Quyết định 3185/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
Số hiệu: 3185/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Long An Người ký: Nguyễn Thanh Nguyên
Ngày ban hành: 09/09/2013 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LONG AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3185/QĐ-UBND

Long An, ngày 09 tháng 09 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐẠI BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐNĐ và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 92/2006/NĐ-CP ;

Căn cứ Thông tư 03/2008/TT-BKH ngày 01/7/2008 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ và Quyết định số 281/2007/QĐ-BKH ngày 26/3/2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành định mức chi phí cho lập, thẩm định quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành và quy hoạch phát triển các sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc ban hành Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp;

Căn cứ Công văn số 2418/UBND-CN ngày 16/7/2010 của UBND tỉnh Long An về việc lập Đề án Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tỉnh Long An giai đoạn 2011 đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1115/TTr-SCT ngày 06/8/2013 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 1276/SKHĐT-TH ngày 30/8/2013 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN

1. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Long An phù hợp trong tổng thể phát triển công nghiệp của cả nước, vùng và tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An; thể hiện những thế mạnh và nét đặc thù riêng của một tỉnh vừa thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, vừa thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long.

2. Phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm tính đồng bộ, cân đối, hiệu quả giữa sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp với xây dựng vùng nguyên liệu, cơ sở tồn trữ, thương mại hóa, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp. Bảo đảm đồng bộ giữa đầu tư vào các vùng - lĩnh vực phát triển mới kết hợp với rà soát, điều chỉnh, sắp xếp, tái cấu trúc các vùng - lĩnh vực đã phát triển, giữa phát triển quy mô sản xuất và tăng cường hàm lượng công nghệ.

3. Phát huy tối đa nội lực (vốn, tay nghề, quản lý, nguyên liệu) kết hợp tích cực thu hút đầu tư ngoại lực nhằm tăng trưởng nhanh và thu hút vốn, công nghệ, mở rộng thị trường.

4. Ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp tiên tiến, công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ. Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phải đảm bảo không làm thiệt hại và tổn thương đến môi trường, kinh tế nông nghiệp, du lịch và quốc phòng an ninh.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN

1. Định hướng tổng quát tầm nhìn đến năm 2030

- Về hướng phát triển chính: công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trong kỳ quy hoạch phát triển với vị trí, vai trò là lĩnh vực kinh tế chủ đạo trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, với tốc độ tăng trưởng cao và hợp lý trong từng giai đoạn, hàm lượng công nghệ và độ thân thiện với môi trường ngày càng gia tăng nhằm đóng góp tích cực vào tốc độ tăng trưởng chung của tỉnh, đến năm 2020 về cơ bản Long An là tỉnh công nghiệp và đến 2030 phù hợp với cơ cấu kinh tế định hướng của tỉnh là công nghiệp, dịch vụ và nông nghiệp.

- Về cơ cấu ngành: trên cơ sở phát triển phù hợp với vị trí địa lý, tiềm năng về tài nguyên, khả năng huy động nguyên liệu, nhân lực, phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh của tỉnh và trên cơ sở tích cực thu hút đầu tư, phát huy hiệu quả đầu tư về vốn, công nghệ, lao động chất lượng cao, định hướng tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống, cơ khí chế tác, hóa chất - nhựa, bao bì - in, điện - điện tử, vật liệu xây dựng, công nghiệp phục vụ logistics, công nghiệp năng lượng sạch với quy mô, tốc độ hợp lý, đặc biệt chú trọng phát triển đa dạng các loại hình công nghiệp hỗ trợ.

- Về nhiệm vụ trọng tâm: rà soát, quy hoạch hợp lý và đầu tư hoàn chỉnh các khu, cụm công nghiệp kết hợp với các khu dân cư, khu đô thị dịch vụ công nghiệp và các kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; kết hợp với việc sắp xếp tái phân bố và cải thiện điều kiện sản xuất tại các tuyến công nghiệp hiện có. Đồng thời, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên các địa bàn còn lại theo hướng hỗ trợ, vệ tinh cho các vùng kinh tế công nghiệp động lực này.

- Về thu hút và vận dụng các nguồn lực phát triển: một mặt phát huy tối đa nội lực, vận động nhiều thành phần kinh tế tham gia phát triển kinh tế nói chung và công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nói riêng; mặt khác tích cực tạo ra môi trường thu hút đầu tư thuận lợi cho phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các lĩnh vực hỗ trợ công nghiệp gắn liền với thị trường cả nước và quốc tế.

- Về định hướng phát triển đồng bộ với các ngành và lĩnh vực khác: tích cực ứng dụng triển khai công nghệ theo hướng sạch và xanh, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực, kiểm soát và hạn chế tối đa các tác động môi trường; xây dựng và phát triển các vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo đồng bộ hóa nguyên liệu đầu vào cho công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, chủ yếu là lúa, mía, đay, sản phẩm chăn nuôi, thủy sản; tích cực phát triển ngành xây dựng, thương mại, dịch vụ nhằm hỗ trợ hình thành các khu, cụm công nghiệp, các vùng kinh tế công nghiệp động lực và mở rộng quan hệ thị trường tiêu thụ; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội về giáo dục, y tế, văn hóa tại các khu dân cư và khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp.

2. Định hướng cụ thể đến năm 2020

- Rà soát, quy hoạch phân bố lại các khu, cụm công nghiệp; phối hợp đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hạ tầng các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn của tỉnh; tổ chức xúc tiến đầu tư vào các khu cụm, ưu tiên cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Tập trung vào các ngành công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm, cơ khí phục vụ nông nghiệp và linh kiện máy chế biến nông sản thực phẩm, hóa chất - nhựa, công nghiệp hỗ trợ cho 6 lĩnh vực chính (cơ khí, nhựa, bao bì in, dệt, giày da, điện - điện tử); đồng thời tiếp tục cải thiện và tạo điều kiện phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tiến hành sắp xếp, tái phân bố và cải thiện điều kiện hạ tầng kỹ thuật tại các tuyến công nghiệp hiện có, đặc biệt là tại huyện Bến Lức. Hạn chế việc xây dựng các cơ sở sản xuất ngoài khu, cụm nhằm thuận lợi hơn trong việc cung cấp kết cấu hạ tầng, nâng cao hiệu quả sản xuất và kiểm soát môi trường. Đồng thời quy hoạch phát triển các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp phục vụ cho phát triển các khu cụm công nghiệp trên.

- Đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ, quản lý chất lượng nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm (ISO, SA, GMP, HACCP ...), thu hút đầu tư các ngành lĩnh vực có hàm lượng công nghệ cao và thân thiện với môi trường, sắp xếp, củng cố, cải tiến nâng cao hiệu quả sản xuất các cơ sở sản xuất kinh doanh hiện có. Đồng thời có kế hoạch, tiến độ di dời các cơ sở gây ô nhiễm trong khu vực đông dân cư ra các khu, cụm công nghiệp, kiểm tra và có biện pháp xử lý mạnh các cơ sở gây ô nhiễm môi trường.

- Phát triển trung tâm khuyến công và các hoạt động khuyến công, năng động trong công tác hướng dẫn, phổ biến các thiết bị và công nghệ mới, hỗ trợ đổi mới trang thiết bị và công nghệ cho các cơ sở sản xuất. Phổ biến các thông tin về khoa học, kỹ thuật và thị trường; tạo điều kiện phát triển mạnh các dịch vụ tư vấn, thẩm định, cải tiến thích nghi và triển khai các công nghệ mới.

- Hỗ trợ xây dựng và quảng bá các thương hiệu mạnh về công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; đẩy mạnh công tác quảng bá thương hiệu và xúc tiến đầu tư.

- Hỗ trợ xây dựng và phát triển các làng nghề theo nhiều hình thức đa dạng, tiếp tục vận động thành lập các tổ hợp tác hoặc hợp tác xã các nghề thủ công truyền thống.

- Xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hút, đào tạo lao động các cấp đảm bảo trình độ chuyên môn kỹ thuật và quản lý trong phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp.

- Tích cực huy động vốn từ nhiều nguồn (ngân sách, trong dân, nhà đầu tư, tín dụng, các tổ chức tài chính...) đầu tư vào phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các khu, cụm công nghiệp, các khu dân cư, khu đô thị vệ tinh. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng cơ chế chính sách và cải thiện môi trường đầu tư nhằm thu hút đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các dự án lớn, có tính chất đòn bẩy phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Xây dựng ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là lĩnh vực động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời hỗ trợ phát triển thương mại dịch vụ và nông nghiệp, thúc đẩy nhu cầu đào tạo và thu hút nguồn nhân lực trình độ cao, đổi mới công nghệ và quản lý kinh tế - xã hội.

- Phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp hướng đến phát triển bền vững hơn sau năm 2020 trên cơ sở tăng dần hàm lượng công nghệ và tri thức trong sản phẩm, đồng thời tích cực bảo vệ môi trường.

- Phân bố không gian và quy mô phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên cơ sở liên kết thành khối phát triển công nghiệp - đô thị tương hỗ giữa các huyện, thị xã, thành phố, các vùng kinh tế của tỉnh và với các tỉnh, thành phố trong vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đến năm 2020:

- Về tốc độ tăng trưởng và cơ cấu trong kinh tế chung: phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm 14,2%/năm trong giai đoạn 2011-2015 và 14,4%/năm trong giai đoạn 2016-2020, bình quân 14,3% trong 10 năm. Đến năm 2020, với định hướng Long An trở thành tỉnh công nghiệp, cơ cấu khu vực II đến năm này đạt 45% (trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm 35%).

- Về cơ cấu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: phát huy lợi thế so sánh và khả năng thu hút đầu tư trên địa bàn, tập trung vào các nhóm ngành chủ lực đạt hiệu quả cao, nâng tỷ trọng công nghiệp chế biến lên trên 90% giá trị sản xuất vào năm 2020, trong đó các ngành chủ lực là công nghiệp sản xuất nông sản thực phẩm, công nghiệp cơ khí kết hợp chế tác, công nghiệp nhựa kết hợp bao bì - in, công nghiệp hóa chất; đồng thời giảm dần tỷ trọng của công nghiệp da giày, dệt may; chuẩn bị điều kiện phát triển mạnh hơn công nghiệp điện - điện tử, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp phục vụ logistics, công nghiệp năng lượng sạch. Phấn đấu đến năm 2020, chỉ tiêu giá trị gia tăng (VA) các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tiếp cận 35-40% tổng VA công nghiệp.

- Về hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất: phấn đấu tỷ lệ đầu tư thêm/VA dưới 30%, tỷ lệ VA/GO (tổng giá trị sản xuất) đạt trên 25%.

- Về năng suất lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: phấn đấu nâng giá trị tăng thêm bình quân/lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên 10.000 USD vào năm 2020.

- Về xây dựng khu, cụm công nghiệp: tổng diện tích đất quy hoạch cho khu, cụm công nghiệp trong khoảng 12.500 ha, phấn đấu xây dựng hoàn tất hạ tầng và lấp đầy trên 60% khu, cụm đã có đăng ký đầu tư.

- Về xây dựng đô thị công nghiệp và kết cấu hạ tầng công nghiệp: hình thành 05 khu kinh tế công nghiệp trọng điểm tại thành phố Tân An, huyện Bến Lức, Cần Giuộc, Cần Đước, Đức Hòa với các đô thị hậu cần công nghiệp, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp tương thích. Hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục thủy bộ nối kết các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm, hệ thống giao thông nội bộ khu, cụm công nghiệp, hệ thống cấp điện nước, hệ thống thông tin liên lạc.

- Về xuất khẩu: tỷ trọng hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 50-55%.

- Về nguồn nhân lực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp: thu hút và đào tạo lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp dưới nhiều hình thức (đào tạo nghề, đào tạo thích nghi, đào tạo truyền nghề, đào tạo nâng cao), phấn đấu đạt trên 75% lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp qua đào tạo, trong đó lao động trình độ cao tiếp cận 15%.

- Phấn đấu các doanh nghiệp đổi mới công nghệ và trang thiết bị tăng 18 - 20%/năm.

- Về môi trường: tỷ trọng doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường trên 95%; tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế 90-95%, trong đó bảo đảm các khu cụm công nghiệp thu gom và xử lý 100% chất thải.

b) Đến năm 2030:

- Cơ cấu khu vực II đạt 48-50% (trong đó công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm gần 40%).

- Tỷ trọng công nghiệp chế biến/tổng GO công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp 95-96%; tỷ trọng VA/GO 32-35%.

- Tốc độ tăng các doanh nghiệp đổi mới công nghệ đạt 20-25%.

- Tỷ trọng hàng chế tạo trong xuất khẩu đạt 70%.

- Lao động công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp qua đào tạo/tổng lao động đạt 80%; lao động trình độ cao/tổng lao động đạt 18-20%.

- Tỷ lệ doanh nghiệp công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đạt tiêu chuẩn bảo vệ môi trường xấp xỉ 100%; tỷ trọng rác thải công nghiệp được xử lý, tái chế tiếp cận 100%.

IV. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN CÁC PHÂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP – TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

1. Ngành chế biến thực phẩm và đồ uống

- Cải thiện điều kiện sản xuất các cơ sở hiện có, xây dựng mới, nâng cấp và mở rộng các cơ sở trong các khu, cụm công nghiệp, đồng thời phải tranh thủ thời cơ đầu tư phát triển mạnh các ngành chế biến.

- Tiếp tục mở rộng về số lượng và chủng loại các sản phẩm tinh chế bằng công nghệ tiên tiến. Ưu tiên phát triển các dự án chế biến có trình độ công nghệ cao, trang thiết bị hiện đại và đồng bộ, sản phẩm đảm bảo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

- Đổi mới trang thiết bị, công nghệ, phát triển công nghệ sinh học trong sơ chế và chế biến nông sản phẩm.

- Phát huy thế mạnh về nguyên liệu, thị trường và nâng cao hiệu quả sản xuất, cải tiến công nghệ, xử lý môi trường.

2. Ngành hóa chất và các sản phẩm hóa chất

- Phát triển công nghiệp dược phẩm kể cả Đông, Tây y. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong, ngoài tỉnh và nước ngoài đầu tư sản xuất dược phẩm, đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng và mẫu mã cạnh tranh với thị trường trong nước và thế giới.

- Đầu tư mở rộng các cơ sở sản xuất các sản phẩm tiêu dùng như sơn các loại, chất tẩy rửa, bột giặt.

- Đầu tư nâng cao sản lượng và chất lượng các sản phẩm hóa chất dùng trong nông nghiệp.

- Tập trung phát triển ngành sản xuất thuốc thú y.

3. Ngành sản xuất dệt - may

- Đầu tư trang thiết bị, công nghệ hiện đại, phát triển sản xuất vải sợi cung cấp cho ngành trang phục.

- Chú trọng công tác thiết kế thời trang, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa chủng loại sản phẩm phù hợp sức mua và tập quán tiêu dùng của các tầng lớp nhân dân.

- Tăng cường công tác tiếp thị, bán hàng để đảm bảo khả năng cạnh tranh ngay tại thị trường trong nước.

4. Ngành sản xuất da và giả da

- Tăng cường khâu thiết kế thời trang nhằm tăng sức cạnh tranh trong và ngoài nước.

- Phát triển thêm ngành hàng túi xách có thương hiệu các loại phục vụ nhu cầu nội địa.

- Phát triển mạnh các sản phẩm hỗ trợ cho ngành da, giả da. Đối với ngành thuộc da để làm nguyên liệu, cần tập trung vào cải tiến công nghệ và đưa vào các khu công nghiệp nhằm giám sát môi trường chặt chẽ.

5. Ngành cơ khí

- Đầu tư mở rộng, nâng cấp các cơ sở cơ khí hiện có.

- Đầu tư xây dựng các cơ sở sản xuất, gia công, chế tạo sản phẩm cơ khí phục vụ cơ giới hóa nông nghiệp, máy xay xát, máy công cụ chế biến nông sản phẩm, linh kiện cho máy công cụ các ngành nhựa, vật liệu và công trình xây dựng, bao bì - in, hóa chất.

- Đầu tư xây dựng nhà máy sửa chữa và đóng tàu, sà lan phục vụ cho ngành vận tải, logistics, chú trọng liên doanh liên kết với các đơn vị trong và ngoài nước đóng các loại tàu có trọng tải lớn.

- Ứng dụng công nghệ tự động hóa, công nghệ mô phỏng, công nghệ điều khiển học, tiến đến phát triển sản xuất các chi tiết cơ kim khí chính xác phục vụ chế tác máy công cụ, y tế, đo lường, điện - điện tử, năng lượng sạch.

6. Ngành sản xuất sản phẩm khoáng phi kim loại, vật liệu xây dựng

- Đối với cơ sở sản xuất gạch ngói, phấn đấu không còn sử dụng lò thủ công, chuyển sang công nghệ tuynel ít gây ô nhiễm môi trường.

- Thu hút đầu tư và phát triển các đa dạng mặt hàng vật liệu xây dựng mới, nhất là sản xuất gạch bằng công nghệ không nung.

- Phát triển các lĩnh vực mới: vật liệu xây dựng nhẹ, vật liệu xây dựng tiền chế, vật liệu xây dựng tương thích nội thất - thiết bị năng lượng sạch.

7. Ngành điện, điện tử

- Đầu tư mở rộng, xây dựng mới các cơ sở sản xuất các mặt hàng điện gia dụng và công nghiệp, động cơ điện các loại với chất lượng cao.

- Gia công lắp ráp các máy móc thiết bị điện tử với công nghệ cao, tiến đến chế tạo một số thiết bị phục vụ ngành điện, liên kết sản xuất các linh kiện điện, điện tử với ngành cơ khí chế tạo và ngành nhựa.

- Tích cực thu hút đầu tư các doanh nghiệp FDI chuyên sản xuất hoặc tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử. Hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tham gia vào chuỗi công nghiệp hỗ trợ điện - điện tử.

- Nghiên cứu ứng dụng công nghệ tự động hóa, mô phỏng và điều khiển học trong quá trình lắp ráp, làm cơ sở phát triển lên một số thành phẩm điện tử có thương hiệu và thị trường ổn định sau 2020.

8. Ngành sản xuất giường, tủ, bàn, ghế và các sản phẩm khác

- Đầu tư cải tiến trang thiết bị và quy mô sản xuất, cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm.

- Phát triển các sản phẩm gỗ mỹ nghệ truyền thống.

9. Ngành nhựa

- Đầu tư cải tiến trang thiết bị và quy mô sản xuất.

- Đầu tư các cơ sở mới có công nghệ hiện đại cho các sản phẩm chất lượng cao.

- Phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ có liên quan đến ngành nhựa là thế mạnh trên địa bàn.

10. Ngành giấy

- Đầu tư cải tiến trang thiết bị và quy mô sản xuất các cơ sở hiện có trên cơ sở cân đối với vùng đay nguyên liệu, giám sát nghiêm ngặt môi trường.

- Đầu tư các cơ sở mới với công nghệ hiện đại trong lĩnh vực bao bì, in.

11. Ngành sản xuất và phân phối điện

- Đảm bảo yêu cầu về điện cho việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh theo từng giai đoạn quy hoạch.

- Tăng và đảm bảo phụ tải, giảm tổn thất công suất, điện năng và tổn thất điện áp trên lưới.

- Phấn đấu đưa số hộ sử dụng điện tăng lên 99,25% năm 2015, 99,7% năm 2020; sản lượng điện tiêu thụ sẽ tăng lên 4.034 GWh vào năm 2015 và 8.158 GWh vào năm 2020. Điện thương phẩm bình quân đầu người năm 2015 đạt 2.123 kWh/người và năm 2020 đạt 4.235 kWh/người.

12. Ngành sản xuất và phân phối nước

- Phấn đấu đạt tỷ lệ 97% dân số được cấp nước hợp vệ sinh vào năm 2015, và 100% vào năm 2020.

- Công suất của các nhà máy nước (kể cả công suất phục vụ cho các khu công nghiệp và các cụm điểm dân cư nhỏ) sẽ tăng từ 90.400 m3/ngày đêm năm 2010 lên 435.000 m3/ngày đêm năm 2020 và 661.000 m3/ngày đêm năm 2030.

13. Ngành công nghiệp liên quan đến tái chế

- Xử lý chất thải rắn kết hợp thu hồi điện năng.

- Tái chế nhựa, plastic.

- Xử lý chất thải rắn thành vật liệu xây dựng nhẹ.

14. Phát triển công nghiệp hỗ trợ

- Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 3 khu, cụm công nghiệp định hướng phát triển chuyên công nghiệp hỗ trợ.

- Xúc tiến thu hút đầu tư và liên kết hợp tác sản xuất với các doanh nghiệp hỗ trợ trong và ngoài địa bàn.

V. PHÁT TRIỂN CÁC KHU, CỤM CÔNG NGHIỆP

1. Mục tiêu chung

- Thu hút các nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; tổ chức xúc tiến đầu tư, thu hút các doanh nghiệp sản xuất đến đầu tư tại các khu, cụm công nghiệp.

- Tổ chức sản xuất công nghiệp tập trung, tách biệt với các khu dân cư, khu văn hóa, du lịch.

- Các khu, cụm công nghiệp sẽ là hạt nhân hình thành các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm góp phần tích cực trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.

- Đảm bảo thực hiện rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Cụm công nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn thực hiện của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành có liên quan.

a) Khu công nghiệp:

- Diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An sau khi rà soát còn lại là 28 khu công nghiệp với diện tích là 10.309,14 ha (theo phụ lục 1 đính kèm).

- Dự kiến Khu công nghiệp Thế Kỷ sẽ sát nhập vào Khu công nghiệp Hựu Thạnh do cùng chủ đầu tư hạ tầng và 2 khu này nằm kế cận nhau.

- Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, đất khu công nghiệp là 11.964 ha, do đó đến năm 2015, tùy vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, có thể điều chỉnh thêm 1.645 ha khu công nghiệp theo hạn mức cho phép.

b) Cụm công nghiệp:

Diện tích các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Long An sau khi rà soát, đã có quyết định thu hồi, đã đề nghị thu hồi và giảm diện tích còn lại 29 cụm diện tích khoảng 3.113,25 ha (theo phụ lục 2 đính kèm).

Ngoài ra, dự kiến thành lập thêm 05 cụm công nghiệp (theo phụ lục 3 đính kèm).

c) Các cụm, tuyến công nghiệp khác:

- Đổi với khu cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp thuộc thị xã Kiến Tường và cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây thuộc huyện Đức Huệ, quy hoạch 2 cụm công nghiệp chuyên hoàn tất hoặc lắp ráp sản phẩm kết hợp với kho vận, khởi động sau năm 2015 và đi vào hoạt động sau năm 2020. Diện tích dự kiến 50 ha/cụm và có khả năng mở rộng lên đến 75 ha/cụm.

- Dự trù quỹ đất 2-5 ha/huyện, thị xã, thành phố làm điểm tập trung các cơ sở tiểu thủ công nghiệp.

- Đối với công nghiệp xay xát, đề nghị quy hoạch các cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát kết hợp hệ thống kho vựa tại các huyện như sau:

+ Huyện Vĩnh Hưng: cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát tại xã Tuyên Bình, Tuyến Bình Tây, Khánh Hưng.

+ Huyện Tân Hưng: cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát dọc kênh Trung Ương.

+ Huyện Thạnh Hóa: cụm kết hợp tuyến công nghiệp dọc kênh Dương văn Dương.

+ Huyện Tân Thạnh cụm kết hợp tuyến công nghiệp xay xát kênh Dương văn Dương và kênh 12.

Mỗi cụm kết hợp tuyến xay xát như trên có quy mô định hình 50 ha. Riêng tại thành phố Tân An, dự trù 5-10 ha dọc sông Bảo Định tại phường Tân Khánh để di dời các doanh nghiệp xay xát.

- Sau năm 2020, phát triển 1 cụm công nghiệp chuyên công nghệ cao tại thành phố Tân An (xã Nhơn Thạnh Trung). Diện tích 50 ha và có khả năng mở rộng lên đến 75 ha.

Theo Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2011-2015 của tỉnh, đất cụm công nghiệp là 3.154 ha. Do đó đến năm 2015, tùy vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư, có thể điều chỉnh thêm 730 ha cụm công nghiệp theo hạn mức cho phép.

d) Các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm:

Hệ quả sự hình thành các khu, cụm công nghiệp và các đô thị hậu cần, đô thị vệ tinh dịch vụ công nghiệp, xây dựng vùng nguyên liệu và tổ chức giao lưu vận chuyển mua bán nguyên liệu, thành phẩm công nghiệp sẽ hình thành các khu kinh tế công nghiệp trọng điểm trên các địa bàn cụ thể như sau:

- Huyện Bến Lức: bao gồm 06 khu công nghiệp (Thuận Đạo, Nhựt Chánh, Vĩnh Lộc 2, Thịnh Phát, Phú An Thạnh, Phúc Long) và 05 cụm công nghiệp (Chế biến thực phẩm Vissan, Nhựt Chánh 2, Hiệp Thành, Phong Phú, Quốc Quang). Tổng diện tích quy hoạch sau khi rà soát các khu công nghiệp 1.309 ha, và 277 ha cụm công nghiệp.

- Huyện Đức Hòa: bao gồm 10 khu công nghiệp (Đức Hòa 1, Tân Đức, Xuyên Á, Đức Hòa 3, Thế Kỷ, Tân Phú, Hựu Thạnh, Tân Đô, Hải Sơn, Đại Lộc) và 10 cụm công nghiệp (Liên Hưng, Nhựa Đức Hòa, Hải Sơn, Liên Minh, Hoàng Gia, Đức Thuận, Đức Mỹ, ATAD, Sao Vàng, Liên Á). Tổng diện tích quy hoạch sau khi rà soát các khu công nghiệp 4.340 ha, và 711,67 ha cụm công nghiệp.

- Huyện Cần Giuộc: bao gồm 05 Khu công nghiệp (Tân Kim, Long Hậu, Bắc Tân Tập, Nam Tân Tập, Long Hậu 3) và 05 cụm công nghiệp (Nam Hoa, Tân Phú Thịnh, Hải Sơn, Phát Hải, Caric-Hồng Lĩnh). Tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp 2.633 ha và 558,6 ha cụm công nghiệp.

- Thành phố Tân An: 01 cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn, diện tích quy hoạch 88 ha. Phát triển thêm 01 cụm công nghiệp chuyên công nghệ cao tại thành phố Tân An (xã Nhơn Thạnh Trung), được nâng cấp từ vườn ươm doanh nghiệp với chức năng: trung tâm chuyển giao công nghệ mới kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất sạch và xanh.

- Huyện Cần Đước: bao gồm 03 khu công nghiệp (Thuận Đạo mở rộng, Cầu Tràm, Cầu cảng Phước Đông) và 05 cụm công nghiệp (Long Cang, Long Cang mở rộng, Cảng nước sâu, Bình Tây, Thiên Lộc Thành). Tổng diện tích quy hoạch các khu công nghiệp là 397 ha và các cụm công nghiệp là 1.415,03 ha.

đ) Phát triển tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn và làng nghề:

- Đối với tiểu thủ công nghiệp khu vực nông thôn: hỗ trợ phát triển quỹ đất, thu hút phát triển tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp quy mô vừa và nhỏ tại khu vực nông thôn. Tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực có lợi thế về tiềm năng nguyên liệu, thị trường và tay nghề.

- Đối với làng nghề: ổn định quy mô và nâng cao hiệu quả, chất lượng, mẫu mã các làng nghề; sắp xếp, tổ chức lại theo mô hình hợp tác xã, nâng cao vai trò và hiệu quả hoạt động kinh tế tập thể, tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới trong các làng nghề.

VI. NHU CẦU VỐN ĐẦU TƯ

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là: 91.917 tỷ đồng theo giá hiện hành, trong đó:

+ Giai đoạn 2011-2015 là 37.251 tỷ đồng;

+ Giai đoạn 2016-2020 là 54.666 tỷ đồng.

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư phân theo lĩnh vực đầu tư:

+ Phát triển các khu công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là 20.143 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 7.971 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 12.172 tỷ đồng.

+ Phát triển các cụm công nghiệp giai đoạn 2011-2020 là 4.228 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015 là 1.808 tỷ đồng và giai đoạn 2016-2020 là 2.420 tỷ đồng.

+ Các phân ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 là 67.546 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn đầu tư cho giai đoạn 2011 - 2015 là 27.472 tỷ đồng và giai đoạn 2016 - 2020 là 40.074 tỷ đồng.

VII. DANH MỤC CÁC DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ

Chi tiết theo phụ lục 4 đính kèm

VIII. ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

Chi tiết theo phụ lục 5 đính kèm

IX. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH

1. Giải pháp thu hút đầu tư và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vốn và các nguồn lực phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp

- Đẩy mạnh cải cách hành chính từ cấp tỉnh đến cấp huyện về thủ tục đầu tư tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế triển khai dự án.

- Tiến hành phân loại các khu, cụm công nghiệp và làng nghề để xác định tính chất của các khu, cụm công nghiệp nhằm vận dụng các cơ chế chính sách ưu đãi tương ứng.

- Nghiên cứu vận dụng trong phạm vi Luật, quy định hệ thống chính sách cho các khu, cụm công nghiệp, làng nghề.

- Ưu đãi doanh nghiệp vừa và nhỏ, làng nghề.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp trong việc đầu tư kinh doanh các đô thị, khu dân cư vệ tinh dịch vụ công nghiệp.

- Nâng cao hiệu suất hoạt động của Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ và Trung tâm Xúc tiến Thương mại.

- Thu hút nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp theo đúng ý đồ quy hoạch, hạn chế việc đầu cơ vào thị trường bất động sản.

- Nâng cao hiệu quả hoạt động và tiềm lực tài chính Quỹ khuyến công.

- Thực hiện nhanh và dứt điểm các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế, tìm cơ hội liên doanh liên kết hợp tác.

2. Giải pháp về thị trường và liên kết sản xuất kinh doanh

- Xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất với cơ sở thu mua, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Tăng cường tìm kiếm mở rộng thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa cho các doanh nghiệp và các hộ nông dân. Chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp và nông dân trong quá trình tiêu chuẩn hóa sản xuất nhằm đạt chất lượng sản phẩm đồng nhất.

- Hỗ trợ việc xúc tiến thương mại ở vùng nông thôn nhằm hình thành các kênh sản xuất - thương mại - chế biến nông sản ổn định và bền vững.

- Đẩy mạnh quá trình liên kết giữa thị trường tỉnh với các thị trường bên ngoài.

3. Giải pháp về đầu tư phát triển vùng nguyên liệu và các giải pháp đảm bảo vật tư nguyên liệu phục vụ cho các ngành công nghiệp chế biến

- Lồng ghép các chương trình dự án nông nghiệp với các chương trình dự án phát triển vùng nguyên liệu công nghiệp chế biến.

- Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp chế biến trong việc xây dựng bộ phận nghiệp vụ chuyên về nguyên liệu.

- Phối hợp với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong việc hướng dẫn nông dân chọn giống, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong thâm canh, chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật thu hoạch, bảo quản và vận chuyển sau thu hoạch để nâng cao chất lượng nguyên liệu.

- Đối với các mặt hàng nông sản nhạy cảm, cần nghiên cứu khả năng xây dựng các khu chuyên tồn trữ, bảo quản và thành lập một số quỹ bình ổn giá.

4. Giải pháp thu hút và phát triển nguồn nhân lực

- Đào tạo đồng bộ giữa 3 cấp: đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo thích nghi thông qua quá trình huy động mọi nguồn lực giáo dục, đào tạo trên địa bàn tỉnh (cơ sở dạy nghề, trung tâm giới thiệu việc làm, trung tâm hướng nghiệp tổng hợp, doanh nghiệp tham gia dạy nghề).

- Tạo điều kiện để nhà đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp phát triển các đô thị vệ tinh, các khu dân cư dịch vụ công nghiệp, các chung cư nội bộ khu, cụm công nghiệp nhằm thu hút và tạo điều kiện an cư cho người lao động.

- Tổ chức định kỳ ngày hội lao động và việc làm, ngày hội thi tay nghề.

- Khuyến khích và hỗ trợ đào tạo cán bộ quản lý doanh nghiệp, các bộ phận nghiệp vụ và công nhân cho đơn vị.

5. Giải pháp khoa học công nghệ

- Xây dựng chiến lược dài hạn về phát triển khoa học công nghệ, lên danh mục và triển khai thực hiện các chương trình phát triển khoa học vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nhằm nâng cao hàm lượng công nghệ và tỷ lệ đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp.

- Tổ chức, khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp, doanh nghiệp khoa học công nghệ triển khai ứng dụng công nghệ vào sản xuất.

- Hỗ trợ hình thành các doanh nghiệp khoa học công nghệ chuyên về tư vấn, thẩm định, cải tiến, ứng dụng thích nghi công nghệ, kết hợp với các dịch vụ công trong các lĩnh vực hành chính và kỹ thuật.

- Hỗ trợ việc áp dụng các tiêu chuẩn ISO, HACCP, GMP, SA... cho các doanh nghiệp trọng điểm.

- Tăng cường mối liên hệ với các cơ quan khoa học, các doanh nghiệp R&D trong và ngoài nước nhằm thu hút và tư vấn, giới thiệu chuyển giao công nghệ mới.

- Khuyến khích phát triển tài năng, sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật hiện có, tạo điều kiện thường xuyên bổ sung, bồi dưỡng những kiến thức mới, nâng cao thêm trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển chung.

6. Giải pháp bảo vệ môi trường

- Phối hợp chặt chẽ giữa các ngành và địa phương trong quản lý và xây dựng kế hoạch khai thác hợp lý tài nguyên.

- Xây dựng và triển khai đề án di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.

- Phấn đấu đến 2020, đưa 100% cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vào diện kiểm soát môi trường. Thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra về xử lý chất thải, nước thải bảo vệ môi trường. Khuyến khích và tạo điều kiện đổi mới công nghệ hạn chế gây ô nhiễm môi trường trong quá trình sản xuất.

- Xây dựng giải pháp xử lý nước thải công nghiệp và nước thải sinh hoạt để hạn chế nhiễm bẩn nguồn nước mặt; tổ chức quản lý việc xả nước thải vào nguồn nước; thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải.

- Khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn.

- Đối với các dự án đầu tư mới, đặc biệt là sản xuất sản phẩm mới, bảo vệ môi trường là một yếu tố bắt buộc được thể hiện trong nội dung dự án khi thẩm định dự án.

- Thành lập Tổ chuyên viên thẩm định công nghệ để xem xét và chọn lọc thu hút các loại hình đầu tư công nghiệp có hàm lượng công nghệ cao, ít gây tác động môi trường; sau năm 2015 sẽ hạn chế nghiêm ngặt đầu tư mới các loại hình công nghiệp có công nghệ lạc hậu, nhiều phát thải.

- Xây dựng các quy định và cam kết về công nghệ, lộ trình ứng dụng công nghệ, kết hợp với giám sát chặt chẽ về môi trường trong tiến độ thực hiện dự án để có những khuyến cáo, bổ sung, sửa đổi kịp thời về quy trình sản xuất phù hợp với môi trường.

- Nghiên cứu chuyển đổi dần từ hệ thống kiểm tra môi trường CAC (command and control) hiện nay tại các khu, cụm công nghiệp sang hệ thống quota môi trường.

- Đối với nước thải công nghiệp, hỗ trợ tiến đến kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất trong nội thị trong việc làm sạch phần ô nhiễm công nghiệp trước khi xả vào hệ thống nước thải sinh hoạt của đô thị để qua khu xử lý chung.

- Đối với rác thải công nghiệp, các cơ sở nằm ngoài khu công nghiệp phải có thùng rác riêng, phải đăng ký với các tổ thu gom rác để có thể quản lý và thu gom rác thải, từng bước tiến đến phân loại nguồn rác.

Điều 2. Tổ chức giám sát và thực hiện quy hoạch

1. Giao Sở Công Thương làm cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các Sở, ban ngành tỉnh có liên quan, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An căn cứ chức năng nhiệm vụ của ngành, địa phương mình xây dựng Kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể hóa quy hoạch; kế hoạch phát triển công nghiệp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn (5 năm) với các giải pháp đồng bộ để thực hiện các mục tiêu đã đề ra, giám sát việc thực hiện theo quy hoạch, kịp thời sơ kết, tổng kết đánh giá kịp thời bổ sung điều chỉnh quy hoạch phù hợp với yêu cầu phát triển, gắn kết với quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của tỉnh và quy hoạch ngành công nghiệp của trung ương.

2. UBND các huyện, thị xã Kiến Tường và thành phố Tân An thực hiện tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn các doanh nghiệp thuộc ngành công nghiệp trên địa bàn do địa phương quản lý để có định hướng và kế hoạch phát triển sản xuất kinh doanh phù hợp với mục tiêu, định hướng quy hoạch; đưa các nội dung triển khai quy hoạch này vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, kế hoạch 5 năm của từng địa phương; phối hợp với Sở Công Thương và các ngành chức năng có liên quan kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch được phê duyệt.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ Công Thương;
-
TT.TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các P.CT UBND tỉnh;
- Phòng NCKT;
- Lưu: VT, SoKHĐT, S.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Nguyên

 

PHỤ LỤC 1

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÁC KHU CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An )

STT

KHU CÔNG NGHIỆP

DIỆN TÍCH (ha)

Trước năm 2012

Giai đoạn 2012-2015

Giai đoạn 2016-2020

TỔNG

1

Khu công nghiệp Đông Nam Á

396

 

 

396

2

Khu công nghiệp Phú An Thạnh

307,230

80

305

692,230

3

Khu công nghiệp DNN-Tân Phú

105,477

 

156,520

262

4

Khu công nghiệp Thị trấn Thủ Thừa

 

188

 

188

5

Khu công nghiệp Đức Hòa 1

274,230

 

 

274,230

6

Khu công nghiệp Xuyên Á

305,916

 

94,080

400

7

Khu công nghiệp Thuận Đạo

113,947

 

 

113,947

 

Khu công nghiệp Thuận Đạo mở rộng

189,843

 

 

189,843

8

Khu công nghiệp Nhựt Chánh

125,270

 

 

125,270

9

Khu công nghiệp Việt Phát (Tân Thành)

296,257

311,740

606

1.214

10

Khu công nghiệp Hải Sơn

366,488

 

 

366,488

11

Khu công nghiệp Tân Đô

208,043

 

 

208,043

12

Khu công nghiệp An Nhật Tân 2

 

162

 

162

13

Khu công nghiệp Bắc Tân Tập

244,740

 

 

244,740

14

Khu công nghiệp Hựu Thạnh

 

224

300,140

524,140

15

Khu công nghiệp Thế Kỷ

 

 

120

120

16

Khu công nghiệp Tân Đức

543,354

 

 

543,354

17

Khu công nghiệp Tân Kim

104,100

 

 

104,100

 

Khu công nghiệp Tân Kim mở rộng

52,488

 

 

52,488

18

Khu công nghiệp Vĩnh Lộc 2

225,984

 

 

225,984

19

Khu công nghiệp Long Hậu

141,850

 

 

141,850

 

Khu công nghiệp Long Hậu mở rộng

108,480

 

 

108,480

20

Khu công nghiệp Cầu Tràm

77,823

 

 

77,823

21

Khu công nghiệp Đức Hòa III

1.857,665

 

 

1.857,665

22

Khu công nghiệp An Nhựt Tân

119,203

 

 

119,203

23

Khu công nghiệp Phúc Long

78,415

 

 

78,415

24

Khu công nghiệp Cầu cảng Phước Đông

128,970

 

 

128,970

25

Khu công nghiệp Thịnh Phát

73,372

 

 

73,372

26

Khu công nghiệp Long Hậu-Hòa Bình

117,670

 

 

117,670

27

Khu công nghiệp Nam Thuận (Đại Lộc)

308,390

 

 

308,390

28

Khu công nghiệp Long Hậu 3

 

366

525

891

Tổng cộng

6.871,207

1.331,74

2.106,74

10.309,69

 

PHỤ LỤC 2

CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐẠI BÀN TỈNH LONG AN SAU KHI RÀ SOÁT ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)

STT

Tên Cụm công nghiệp

Địa bàn (huyện, xã)

Diện tích đất (ha)

I

Cụm công nghiệp đã triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng, có doanh nghiệp sản xuất hoạt động, hoặc đăng ký hoạt động

1

Cụm công nghiệp Liên Hưng

huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Hạ

32,85

2

Cụm công nghiệp Nhựa Đức Hòa

huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Hạ

47,66

3

Cụm công nghiệp Liên Minh

huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Hạ

35,93

4

Cụm công nghiệp Hoàng Gia

huyện Đức Hòa, xã Mỹ Hạnh Nam

128

5

Cụm công nghiệp Đức Thuận Long An

huyện Đức Hòa, xã Mỹ Hạnh Bắc

46,80

6

Cụm công nghiệp Đức Mỹ

huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Đông

48,92

7

Cụm công nghiệp Long Cang

huyện Cần Đước, xã Long Định và xã Long Cang

303,89

 

Cụm công nghiệp Quốc tế Năm Sao

huyện Cần Đước, xã Long Định

13

 

Cụm công nghiệp Lợi Lợi

huyện Cần Đước, xã Long Định

25

 

Cụm công nghiệp Anova Group

huyện Cần Đước, xã Long Cang

20

 

Cụm công nghiệp Hoàng Long Long Cang

huyện Cần Đước, xã Long Cang

65

 

Cụm công nghiệp Kiến Thành

huyện Cần Đước, xã Long Cang

30

8

Cụm công nghiệp Lợi Bình Nhơn

TP.Tân An, xã Lợi Bình Nhơn

88,39

9

Cụm công nghiệp Hoàng Hương

huyện Tân Thạnh, xã Tân Bình

14,30

Tổng cộng

746,74

II

Cụm công nghiệp đang triển khai xây dựng hạ tầng

10

Cụm công nghiệp Sao Vàng

huyện Đức Hòa, xã Hòa Khánh Đông

15,30

11

Cụm công nghiệp Hựu Thạnh-Liên Á

huyện Đức Hòa, xã Hựu Thạnh

18,21

12

Cụm công nghiệp Hiệp Thành

huyện Bến Lức, xã Lương Bình

23

13

Cụm công nghiệp chế biến thực phẩm Vissan

huyện Bến Lức, xã Lương Bình

22,40

14

Cụm công nghiệp Nhựt Chánh II

huyện Bến Lức, xã Nhựt Chánh

106,70

15

Cụm công nghiệp Quốc Quang

huyện Bến Lức, xã Lương Bình

19,16

16

Cụm công nghiệp Phát Hải

huyện Cần Giuộc, xã Phước Lý

24

17

Cụm công nghiệp Caric - Hồng Lĩnh

huyện Cần Giuộc, xã Phước Vĩnh Đông

100

18

Cụm công nghiệp Hải Sơn Long Thượng

huyện Cần Giuộc, xã Long Thượng

54,60

19

Cụm công nghiệp Tân Phú Thịnh

huyện Cần Giuộc, xã Trường Bình

30

20

Cụm công nghiệp Thiên Lộc Thành

huyện Cần Đước, xã Long Sơn

18,14

21

Cụm công nghiệp Phước Tân Hưng

huyện Châu Thành, xã Phước Tân Hưng

50

Tổng cộng

481,51

III

Các cụm công nghiệp đang làm thủ tục đầu tư

22

Cụm công nghiệp Hải Sơn

huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Đông

297

23

Cụm công nghiệp ATAD

huyện Đức Hòa, xã Đức Hòa Thượng

41

24

Cụm công nghiệp Phong Phú

huyện Bến Lức, xã Lương Hòa

75

25

Cụm công nghiệp Nam Hoa

huyện Cần Giuộc, xã Trường Bình

280

26

Cụm công nghiệp Việt Hóa Nông

huyện Thạnh Hóa, xã Tân Đông

29

27

Cụm công nghiệp-TTCN Bình Tây

huyện Cần Đước, xã Long Khê

36

28

Cụm công nghiệp Cảng nước sâu

huyện Cần Đước, xã Long Hựu Đông và xã Long Hựu Tây

500, giảm còn 150

29

Cụm công nghiệp Long Cang (mở rộng)

huyện Cần Đước, xã Long Định và xã Long Sơn

557, giảm còn 100

Tổng cộng

1.008

IV

Cụm công nghiệp đã có quyết định thu hồi của UBND tỉnh

30

Cụm công nghiệp Vĩnh Phong

huyện Cần Đước, xã Long Sơn

68

31

Cụm công nghiệp Hoàng Hương I

huyện Tân Thạnh, xã Kiến Bình

50

32

Cụm công nghiệp Đồng Tâm

huyện Cần Đước, xã Long Định và xã Long Cang

300

33

Cụm công nghiệp sạch Vạn Phúc Lộc

TP.Tân An, phường 7

15

34

Cụm công nghiệp-TTCN Tân Kim

huyện Cần Giuộc, xã Tân Kim

17,40

35

Cụm công nghiệp Tân Đông

huyện Thạnh Hóa, xã Tân Đông

187

36

Cụm công nghiệp Nhật Quang

huyện Cần Đước, xã Tân Trạch

30

37

Cụm công nghiệp Thành Tài

huyện Cần Đước, xã Tân Trạch

70

38

Cụm công nghiệp Gemadept

TP.Tân An, xã Nhơn Thạnh Trung

80

39

Cụm công nghiệp Hoàng Long II

huyện Bến Lức, xã Lương Hòa

38

40

Cụm công nghiệp Hoàng Long I

huyện Bến Lức, xã Thanh Phú

266

Tổng cộng

1.121,4

 

PHỤ LỤC 3

CÁC CỤM CÔNG NGHIỆP DỰ KIẾN THÀNH LẬP ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An )

STT

Tên Cụm công nghiệp dự kiến thành lập

Địa bàn (huyện)

Diện tích đất (ha)

1

Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp Lộc Giang

huyện Đức Hòa

74,24

2

Cụm công nghiệp Long Sơn

huyện Cần Đước

48

3

Cụm công nghiệp Tân Trạch

huyện Cần Đước

44

4

Cụm công nghiệp Đức Hòa Hạ

huyện Đức Hòa

81,67

 

Cụm công nghiệp Đức Hòa Đông

huyện Đức Hòa

87

Tổng cộng

334,91

 

PHỤ LỤC 4

DANH MỤC CÁC DỰ ÁN, CÔNG TRÌNH NGHIÊN CỨU THU HÚT, ĐẦU TƯ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An)

STT

Tên dự án

Dự án mới

Công suất

Dự án mở rộng

Công suất

1

Nâng cấp các Nhà máy xay xát xuất khẩu

2011-2015

270.000 Tấn/năm

2017-­2020

270.000 Tấn/năm

2

Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi

2013-­2015

300.000 Tấn/năm

2016­-2020

600.000 Tấn/năm

3

Nhà máy giết mổ gia súc

2016­-2018

540.000 con

 

 

4

Nhà máy chế biến thủy sản

2013­-2016

10.000 Tấn/năm

2017­-2020

20.000 Tấn/năm

5

Nhà máy chế biến súc sản xuất khẩu

2015­-2017

25.000 Tấn/năm

2017­-2018

25.000 Tấn/năm

6

Nhà máy nước quả cô đặc và purê

2016­-2018

3.000 Tấn/năm

2020-­2022

3.000 Tấn/năm

7

Nhà máy rau quả đóng hộp

2013­-2015

5.000 Tấn/năm

2016­-2018

10.000 Tấn/năm

8

Nhà máy thực phẩm đóng hộp

2014­-2015

10.000 Tấn/năm

2017­-2018

10.000

Tấn/năm

9

Nhà máy sản xuất ván ép MDF

2007-­2008

80.000 m2/năm

2013­-2014

80.000 m2/năm

10

Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông đúc sẵn

2016­-2017

20.000 m3/năm

2018-­2019

20.000 m3/năm

11

Nhà máy sản xuất phụ liệu ngành may

2014­-2016

40 Triệu sản phẩm/năm

2017-­2019

40 Triệu sản phẩm/năm

12

Nhà máy sản xuất bao bì các loại

2014-­2015

125.000 Tấn/năm

2014-­2015

125.000 Tấn/năm

13

Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa cao cấp

2015-­2017

80.000 Tấn/năm

2017­-2018

80.000 Tấn/năm

14

Nhà máy đóng và sửa chữa tàu

2015­-2017

60 chiếc/năm

 

 

15

Nhà máy sản xuất các sản phẩm cơ khí

2013-­2016

25.000 Tấn/năm

2013­-2016

25.000 Tấn/năm

16

Nhà máy cơ khí chính xác

2015-2016

6,5 Triệu sản phẩm/năm

2015-2016

6,5 Triệu sản phẩm/năm

17

Nhà máy sản xuất dụng cụ, linh kiện điện

2014­-2016

4 triệu sản phẩm/năm

2014­-2016

4 triệu sản phẩm/năm

18

Nhà máy lắp ráp và chế tạo hàng điện tử

2013­-2015

60.000 sản phẩm/năm

2016-­2017

60.000 sản phẩm/năm

19

Nhà máy sản xuất phân bón

2014­-2015

5.000 Tấn/năm

2017­-2018

5.000 Tấn/năm

20

Nhà máy sản xuất thuốc thú y

2013­-2014

7,5 Triệu sản phẩm/năm

2018­-2019

7,5 Triệu sản phẩm/năm

21

Nhà máy sản xuất sơn các loại

2014-­2015

20.000 Tấn/năm

2016-­2017

20.000 Tấn/năm

22

Nhà máy dược phẩm

2015-­2016

1500 Tấn/năm

2017-­2018

1500 Tấn/năm

23

Nhà máy sản xuất dụng cụ y tế

2015-­2016

10 Triệu sản phẩm/năm

2018­-2019

10 Triệu sản phẩm/năm

 

PHỤ LỤC 5

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3185/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Long An )

1. Đối chiếu mục tiêu về môi trường và mục tiêu công nghiệp hóa

Mục tiêu môi trường

Mục tiêu công nghiệp hóa

Đánh giá mức độ phù hợp

1. Cải thiện môi trường nước mặt: giảm thiểu nguồn phát thải và cải thiện điều kiện thủy sinh, thủy văn.

Phát triển sản xuất công nghiệp

® phát sinh nước thải.

Có tác động nhưng có thể khắc phục thông qua việc bắt buộc xây dựng hệ thống xử lý nước thải và giám sát hiệu quả.

2. Cải thiện môi trường không khí: giảm thiểu bụi, tiếng ồn và các phát thải do công nghiệp, phương tiện giao thông.

Phát triển sản xuất công nghiệp

® phát thải vào môi trường không khí,

® ô nhiễm bụi, tiếng ồn do sinh hoạt, đi lại của công nhân.

Có tác động nhưng có thể khắc phục thông qua việc bắt buộc xây dựng hệ thống xử lý; quy hoạch hệ thống giao thông hợp lý và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng đô thị.

Môi trường không khí nông thôn sẽ được cải thiện nhờ vào nhựa hóa hệ thống giao thông

3. Cải thiện môi trường đất: giảm thiểu ô nhiễm và tăng độ phì.

Phát triển vùng nguyên liệu tiêu chuẩn hóa.

Phù hợp do hệ thống canh tác tiêu chuẩn hóa sẽ dần dần cải thiện môi trường đất.

4. Hạn chế tối đa sự cố môi trường: chống sạt lở, tràn dầu.

Phát triển sản xuất công nghiệp

® tuyến công nghiệp ven sông rạch có tác động đến sạt lở;

® công nghiệp khai thác khoáng.

Có tác động nhưng có thể khắc phục thông qua việc kè bờ sông, quy định nghiêm nhặt về khai thác khoáng và an toàn lao động trong vận hành hệ thống sản xuất, vận chuyển nguyên liệu và thành phẩm.

5. Kiểm soát hiệu quả phát thải: thu gom và xử lý rác thải, nước thải.

Phát triển sản xuất công nghiệp

® phát sinh chất thải.

Có tác động nhưng có thể khắc phục thông qua việc bắt buộc xây dựng hệ thống xử lý các loại phát thải và giám sát hiệu quả.

6. Bảo tồn hệ sinh thái và đa dạng sinh học.

Phát triển khu công nghiệp và đô thị vệ tinh công nghiệp.

Liên quan mờ. Trong phạm vi phát triển cây xanh trong vùng đệm khu cụm công nghiệp và trong các khu đô thị vệ tinh lại thể hiện tính phù hợp.

7. Đảm bảo cấp nước sạch.

Phát triển cấp nước công nghiệp và đô thị vệ tinh.

Phù hợp

8. Kiểm soát chặt chẽ các điểm nóng môi trường.

Phát triển sản xuất công nghiệp tập trung

® phát sinh các điểm nóng.

Có tác động nhưng có thể khắc phục thông qua việc bắt buộc xây dựng hệ thống xử lý các loại phát thải và giám sát hiệu quả.

9. Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Bảo vệ các khu cụm và cơ sở công nghiệp trong bối cảnh biến đổi khí hậu.

Tương đối phù hợp.

2. Dự báo các điểm nóng về môi trường

STT

Khu vực ô nhiễm - suy thoái

Mức độ

1

Tuyến công nghiệp ven Quốc lộ 1 thuộc huyện Bến Lức

***

2

Tuyến công nghiệp ven sông Vàm Cỏ Đông thuộc huyện Bến Lức và Cần Đước

**

3

Khu đô thị có xen lẫn các cơ sở sản xuất công nghiệp

**

4

Các khu nhà ở công nhân tự phát

**

Ghi chú:

- (**). Có khả năng ô nhiễm và suy thoái tương đối nghiêm trọng;

- (***): Có khả năng ô nhiễm và suy thoái nghiêm trọng.