Quyết định 4454/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020
Số hiệu: 4454/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An Người ký: Đinh Viết Hồng
Ngày ban hành: 01/10/2015 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4454/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 01 tháng 10 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN NUÔI TRỒNG THỦY SẢN TRÊN HỒ CHỨA THỦY LỢI, THỦY ĐIỆN TỈNH NGHỆ AN ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003

Căn cứ Nghị định số 112/2008/NĐ-CP ngày 20/10/2008 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý, bảo vệ, khai thác tổng hợp tài nguyên và môi trường các hồ chứa thủy điện, thủy lợi.

Căn cứ Quyết định số 1690/QĐ-TTg ngày 16/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển ngành thuỷ sản Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 332/QĐ-TTg ngày 03/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình phát triển nuôi trồng thuỷ sản đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 620/QĐ-TTg ngày 12/5/2015 Phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 3396/2015/QĐ-UBND ngày 06/8/2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến 2020, tầm nhìn 2030;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 385/BC-SNN-KHTC ngày 18/9/2015 về việc Báo cáo thẩm định Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020 do Chi cục Nuôi trồng thuỷ sản Nghệ An lập, với các nội dung chính như sau:

2. Tên Đề án:

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An đến năm 2020.

3. Cơ quan chuyên quản: Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An.

4. Cơ quan lập Đề án: Chi cục nuôi trồng thủy sản Nghệ An.

NỘI DUNG CHÍNH CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu

Mục tiêu chung:

Phát triển nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện đảm bảo tính liên ngành, liên vùng và không làm ảnh hưởng đến các mục đích sử dụng khác của hồ như thủy điện, thủy lợi, du lịch, cấp nước sinh hoạt,… để phát huy hết mọi tiềm năng của hồ chứa.

Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm phát huy tối đa tiềm năng diện tích mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện trên cơ sở khai thác đa mục tiêu tiềm năng sẵn có, nuôi trồng kết hợp với bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm tạo ra vùng nguyên liệu cung cấp cho nhu cầu thực phẩm tại chỗ và các sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường cũng như cung cấp cho chế biến thủy sản. Đồng thời tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân góp phần vào việc phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự xã hội.

Mục tiêu cụ thể

Phấn đấu đến năm 2020 đạt:

- Nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện diện tích nuôi đạt 10.301ha và 670 lồng, sản lượng đạt 6.075 tấn, giá trị đạt 180,5 tỷ đồng, trong đó:

+ Diện tích thả nuôi trực tiếp vào lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt 10.301ha, sản lượng 5.165 tấn, giá trị đạt 135 tỷ đồng.

+ Nuôi lồng trên mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt 670 lồng (lồng công nghệ cao 50 lồng), tổng thể tích 31,640 m3, sản lượng đạt 910 tấn, giá trị đạt 45,5 tỷ đồng.

- Tạo công ăn việc làm cho trên 2.350 lao động thường xuyên, trên 10.000 lao động thời vụ và dịch vụ cung ứng phục vụ nuôi trồng thủy sản.

- 100% các cá nhân/tổ chức tham gia nuôi trồng thủy sản trên hồ đập thủy lợi, thủy điện và 50% người dân xung quanh vùng lòng hồ được tham gia các lớp tập huấn, nắm cơ bản những kiến thức về nuôi trồng thủy sản, công tác chăm sóc và phòng bệnh, khai thác và bảo vệ nguồn lợi.

2. Kế hoạch phát triển nuôi theo từng địa phương.

2.1. Theo hình thức thả nuôi trực tiếp vào lòng hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

- Đối với 4 hồ thủy điện: Bản Vẻ, Khe Bố - huyện Tương Dương, Hủa Na – huyện Quế Phong, Nậm Pông – huyện Quỳ Châu chủ yếu khai thác tự nhiên, hàng năm thả một lượng cá giống nhằm bảo vệ và tái tạo nguồn lợi.

- Đối với các hồ chứa thủy lợi: Đến năm 2020 thả nuôi trực tiếp vào lòng hồ đạt 10.301 ha/947 hồ, sản lượng đạt 5.165 được triển khai tại 17 huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Con Cuông, Hoàng Mai, Thái Hòa.

Trong đó có 39/947 hồ ngoài hình thức nuôi thả vào lòng hồ còn có khả năng nuôi theo đăng chắn, eo ngách được bố trí triển khai tại các huyện, thị xã: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nam Đàn, Thanh Chương, Yên Thành, Đô Lương, Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp.

2.2. Theo hình thức nuôi cá lồng trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

Đến năm 2020 đạt 670 lồng (lồng ứng dụng công nghệ cao 50 lồng), tổng thể tích 31,640 m3, sản lượng đạt 910 tấn được bố trí tại 45 hồ có W≥ 5 triệu m3, mực nước đảm bảo nuôi trồng thủy sản quanh năm, độ sâu lớn hơn 3,5m đối nuôi lồng truyền thống và lồng cải tiến; 8m trở lên đối với nuôi lồng ứng dụng công nghệ cao khi thời điểm mực trong hồ xuống thấp nhất.

- Đối với nuôi lồng truyền thống: tiếp tục duy trì 253 lồng truyền thống, với tổng thể tích 3.795m3 tại các hồ chứa của các địa phương đang nuôi hiện nay.

- Phát triển nuôi mới 417 lồng, trong đó:

+ Đối với lồng cải tiến 367 lồng, thể tích 20 - 50 m3/lồng, tổng thể tích 12.845 m3, được bố trí tại các hồ chứa thuộc các huyện, thị xã: Quỳnh Lưu, Hoàng Mai, Diễn Châu, Nghi Lộc, Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Yên Thành, Anh Sơn, Tân Kỳ, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tương Dương

+ Đối với nuôi lồng ứng dụng công nghệ cao sẽ phát triển nuôi 50 lồng, kích cỡ 300 m3/lồng trở lên, tổng thể tích 15.000 m3. Địa điểm được bố trí tại các hồ: thủy điện Bản Vẽ - huyện Tương Dương, thủy điện Hủa Na – huyện Quế Phong, Khe Đá, Sông Sào – Nghĩa Đàn, Hồ Vực Mấu – huyện Hoàng Mai, Vệ Vừng – huyện Yên Thành.

Bảng 1: Kế hoạch nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa đập thủy lợi, thủy điện theo các huyện, thị xã đến năm 2020.

TT

Huyện, thị xã

Số hồ

(hồ)

Diện tích, sản lượng nuôi thả trực tiếp vào lòng hồ

Số lồng, sản lượng nuôi cá lồng trên mặt nước hồ chứa

Diện tích (ha)

Sản lượng (tấn)

Số lồng nuôi (lồng)

Trong đó lồng ứng dụng công nghệ cao

(lồng)

Sản lượng

(tấn)

1

Hoàng Mai

15

98,66

49

10

 

9

2

Quỳnh Lưu

98

2.327

1.163

25

5

64

3

Diễn Châu

10

495,79

256

20

 

18

4

Nghi Lộc

37

641,74

324

15

 

14

5

Hưng Nguyên

4

71,1

35

 

 

 

6

Nam Đàn

30

590

290

10

 

9

7

Thanh Chương

133

658,4

329

50

 

33

8

Đô Lương

47

812,5

406

20

 

18

9

Yên Thành

192

1.021,7

513

30

5

68

10

Anh Sơn

35

227,8

116

10

 

9

11

Tân Kỳ

120

927,4

476

30

 

22

12

Nghĩa Đàn

156

2.039

1.026

30

10

115

13

Thái Hòa

42

203,45

100

 

 

 

14

Quế Phong

4

4,2

2

130

10

169

15

Quỳ Châu

14

81,4

41

25

 

21

16

Quỳ Hợp

1

82,63

30

10

 

9

17

Tương Dương

2

 

 

255

20

332

18

Con Cuông

11

18,10

9

 

 

 

 

Tổng

951

10.301

5.165

670

50

910

3. Nhu cầu vốn thực hiện đề án.

Tổng kinh phí thực hiện: 124,5 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư phát triển nuôi cá lồng ứng công nghệ cao: 35 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế cá Leo, cá Lăng, cá Chiên: 3 tỷ đồng.

- Dự án điều tra nguồn lợi thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện: 2 tỷ đồng.

- Dự án đầu tư nâng cấp, xây dựng mới trại ương nuôi cá giống tại các hồ chứa có diện tích lớn: 72 tỷ đồng.

- Dự án xây dựng các mô hình tổ chức quản lý nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản với sự tham gia của cộng đồng: 1,5 tỷ đồng.

- Đào tạo, tập huấn và tuyên truyền: 6 tỷ đồng.

- Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi trên cá hồ chứa thủy lợi, thủy điện: 5 tỷ đồng.

4. Nhiệm vụ và giải pháp thực hiện

4.1. Về con giống và kỹ thuật nuôi.

a) Về con giống

Đến năm 2020 nhu cầu cá giống thả nuôi trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện tỉnh Nghệ An là từ 600 tấn – 994 tấn. Vì vậy, để phục vụ cho mục tiêu phát triển đề án cần:

+ Tập trung sản xuất đủ giống các đối tượng cá truyền thống (mè, trôi, trắm…), con giống phải đảm bảo về chất lượng và kích cỡ phù hợp cho nuôi cá lồng và thả trực tiếp vào lòng hồ.

+ Mở rộng quy mô các trại sản xuất giống cấp 2 và đầu tư xây dựng các trại giống cấp 2 tại các khu vực có hồ chứa lớn để cung cấp nguồn giống tại chỗ phù hợp với điều kiện sinh thái.

+ Ứng dụng chuyển giao công nghệ sản xuất các đối tượng có giá trị kinh tế như cá Leo, cá Lăng, cá Chình, cá Chiên,… và gia hóa một số loài bản địa có giá trị cao đưa vào nuôi trên các hồ chứa nhằm đa dạng hóa đối tượng nuôi hướng tới phát triển bền vững.

b) Giải pháp kỹ thuật nuôi

* Đối với hồ có W≤ 5 triệu m3 nước, có mực nước đảm bảo nuôi trồng thủy sản từ 7-9 tháng (chi tiết cụ thể các hồ tại phụ lục 3 kèm theo).

- Hình thức nuôi: Thả nuôi trực tiếp vào lòng hồ theo hình thức Quảng canh cải tiến, kết hợp các mô hình VAC, VACR.

- Mùa vụ: Thả giống vào tháng 10 – tháng 11.

- Đối tượng: cá truyền thống và thả các đối tượng có giá trị kinh tế cao.

+ Kích cỡ, mật độ: Đối với loại hồ này thời gian nuôi ngắn vì vậy cần thả nuôi cá có kích cỡ lớn hơn so hồ có nguồn nước quanh năm. Mật độ thả nuôi 60 - 100 kg/ha, kích cỡ 10 - 20 con/kg.

- Thời điểm thu hoạch: Vào thời điểm tháng 5 – tháng 7 khi mực nước trong hồ xuống thấp, sau thời gian nuôi 7 – 9 tháng cá đạt kích cỡ bình quân 1 -1,2 kg tiến hành thu hoạch.

* Đối với các hồ có nước ngập nước quanh năm: (Các hồ chứa có W ≥ 5 triệu m3, và một số hồ có W<5 triệu m3 (chi tiết cụ thể các hồ tại phụ lục 3 kèm theo).

Tiến hành thả nuôi theo các hình thức sau: thả nuôi trực tiếp vào lòng hồ (thu tỉa, thả bù), nuôi đăng quầng và nuôi trong eo ngách, nuôi lồng.

(1) Nuôi thả trực tiếp vào lòng hồ chứa:

- Hình thức Quảng canh cải tiến, kết hợp các mô hình VAC, VACR.

- Mùa vụ thả cá: có 2 thời điểm chính trong năm đó là từ tháng 4 – tháng 5 và tháng 10 – tháng 11

- Đối tượng và kích cỡ: các đối tượng các loài cá truyền thống, mật độ thả nuôi 60- 100 kg/ha, kích cỡ 10 -25 con/kg.

- Thời điểm thu hoạch: Vào thời điểm tháng 6 – tháng 7 khi mực nước trong hồ xuống thấp.

(2) Nuôi trong eo ngách:

Lợi dụng những eo, ngách của hồ, ngăn các eo ngách tạo thành ao nuôi cá thịt. Vùng eo, ngách có độ sâu từ 2,5-3,5m, có địa hình thuận lợi đáy tương đối bằng phẳng. (có thể dùng đất đá để đắp đập tạo thành ao hoặc dùng đăng chắn). Với những vùng xa trại giống thì sử dụng eo ngách để ương cá giống, khi đạt kích cỡ cá giống nuôi mặt nước lớn thì san vào hồ chứa để nuôi.

(3) Nuôi lồng trên mặt nước:

- Vị trí: Chọn vị trí không bị ảnh hưởng bởi lũ, giao thông đi lại, mực nước không bị thay đổi đột ngột, chọn nơi có dòng chảy thẳng lưu tốc 0,2 -0,5 m/s, không nuôi cá lồng/bè trong eo ngách.

Độ sâu điểm đặt lồng trên hồ chứa có độ sâu lớn hơn 3,5 m đối với nuôi lồng truyền thống và lồng cải tiến, lớn hơn 8m đối với nuôi lồng công nghệ cao và đáy lồng/bè phải cách đáy hồ ít nhất 0,5m vào tại thời điểm mực nước hồ xuống thấp nhất.

- Bố trí lồng:

Mật độ lồng đặt trên hồ đập mặt nước lớn chiếm tối đa 0,05 % diện tích lúc mực nước thấp nhất.

- Thiết kế lồng nuôi:

Lồng cải tiến được thiết kế: khung sắt và lưới dệt: thể tích từ 20 – 50 m3.

Lồng ứng dụng công nghệ cao: Lồng nuôi cá bằng nhựa HDPE chi phí thấp: thể tích từ 300m3, hệ thống khung lồng gồm 1 vòng nhựa phi 200 – 450, túi lưới được làm bằng lưới dệt. Mặt khác, ứng dụng các công nghệ cao vào trong quá trình nuôi như: Máy cho ăn, máy thu hoạch, máy lưu thông nước, máy sục khí…

- Đối tượng: trước mắt vẫn tiếp tục sử dụng các đối tượng như cá Trắm cỏ, cá Chép, Rô phi, Trắm đen, Diêu hồng... Đồng thời, từng bước đa dạng hoá đối tượng nuôi để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường như cá Leo, cá Lăng, cá Chình, cá Chiên… và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật nuôi cá Trắm giòn, Chép giòn...

- Mật độ nuôi: từ 10 - 30 con/m3, kích cỡ 10 – 25 con/kg (tuỳ theo đối tượng nuôi và mức độ đầu tư)

- Mùa vụ thả giống vào tháng 4 – tháng 5

- Thời điểm thu hoạch: Vào thời điểm tháng 12 – tháng 1 năm sau.

4.2. Vthị trường tiêu thụ

Trước mắt liên kết phát triển và củng cố mạng lưới chợ nông thôn, cơ sở dịch vụ thu mua cung cấp cho thị trường nội tỉnh. Đồng thời tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hợp tác với các doanh nghiệp thu mua, phân phối như siêu thị để cung cấp thị trường ngoại tỉnh, hướng tới xuất khẩu.

Củng cố hệ thống doanh nghiệp chế biến trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên cơ sở đổi mới công nghệ, đa dạng hoá sản phẩm. Đồng thời tạo mối liên kết chặt chẽ giữa nhà nuôi trồng với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh để có kế hoạch ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm ngay từ đầu vụ nuôi.

Nhà nước cần hỗ trợ trong công tác xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới để tiêu thụ sản phm thuỷ sản nhằm giúp cho người dân yên tâm phát triển nuôi.

4.3. Về vốn đầu tư.

a) Huy động vốn đầu tư

Huy động các nguồn vốn: vốn tự có của nhân dân, của các doanh nghiệp; vốn của các chương trình dự án đầu tư cho vùng hồ; vốn ngân sách địa phương; vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, vốn ODA.

Vận dụng và triển khai kịp thời, hợp lý các Chương trình, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có liên quan đến lĩnh vực thủy sản, các chính sách của ngành trên địa bàn tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ hoạt động nghề cá hồ chứa.

b) Sử dụng nguồn vốn

- Nguồn ngân sách Nhà nước, tín dụng: bao gồm vốn ngân sách của Trung ương, địa phương:

+ Đầu tư phát triển khoa học, công nghệ lĩnh vực sản xuất con giống, nuôi cá lồng ứng dụng công nghệ cao

+ Đầu tư cho đào tạo, tập huấn, tuyên truyền quy trình kỹ thuật nâng cao nhận thức.

+ Hỗ trợ xây dựng mới và nâng cấp các trại ương giống

- Vốn của các doanh nghiệp, tư nhân trong và ngoài tỉnh: đầu tư cơ sở vật chất xây dựng mô hình và phát triển nuôi cá trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện.

- Nguồn viện trợ, huy động khác: Đào tạo nghề, tập huấn, tuyên truyền; xây dựng mô hình đồng quản lý.

4.4. VKhoa học và Khuyến ngư

a) Về khoa học công nghệ

- Áp dụng công nghệ tiên tiến về nuôi cá lồng ứng dụng công nghệ cao và các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá Leo, cá Lăng, cá chình, cá Chiên, cá Chép giòn, cá Trắm giòn phù hợp với điều kiện thời tiết khí hậu Nghệ An, phù hợp thị hiếu tiêu dùng để kích thích sự phát triển; ứng dụng công nghệ khai thác cá hồ đập mặt nước lớn.

- Ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ về sinh sản nhân tạo các đối tượng nuôi có giá trị kinh tế như cá Leo, cá Lăng, cá Chình, cá Chiên…, nhằm chủ động con giống cho người nuôi trong tỉnh. Áp dụng công nghệ sản xuất giống sạch bệnh, chất lượng cao.

b) Về khuyến ngư:

- Tăng cường công tác đào tạo nghề, tập huấn kỹ thuật để trang bị kiến thức cơ bản cho người dân về kỹ thuật nuôi cá lồng/bè, cá hồ đập mặt nước lớn, chăm sóc và phòng bệnh, ương nuôi cá giống các loại, thiết kế lồng bè, khai thác thủy sản có hiệu quả, tránh các biện pháp khai thác huỷ diệt. Đồng thời tuyên truyền các quy định của nhà nước trong nuôi trồng thủy sản và nâng cao ý thức của cộng đồng trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.

- Xây dựng hệ thống tờ rơi, tờ dán và tài liệu khuyến ngư nhằm tuyên truyền các quy trình kỹ thuật và quy định nhà nước.

- Đào tạo nguồn nhân lực trong các cơ quan chuyên môn đảm bảo có đủ trình độ khoa học công nghệ, có kỹ năng quản lý, có kiến thức về xã hội và bảo vệ môi trường liên quan đến phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện nói riêng.

- Xây dựng mô hình nuôi cá lồng các đối tượng có giá trị kinh tế và lồng công nghệ cao từ đó tổ chức hội thảo đầu bờ đúc rút kinh nghiệm, triển khai nhân rộng mô hình.

- Liên kết với tỉnh bạn về các mô hình nuôi cá lồng, hồ đập mặt nước lớn thành công để tổ chức cho người dân tham quan học tập các quy trình, công trình nuôi ở các tỉnh bạn để học tập những kinh nghiệm trong công tác đầu tư, chăm sóc và quản lý về áp dụng tại địa phương nhằm thúc đẩy sự phát triển của nghề nuôi tỉnh nhà.

4.5. Về cơ chế, chính sách:

- Chính sách về đất đai

Thực hiện giao đất, cho thuê mặt nước nuôi trồng thuỷ sản đối với các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Đất đai hiện hành; Theo điều 163 tại Luật đất đai 45/2013/QH13, đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng thì Nhà nước giao cho tổ chức để quản lý kết hợp sử dụng, khai thác đất có mặt nước chuyên dùng vào mục đích phi nông nghiệp hoặc phi nông nghiệp kết hợp với nuôi trồng và khai thác thủy sản. Vì vậy, việc thuê mặt nước hồ chứa thủy lợi, thủy điện để nuôi trồng thủy sản chỉ thực hiện dưới các hình thức hợp đồng giao khoán giữa các đơn vị quản lý hồ, đập hoặc UBND xã với các tổ chức/gia đình/cá nhân.

Cần tạo điều kiện cho tổ chức/cá nhân sử dụng đất mặt nước nuôi, khi hết thời hạn có nhu cầu tiếp tục thuê đất nếu chấp hành đúng pháp luật về đất đai trong quá trình sử dụng và việc sử dụng đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt thì nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất. Đối với tổ chức cá nhân sử dụng kém hiệu quả không phù hợp quy hoạch thì xem xét thu hồi theo quy định; khuyến khích các tổ chức, cá nhân, thành phần kinh tế có năng lực đầu tư sản xuất.

- Chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư phát triển

Thực hiện theo Quyết định số 87/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An ngày 17/11/2014 về việc ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Quyết định số 35/2013/QĐ-UBND ngày 8/7/2013 của UBND tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung Điều 2 Quyết định số 45/2011/QĐ-UBND ngày 20/9/2011về việc quy định cơ chế chính sách hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; Hỗ trợ đầu tư phát các đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế cao như: cá Leo, cá Lăng, cá Chình, cá Chiên, cá Nheo Mỹ… và định mức hỗ trợ được thực hiện theo Thông tư liên tịch 183/2010/TTLT-BTC-BNNPTNT ngày 15/11/2010 của Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cấp đối với hoạt động Khuyến nông.

Ngoài các chính sách hỗ trợ hiện hành cần bổ sung các chính sách: hỗ trợ nuôi cá lồng ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ xây dựng mới trại ương cá giống cấp 2 công suất trên 10 tấn/năm; hỗ trợ phát triển lồng cải tiến có dung tích >30 m3.

- Chính sách về tín dụng: Các ngân hàng thương mại ưu tiên bố trí vốn để thực hiện các dự án đầu tư phát triển nuôi cá lồng ứng dụng công nghệ cao và nuôi trồng thủy sản trên hồ chứa thủy lợi, thủy điện. Cần có mức vay, thời hạn vay, lãi suất vay phù hợp và cần có chính sách tín dụng ưu tiên, ưu đãi để khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho việc chuyển nghề của các hộ trước đây tham gia khai thác thủy sản tự nhiên trên hồ bằng cách cho vay vốn sản xuất, đào tạo dạy nghề.

4.6. Về công tác quản lý nhà nước

- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt nói chung và nuôi cá hồ chứa thủy lợi, thủy điện nói riêng. Từng bước đưa các tổ chức/cá nhân tham gia nuôi trồng thủy sản tuân thủ các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất, bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm, phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định.

- Tăng cường công tác kiểm tra giám sát dịch vụ cung ứng vật tư đầu vào như: con giống, thức ăn, thuốc thú y,thủy sản... Đồng thời tăng cường công tác quan trắc, cảnh báo môi trường và phòng trừ dịch bệnh cho vùng nuôi trồng thủy sản nước ngọt.

- Các ngành, các cấp cùng thống nhất cơ chế quản lý, khai thác và sử dụng tiềm năng mặt nước theo hướng đa mục tiêu nông nghiệp, dân sinh, thủy sản, thủy điện và du lịch... Đồng thời các địa phương cần thống nhất, phân rõ trách nhiệm quản lý lĩnh vực nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa có diện tích kéo dài nằm trên địa bàn hoạt động của nhiều xã, huyện khác nhau.

4.7. Về thức ăn và vật tư thiết bị thuỷ sản

- Khuyến cáo và tạo điều kiện hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp cơ sở chế biến thức ăn sử dụng nguồn nguyên liệu tại chỗ để sản xuất thức ăn, mục đích hạ giá thành sản phẩm.

- Kêu gọi và khuyến khích các công ty phát triển hơn nữa hệ thống phân phối đại lý kinh doanh dịch vụ thức ăn, thuốc, hoá chất, vật tư thiết bị làm lồng, rộng khắp trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ cho nuôi trồng thủy sản nước ngọt nói chung và nuôi hồ chứa thủy lợi, thủy điện nói riêng.

- Thu hút, tạo điều kiện các doanh nghiệp, nhà máy vào sản xuất thức ăn tại các khu công nghiệp của tỉnh nhà.

4.8. Về môi trường

- Thực hiện quy trình nuôi sạch nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường. Hạn chế mức thấp nhất việc dùng thuốc thú y và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản. Tuyệt đối không sử dụng các loại thức ăn, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, vi sinh vật, hoá chất cấm sử dụng dùng trong nuôi trồng thủy sản thuộc danh mục cấm đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định. Hạn chế sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong hoạt động sản xuất nông nghiệp phía thượng nguồn của các hồ chứa.

- Phối hợp đồng bộ của các ngành Nông - Lâm - Ngư nghiệp, thủy điện, du lịch. Hình thành nên các khu sinh thái nghỉ dưỡng, tham quan ở các vùng hồ chứa và đồi núi có địa thế đẹp.

- Bố trí vùng nuôi lồng, cơ cấu đàn cá nuôi và mật độ phù hợp với đặc điểm của từng loại thuỷ vực, để tránh hiện tượng ô nhiễm môi trường do nuôi trồng thuỷ sản và đảm bảo được khả năng tự làm sạch của thuỷ vực.

4.9. Tổ chức sản xuất

- Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm từ cung cấp dịch vụ đầu vào, vùng nuôi, đến thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp thu mua, chế biến, tiêu thụ đóng vai trò hạt nhân liên kết và tổ chức chuỗi. Khuyến khích phát triển hình thức ký kết hợp đồng giữa doanh nghiệp chế biến, người tiêu thụ với người nuôi hoặc với đại diện của nhóm hộ nuôi.

- Tổ chức sản xuất theo hình thức quản lý có sự tham gia của cộng đồng, trong đó chú trọng các mô hình kinh tế hợp tác, các hội nhằm tăng cường giúp đỡ nhau trong sản xuất, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ về vốn, đồng thời chung tay bảo vệ môi trường vì sự phát triển bền vững.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Tham mưu kế hoạch thực hiện các dự án đầu tư đã được phê duyệt. Đồng thời trực tiếp triển khai thực hiện các dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư và thẩm định các dự án đầu tư phát triển theo chức năng nhiệm vụ.

- Chỉ đạo các đơn vị thuộc ngành xây dựng mô hình nuôi cá lồng ứng dụng công nghệ cao từ đó tổng kết rút kinh nghiệm và khuyến cáo cho người dân.

- Chỉ đạo Chi cục thủy lợi và các Xí nghiệp thủy lợi trên địa bàn giao khoán mặt nước các hồ chứa thủy lợi để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng đa mục tiêu. Đồng thời, triển khai các phương án cân đối nguồn nước vừa đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa.

- Chủ trì, phối hợp với UBND các huyện tổ chức quản lý, chỉ đạo thực hiện tốt Đề án, đưa các nội dung của Đề án vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội hàng năm, 5 năm.

5.2. Sở Kế hoạch Đầu tư

Chủ trì phối hợp với sở Nông nghiệp và PTNT, các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh lập và bố trí vốn đầu tư các Dự án thuộc Đề án.

5.3. Sở Tài Chính

Hàng năm, Sở tài chính căn cứ nhiệm vụ được giao, chế độ quy định hiện hành và cân đối khả năng ngân sách địa phương, thẩm định và tổng hợp kinh phí đầu tư cho các chương trình, dự án xây dựng hạ tầng cơ sở phục vụ việc phát triển nuôi trồng thủy sản vào kế hoạch ngân sách hàng năm trình HĐND-UBND tỉnh phê duyệt, quyết định theo đúng quy định.

5.4. Sở Khoa học và Công nghệ

Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức thực hiện các đề tài về chuyển giao công nghệ sinh sản nhân tạo các giống loài mới có giá trị kinh tế, công nghệ nuôi tiên tiến phù hợp với điều kiện Nghệ An và qua đó nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả.

5.5. Sở Công thương

Chịu trách nhiệm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp trong các hoạt động xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ và tư vấn cho doanh nghiệp trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm, cung cấp thông tin về giá cả thị trường trong và ngoài nước. Phối hợp với các sở ngành liên quan quảng cáo các dự án cần gọi vốn đầu tư vào nuôi trồng, chế biến thủy hải sản xuất khẩu.

5.6. Sở Tài nguyên và Môi trường

Căn cứ các dự án đã được phê duyệt hướng dẫn chính quyền địa phương về thủ tục cấp, thuê đất, mặt nước... và hướng dẫn, giám sát các nhà đầu tư về nội dung liên quan lĩnh vực tài nguyên và môi trường trong quá trình đầu tư.

5.7. Sở Thông tin và Truyền thông

Căn cứ quy định hiện hành, các dự án được phê duyệt và tài liệu liên quan chỉ đạo các cơ quan báo, đài các cấp thông tin, tuyên truyền chủ trương chính sách của Nhà nước khuyến khích phát triển thủy sản, phổ biến các quy trình kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, nêu gương các điển hình tiên tiến,... trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Nông thôn xây dựng các tờ rơi, ấn phẩm, sổ tay hướng dẫn nuôi trồng thủy sản cung cấp tại các điểm Bưu điện văn hóa xã, phát cho người dân vùng nuôi trồng thủy sản để hướng dẫn, tuyên truyền các quy trình kỹ thuật nuôi và các quy định của nhà nước trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.

5.8. Ngành Điện lực

Căn cứ đề án đã được phê duyệt tiến hành giao khoán mặt nước các hồ thủy điện và tạo điều kiện cho các tổ chức/cá nhân đầu tư phát triển nuôi trồng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên hồ theo hướng khai thác đa mục tiêu.

5.9. Ủy ban nhân dân các huyện

- Căn cứ Đề án đã được phê duyệt, chịu trách nhiệm chủ trì quản lý Đề án, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch, dự án trên địa bàn.

- Vận động tuyên truyền nhân dân tổ chức lại sản xuất vùng hồ và ven hồ chứa chứa theo Đề án; kết hợp với các ngành kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về nuôi trồng thủy sản và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, bảo vệ môi trường hồ chứa.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với nuôi trồng, khai thác đánh bắt và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản trên địa bàn theo các quy định của pháp luật; Tổ chức thực hiện các chương trình, dự án nuôi trồng tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản hồ chứa địa bàn quản lý.

- Chỉ đạo, hướng dẫn cho nhân dân phát triển nghề nuôi thuỷ sản về mùa vụ, hình thức nuôi, đối tượng nuôi và công tác chăm sóc, phòng trị bệnh.

- Trên cơ sở quy chế quản lý hoạt động khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được UBND tỉnh phê duyệt các địa phương cần xây dựng quy chế quản lý cụ thể trên địa bàn cho phù hợp thực tiễn.

- Chỉ đạo UBND các xã có quản lý hồ chứa và phối hợp với các Xí nghiệp thủy lợi trên địa bàn triển khai các phương án cân đối nguồn nước vừa đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp cũng như nuôi trồng thủy sản tại hồ chứa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng