Quyết định 45/2015/QĐ-UBND về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 cho các huyện, thành phố, thị xã - tỉnh Vĩnh Phúc
Số hiệu: 45/2015/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Nguyễn Văn Trì
Ngày ban hành: 25/12/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Tài chính, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 45/2015/QĐ-UBND

Vĩnh Yên, ngày 25 tháng 12 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC GIAO DỰ TOÁN THU, CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 2016 CHO CÁC HUYỆN, THÀNH PHỐ, THỊ XÃ - TỈNH VĨNH PHÚC

ỦY BAN NHÂN DÂN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật tổ chức Chính quyền địa phương;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Quyết định số 2100/QĐ-TTg ngày 28/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2016;

Căn cứ Quyết định số 2502/QĐ-BTC ngày 28/11/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 191/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về dự toán ngân sách tỉnh Vĩnh Phúc năm 2016;

Căn cứ Nghị quyết số 192/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của HĐND tỉnh về phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm 2016;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Tờ trình số 1382/TTr-STC ngày 28/12/2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016 cho UBND các huyện, thành phố, thị xã (chi tiết theo các biểu đính kèm).

Điều 2. Căn cứ Quyết định giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016, UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện phân bổ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước cho các đơn vị trực thuộc đảm bảo các yêu cầu sau:

1. UBND thành phố, thị xã trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách và phương án phân bổ dự toán ngân sách cấp mình; căn cứ Nghị quyết HĐND thành phố, thị xã để giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, mức bổ sung từ ngân sách thành phố, thị xã cho từng xã, phường, thị trấn.

Đối với các huyện thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện: UBND các huyện quyết định dự toán thu, chi ngân sách cấp mình; giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, mức bổ sung từ ngân sách huyện cho từng xã, thị trấn.

Căn cứ Quyết định của UBND huyện, thành, thị về giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2016, UBND các xã, thị trấn trình HĐND cùng cấp quyết định dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách; UBND phường quyết định dự toán thu, chi ngân sách cấp mình theo quy định.

2. Tiếp tục thực hiện cơ chế tài chính tạo nguồn để thực hiện chế độ cải cách tiền lương, từ các nguồn:

2.1. Sử dụng 50% tăng thu ngân sách địa phương không kể tăng thu tiền sử dụng đất (số thu trong tổ chức thực hiện so với dự toán được cấp có thẩm quyền giao);

2.2. Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương);

2.3. Ngoài tiết kiệm 10% chi thường xuyên nêu trên, thực hiện tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên (không kể các khoản chi tiền lương, có tính chất lương);

2.4. Đối với các cơ quan, đơn vị có nguồn thu từ phí, lệ phí sử dụng tối thiểu 40% số thu được để lại theo đơn vị;

2.5. UBND các huyện, thành, thị sau khi thực hiện các biện pháp tạo nguồn nêu trên mà không đáp ứng đủ nhu cầu cải cách tiền lương, báo cáo Sở Tài chính thẩm định trình UBND tỉnh quyết định bổ sung đảm bảo đủ nguồn thực hiện.

3. Đối với tiền sử dụng đất:

3.1. Sử dụng tối thiểu 10% từ nguồn thu ngày để thực hiện công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất năm 2016;

3.2. Đầu tư cơ sở hạ tầng khu đất dịch vụ; đầu tư chương trình xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại địa phương.

4. Đối với nguồn cải cách tiền lương từ 50% tăng thu dự toán ngân sách địa phương:

Số 50% tăng thu từ dự toán ngân sách địa phương để tạo nguồn cải cách tiền lương được cân đối ngay vào dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách cấp huyện và ngân sách cấp xã;

5. Chi ngân sách nhà nước phải được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; không chi ngoài dự toán. Nghiêm cấm chi vượt dự toán không đúng thẩm quyền, sai quy định của Luật NSNN. Tăng cường quản lý chi đầu tư xây dựng cơ bản và các nguồn vốn khác.

6. Thực hiện quản lý các khoản chi theo đúng dự toán đã được phê duyệt, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, nhất là các khoản chi tổ chức lễ hội, hội nghị, hội thảo, chi phí công tác trong và ngoài nước; ưu tiên các nhiệm vụ chính trị quan trọng, đảm bảo nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Hạn chế tối đa việc đề xuất ứng trước dự toán. Rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi chuyển nguồn, chỉ chuyển nguồn đối với một số khoản chi thực sự cần thiết theo đúng quy định của pháp luật. Kiên quyết không thực hiện chuyển nguồn đối với các nhiệm vụ do chủ quan của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách thực hiện chậm.

7. Chậm nhất 05 ngày sau khi phân bổ và giao dự toán cho các đơn vị, UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm báo cáo UBND tỉnh và Sở Tài chính kết quả phân bổ và giao dự toán năm 2016 cho các đơn vị trực thuộc.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2016.

Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Kho bạc nhà nước tỉnh; Cục trưởng cục thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Nguyễn Văn Trì