Quyết định 3324/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025
Số hiệu: | 3324/QĐ-UBND | Loại văn bản: | Quyết định |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Đinh Văn Thu |
Ngày ban hành: | 29/10/2013 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Thương mại, đầu tư, chứng khoán, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3324/QĐ-UBND |
Quảng Nam, ngày 29 tháng 10 năm 2013 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của
Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 3850/QĐ-UBND ngày 29/11/2011 của UBND tỉnh Quảng Nam về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Trà My đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;
Xét hồ sơ báo cáo quy hoạch kèm Tờ trình số 193/TTr-UBND ngày 18/12/2012, của UBND huyện Bắc Trà My về việc đề nghị thẩm định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Trà My đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 587/TTr-SKHĐT ngày 25/10/2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Phát triển kinh tế - xã hội bền vững dựa trên ba trụ cột: (1) Tăng trưởng kinh tế nhanh và ổn định; (2) Phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân; (3) Bảo vệ và cải thiện môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
Phát triển kinh tế - xã hội huyện cần đặt trong định hướng phát triển chung của tỉnh Quảng Nam và theo hướng tăng cường liên kết, hợp tác và hỗ trợ phát triển giữa các địa phương trong Tỉnh và khu vực.
Phát triển kinh tế - xã hội trên cơ sở khai thác, sử dụng có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, các nguồn lực tại chỗ về con người và tài nguyên thiên nhiên đồng thời tích cực, chủ động tranh thủ sự hỗ trợ của TW, của Tỉnh và thu hút các nguồn lực bên ngoài (nhất là vốn, công nghệ) nhằm tạo sự phát triển nhanh, hiệu quả.
Phát triển kinh tế - xã hội phải theo quy hoạch, kế hoạch và phải gắn liền với đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội. Xây dựng huyện thành điểm phòng thủ liên hoàn, vững chắc.
Tập trung ưu tiên đầu tư phát triển cho một số ngành, lĩnh vực có lợi thế so sánh, gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ; ưu tiên phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, đi đôi với hình thành và phát triển các hạt nhân, các tuyến phát triển, các vùng động lực để tạo tác động lan tỏa, lôi kéo sự phát triển các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu lãnh đạo, quản lý, điều hành công cuộc phát triển của huyện trong tình hình mới có nhiều cơ hội và cũng nhiều thách thức cho sự phát triển.
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phấn đấu đến năm 2020 Bắc Trà My cơ bản trở thành huyện có nền sản xuất nông, lâm nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững đi đôi với đẩy mạnh phát triển công nghiệp, thương mại, dịch vụ theo hướng hiện đại hóa nông nghiệp - nông thôn. Gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố an ninh, quốc phòng, đặc biệt chú trọng xoá đói giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.
2.2. Mục tiêu cụ thể
a) Về kinh tế.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2013 - 2020 tăng bình quân 12,77%/năm, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 tăng bình quân 13,44%, giai đoạn 2016- 2020 tăng bình quân 12,36%/năm.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng giá trị sản xuất phi nông nghiệp. Đến năm 2020, tỷ trọng giá trị sản xuất lĩnh vực phi nông nghiệp khoảng 40% và lĩnh vực nông nghiệp khoảng 60%; đến năm 2025, tỷ trọng giá trị sản xuất lĩnh vực phi nông nghiệp trên 50% và lĩnh vực nông nghiệp dưới 50%.
b) Về xã hội
Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2013 - 2015 là 1%, giai đoạn 2016-2020 là 1,10%. Quy mô dân số dự kiến đến năm 2015: 41.652 người, đến năm 2020: 43.994 người.
Tăng tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đến năm 2015 là 17%, đến năm 2020 là 25%. Phấn đấu nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đến năm 2015 là 60% và đến năm 2020 là 75%.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo năm 2015 là trên 25%, năm 2020 là trên 40%, tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu lao động.
Đến 2015 có 06 bác sĩ/vạn dân, 02 dược sĩ đại học/vạn dân, tỷ lệ giường bệnh đạt 20 giường/vạn dân. Đến 2020 có 08 bác sĩ/vạn dân, 04 dược sĩ đại học/vạn dân, tỷ lệ giường bệnh đạt 26 giường/vạn dân. Trung bình có 05 cán bộ y tế/trạm, xã có bác sĩ làm việc định kỳ, luân phiên là 05/13 xã vào năm 2015 và 10/13 xã vào năm 2020.
Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn dưới 20% vào năm 2015 và dưới 15% vào năm 2020.
Đến năm 2015 có 03/13 xã, thị trấn và đến năm 2020 có 13/13 xã, thị trấn xây dựng thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn nông thôn mới.
Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân hằng năm từ 3 - 4%. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2015 còn dưới 50%, đến năm 2020 còn dưới 30%.
Đầu tư phát triển dịch vụ internet tại tất cả các điểm bưu điện văn hóa xã. Phát triển các điểm bưu điện văn hóa xã thành các trung tâm thông tin cộng đồng. Thực hiện phổ cập các dịch vụ viễn thông và internet băng thông rộng đến tất cả các xã trong huyện với chất lượng dịch vụ và phục vụ ngày càng cao. Mục tiêu đạt mật độ điện thoại cố định 14 đến 16 máy/100 dân; mật độ thuê bao Internet đạt từ 8 đến 12 thuê bao/100 dân (trong đó có 30% là thuê bao băng thông rộng); tỷ lệ người sử dụng internet đạt mức trung bình của cả nước. 100% hộ được phủ sóng phát thanh, truyền hình.
c) Về bảo vệ môi trường
Bảo vệ và khai thác bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, đảm bảo không ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Bảo tồn đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường và cân bằng sinh thái.
Khu vực đô thị và các cụm công nghiệp tập trung xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường Việt Nam. Nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, từng bước tạo thói quen nếp sống vì môi trường xanh, sạch đẹp.
d) Về an ninh - quốc phòng
Xây dựng quốc phòng địa phương chính quy và hiện đại đủ sức đáp ứng và hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự trong từng giai đoạn phát triển của huyện; củng cố xây dựng lực lượng công an nhân dân huyện vững mạnh về mọi mặt, đảm bảo tốt an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong mọi tình huống.
3. Định hướng phát triển trong lĩnh vực kinh tế.
3.1. Ngành nông - lâm - thủy sản:
Phát triển nông nghiệp theo hướng toàn diện và bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường sinh thái; thực hiện chuyển đổi mạnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo vùng; phát triển các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá, các vùng trồng cây nguyên liệu phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Tăng cường cơ sở hạ tầng khu vực nông nghiệp, nông thôn; gắn sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp với công nghiệp chế biến, mở rộng các loại hình dịch vụ, cải thiện, nâng cao đời sống và giải quyết việc làm cho dân cư và lao động khu vực nông thôn.
Giai đoạn 2013 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 10,75%/năm. Giảm tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông - lâm - thủy sản xuống còn 83% vào năm 2015 và 75% vào năm 2020.
Giai đoạn 2013 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 12%/năm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất (theo giá cố định) đạt 154.148 triệu đồng, chiếm 68,49% (giá thực tế chiếm 68,07%) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 10%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất (theo giá cố định) đạt 248.258 triệu đồng, chiếm 58,35% (giá thực tế chiếm 61,61%) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.
Diện tích gieo trồng cây lương thực có hạt đến năm 2015 là 2.510 ha và đến năm 2020 là 2.500 ha. Bình quân lương thực đầu người năm 2015 là 213,19 kg/người/năm và năm 2020 là 213,56 kg/người/năm.
Phát triển diện tích cây cao su đến năm 2020 là 1.624 ha cao su tiểu điền và 9.000 ha cao su đại điền.
Đến năm 2015 diện tích đất lâm nghiệp là 58.393,85 ha; trong đó: rừng sản xuất là 39.380,34 ha và rừng phòng hộ là 19.013,61 ha. Đến năm 2020 diện tích đất lâm nghiệp là 55.246,80 ha; trong đó: rừng sản xuất là 36.233,19 ha và rừng phòng hộ là 19.013,61 ha.
Phát triển kinh tế vườn nhằm chuyển vườn tạp thành vườn trồng cây có giá trị kinh tế cao, có sản phẩm hàng hóa trao đổi trên thị trường. Củng cố 41 gia trại hiện có, tiếp tục mở rộng xây dựng thành những gia trại, trang trại nông lâm kết hợp. Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 20 trang trại đạt tiêu chí Bộ NN & PTNT và có khoảng 60 gia trại nông lâm kết hợp có thu nhập cao.
Phát triển ngành chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm chăn nuôi của Tỉnh; tăng nhanh số lượng, chất lượng đàn gia súc, gia cầm hiện có, kết hợp khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu con giống mới phù hợp... Phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản xuất (giá cố định 1994) chăn nuôi đạt 47.900 triệu đồng, chiếm 19,29% trong cơ cấu nội bộ ngành nông lâm thủy sản.
3.2. Ngành công nghiệp - xây dựng:
Giai đoạn 2013- 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 18,75%/năm. Tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực công nghiệp - xây dựng lên 5% vào năm 2015 và 11% vào năm 2020.
Giai đoạn 2013 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt 34.335 triệu đồng, chiếm 14,45% (giá thực tế chiếm 14,73%) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.
Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 18%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt 78.551 triệu đồng, chiếm 18,46% (giá thực tế chiếm 18,94%) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.
Đến năm 2015: Hoàn thiện hạ tầng và đưa vào hoạt động hiệu quả Cụm công nghiệp tại thị trấn Bắc Trà My. Khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển cụm công nghiệp. Tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến, năng lượng, khai khoáng, các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, chú trọng hình thành các nghề truyền thống tại địa phương đi đôi với đào tạo nhân lực phát triển thêm các nghề mới.
Đến năm 2020: Hoàn thiện hạ tầng và đưa vào hoạt động hiệu quả các cụm công nghiệp Sông Ví, Trà Giác. Khuyến khích, kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cụm công nghiệp này. Hình thành cơ sở công nghiệp chế biến nông lâm sản tại các làng nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sắc tại địa phương, các sản phẩm từ gỗ, quế, mây, cao su,... Duy trì ổn định công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản một cách hợp lý gắn với bảo vệ môi trường và phù hợp với quy hoạch.
3.3. Ngành thương mại - dịch vụ:
Giai đoạn 2013 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 14,62%/năm. Tăng tỷ lệ lao động trong lĩnh vực dịch vụ lên 12% vào năm 2015 và 14% vào năm 2020. Giai đoạn 2013 - 2015, tốc độ tăng trưởng bình quân 14%/năm. Đến năm 2015, giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt 49.053 triệu đồng, chiếm 20,65% (giá thực tế chiếm 17,2%) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện. Giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng bình quân 15%/năm. Đến năm 2020, giá trị sản xuất (giá so sánh) đạt 98.664 triệu đồng, chiếm 23,19% (giá thực tế chiếm 19,45%) trong cơ cấu giá trị sản xuất của huyện.
Đến năm 2015, cơ bản hình thành mạng lưới thị trường nông thôn đáp ứng cơ bản nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và mua sắm hàng hóa tiêu dùng của người dân. Đầu tư xây dựng chợ Bắc Trà My thành chợ tổng hợp và chợ cụm xã Trà Đông và cụm xã Trà Nú.
Đến năm 2020, hình thành chợ đầu mối tại Bắc Trà My, hoàn thiện mạng lưới chợ nông thôn, đầu tư xây dựng chợ Cụm xã Trà Tân, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu thụ sản phẩm và mua sắm hàng hóa tiêu dùng của người dân. Đầu tư xây dựng bến xe khách tại trung tâm huyện Bắc Trà My, xã Trà Đông, Trà Giác để khai thông các tuyến vận tải hành khách, phục vụ tốt hơn nhu cầu đi lại, mua bán của nhân dân .
Hình thành mạng lưới cửa hàng xăng dầu theo quy hoạch của Tỉnh: Xây dựng mới 05 cửa hàng xăng dầu tại thị trấn Bắc Trà My, xã Trà Dương, xã Trà Tân, thị trấn Bắc Trà My (tuyến Tây thị trấn), trên tuyến Nam Quảng Nam.
Phát triển du lịch văn hóa - lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái. Hình thành các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn huyện và kết nối được với các tuyến du lịch các vùng phụ cận như Dung Quất, Kon Tum, Tam Kỳ, đưa vào khai thác có hiệu quả, chất lượng sản phẩm du lịch đạt yêu cầu; đầu tư củng cố toàn diện các điểm du lịch sinh thái trọng điểm: Thác năm tầng, Núi Hòn Bà,…
4. Định hướng phát triển các lĩnh vực xã hội, khoa học kỹ thuật, môi trường và an ninh quốc phòng.
4.1. Dân số - lao động:
Tốc độ tăng dân số giai đoạn 2013-2015 là 1,0%, giai đoạn 2016-2020 là 1,1%. Đến năm 2015 dân số toàn huyện 41.652 người, năm 2020 là 43.994 người, trong đó dân số thành thị đến năm 2015 chiếm 24,3%, đến năm 2020 chiếm 27,1%.
Đến năm 2015, lao động phi nông nghiệp chiếm 17% (lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 5%, lao động ngành dịch vụ chiếm 12%), đến năm 2020 chiếm 25% lao động toàn xã hội (lao động công nghiệp - xây dựng chiếm 11%, lao động ngành dịch vụ chiếm 14%). Đến năm 2015, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 25% và đến năm 2020 là trên 40%.
4.2. Giáo dục - đào tạo:
Đến năm 2020, 100% số xã đạt phổ cập giáo dục Mầm non 5 tuổi, giáo dục Tiểu học đúng độ tuổi, giáo dục Trung học cơ sở; số xã đạt phổ cập Trung học phổ thông là 07/13 xã, thị trấn.
Nâng cấp cơ sở vật chất đạt chuẩn kiên cố hóa trường lớp mạng lưới trường học ở các cấp. Nâng cao chất lượng giảng dạy đội ngũ giáo viên, xây dựng hoàn chỉnh các trung tâm học tập cộng đồng. Đến năm 2015 đạt tỷ lệ 100% đội ngũ giáo viên được chuẩn hóa về chuyên môn - nghiệp vụ; từng bước thực hiện công tác xã hội hoá giáo dục - đào tạo, phát triển các loại hình, cơ sở đào tạo nhân lực phù hợp với yêu cầu của địa phương, từng bước phổ cập nghề, phổ cập tin học và ngoại ngữ cho thanh niên, nâng tỷ lệ lao động trong độ tuổi có việc làm đến năm 2015 là 60% và đến năm 2020 là 75%, hằng năm giải quyết 1.000 lao động được đào tạo nghề và giới thiệu việc làm.
4.3. Y tế và chăm sóc sức khoẻ:
Tiếp tục phát triển y tế dự phòng, triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và nâng cao sức khỏe cho nhân dân, chú trọng công tác tiêm chủng, tiêm phòng, ngăn ngừa các dịch bệnh, đảm bảo sực khỏe cho bà mẹ trẻ em; triển khai các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, phát hiện sớm và khống chế hiệu quả các ổ dịch; quản lý tốt vệ sinh an toàn thực phẩm.
Hoàn thiện chuẩn hóa mạng lưới y tế cấp xã, phấn đấu đến năm 2015 có 06/13 xã, thị trấn đảm bảo đạt chuẩn quốc gia về y tế và đến năm 2020 có 10/13 xã, thị trấn đảm bảo đạt chuẩn quốc gia về y tế. Mở rộng, nâng cấp bệnh viện đoa khoa tuyến huyện, đến năm 2020 có đầy đủ các khoa chức năng, trang thiết bị, số lượng y bác sỹ có trình độ chuyên môn cao đáp ứng cơ bản được nhu cầu khám chữa bệnh của nhân dân trong huyện. Phát triển y dược học dân tộc cổ truyền gắn liền với các vùng dược liệu quý tại địa phương.
4.4. Văn hóa, thông tin và thể dục thể thao:
Xây dựng toàn dân có nếp sống gia đình văn hóa, hòa thuận, ấm no, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc. Phát huy tinh thần tương thân tương ái, tự lực tự cường, xây dựng xã hội lành mạnh và công bằng. Tập trung thực hiện tốt phòng trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đưa phong trào đi vào chiều sâu, có kết quả thiết thực, trở thành phong trào của toàn xã hội.
Duy trì, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể các dân tộc trên địa bàn huyện. Khôi phục các lễ hội văn hóa truyền thống lành mạnh, các loại hình nghệ thuật cổ truyền, văn hóa dân gian từng dân tộc. Kết hợp hài hòa việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa với các hoạt động phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp hiện đại hóa hệ thống truyền thanh từ huyện đến cơ sở, nâng cao chất lượng các sản phẩm thông tin. Phát triển mạng truyền hình cáp và truyền hình kỹ thuật số. Thường xuyên củng cố và duy trì nâng cao chất lượng các chương trình phát thanh địa phương, tăng thời lượng và luôn đổi mới đa dạng về nội dung.
Đến năm 2015, nâng cấp, cải tạo toàn diện sân vận động trung tâm huyện. Đảm bảo 100% các xã, thị trấn có một sân vận động quy mô nhỏ phục vụ cho các hoạt động thể dục - thể thao; mỗi thôn, khối phố có ít nhất 01 sân bóng chuyền hoặc sân cầu lông. Đảm bảo hệ thống trường học phải có có dục thể chất. Tại mỗi trường THPT phải có 1 sân bóng đá mini, mỗi trường THCS phải có 01 sân tập giáo dục thể chất.
Đến năm 2020, 13/13 xã, thị trấn trong huyện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn nông thôn mới. Bồi dưỡng những hạt nhân tiêu biểu tham gia thi đấu các giải ở các cấp cao, đến năm 2020 có vận động viên tham gia thi đấu các giải quốc gia.
4.5. Phát triển khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường:
Tăng cường ứng dụng các chương trình khoa học công nghệ mới, tiên tiến như công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, vật liệu mới, công nghệ sạch, hàm lượng chất xám cao; bảo vệ môi trường và phát huy các nhân tố nội lực (các làng nghề, bí quyết công nghệ truyền thống). Sử dụng phổ biến rộng rãi các công nghệ thông tin, thiết bị điện tử, internet trong mọi lĩnh vực sản xuất và đời sống, đặc biệt trong quản lý điều hành kinh tế.
Phát triển kinh tế - xã hội huyện gắn với bảo vệ tài nguyên, môi trường, đảm bảo phát triển bền vững. Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường. Chú trọng đầu tư xây dựng các công trình xử lý rác thải, nước thải, đặc biệt ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình xử lý bảo vệ môi trường ở các cụm công nghiệp, các khu vực sản xuất kinh doanh, khu vực đông dân cư. Hạn chế và tiến tới nghiêm cấm sử dụng hóa chất độc hại làm ô nhiễm đất đai, nguồn nước. Bảo vệ và tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa, nhân văn, cảnh quan thiên nhiên...
Phát động phong trào toàn dân giữ gìn vệ sinh môi trường sống. Đến năm 2020 có 100% làng nghề, cụm công nghiệp, các khu dân cư tập trung, khu đô thị được thu gom, xử lý rác thải. Thường xuyên kiểm tra, kiểm dịch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
4.6. An ninh quốc phòng:
Phát triển kinh tế - xã hội của địa phương gắn liền với biện pháp củng cố khối đại đoàn kết dân tộc; tổ chức các đội công tác dài ngày tại các xã, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động quần chúng; phát động rộng rãi phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc ở cơ sở; tăng cường công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn huyện.
Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với củng cố và tăng cường khả năng an ninh, quốc phòng. Phấn đấu 85% số xã, thị trấn vững mạnh về kinh tế và an ninh quốc phòng, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ ở từng xã, thị trấn với quy mô chiếm 4 - 5% dân số trên địa bàn. Thực hiện định hình 4 tiêu chuẩn phòng thủ: tạo tiềm lực tổng hợp phát triển lực lượng tại chỗ đủ mạnh; xây dựng thế trận an ninh nhân dân vững chắc; xây dựng cơ chế lãnh đạo điều hành chỉ huy hoạt động thống nhất, hiệu quả; hoạt động của các tổ chức chính trị và lực lượng vũ trang cơ sở mạnh và tinh nhuệ.
5. Quy hoạch phát triển các tiểu vùng: Phân chia thành 03 tiểu vùng.
5.1. Tiểu vùng 1:
Gồm các xã Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka, Trà Bui và Trà Đốc. Diện tích tự nhiên 495,51 km2 (chiếm 60,03%), dân số 14.040 người (chiếm 35,77%), mật độ dân số 28,33 người/km2. Định hướng phát triển các lĩnh vực “lâm nghiệp, các loại nguyên liệu gỗ, giấy”. Chú trọng phát triển một số cây trồng, con vật nuôi bản địa (quế, bò, dê, heo cỏ,…), hình thành một số “Làng sinh thái” của vùng để từng bước mở mang dịch vụ, du lịch.
5.2. Tiểu vùng 2:
Gồm các xã Trà Nú, Trà Kót, Trà Đông, Trà Dương và Trà Giang. Diện tích tự nhiên 239,28 km2 (chiếm 28,99%), dân số 12.343 người (chiếm 31,45%), mật độ dân số 51,58 người/km2. Định hướng phát triển “nông - lâm nghiệp”, đẩy mạnh phát triển kinh tế vườn đồi và kinh tế trang trại đi liền với thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, tạo thế phát triển lâm nghiệp bền vững. Trong nông lâm nghiệp chú trọng phát triển cả lâm nghiệp, trồng trọt và chăn nuôi, tạo ra sản lượng hàng hoá lớn, có sức cạnh tranh cao, hiệu quả. Đi đôi với phát triển nông lâm nghiệp, khuyến khích phát triển tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ để thúc đẩy phát triển kinh tế toàn diện trong vùng.
5.3. Tiểu vùng 3
Gồm các xã Trà Sơn, Trà Tân, và Thị trấn Trà My. Diện tích tự nhiên 90,65 km2 (chiếm 10,98%), dân số 12.949 người (chiếm 32,99%), mật độ dân số 142,85 người/km2. Đây là vùng kinh tế tổng hợp có tiềm năng, tập trung quy hoạch, xây dựng các dự án phát triển về lĩnh vực “thương mại - dịch vụ - du lịch”. Xây dựng một số cụm TTCN, khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để mọi tổ chức và cá nhân tham gia sản xuất, phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, du lịch tại vùng kinh tế.
6. Định hướng phát triển đô thị và nông thôn
6.1. Phát triển đô thị:
Đến năm 2015: Xác định trung tâm hành chính huyện là hạt nhân phát triển đô thị, hình thành khu trung tâm thị trấn với việc khai thác tiềm năng, giá trị trục đường ĐT 616 theo hiện trạng, lấy trục ĐT616 làm trục trung tâm, phát triển đô thị theo hướng
Tây Bắc đến tuyến Tây thị trấn và theo hướng Nam đến tuyến đường dọc bờ kè sông Trường, hai tuyến đường này dần hình thành kết hợp với quỹ đất tại khu vực này tương đối bằng phẳng tạo động lực cho việc phát triển đô thị trong giai đoạn đầu.
Đến năm 2020: Đô thị tập trung phát triển theo hướng Tây và Đông Bắc theo trục đường ĐT616, lấp đầy quy hoạch trong ranh giới 441,03ha, với việc hình thành khu thương mại - dịch vụ và các khu dân cư mới. Định hướng hình thành 2 khu trung tâm thứ cấp:
- Trà Tân: ở phía Tây, làm nhiệm vụ kết nối các trung tâm xã khác ở phía Tây của Huyện: Trà Đốc, Trà Bui, Trà Giáp, Trà Giác, Trà Ka.
- Trà Dương: ở phía Đông, làm nhiệm vụ kết nối các xã Trà Đông, Trà Nú, Trà Kót.
6.2. Phát triển khu vực nông thôn:
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới với các tiêu chí cụ thể, phù hợp với đặc điểm từng vùng. Tiếp tục thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, xoá nhà tạm ở nông thôn.
Tập trung đầu tư phát triển các khu vực trung tâm các xã, trung tâm của cụm xã, làm hạt nhân phát triển từng khu vực, qua đó thúc đẩy sự phát triển chung của địa phương. Quy hoạch mạng lưới các điểm dân cư nông thôn gắn với phát triển thương mại, dịch vụ và các ngành nghề truyền thống. Phát triển các điểm dân cư dọc theo các trục giao thông lớn chính, tại các vị trí có điều kiện thuận lợi về hạ tầng, dự kiến tại ngã 3 Trà Dương và ngã 3 Trà Đốc.
7. Định hướng quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:
7.1. Giao thông:
a) Quốc lộ: Đường Trường Sơn Đông đoạn qua địa bàn huyện (41km) xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi. Xúc tiến triển khai xây dựng mới đoạn từ xã Trà Đốc đến xã Phước Trà (Hiệp Đức).
b) Đường tỉnh (ĐT):
Tuyến Nam Quảng Nam (đoạn qua huyện 39km): Đoạn tuyến trùng với đường ĐT616 (29 km), tiếp tục đầu tư nâng cấp tuyến đạt tiêu chuẩn cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường thấm nhập nhựa rộng 5,5 m. Nâng cấp đoạn tuyến tránh thị trấn Trà My (10 km), trong đó: Đoạn qua thị trấn Trà My dài 3,0 km, nền đường rộng 19,0 m, mặt đường rộng 11,0 m; còn lại 7,0 km, nền đường rộng 7,5 m, mặt đường rộng 5,5m.
Tuyến ĐT616 (8,2 km): Đoạn còn lại không trùng với đường Nam Quảng Nam đi qua huyện dài khoảng 8,2 km. Sau khi xây dựng tuyến đường tránh thị trấn tuyến đường này chuyển thành đường ĐH. Đoạn từ Tổ Đoàn Bộ đến sân vận động dài khoảng 1,2 km đã được đầu tư xây dựng chất lượng tốt, đoạn còn lại từ nay đến năm 2020 tiếp tục đầu tư nâng cấp nền mặt đường đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, nền đường rộng 6,5 m, mặt đường thấm nhập nhựa rộng 3,5 m.
c) Đường huyện (ĐH):
Đường ĐH1 (ngã ba Trà Dương - UBND xã Trà Nú): là tuyến đường liên xã Trà Dương - Trà Đông - Trà Nú kết nối với đường Nam Quảng Nam về trung tâm huyện, có chiều dài 13,0 km. Đến năm 2020 đầu tư nâng cấp mở rộng đạt tiêu chuẩn đường cấp V miền núi.
Đường ĐH2 (Ngã Ba Sông Ví - UBND xã Trà Kót): Chiều dài tuyến 9,0 km. kết nối với đường ĐH phục vụ cho nhu cầu đi lại sản xuất và an sinh xã hội, đồng thời có hướng tuyến phát triển về phía Tam Sơn (Núi Thành) kết nối với tỉnh lộ ĐT617 về quốc lộ 1A. Đến năm 2020 tiếp tục đầu tư nâng cấp nền mặt đường đạt chuẩn đường cấp V miền núi. Xây dựng cầu bê tông cốt thép thay thế cầu treo với chiều dài khoảng 100 m.
Đường ĐH4 (Ngã ba Trà Giác - UBND xã Trà Ka): là tuyến đường liên xã Trà Giác - Trà Giáp - Trà Ka kết nối với đường ĐT616 về trung tâm huyện, có chiều dài tuyến 21km, tiêu chuẩn đường cấp V, chất lượng tốt, tiếp tục duy tu bảo dưỡng.
Đường ĐH5 (Ngã ba Nước Oa - UBND xã Trà Tân): là tuyến đường vào khu di tích lịch sử cách mạng trung trung bộ Nước Oa, có chiều dài tuyến 5km, tiêu chuẩn đường cấp V, chất lượng tốt, tiếp tục duy tu bảo dưỡng.
Đường ĐH6 (Tuyến Tây Thị Trấn): là tuyến tránh thị trấn về phía Tây của thị trấn Trà My, có chiều dài tuyến 3,6 km, tiêu chuẩn đường cấp V miền núi, chất lượng tốt. Đến năm 2020 đầu tư nâng cấp tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi.
d) Đường nội thị thị trấn Trà My: Đầu tư xây dựng, nâng cấp hiện trạng giao thông nội thị, với tổng chiều dài 17,0 km, xây dựng đạt tiêu chuẩn cấp V miền núi. Đến năm 2020 đầu tư xây dựng các tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp đô thị: tuyến từ khu dân cư Đồng Trường 1 đến tuyến Tây thị trấn (0,6 km); tuyến từ tổ 1 trụ sở tổ dân phố Đoàn Bộ đến tuyến Tây thị trấn (0,6 km); tuyến từ đường ĐH6 (tuyến Tây thị trấn) đến bến xe mới và đến giáp đường Nam Quảng Nam (0,7 km).
e) Đường xã (ĐX): Tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến đường xã và các công trình trên tuyến theo Đề án phát triển giao thông nông thôn của tỉnh và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại 13 xã, thị trấn trên địa bàn huyện với tổng chiều dài 137,25km.
f) Tuyến đề nghị nâng cấp lên ĐT: Đường ĐH (Trà My - Trà Bồng): Đường này thuộc tuyến đường Trà My - Trà Bồng - Bình Long - Dung Quất, điểm đầu tuyến bắt đầu từ thị trấn Trà My (ngã tư chợ) đi qua huyện Bắc Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam và các huyện Trà Bồng, Bình Sơn thuộc tỉnh Quảng Ngãi trước khi kết thúc tại điểm cuối là cảng Dung Quất. Đoạn qua huyện Bắc Trà My đi từ Ngã tư chợ đến cầu
Sông Trường 2 (trùng với đường ĐH3), có chiều dài khoảng 13 km, là tuyến phát triển kinh tế kết hợp với an ninh, quốc phòng khu vực, đặc biệt là phục vụ cho quá trình phát triển của các khu kinh tế Chu Lai, Dung Quất.
g) Các tuyến ĐX nâng cấp lên ĐH:
Nâng cấp một số tuyến ĐX lên thành đường ĐH, tiêu chuẩn đường cấp V miền núi: tuyến từ nhà máy thủy điện Sông Tranh II đi UBND xã Trà Bui (ĐH8 – 30 km); tuyến từ Trà Bui đi Phước Hiệp, Phước Sơn (ĐH8 nối dài - 3,5 km); tuyến từ Trà Ka đi Trà Khê, Quảng Ngãi (ĐH4 nối dài - 2,5 km); tuyến từ UBND xã Trà Kót đi xã Tam Trà, Núi Thành (ĐH2 nối dài – 14 km); tuyến tránh lũ từ Trà Đông đi Tiên Lập, Tiên Phước (ĐH9 – 3 km).
Nâng cấp một số tuyến ĐX lên thành đường ĐH, tiêu chuẩn đường giao thông nông thôn loại A: tuyến Trà Dương - Trà Giang - Trà Nú (ĐH10 - 11,4 km); tuyến từ Trà Giác đi xã Trà Giang (ĐH11 - 22 km); tuyến Trà Giang - Trà Nú (ĐH12 - 9km).
h) Bến xe: Đầu tư xây dựng các bến xe phục vụ cho nhu cầu đậu, đỗ, vận tải hàng hóa và nhu cầu đi lại của nhân dân trong nội huyện và đến các vùng, các địa phương lân cận: Bến xe Bắc Trà My (0,34 ha), bến xe Trà Đông (0,2 ha), bến xe Trà Giác (0,2 ha).
7.2. Cấp điện:
Tiếp tục cải tạo và mở rộng mạng lưới điện trên tất cả địa bàn các xã. Xây dựng một số tuyến đường dây trung thế, trạm biến áp, đường dây hạ thế ở các khu vực tập trung phát triển công nghiệp, khu dân cư tập trung, khu đô thị, trung tâm xã và các xã còn thiếu, đảm bảo đủ công suất cung cấp điện phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt.
Đầu tư lắp đặt trạm biến áp 50KVA-15(22)/0,4kV tại các xã: Trà Giang, Trà Kót, Trà Bui, Trà Sơn, Trà Ka; lắp đặt thêm trạm biến áp 25KVA-15(22)/0,23kV tại Trà Bui và trạm 15KVA-15(22)/0,23kV tại Trà Giáp; đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo mạng lưới đường dây trung thế 22KV, đường dây hạ thế 0,4KV và đường dây điện chiếu sáng.
7.3. Cấp nước sinh hoạt:
Đến năm 2015, cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị đảm bảo lưu lượng 2.080m3/ngđ; khu vực nông thôn đảm bảo lưu lượng 4.227m3/ngđ. Đầu tư xây dựng nhà máy Bắc Trà My với công suất 2.500m3/ngđ.
Đến năm 2020, cấp nước sinh hoạt khu vực đô thị đảm bảo lưu lượng 2.443m3/ngđ; khu vực nông thôn đảm bảo lưu lượng 4.350m3/ngđ.
Đầu tư xây dựng mới hệ thống nước sinh hoạt tự chảy trên địa bàn huyện đến năm 2015 đạt 1.620m3/ngđ và đến năm 2020 đạt 2.566m3/ngđ
7.4. Cấp nước sản xuất:
Đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống đập, kênh, mương nội đồng đảm bảo nước tưới đến năm 2015 là 233,7 ha và đến năm 2020 thêm 121 ha.
7.5. Thoát nước bẩn:
Đến năm 2015, thoát nước bẩn khu vực đô thị là: 1.119,3m3/ngđ; khu vực nông thôn là 2.305,9m3/ngđ. Đến năm 2020 thoát nước bẩn khu vực đô thị là là 1.317,3m3/ngđ; khu vực nông thôn là 2.345,6m3/ngđ. Thoát nước thải công nghiệp đến năm 2020 là 416m3/ngđ.
7.6. Bưu chính viễn thông, phát thanh - truyền hình:
Tiếp tục mở rộng và hiện đại hoá mạng lưới bưu chính viễn thông, thông tin liên lạc trên địa bàn. Đến năm 2020, phát triển các điểm bưu điện - văn hóa thành trung tâm thông tin cộng đồng tại 100% số xã; đảm bảo 100% số xã có điểm truy nhập dịch vụ điện thoại công cộng, có điểm truy nhập internet công cộng, 100% cơ quan hành chính, trường học, bệnh viện được kết nối internet, nâng số mật độ điện thoại cố định đạt 14 - 16 máy/100 dân, mật độ thuê bao internet đạt 8-12 thuê bao/100 dân.
Tăng số giờ, chương trình phát, nâng cao chất lượng và nội dung, hình thức phát chương trình, bản tin để phục vụ có hiệu quả đến từng xã, thôn. Đến năm 2020 95% hộ được phủ sóng phát thanh và 90% hộ được phủ sóng truyền hình; đến năm 2025: 100% hộ được phủ sóng truyền thanh và truyền hình.
7.7. Quản lý chất thải rắn
Đến năm 2015 xử lý chất thải rắn khu vực đô thị là 6,9 tấn/ngđ; khu vực nông thôn là 12,5 tấn/ngđ. Đến năm 2020 xử lý chất thải rắn khu vực đô thị là 9,5 tấn/ngđ; khu vực nông thôn là 12,7 tấn/ngđ. Xử lý chất thải rắn công nghiệp đến năm 2020 là 13 tấn/ngđ.
8. Giải pháp chủ yếu thực hiện quy hoạch.
8.1. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế:
Xây dựng mô hình kinh tế theo hướng hiện đại và phù hợp, đồng thời tập trung phát triển các lĩnh vực kinh tế chủ yếu, đóng vai trò đầu tàu, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho nền kinh tế huyện Bắc Trà My theo định hướng:
- Tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững trên cơ sở khai thác lợi thế của nguồn nhân lực, đất đai, khí hậu để phát triển sản xuất hàng hóa với năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh cao hơn.
- Thúc đẩy mạnh mẽ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại và phù hợp, tăng nhanh tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ trong nền kinh tế, đồng thời, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu nội bộ trong các ngành công nghiệp, dịch vụ theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị gia tăng nhằm tạo ra nhiều sản phẩm có khả năng cạnh tranh.
Khai thông các nguồn lực nhằm thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế bằng cách hoàn thiện cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư và tích cực mở rộng thị trường.
8.2. Huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư:
Dự kiến tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển đến năm 2020 khoảng 5.068 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2013 - 2015 khoảng 2.053 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 khoảng 3.015 tỷ đồng. Nguồn vốn được xác định đầu tư từ: Ngân sách của Tỉnh và Trung ương; ngân sách huyện; vốn chương trình mục tiêu quốc gia; vốn đầu tư theo cơ chế Nghị quyết 30A/2008/NĐ-CP; vốn xây dựng nông thôn mới; vốn trái phiếu Chính phủ; vốn từ các nhà đầu tư, các doanh nghiệp; vốn viên trợ phi Chính phủ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Tăng cường huy động vốn đầu tư theo hướng khai thác hợp lý đi đôi với phát triển nguồn lực nội tại, tích cực thu hút các nguồn lực bên ngoài để phát triển kinh tế một cách bền vững. Cần khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế tăng cường thực hành tiết kiệm, tích lũy vốn nhằm tăng nhanh nguồn vốn cho đầu tư phát triển. Đa dạng hóa hình thức huy động vốn từ các tầng lớp dân cư, các thành phần kinh tế kết hợp với phát huy sức mạnh tổng hợp của các công cụ tài chính - tiền tệ. Động viên, huy động rộng rãi các nguồn lực tài chính vào các lĩnh vực Nhà nước có chủ trương xã hội hóa.
Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, chất lượng quyết định đầu tư (đối với đầu tư công) và chấp thuận đầu tư (đối với đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước), nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, tăng cường quản lý quá trình thực hiện đầu tư và nâng cao chất lượng bộ máy quản lý nhà nước về đầu tư.
8.3. Phát triển và sử dụng hợp lý nguồn nhân lực:
Phát triển nguồn nhân lực một cách mạnh mẽ và toàn diện gắn với nhu cầu xã hội. Tập trung phát triển giáo dục, đào tạo một cách căn bản, toàn diện. Phát triển sự nghiệp y tế và chăm sóc sức khỏe gắn với thực hiện phong trào “Toàn dân rèn luyện sức khỏe”. Hình thành, phát triển mô hình xã hội học tập với hệ thống học tập suốt đời, đào tạo liên tục, đào tạo theo nhu cầu xã hội.
Sử dụng hợp lý và hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ gắn với các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển thị trường lao động bằng cơ chế và công cụ thích hợp để sử dụng nhân lực có hiệu quả. Thúc đẩy hình thành hệ thống toàn dụng lao động, xây dựng và triển khai chính sách trọng dụng, phát huy nhân tài.
Huy động mạnh mẽ các nguồn lực cho đầu tư phát triển nguồn nhân lực. Tăng đầu tư của Nhà nước cho phát triển nhân lực, xã hội hóa để phát triển nhân lực, nhất là trong giáo dục, đào tạo, y tế. Hình thành và phát triển các quỹ tín dụng học tập. Quy hoạch sử dụng đất để xây dựng các công trình phục vụ phát triển nhân lực.
8.4. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ:
Gắn kết chặt chẽ các hoạt động tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ với các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Ðẩy mạnh phát triển thị trường công nghệ và chuyển giao các tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất, đời sống. Thực hiện tốt xã hội hóa các hoạt động khoa học công nghệ. Xây dựng và phát triển mạnh mẽ tiềm lực khoa học và công nghệ, nhất là tiềm lực về con người.
8.5. Thực hiện có hiệu quả tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội
Tập trung giải quyết tốt chính sách lao động, việc làm và thu nhập: quan tâm tới yêu cầu chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động; tạo điều kiện giải quyết ngày càng nhiều việc làm, đặc biệt là cho nông dân và người nghèo đô thị; gắn cải cách tiền lương với sắp xếp, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Bảo đảm an sinh xã hội thông qua các chương trình giảm nghèo, nhất là tại khu vực nông thôn. Thực hiện tốt các chế độ bảo hiểm (xã hội, y tế, thất nghiệp) và trợ giúp, cứu trợ xã hội đa dạng, linh hoạt. Xã hội hoá an sinh xã hội bằng cách chuyển các loại hình trợ giúp, cứu trợ xã hội sang cung cấp dịch vụ bảo trợ xã hội dựa vào cộng đồng.
Nâng cao chất lượng chăm sóc sức khoẻ nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông.
8.6. Sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.
Khai thác, sử dụng đất tiết kiệm, có hiệu quả và bền vững trong phát triển kinh tế. Gắn liền phát triển quỹ đất với tăng cường quản lý đất đai. Phát triển và khai thác hợp lý, hiệu quả quỹ đất để phát triển đô thị. Nâng cao giá trị sử dụng đất đai bằng cách chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp năng suất thấp sang đất công nghiệp, dịch vụ. Quản lý chặt chẽ việc thăm dò, khai thác các nguồn tài nguyên (nước, khoáng sản).
Tổ chức thực hiện và kiểm soát chặt chẽ việc xử lý chất thải đảm bảo tiêu chuẩn; chú trọng thực hiện công tác ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm; tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường; xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, công cụ kinh tế hỗ trợ, khuyến khích, thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia bảo vệ môi trường; tăng cường vai trò trách nhiệm bảo vệ môi trường trong các cấp chính quyền, các cơ quan chuyên môn kết hợp với đầu tư trang thiết bị, nâng cao năng lực quản lý và tăng nguồn tài chính cho công tác bảo vệ môi trường.
Điều 2. UBND huyện Bắc Trà My có nhiệm vụ:
1. Tổ chức công bố công khai quy hoạch đã được phê duyệt và danh mục các dự án ưu tiên thu hút vốn đầu tư theo ngành, lĩnh vực và nguồn vốn cụ thể; nghiên cứu cụ thể hóa các mục tiêu và triển khai thực hiện bằng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án đầu tư phù hợp với quy hoạch; xây dựng các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn, quản lý và điều hành các hoạt động phát triển đạt kết quả và hiệu quả cao, hạn chế sử dụng và bố trí dàn trải các nguồn lực đầu tư phát triển. Trong quá trình thực hiện quy hoạch cần phải thường xuyên cập nhật tình hình và có những điều chỉnh kịp thời khi cần thiết.
2. Chủ động kết hợp với các sở, ban, ngành liên quan nghiên cứu kiến nghị với UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện của địa phương, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường, chủ động hội nhập quốc tế, bảo vệ an ninh, quốc phòng, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, gắn với việc thực hiện các mục tiêu định hướng phát triển kinh tế - xã hội chung.
3. Thực hiện đổi mới tổ chức quản lý và cải cách hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, những vẫn đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích đầu tư trong và ngoài nước, sử dụng và phát huy có hiệu quả các thế mạnh của địa phương, của vùng, kết hợp với các yếu tố của thị trường trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
4. Chỉ đạo đầu tư tập trung có trọng điểm, thiết thực, đảm bảo nhanh chóng phát huy hiệu quả, tiết kiệm vốn và các nguồn lực đầu tư, ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, là tiền đề cơ sở tạo động lực phát triển cho các ngành, các lĩnh vực trên địa bàn.
5. Nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý các cấp cùng với việc đổi mới công tác sắp xếp, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ nhất là cán bộ chủ chốt, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, cụ thể hóa việc phân công, phân cấp, đề cao trách nhiệm cá nhân, tổ chức bộ máy quản lý.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
Quyết định 3850/QĐ-UBND năm 2016 về giao chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 Ban hành: 14/12/2016 | Cập nhật: 09/01/2017
Quyết định 3850/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án Bảo đảm tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2015-2020 Ban hành: 04/12/2014 | Cập nhật: 05/12/2014
Quyết định 3850/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 Ban hành: 29/11/2011 | Cập nhật: 23/01/2014
Nghị định 04/2008/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 92/2006/NĐ-CP về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 11/01/2008 | Cập nhật: 17/01/2008
Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Ban hành: 07/09/2006 | Cập nhật: 16/09/2006