn vị lực lượng vũ trang … thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Triển khai thực hiện tốt cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh nơi công cộng (như các chợ, bến xe, ga, tàu …) trên cơ sở được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đạt yêu cầu, đảm bảo vệ sinh môi trường, trật tự xã hội;

6. Hàng năm làm tốt công tác sơ kết, tổng kết, khen thưởng, biểu dương các cá nhân, tập thể điển hình tiên tiến trên cơ sở thực hiện tốt công tác kiểm tra, khảo sát đánh giá tìm ra cá nhân, tập thể xuất sắc, mô hình tốt trên từng địa bàn dân cư để đúc rút kinh nghiệm, phổ biến nhân rộng; đồng thời, nắm chắc tình hình triển khai Phong trào để kịp thời đề ra biện pháp thực hiện trong thời gian tới.

7. Trong quá trình triển khai Phong trào, hàng năm các địa phương, đơn vị cần thực hiện nghiêm túc công tác bình chọn, công nhận các danh hiệu của Phong trào, tránh tư tưởng thành tích, hình thức, qua loa đại khái ảnh hưởng đến chất lượng Phong trào chung của Tỉnh;

V. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Văn hóa – Thông tin phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam Tỉnh và Liên đoàn Lao động Tỉnh hướng dẫn thực hiện nội dung Đề án này.

2. Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể Tỉnh và Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” giai đoạn 2006-2010 gắn với thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội của cơ quan, đơn vị, địa phương sao cho thật sự khả thi, tránh mọi biểu hiện chạy theo số lượng, phô trương hình thức;

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức đoàn thể thành viên các cấp, nhất là các cơ sở xã, phường, thị trấn, Ban công tác Mặt trận thôn, khu phố có biện pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng cuộc vận động xây dựng Gia đình văn hóa, Khu dân cư tiên tiến hàng năm trên địa bàn toàn Tỉnh, nhằm xây dựng cơ sở vững chắc cho cuộc vận động xây dựng Thôn – Khu phố văn hóa, Xã - Phường - Thị trấn văn hóa;

4. Liên đoàn Lao động Tỉnh tiếp tục tăng cường các biện pháp nhằm triển khai có hiệu quả cuộc vận động xây dựng Đơn vị có Nếp sống văn minh hàng năm trên địa bàn toàn Tỉnh để cuộc vận động đạt chỉ tiêu được giao và có chất lượng tốt;

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính tham mưu UBND Tỉnh cân đối kinh phí hàng năm để thực hiện đạt các mục tiêu, chỉ tiêu của Đề án đã đặt ra./.