Quyết định 36/QĐ-UB năm 1980 về chế độ hoạt động đối với Chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên Xô tại thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành
Số hiệu: 36/QĐ-UB Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh Người ký: Lê Quang Chánh
Ngày ban hành: 26/03/1980 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Ngoại giao, điều ước quốc tế, Thương mại, đầu tư, chứng khoán, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 36/QĐ-UB

TP.Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 3 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ MỘT SỐ CHẾ ĐỘ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CHI NHÁNH CƠ QUAN THƯƠNG MẠI LIÊN XÔ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

– Căn cứ luật tổ chức Hội đồng Nhân dân và Ủy ban hành chánh các cấp ngày 27 tháng 10 năm 1962;
– Căn cứ công văn số 364/VP7 ngày 2-10-1979 của Phủ Thủ tướng đồng ý cho cơ quan đại diện thương mại Liên Xô đặt chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh;
– Theo đề nghị của Sở Ngoại vụ thành phố,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. – Nay ban hành kèm theo quyết định này bản “Quy định về một số chế độ hoạt động đối với Chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên Xô tại thành phố Hồ Chí Minh”.

Điều 2. – Giao cho Sở Ngoại vụ:

a) Truyền đạt cho Chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên Xô tại thành phố Hồ Chí Minh nội dung bản quy định được ban hành và những luật lệ hiện hành của nước Việt Nam đối với người nước ngoài và cơ quan nước ngoài để chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên Xô tại thành phố Hồ Chí Minh biết và chấp hành.

b) Phổ biến nội dung bản quy định đến các ban, ngành, sở của thành phố và Ủy ban Nhân dân các quận, huyện để mỗi nơi tùy theo chức năng và trách nhiệm của mình thực hiện những vấn đề có liên quan đến mình, đảm bảo cho các quy định của thành phố, cũng như các luật lệ của Nhà nước đối với người nước ngoài và cơ quan nước ngoài được chấp hành tốt.

Điều 3. – Bản “Quy định về một số chế độ hoạt động đối với Chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên Xô tại thành phố Hồ Chí Minh” có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. – Các đồng chí Chánh văn phòng Ủy ban Nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Ngoại vụ thành phố có trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Chánh

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHẾ ĐỘ HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI CHI NHÁNH CƠ QUAN ĐẠI DIỆN THƯƠNG MẠI LIÊN XÔ TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo QĐ số 36/QĐ-UB ngày 26-3-1980)

Căn cứ vào công văn số 364/VP7 ngày 2-10-1979 của Phủ Thủ tướng đồng ý cho cơ quan đại diện thương mại Liên Xô đặt chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh, chiếu theo luật lệ hiện hành của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và nhằm giúp cho cơ quan này hoạt động thuận lợi, Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh quy định cụ thể một số chế độ hoạt động đối với Chi nhánh cơ quan đại diện thương mại Liên Xô (dưới đây gọi tắt là chi nhánh) như sau:

1. Cán bộ, nhân viên của chi nhánh tại thành phố Hồ Chí Minh và những người trong gia đình họ phải đăng ký ở Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh trong thời hạn 48 giờ kể từ khi đến thành phố.

2. Cán bộ, nhân viên của chi nhánh và những người trong gia đình của họ được tự do đi lại trong khu vực nội thành, trừ những khu vực cấm. Giấy tờ đi lại hợp lệ trong khu vực nội thành là hộ chiếu và giấy chứng nhận là cán bộ, nhân viên chi nhánh do Sở Ngoại vụ thành phố cấp. Việc đi lại ngoài khu vực nội thành cần có giấy thông hành do Sở Ngoại vụ thành phố cấp.

3. Người đứng đầu và cán bộ chi nhánh được ra vào các cảng và sân bay thuộc thành phố để đón tiếp khách lên tàu thủy và máy bay Liên Xô đậu ở cảng và sân bay sau khi được Sở Ngoại vụ thành phố cấp giấy phép. Giấy phép ra vào cảng và sân bay có thể được cấp với thời hạn 3 tháng.

Nhân viên chi nhánh muốn ra vào cảng và sân bay để lên tàu thủy hoặc máy bay Liên Xô thì được Sở Ngoại vụ cấp giấy phép từng trường hợp một theo đề nghị của chi nhánh.

4. Trong khi thực hiện chức năng và nhiệm vụ của mình, chi nhánh được:

a) Trực tiếp giao dịch với các cơ quan của Bộ Ngoại thương đặt tại thành phố (Phân cục Hải quan, Phân cục kiểm nghiệm …), các chi nhánh thuộc các tổ chức ngoại thương đặt tại thành phố (chi nhánh phòng thương mại, các Tổng Công ty và Liên hiệp Công ty xuất nhập khẩu thành phố) và các cơ quan dịch vụ sau đây:

 – Cơ quan ngân hàng để lĩnh, gửi tiền và thanh toán.

 – Cơ quan bưu điện để gửi, nhận thư từ, bưu kiện, bưu phẩm.

 – Cơ quan phục vụ đại diện nước ngoài và các cơ quan phục vụ công cộng để giải quyết những yêu cầu sinh hoạt hàng ngày như cung cấp lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng khác, điện nước, cấp cứu, cứu hỏa, chữa bệnh, v.v…

b) Tiếp xúc với cơ quan, đoàn thể của thành phố (không phải số cơ quan được nêu phần trên cũng như tiếp xúc với nhân dân sẽ thực hiện đúng theo tinh thần thông tư 09/TT-UB ngày 25-4-1978 của Ủy ban Nhân dân thành phố.

5. Chi nhánh muốn tổ chức chiêu đãi, triển lãm, chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật, … tại trụ sở cơ quan và có mời khách Việt Nam thì phải báo cho Sở Ngoại vụ rõ lý do, thời gian, nội dung triển lãm, phim định chiếu và danh sách khách Việt Nam định mời. Chi nhánh muốn hoạt động tương tự ngoài trụ sở cơ quan phải được phép của Ủy ban Nhân dân thành phố Hồ Chí Minh.

6. Chi nhánh muốn tuyển dụng người Việt Nam hoặc người có quốc tịch khác tại thành phố Hồ Chí Minh làm nhân viên phục vụ cho cơ quan hoặc cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan phải thông qua Sở Ngoại vụ thành phố Hồ Chí Minh.

7. Khi có người không thuộc biên chế chi nhánh tạm trú ở cơ quan hoặc nhà của cán bộ, nhân viên thuộc cơ quan thì phải đem hộ chiếu hoặc giấy tờ hợp lệ khác của người tạm trú đến đăng ký tạm trú. Người tạm trú có hộ chiếu ngoại giao đăng ký tại Sở Ngoại vụ; những người tạm trú khác đăng ký tại Sở Công an thành phố Hồ Chí Minh.