Quyết định 336/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia
Số hiệu: 336/2005/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Phan Văn Khải
Ngày ban hành: 16/12/2005 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 25/12/2005 Số công báo: Từ số 29 đến số 30
Lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 336/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 16 tháng 12 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHỔ TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN QUỐC GIA  

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 24/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Bưu chính, Viễn thông,

QUYẾT ĐỊNH: 

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia với nội dung chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU QUY HOẠCH

Phổ tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý hiếm của quốc gia. Việc sử dụng, khai thác và quản lý phổ tần số vô tuyến điện phải đảm bảo chặt chẽ, có hiệu quả và hết sức tiết kiệm; đồng thời bảo đảm hoạt động bình thường của các nghiệp vụ vô tuyến điện, tránh xảy ra nhiễu có hại giữa các đài, các nghiệp vụ và các hệ thống thông tin vô tuyến điện, bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia nhằm phát triển mạng thông tin vô tuyến điện theo hướng hiện đại, đồng bộ và ổn định lâu dài, phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế, đáp ứng các nhu cầu về thông tin phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh, góp phần thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là cơ sở để các Bộ, ngành, các tổ chức và cá nhân định hướng trong các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất, lắp đặt và khai thác các thiết bị vô tuyến điện trên lãnh thổ Việt Nam; là cơ sở để xây dựng và ban hành các quy hoạch chi tiết, bao gồm: quy hoạch băng tần, quy hoạch kênh và quy hoạch tần số vô tuyến điện theo vùng.

II. NGUYÊN TẮC QUY HOẠCH

1. Phù hợp với Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông, Nghị định số 24/2004/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về tần số vô tuyến điện và các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành của Việt Nam.

2. Phù hợp với những quy định về phân chia tần số cho các nghiệp vụ vô tuyến điện của Liên minh viễn thông quốc tế.

3. Quản lý và khai thác phổ tần số vô tuyến điện có hiệu quả, hợp lý, tiết kiệm, bảo đảm quyền lợi và chủ quyền quốc gia.

4. Đảm bảo an toàn thông tin và an ninh quốc gia.

5. Tính đến những đặc thù sử dụng phổ tần số vô tuyến điện của Việt Nam hiện nay, đảm bảo việc chuyển đổi từ hiện trạng sang quy hoạch mới với chi phí ít nhất, không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các mạng thông tin quan trọng của quốc gia.

6. Ưu tiên hợp lý cho các công nghệ mới về truyền dẫn phát sóng và đáp ứng nhu cầu về băng tần số vô tuyến điện cho các nghiệp vụ ở Việt Nam trong những năm tới.

7. Dành riêng một số băng tần cho mục đích quốc phòng, an ninh, theo tỷ lệ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ.

III. NỘI DUNG QUY HOẠCH

Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia là phương án phân chia phổ tần số vô tuyến điện (dải tần từ 0 kHz đến 1000 GHz) thành các băng tần nhỏ dành cho các nghiệp vụ và quy định mục đích, điều kiện để đảm bảo trật tự khai thác, sử dụng tối ưu phổ tần số vô tuyến điện trên phạm vi cả nước. Nội dung chủ yếu của Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia được ban hành kèm theo Quyết định này bao gồm:

1. Bảng phân chia phổ tần số cho các nghiệp vụ.

2. Các chú thích của Việt Nam: quy định điều kiện sử dụng một số băng tần cụ thể ở Việt Nam.

3. Các chú thích của Liên minh viễn thông quốc tế có liên quan, bao gồm: các điều kiện sử dụng đối với từng băng tần số/kênh tần số cụ thể trong bảng phân chia phổ tần số vô tuyến điện cho các nghiệp vụ do Liên minh viễn thông quốc tế quy định.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH               

1. Bộ Bưu chính, Viễn thông căn cứ Quy hoạch phổ tần số vô tuyến điện quốc gia:

- Ban hành quy hoạch băng tần, quy hoạch kênh, quy hoạch tần số vô tuyến điện theo vùng; xây dựng chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật về việc sử dụng, khai thác và quản lý phổ tần số vô tuyến điện.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an xây dựng phương án phân chia băng tần phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt sau khi có ý kiến của Ủy ban tần số vô tuyến điện.

2. Trong quá trình thực hiện quy hoạch, Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Bưu chính, Viễn thông thực hiện điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với các quy định của Liên minh Viễn thông quốc tế, có tính đến điều kiện thực tế của Việt Nam, mà không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

3. Việc sản xuất, nhập khẩu hoặc sử dụng thiết bị vô tuyến điện, thiết bị ứng dụng sóng vô tuyến điện tại Việt Nam (trừ thiết bị thuộc diện tạm nhập tái xuất; thiết bị được sản xuất để xuất khẩu; thiết bị để giới thiệu công nghệ trong triễn lãm, hội chợ) phải thực hiện theo đúng quy hoạch.

Điều 2. Bộ Bưu chính, Viễn thông có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 85/1998/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 1998.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:

- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Học viện hành chính quốc gia;
- VPCP: BTCN, TBNC, các PCN, BNC,
Ban điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
Các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, CN (5b), A.315.

THỦ TƯỚNG
 



Phan Văn Khải