Quyết định 49/2006/QĐ-UBND ban hành Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương tỉnh Hậu Giang
Số hiệu: 49/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hậu Giang Người ký: Nguyễn Liên Khoa
Ngày ban hành: 29/12/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 49/2006/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 29 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;

Căn cứ Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ V/v ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2007;

Căn cứ Nghị quyết số 18/2006/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang V/v ban hành định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước giai đoạn 2007-2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách Nhà nước tỉnh Hậu Giang áp dụng cho năm ngân sách 2007, năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách mới giai đoạn 2007-2010 theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Điều 2. Định mức phân bổ này là cơ sở để phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị cấp tỉnh và các huyện, thị xã (bao gồm cấp huyện và cấp xã).

Đối với các địa phương thuộc tỉnh khi áp dụng định mức này mà dự toán chi thường xuyên năm 2007 và các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ thấp hơn dự toán chi giao năm 2006 thì sẽ được bổ sung để đảm bảo không thấp hơn mức dự toán năm 2006 và có mức tăng hợp lý.

Điều 3. Căn cứ định mức phân bổ này:

1. Thủ trưởng các đơn vị cấp tỉnh xây dựng định mức phân bổ cho các đơn vị trực thuộc; đồng thời, gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

2. Chủ tịch UBND huyện, thị xã căn cứ vào tình hình thực tế, đặc điểm từng địa phương, đơn vị trình HĐND cùng cấp quyết định định mức phân bổ chi thường xuyên cho từng đơn vị, địa phương nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ. Riêng lĩnh vực giáo dục - đào tạo và dạy nghề, khoa học công nghệ không được thấp hơn số của tỉnh giao; đồng thời, gửi Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và được áp dụng cho giai đoạn 2007-2010.

Điều 5. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và các đơn vị có liên quan thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- VPCP;
- Bộ Tư pháp;
- Bộ Tài chính;
- Như Điều 5;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- Lưu: VT, 4, TB

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Liên Khoa

 

ĐỊNH MỨC

V/V PHÂN BỔ DỰ TOÁN CHI THƯỜNG XUYÊN NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 49 /2006/QĐ-UBND ngày 29 tháng 12 năm 2006 của UBND tỉnh Hậu Giang)

Phần I:

CƠ SỞ XÂY DỰNG ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ

1. Về khả năng ngân sách:

Cơ sở quan trọng trong việc xây dựng định mức là phải tính đến khả năng ngân sách; nếu tách rời khả năng ngân sách thì định mức không có cơ sở thực hiện. Cụ thể, phải tính đến số dự kiến ngân sách năm 2007 và những năm tiếp theo đối với các lĩnh vực chi theo Quyết định số 151/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 6 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và khả năng nguồn thu của ngân sách địa phương trong suốt thời kỳ ổn định.

2. Về tiêu chí phân bổ:

Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các địa phương dựa trên tiêu chí chủ yếu là dân số, ngoài ra còn một số lĩnh vực, sự nghiệp phân bổ theo các tiêu chí khác, cụ thể:

- Phân bổ theo chức năng nhiệm vụ được tỉnh giao: quốc phòng, an ninh, văn hóa thông tin.

- Phân bổ theo biên chế được giao: chi quản lý hành chính.

- Phân bổ theo đơn vị hành chính: sự nghiệp y tế xã, phường, thị trấn.

3. Định mức phân bổ dự toán:

- Đã bao gồm: tiền lương, có tính chất lương, các khoản trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn...) theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004, Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ; chi nghiệp vụ, đoàn ra, đoàn vào và các khoản mua sắm, sửa chữa thường xuyên.

- Chưa bao gồm: chi các nhiệm vụ đặc thù; mua sắm tài sản cố định có số lượng lớn hoặc giá trị lớn, nâng cấp cơ sở vật chất quy mô lớn. Kinh phí chi cho các nhiệm vụ này thực hiện theo các quyết định cụ thể, các dự án đầu tư được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Định mức phân bổ bao gồm tất cả các nhiệm vụ chi của từng cấp ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và phân cấp của Hội đồng nhân dân tỉnh Hậu Giang.

- Mức kinh phí ngân sách cấp cho các hoạt động thường xuyên được giao ổn định hàng năm trong thời kỳ ổn định ngân sách và được tăng theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

Phần II:

ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ

I. Định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cấp tỉnh:

1. Định mức phân bổ dự toán chi quản lý Nhà nước, Đảng, Đoàn thể:

1.1. Định mức chung:

- Lương, phụ cấp lương và các khoản có tính chất lương, các khoản đóng góp theo quy định, ngân sách đảm bảo 100% theo biên chế thực tế.

- Kinh phí hoạt động thường xuyên của các đơn vị cấp Sở và tương đương được bố trí định mức chi là đơn vị có biên chế từ 20 người trở xuống là 14 triệu đồng/biên chế/năm, biên chế từ thứ 21 trở lên được tính là 13 triệu đồng/biên chế/năm (theo biên chế được giao).

Các đơn vị trực thuộc Sở và tương đương được bố trí định mức là 12 triệu đồng/biên chế/năm từ biên chế thứ 20 trở xuống, biên chế từ thứ 21 trở lên được tính là 11 triệu đồng/biên chế/năm (theo biên chế được giao).

1.2. Văn phòng Tỉnh ủy và các Ban xây dựng Đảng, Văn phòng HĐND, Văn phòng UBND tỉnh ngoài định mức phân bổ nêu trên có tính toán bổ sung thêm các nhiệm vụ chi cụ thể của từng đơn vị.

1.3. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.

1.4. Dự toán chi quản lý hành chính các năm tiếp theo trong thời kỳ ổn định được điều chỉnh tăng thêm hàng năm theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

2. Định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp:

2.1. Đối với chi sự nghiệp giáo dục:

Trên cở sở định mức chi lương và tính chất lương là 80%, đảm bảo phần chi hoạt động ngoài lương tối thiểu 20%. Nếu không đủ sẽ được bổ sung.

2.2. Đối với chi sự nghiệp đào tạo:

Định mức chi đào tạo của cấp trung học chuyên nghiệp và cao đẳng sẽ căn cứ vào định mức chi của Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2.3. Đối với sự nghiệp y tế:

Căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, Sở Y tế xây dựng định mức phân bổ cụ thể cho các đơn vị trực thuộc gửi Sở Tài chính thẩm định và ban hành theo quy định trên cơ sở tổng số dự toán được giao.

2.4. Đối với chi sự nghiệp thể dục - thể thao:

Trường hợp có các vận động viên đạt thành tích cao cấp quốc gia và vận động viên khuyết tật được tham gia các giải do Trung ương tổ chức được Trung ương phân bổ kinh phí tập huấn theo chế độ quy định đối với vận động viên.

Dự toán chi các sự nghiệp nêu được xác định theo cơ chế tài chính của Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của Chính phủ quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2.5. Đối với chi đảm bảo xã hội: căn cứ vào thực tế nhiệm vụ chi giai đoạn 2004-2006 và các chế độ, chính sách do Trung ương và địa phương ban hành sẽ bố trí mức chi hợp lý và hàng năm được tăng theo tỷ lệ do Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định.

2.6. Đối với chi Quốc phòng - An ninh: căn cứ khả năng ngân sách và nhiệm vụ chi theo luật định sẽ phân bổ để bảo đảm các nhiệm vụ quốc phòng và an ninh của địa phương.

2.7. Đối với chi hoạt động sự nghiệp môi trường, chi sự nghiệp khoa học - công nghệ, chi trợ giá theo chính sách Nhà nước: căn cứ khả năng ngân sách và nhiệm vụ chi của từng đơn vị sẽ phân bổ cụ thể.

3. Các Giám đốc Sở, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên cho các đơn vị trực thuộc sau khi thống nhất với Sở Tài chính, nhưng phải đúng về tổng mức, phù hợp với đặc điểm thực tế và nguồn thu của các đơn vị trực thuộc, bảo đảm công khai, minh bạch và theo đúng quy định của pháp luật.

II. Định mức phân bổ dự toán chi ngân sách cho các huyện, thị và xã, phường, thị trấn:

1. Định mức phân bổ chi sự nghiệp giáo dục: Cấp huyện được tính theo chỉ tiêu dân số trong độ tuổi đến trường từ 1 đến dưới 16 tuổi là 664.000 đồng/người dân/năm.

1.1. Trên cơ sở định mức trên, nếu tỷ lệ chi giảng dạy và học tập (không kể lương và có tính chất lương) nhỏ hơn 20% so với tổng chi sự nghiệp giáo dục sẽ được bổ sung đủ 20%; đảm bảo tỷ lệ chi lương, phụ cấp và các khoản có tính chất lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn) tối đa 80%, chi thực hiện nhiệm vụ giáo dục không kể chi tiền lương và các khoản có tính chất lương tối thiểu 20% (chưa kể nguồn thu học phí).

1.2. Định mức phân bổ trên bao gồm các cấp giáo dục, các loại hình giáo dục theo phân cấp.

1.3. Định mức chi nêu trên bao gồm chi nâng cấp, sửa chữa các điểm trường thuộc địa phương quản lý.

2. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đào tạo và dạy nghề cấp huyện: Bao gồm các loại hình đào tạo, dạy nghề (chính qui, tại chức, đào tạo lại, các loại hình đào tạo, dạy nghề khác), các cấp đào tạo, dạy nghề, trung tâm chính trị… theo tiêu chí dân số là 8.500 đồng/người/năm, bao gồm cả định mức chi đào tạo cán bộ, công chức cấp xã là 10 triệu đồng/xã/năm.

3. Định mức phân bổ chi sự nghiệp y tế cấp huyện: Phân bổ theo tiêu chí trạm y tế xã, phường, thị trấn: 100 triệu đồng/trạm/năm.

4. Định mức phân bổ chi quản lý Nhà nước, Đảng, Đoàn thể cấp huyện: Tính theo biên chế được giao là 27 triệu đồng/biên chế/năm. Trường hợp định mức chi quản lý hành chính cấp huyện nêu trên mà quỹ lương và các khoản theo lương chiếm tỷ trọng cao thì được tính theo cơ cấu tỷ lệ lương và các khoản theo lương tối đa bằng 65%, chi thực hiện nhiệm vụ (không kể chi tiền lương và các khoản có tính chất lương) là 35%.

5. Định mức phân bổ chi sự nghiệp văn hoá thông tin cấp huyện: Theo chức năng nhiệm vụ của Sở Văn hoá thông tin giao cho các huyện, thị xã.

6. Định mức phân bổ chi sự nghiệp phát thanh truyền hình cấp huyện: Là 3.000 đồng/người dân/năm cho tất cả các huyện, thị xã.

7. Định mức phân bổ chi sự nghiệp thể dục - thể thao cấp huyện: Là 2.500 đồng/người dân/năm cho tất cả các huyện, thị xã.

8. Định mức phân bổ chi sự nghiệp đảm bảo xã hội cấp huyện: Là 6.500 đồng/người dân/ năm cho tất cả các huyện, thị xã.

9. Định mức phân bổ chi quốc phòng, an ninh cấp huyện: theo chức năng nhiệm vụ của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Công an tỉnh giao cho các huyện, thị xã và các xã, phường, thị trấn.

10. Định mức chi sự nghiệp khoa học công nghệ cấp huyện: đảm bảo tăng so với năm 2006 tối thiểu là 5% theo quy định của Trung ương.

11. Định mức phân bổ chi sự nghiệp kinh tế cấp huyện: Tính theo tỷ lệ là 5% đối với tất cả các huyện, thị xã trên tổng chi thường xuyên được tính theo định mức phân bổ dự toán chi sự nghiệp của ngân sách cấp huyện, thị xã từ mục 1 đến mục 10 phần II (không tính định mức chi cho cấp xã).

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất đô thị, định mức phân bổ bổ sung chi sự nghiệp kinh tế như sau:

- Thị xã Vị Thanh: 4.500 triệu đồng/năm

- Thị xã Ngã Bảy: 3.000 triệu đồng/năm

- Các huyện còn lại: 2.000 triệu đồng/đơn vị/năm

12. Định mức phân bổ chi hoạt động sự nghiệp môi trường cấp huyện: căn cứ khả năng ngân sách và nhiệm vụ chi của từng đối tượng sẽ phân bổ cụ thể theo qui định.

13. Chi thường xuyên khác của ngân sách cấp huyện: Phân bổ theo tỷ trọng bằng 0,5% tổng các khoản chi thường xuyên đã được tính theo định mức phân bổ dự toán chi ngân sách của từng huyện, thị xã (từ mục 1 đến mục 12).

14. Định mức chi ngân sách xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã):

Căn cứ Nghị định 159/2005/NĐCP của Chính phủ ngày 27 tháng 12 năm 2005 về phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn cụ thể như sau:

- Loại I:  1.000 triệu đồng/xã/năm.

- Loại II: 884 triệu đồng/xã/năm.

- Loại III:  840 triệu đồng/xã/năm.

Ngoài ra, mỗi xã, phường, thị trấn nếu là xã văn hoá sẽ được bổ sung thêm 20 triệu đồng/năm để xây dựng và duy trì các thiết chế văn hóa.

Đinh mức chi ngân sách xã nêu trên bao gồm tất cả các nhiệm vụ chi theo phân cấp của Luật Ngân sách Nhà nước và Hội đồng nhân dân tỉnh và các chế độ chính sách của Nhà nước ban hành. Trường hợp trong năm Nhà nước có ban hành chế độ, chính sách mới cho cấp xã, tỉnh sẽ xem xét bổ sung theo yêu cầu thực tế.

15. Dự phòng ngân sách: Cấp huyện và cấp xã là 2% trên tổng chi cân đối ngân sách.

16. Định mức chi khen thưởng:

Căn cứ vào phân cấp khen thưởng sẽ bố trí kinh phí khen thưởng cho cấp huyện theo phân cấp của tỉnh và Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh. Riêng đối với cấp xã bố trí nguồn kinh phí này với định mức là 10 triệu đồng/xã/năm.

17. Đối với những địa phương có dân số thấp:

Đối với những địa phương có dân số dưới 80.000 dân được phân bổ thêm 5% tổng số chi thường xuyên của ngân sách huyện, thị xã (không tính chi ngân sách xã). Ngoài ra, đối với những địa phương khác khi tính theo định mức trên, mà mức chi thấp hơn dự toán năm 2006 thì sẽ được tính lại dự toán bằng dự toán 2006 tính lại theo lương mới (Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004, Nghị định số 118/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2005 của Chính phủ), đồng thời có tăng thêm theo quy định.

18. Đối với các đơn vị hành chính thành lập mới (thị xã, huyện, xã, phường, thị trấn, ấp, khu vực) theo Quyết định của cấp có thẩm quyền:

Trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán ngân sách khi có đơn vị hành chính mới được thành lập theo Quyết định của cấp có thẩm quyền, ngân sách tỉnh sẽ bổ sung cho cấp huyện để hỗ trợ cho các đơn vị hành chính mới được thành lập theo mức quy định.

Phần III:

PHƯƠNG PHÁP XÁC ĐỊNH MỘT SỐ TIÊU CHÍ, CĂN CỨ CỦA ĐỊNH MỨC PHÂN BỔ NGÂN SÁCH ĐỊA PHƯƠNG:

1. Về dân số:

Số dân số của từng huyện, thị xã được xác định theo số liệu do Cục trưởng Cục thống kê tỉnh công bố trước ngày 01 tháng 7 năm trước.

2. Về biên chế:

Sở Nội vụ và cơ quan có thẩm quyền giao biên chế có trách nhiệm thống nhất với Sở Tài chính về chỉ tiêu biên chế của các Sở, Ban, ngành và các huyện, thị xã làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách địa phương năm kế hoạch vào ngày

20 tháng 7 năm trước.

3. Về định mức phân bổ của ngân sách cấp huyện:

Định mức phân bổ nêu trên là cơ sở để phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách cấp huyện, thị xã (bao gồm ngân sách cấp xã, phường, thị trấn). Riêng định mức phân bổ cho các nhiệm vụ chi thường xuyên cụ thể của cấp huyện và định mức phân bổ giữa ngân sách cấp huyện, thị xã với ngân sách cấp xã do Chủ tịch UBND cấp huyện căn cứ vào thực tế địa phương, khả năng nguồn thu ngân sách để trình HĐND cùng cấp xem xét quyết định mức chi cụ thể, nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao cho các ngành, các cấp trên địa bàn./.