Quyết định 55/2008/QĐ-BCT về nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển lĩnh vực công nghiệp
Số hiệu: 55/2008/QĐ-BCT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Công thương Người ký: Vũ Huy Hoàng
Ngày ban hành: 30/12/2008 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: 29/01/2009 Số công báo: Từ số 93 đến số 94
Lĩnh vực: Công nghiệp, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 55/2008/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN LĨNH VỰC CÔNG NGHIỆP

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG  

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ quy định về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội và Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ;
Căn cứ Nghị định số 99/2006/NĐ-CP ngày 15 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
Căn cứ Nghị định số 140/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc bảo vệ môi trường trong các khâu lập, thẩm định, phê duyệt và tổ chức thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình và dự án phát triển;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 40/2005/QĐ-BCN ngày 23 tháng 12 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp về việc ban hành Quy định tạm thời về quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Cục trưởng thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan và các tổ chức cá nhân tham gia lập quy hoạch phát triển công nghiệp chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- VPCP;
- Các Bộ: KH&ĐT, TC;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán nhà nước;
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Công Thương;
- Bộ Công Thương: các Vụ, Cục CNĐP;
- Lưu VT, KH

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

QUY ĐỊNH

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định nội dung, trình tự, thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt, công bố, quản lý và giám sát thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp theo ngành, lĩnh vực và theo vùng lãnh thổ.

2. Quy định này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia lập quy hoạch phát triển các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương quản lý.

3. Quy hoạch phát triển điện lực, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng thương mại không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quy hoạch phát triển công nghiệp là hệ thống các mục tiêu, định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách về phát triển ngành công nghiệp trong từng thời kỳ nhất định, nhằm phát triển, phân bố ngành công nghiệp hợp lý trên cơ sở sử dụng tiết kiệm và hiệu quả tài nguyên của đất nước.

2. Quản lý công tác quy hoạch phát triển công nghiệp là toàn bộ hoạt động bao gồm: lập, phê duyệt, tổ chức thực hiện, phối hợp thực hiện, kiểm tra, giám sát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 3. Các loại quy hoạch phát triển công nghiệp

Quy hoạch phát triển công nghiệp gồm:

1. Theo ngành, lĩnh vực công nghiệp (sau đây gọi chung là quy hoạch ngành):

a) Quy hoạch tổng thể phát triển các chuyên ngành công nghiệp;

b) Quy hoạch phát triển tiểu thủ công nghiệp.

2. Theo vùng lãnh thổ

a) Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng (bao gồm nhiều tỉnh);

b) Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng kinh tế (theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ);

c) Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là quy hoạch công nghiệp tỉnh);

d) Quy hoạch phát triển công nghiệp theo tuyến (hành lang, vành đai);

đ) Quy hoạch phát triển công nghiệp huyện.

3. Giai đoạn quy hoạch

Tùy theo từng loại, giai đoạn quy hoạch phát triển công nghiệp được lập như sau:

a) Quy hoạch phát triển công nghiệp theo vùng lãnh thổ được lập cho mỗi giai đoạn 10 năm, có xét triển vọng 5-10 năm tiếp theo;

b) Quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương được lập cho 10 năm, có xét triển vọng 5 năm tiếp theo;

c) Quy hoạch phát triển công nghiệp theo ngành được lập cho 10 năm có xét triển vọng 5 – 10 năm tiếp theo.

Trong một số trường hợp đặc biệt do Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định, quy hoạch phát triển công nghiệp có thể có giai đoạn quy hoạch dài hơn.

4. Trong từng thời kỳ, danh mục các ngành, lĩnh vực và các sản phẩm chủ yếu của cả nước phải lập quy hoạch phát triển do Thủ tướng Chính phủ quyết định (hoặc ủy quyền).

Điều 4. Chủ đầu tư không được phép thực hiện các dự án không có trong quy hoạch phát triển công nghiệp đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong trường hợp này, chủ đầu tư phải có văn bản đề nghị cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch bổ sung dự án vào quy hoạch để thực hiện.

Điều 5. Việc lựa chọn các tổ chức tư vấn lập quy hoạch được thực hiện thông qua đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo các quy định hiện hành. Tổ chức tham gia đấu thầu hoặc được chỉ định thầu phải có tư cách pháp nhân về hoạt động quy hoạch, có năng lực hành nghề quy hoạch phù hợp với tính chất của dự án quy hoạch, có tài chính lành mạnh. Người chịu trách nhiệm chính (Chủ nhiệm dự án) phải là người có kinh nghiệm lâu năm hoặc có chuyên môn được đào tạo phù hợp với ngành, lĩnh vực quy hoạch.

Chương 2.

NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Điều 6. Nội dung quy hoạch phát triển công nghiệp

1. Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng và vùng kinh tế trọng điểm (sau đây gọi là quy hoạch vùng) bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tổng quan về tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội vùng;

b) Hiện trạng phát triển ngành công nghiệp vùng và đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn trước.

c) Dự báo xu hướng phát triển;

d) Quy hoạch phát triển;

đ) Chương trình, dự án đầu tư chủ yếu;

e) Nhu cầu vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch;

g) Đánh giá môi trường chiến lược;

h) Các giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch;

i) Tổ chức thực hiện.

Nội dung Quy hoạch phát triển công nghiệp vùng và vùng kinh tế trọng điểm theo Phụ lục 1 của Quy định này.

2. Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, huyện bao gồm những nội dung chính sau đây:

a) Tổng quan về hiện trạng và phương hướng phát triển kinh tế - xã hội;

b) Hiện trạng phát triển ngành công nghiệp tỉnh, huyện và đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp giai đoạn trước (nếu có);

c) Dự báo xu hướng phát triển;

d) Quy hoạch phát triển;

đ) Chương trình, dự án đầu tư chủ yếu;

e) Nhu cầu vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch;

g) Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội;

h) Các giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch;

i) Tổ chức thực hiện.

Nội dung Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh, huyện theo Phụ lục 2 của Quy định này.

Điều 7. Nội dung quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực công nghiệp

Nội dung quy hoạch phát triển và lĩnh vực công nghiệp (sau đây gọi là quy hoạch ngành) gồm:

1. Hiện trạng phát triển ngành và đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch phát triển ngành ở giai đoạn trước.

2. Dự báo

3. Quy hoạch phát triển.

4. Chương trình, dự án đầu tư chủ yếu.

5. Nhu cầu vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch.

6. Đánh giá môi trường chiến lược.

7. Các giải pháp và cơ chế chính sách thực hiện quy hoạch.

8. Tổ chức thực hiện.

Nội dung quy hoạch phát triển ngành và lĩnh vực công nghiệp theo Phụ lục 3 của Quy định này.

Điều 8. Đăng ký kinh phí lập quy hoạch

1. Quy hoạch ngành

Hàng năm, theo tiến độ xây dựng kế hoạch của nhà nước, Bộ Công Thương lập kế hoạch xây dựng các quy hoạch ngành (xây dựng mới và điều chỉnh) cho năm tiếp theo, bao gồm tên quy hoạch, kinh phí dự kiến gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để xem xét cân đối ngân sách theo quy định hiện hành trình Thủ tướng Chính phủ.

2. Quy hoạch địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện)

Hàng năm, theo tiến độ xây dựng kế hoạch của tỉnh, Sở Công Thương lập kế hoạch xây dựng các quy hoạch ngành trên địa bàn cho năm tiếp theo bao gồm tên quy hoạch, kinh phí dự kiến gửi và Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính để xem xét cân đối ngân sách theo quy định hiện hành trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Điều 9. Trình tự, thủ tục lập đề cương, dự toán

1. Đối với quy hoạch vùng, lãnh thổ: Sau khi có văn bản giao nhiệm vụ của Thủ tướng Chính phủ, trình tự, thủ tục lập đề cương, dự toán như đối với quy hoạch ngành quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Đối với quy hoạch ngành

Trên cơ sở bố trí ngân sách, Bộ Công Thương giao nhiệm vụ cho cơ quan chủ trì, cơ quan tư vấn lập các quy hoạch theo danh mục được duyệt. Đơn vị tư vấn có trách nhiệm lập đề cương, dự toán theo quy định và trình Bộ phê duyệt trong tháng 12 của năm trước năm kế hoạch. Đề cương và dự toán được duyệt là cơ sở cho cơ quan tư vấn thực hiện việc lập quy hoạch và thanh toán chi phí theo các quy định hiện hành.

Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung đề cương và dự toán, cơ quan chủ trì xem xét trình Bộ quyết định.

3. Đối với quy hoạch tỉnh, huyện

Trên cơ sở bố trí ngân sách, Sở Công Thương giao nhiệm vụ cơ quan chủ trì, cơ quan tư vấn lập các quy hoạch theo danh mục được duyệt. Đơn vị tư vấn có trách nhiệm lập đề cương, dự toán theo quy định và trình Sở Công Thương để trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong tháng 12 của năm trước năm kế hoạch. Đề cương và dự toán được duyệt là cơ sở cho cơ quan tư vấn thực hiện việc lập quy hoạch và thanh toán chi phí theo các quy định hiện hành.

Trong trường hợp cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung đề cương và dự toán, cơ quan chủ trì xem xét báo cáo Sở Công Thương trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Chi phí cho công tác lập, thẩm định, công bố và điều chỉnh quy hoạch thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 10. Lập báo cáo quy hoạch phát triển công nghiệp

Việc lập báo cáo các loại quy hoạch phát triển công nghiệp bao gồm quy hoạch vùng, ngành, địa phương phải bảo đảm các yêu cầu sau:

1. Tổ chức tư vấn tiến hành lập báo cáo quy hoạch theo đúng đề cương được duyệt và thời hạn được giao.

2. Trong quá trình lập quy hoạch, cơ quan chủ trì chỉ đạo tổ tư vấn thực hiện đúng tiến độ phê duyệt, thực hiện các bước báo cáo trung gian, lấy ý kiến các cơ quan liên quan bằng văn bản và hoàn chỉnh quy hoạch.

3. Đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ; Sau khi hoàn thành quy hoạch, tổ chức tư vấn trình Bộ Công Thương thẩm định, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

4. Đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền và được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt: Sau khi hoàn thành quy hoạch, tổ chức tư vấn trình Bộ Công Thương thẩm định và phê duyệt.

5. Đối với các quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Sau khi hoàn thành quy hoạch, tổ chức tư vấn trình Sở Công thương chủ trì thẩm định và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

Điều 11. Hồ sơ trình thẩm định

1. Đối với quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hồ sơ gồm:

a) Tờ trình phê duyệt của Bộ Công Thương;

b) Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch;

c) Báo cáo quy hoạch đầy đủ (số lượng do cơ quan chủ trì yêu cầu);

d) Báo cáo tóm tắt quy hoạch (số lượng do cơ quan chủ trì yêu cầu);

đ) Ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

e) Văn bản góp ý của các Bộ, ngành, địa phương liên quan.

2. Đối với quy hoạch do Bộ trưởng Bộ Công Thương phê duyệt, hồ sơ gồm:

a) Đề nghị xem xét phê duyệt quy hoạch của tổ chức tư vấn;

b) Tờ trình của cơ quan chủ trì;

c) Dự thảo Quyết định phê duyệt;

d) Báo cáo quy hoạch đầy đủ (số lượng do cơ quan chủ trì yêu cầu);

đ) Báo cáo tóm tắt (số lượng do cơ quan chủ trì yêu cầu);

e) Văn bản góp ý của các Bộ, ngành địa phương có liên quan.

Nội dung Tờ trình và dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch theo Phụ lục 4 của Quy định này.

3. Đối với quy hoạch do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt.

a) Quy hoạch ngành cấp tỉnh, hồ sơ gồm:

- Tờ trình phê duyệt quy hoạch;

- Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch;

- Ý kiến thỏa thuận của Bộ Công Thương;

- Ý kiến của Sở Kế hoạch và Đầu tư;

- Văn bản thẩm định của Sở Công Thương;

- Báo cáo quy hoạch đầy đủ (số lượng do cơ quan chủ trì yêu cầu);

- Báo cáo tóm tắt quy hoạch (số lượng do cơ quan chủ trì yêu cầu);

- Văn bản góp ý của các ban, ngành địa phương có liên quan.

b) Quy hoạch ngành cấp huyện, hồ sơ gồm:

- Tờ trình phê duyệt quy hoạch của Sở Công Thương;

- Dự thảo Quyết định phê duyệt quy hoạch;

- Báo cáo quy hoạch đầy đủ (số lượng do Sở Công Thương yêu cầu);

- Báo cáo tóm tắt quy hoạch (số lượng do Sở Công Thương yêu cầu);

- Văn bản góp ý của các ban, ngành địa phương có liên quan.

Điều 12. Thủ tục thẩm định và phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp

1. Việc thẩm định các báo cáo quy hoạch do Hội đồng thẩm định dự án quy hoạch thực hiện. Hội đồng thẩm định dự án quy hoạch được thành lập theo quy định tại Nghị định 04/2008/NĐ-CP của Chính phủ ngày 11 tháng 01 năm 2008 có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ được quy định tại Nghị định này.

2. Đối với quy hoạch thuộc quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ:

a) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định tại khoản 1 Điều 11 Quy định này, Bộ Công Thương chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định báo cáo quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương có thể thuê tư vấn thẩm định, tư vấn phản biện để phục vụ công tác thẩm định;

b) Trường hợp báo cáo cần bổ sung, hiệu chỉnh, Bộ Công Thương yêu cầu tư vấn sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi đề án quy hoạch đã được hoàn chỉnh, Bộ Công Thương hoàn thành báo cáo thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

2. Đối với quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương:

a) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định tại khoản 2 Điều 11 Quy định này, Bộ Công Thương giao cho cơ quan chủ trì quy hoạch thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định báo cáo quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết, có thể thuê tư vấn thẩm định, tư vấn phản biện để phục vụ công tác thẩm định;

b) Trường hợp đề án cần bổ sung, hiệu chỉnh, cơ quan chủ trì yêu cầu tư vấn sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi đề án quy hoạch đã được hoàn chỉnh, cơ quan chủ trì hoàn thành báo cáo thẩm định trình Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét, phê duyệt.

3. Đối với quy hoạch thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

a) Trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định tại khoản 3 Điều 11 Quy định này, Sở Công Thương chủ trì thành lập Hội đồng thẩm định để tiến hành thẩm định báo cáo quy hoạch. Trong trường hợp cần thiết, có thể thuê tư vấn thẩm định, tư vấn phản biện để phục vụ công tác thẩm định;

b) Trường hợp đề án cần bổ sung, hiệu chỉnh, Sở Công Thương yêu cầu tư vấn sửa đổi, bổ sung. Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi đề án quy hoạch đã được hoàn chỉnh, Sở Công Thương hoàn thành báo cáo thẩm định trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt.

Chương 3.

QUẢN LÝ THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP

Điều 13. Phân cấp quản lý quy hoạch phát triển công nghiệp

1. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch phát triển công nghiệp vùng lãnh thổ; chỉ đạo thực hiện các dự án công nghiệp quan trọng theo quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm quản lý quy hoạch phát triển công nghiệp địa phương, phối hợp với Bộ Công Thương chỉ đạo đôn đốc việc thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp trên địa bàn do mình quản lý.

3. Các tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động công nghiệp có liên quan có trách nhiệm thực hiện quy hoạch phát triển công nghiệp theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

Điều 14. Sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển công nghiệp

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp thuộc thẩm quyền Thủ tướng phê duyệt theo đề nghị của Bộ Công Thương.

2. Bộ trưởng Bộ Công Thương quyết định sửa đổi, bổ sung Quy hoạch phát triển công nghiệp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định sửa đổi, bổ sung Quy hoạch công nghiệp thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sau khi có thỏa thuận của Bộ Công Thương.

4. Các dự án nhóm A theo quy định tại Nghị định số 112/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29 tháng 9 năm 2006 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình không có trong quy hoạch đã được duyệt, chỉ được tiến hành thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư khi được Thủ tướng Chính phủ cho phép theo đề nghị của Bộ Công Thương.

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu bổ sung dự án vào quy hoạch, Bộ Công Thương xem xét và báo cáo Thủ tướng Chính phủ đồng thời trả lời cơ quan có yêu cầu bổ sung quy hoạch biết.

Điều 15. Công bố quy hoạch phát triển công nghiệp

1. Ngoài việc công bố theo quy định về văn bản quy phạm pháp luật, quy hoạch phát triển công nghiệp sau khi được phê duyệt được công bố công khai trên website của Bộ Công Thương và của tỉnh có quy hoạch được duyệt.

2. Bộ Công Thương chịu trách nhiệm công bố quy hoạch phát triển công nghiệp thuộc thẩm quyền phê duyệt và được ủy quyền phê duyệt.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm công bố quy hoạch phát triển công nghiệp.

Điều 16. Chế độ báo cáo, kiểm tra thực hiện quy hoạch

1. Sở Công Thương chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Công Thương trước ngày 10 tháng 12 hàng năm về tình hình thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp đã được phê duyệt.

2. Các Vụ quản lý chuyên ngành thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng trước ngày 20 tháng 12 hàng năm về tình hình thực hiện các quy hoạch phát triển công nghiệp đã được phê duyệt.

3. Chế độ kiểm tra thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch hàng năm tuân thủ theo quy định hiện hành.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

PHỤ LỤC 1

NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÙNG VÀ VÙNG KINH TẾ TRỌNG ĐIỂM
(Kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Phần mở đầu: Nêu các cơ sở pháp lý, sự cần thiết của quy hoạch và đối tượng quy hoạch

PHẦN 1

TỔNG QUAN VỀ HIỆN TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG

Chương I: Hiện trạng về phát triển kinh tế - xã hội của vùng

1. Diện tích, vị trí địa lý, tài nguyên, tiềm năng kinh tế, nhân lực ….

2. Hiện trạng kinh tế - xã hội: GDP và cơ cấu GDP, tình hình thu chi ngân sách, dân số …

3. Vị trí kinh tế - xã hội của vùng trong tổng thể của cả nước.

Chương II: Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội

1. Kịch bản phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn quy hoạch: GDP, cơ cấu GDP, dân số và xu hướng đô thị hóa ….

2. Triển vọng hợp tác kinh tế giữa các tỉnh trong vùng và giữa vùng với các vùng khác.

PHẦN 2

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH GIAI ĐOẠN TRƯỚC

Chương III: Hiện trạng phát triển ngành công nghiệp vùng

1. Phân tích cơ cấu ngành, sản phẩm chủ lực, đầu tư, khoa học – công nghệ, lao động … của toàn ngành công nghiệp trong vùng.

- Ngành công nghiệp A: quy mô, năng lực sản xuất, tình hình thị trường ….

- Ngành công nghiệp B: quy mô, năng lực sản xuất, tình hình thị trường ….

………

2. Hiện trạng về quy mô và năng lực sản xuất.

3. Hiện trạng về chất lượng và thị trường sản phẩm.

4. Hiện trạng về trình độ công nghệ.

5. Hiện trạng về tình hình và hiệu quả đầu tư.

6. Hiện trạng về thị trường sản xuất nguyên phụ liệu (công nghiệp phụ trợ).

7. Đánh giá hiện trạng phát triển công nghiệp.

Chương IV: Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ở giai đoạn trước

1. Đánh giá các chỉ tiêu giữa quy hoạch và thực tế.

2. Đánh giá nguyên nhân trong và ngoài nước ảnh hưởng đến quy hoạch.

3. Bài học và kinh nghiệm.

PHẦN 3

DỰ BÁO

Chương V: Đánh giá những nhân tố trong và ngoài nước ảnh hưởng đến phát triển ngành trong thời gian quy hoạch.

1. Xác định vị trí, vai trò của vùng đối với nền kinh tế quốc dân.

2. Phân tích cung, cầu và tình hình cạnh tranh trên thế giới và khu vực. Tác động của hội nhập kinh tế quốc tế.

3. Đánh giá thế mạnh và tính liên kết của công nghiệp vùng với cả nước và với các vùng khác.

4. Lựa chọn các ngành (sản phẩm) công nghiệp chủ lực (chủ yếu); Luận giải các tiêu chí về lựa chọn các sản phẩm chủ lực, ưu tiên phát triển.

Chương VI: Dự báo nhu cầu sản phẩm

1. Các phương pháp dự báo.

2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu của vùng và của cả nước.

3. Dự báo về khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

PHẦN 4

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển.

2. Mục tiêu (mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể).

3. Định hướng phát triển.

Chương VII: Các phương án phát triển công nghiệp

1. Các phương án phát triển

2. Luận chứng các phương án phát triển và phân bố ngành theo không gian lãnh thổ và lựa chọn phương án phát triển công nghiệp vùng.

3. Quy hoạch phát triển các chuyên ngành công nghiệp (bao gồm cả công nghiệp hỗ trợ) trong vùng.

4. Xây dựng các chương trình và danh mục các dự án chủ yếu xây dựng trong thời kỳ quy hoạch.

Chương VIII: Nhu cầu vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch.

1. Nhu cầu vốn đầu tư cho các chuyên ngành công nghiệp.

2. Tổng hợp vốn đầu tư theo các thời kỳ quy hoạch.

3. Các giải pháp huy động vốn.

Chương IX. Đánh giá môi trường chiến lược

1. Đánh giá khái quát hiện trạng môi trường.

2. Dự báo tác động ảnh hưởng.

3. Định hướng các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ môi trường.

4. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường.

PHẦN 5

CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

1. Các giải pháp chủ yếu.

2. Các cơ chế chính sách.

3. Tổ chức thực hiện

Phần kết luận và kiến nghị: Nêu tóm tắt lại những mục tiêu chính cần thực hiện của quy hoạch và các kiến nghị cần thiết.

 

PHỤ LỤC 2

NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP ĐỊA PHƯƠNG (TỈNH, HUYỆN)
(Kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Phần mở đầu: Nêu các cơ sở pháp lý, sự cần thiết của quy hoạch và đối tượng quy hoạch

PHẦN 1

TỔNG QUAN VỀ HIỆN TRẠNG VÀ PHƯƠNG HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI

Chương I: Hiện trạng về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương

1. Diện tích, vị trí địa lý, tài nguyên, tiềm năng kinh tế, nhân lực ….

2. Hiện trạng kinh tế - xã hội: GDP và cơ cấu GDP, tình hình thu chi ngân sách, dân số …

3. Vị trí kinh tế - xã hội của địa phương trong tổng thể vùng (tỉnh).

Chương II: Phương hướng phát triển kinh tế - xã hội

1. Kịch bản phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn quy hoạch: GDP, cơ cấu GDP, dân số và xu hướng đô thị hóa ….

2. Triển vọng hợp tác kinh tế với các địa phương lân cận và cả nước.

PHẦN 2

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP GIAI ĐOẠN TRƯỚC

Chương III: Hiện trạng phát triển ngành công nghiệp địa phương

1. Phân tích cơ cấu ngành, sản phẩm chủ lực, đầu tư, khoa học – công nghệ, lao động … của ngành công nghiệp.

- Ngành công nghiệp A: quy mô, năng lực sản xuất, tình hình thị trường ….

- Ngành công nghiệp B: quy mô, năng lực sản xuất, tình hình thị trường ….

………

2. Hiện trạng về quy mô và năng lực sản xuất.

3. Hiện trạng về chất lượng và thị trường sản phẩm.

4. Hiện trạng về trình độ công nghệ.

5. Hiện trạng về tình hình và hiệu quả đầu tư.

6. Hiện trạng về thị trường sản xuất nguyên phụ liệu (công nghiệp phụ trợ).

7. Đánh giá hiện trạng phát triển công nghiệp.

Chương IV: Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ở giai đoạn trước

1. Đánh giá các chỉ tiêu giữa quy hoạch và thực tế.

2. Đánh giá nguyên nhân trong và ngoài nước ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương.

3. Bài học và kinh nghiệm.

PHẦN 3

DỰ BÁO

Chương V: Đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển ngành trong thời gian quy hoạch.

1. Xác định vị trí, vai trò của địa phương.

2. Phân tích cung, cầu và tình hình cạnh tranh trên thế giới và khu vực. Tác động của hội nhập kinh tế.

3. Đánh giá thế mạnh và tính liên kết của công nghiệp của địa phương với cả nước và với các địa phương lân cận

Chương VI: Dự báo nhu cầu sản phẩm:

1. Các phương pháp dự báo.

2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu.

3. Dự báo về khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

PHẦN 4

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển.

2. Mục tiêu (mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể).

3. Định hướng phát triển.

Chương VII: Các phương án phát triển công nghiệp

1. Các phương án phát triển

2. Luận chứng các phương án và lựa chọn phương án phát triển công nghiệp.

3. Quy hoạch phát triển các chuyên ngành công nghiệp (bao gồm cả công nghiệp hỗ trợ).

Chương VIII: Nhu cầu vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch.

1. Danh mục các công trình chủ yếu xây dựng trong thời kỳ quy hoạch.

2. Nhu cầu vốn đầu tư cho các chuyên ngành công nghiệp.

3. Tổng hợp vốn đầu tư theo các thời kỳ quy hoạch

4. Các giải pháp huy động vốn.

Chương IX: Đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội.

1. Tác động dân số.

2. Hiệu quả kinh tế - xã hội: đóng góp GTSX, thay đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, di dân tái định cư …

PHẦN 5

CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

1. Các giải pháp chủ yếu.

2. Các cơ chế chính sách.

3. Tổ chức thực hiện

Phần kết luận và kiến nghị: Nêu tóm tắt lại những mục tiêu chính cần thực hiện của quy hoạch và các kiến nghị cần thiết.

 

PHỤ LỤC 3

NỘI DUNG QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP NGÀNH
(Kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Phần mở đầu: Nêu các cơ sở pháp lý, sự cần thiết của quy hoạch và đối tượng quy hoạch

PHẦN 1

HIỆN TRẠNG PHÁT TRIỂN NGÀNH VÀ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH GIAI ĐOẠN TRƯỚC

Chương I: Hiện trạng phát triển ngành

1. Phân tích cơ cấu ngành, sản phẩm chủ lực, đầu tư, khoa học – công nghệ, lao động … của ngành.

- Hiện trạng về quy mô và năng lực sản xuất.

- Hiện trạng về cơ cấu ngành theo thành phần kinh tế và tổ chức quản lý.

- Hiện trạng về thị trường sản phẩm.

- Hiện trạng về nguồn nhân lực, công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học công nghệ.

- Hiện trạng về thị trường nguyên phụ liệu (công nghiệp phụ trợ).

- Đánh giá chung về ngành: tốc độ tăng trưởng, hiệu quả tăng trưởng …

2. Bài học kinh nghiệm, những thành công, hạn chế trong quá trình phát triển, nguyên nhân.

Chương II: Đánh giá tình hình thực hiện quy hoạch ở giai đoạn trước

1. Đánh giá các chỉ tiêu giữa quy hoạch và thực tế

2. Đánh giá nguyên nhân trong và ngoài nước ảnh hưởng đến quy hoạch của địa phương.

3. Bài học và kinh nghiệm

PHẦN 2

DỰ BÁO

Chương III: Đánh giá những nhân tố ảnh hưởng đến phát triển ngành trong thời gian quy hoạch

1. Xác định vị trí, vai trò của ngành trong nền kinh tế quốc dân.

2. Phân tích cung, cầu và tình hình cạnh tranh trên thế giới và khu vực. Tác động của hội nhập kinh tế.

3. Phân tích, dự báo các yếu tố và nguồn lực tác động đến sự phát triển ngành.

Chương IV: Dự báo nhu cầu sản phẩm

1. Các phương pháp dự báo

2. Dự báo nhu cầu tiêu thụ một số sản phẩm chủ yếu.

3. Dự báo về khả năng cạnh tranh của sản phẩm.

PHẦN 3

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN

1. Quan điểm phát triển ngành.

2. Mục tiêu (mục tiêu chung và mục tiêu cụ thể).

3. Định hướng phát triển.

Chương V: Các phương án phát triển

1. Luận chứng các phương án/kịch bản phát triển ngành

2. Lựa chọn các ngành (sản phẩm) công nghiệp chủ lực.

3. Quy hoạch phát triển ngành.

4. Luận chứng phân bổ ngành theo không gian lãnh thổ.

5. Quy hoạch phát triển công nghiệp hỗ trợ cho phát triển ngành.

6. Các chương trình, dự án đầu tư ưu tiên trong 5 năm tới.

Chương VI: Nhu cầu vốn đầu tư theo các kỳ kế hoạch

1. Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành.

2. Nhu cầu vốn đầu tư cho công nghiệp hỗ trợ

3. Tổng hợp vốn đầu tư theo các thời kỳ quy hoạch.

4. Các giải pháp huy động vốn.

Chương VII: Đánh giá môi trường chiến lược

1. Đánh giá khái quát hiện trạng môi trường.

2. Dự báo tác động ảnh hưởng

3. Định hướng các mục tiêu, chỉ tiêu bảo vệ môi trường.

4. Phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường.

PHẦN 4

CÁC GIẢI PHÁP VÀ CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH

1. Các giải pháp chủ yếu

2. Các cơ chế chính sách.

3. Tổ chức thực hiện.

Phần kết luận và kiến nghị: Nêu tóm tắt lại những mục tiêu chính cần thực hiện của quy hoạch và các kiến nghị cần thiết

 

PHỤ LỤC 4

NỘI DUNG TỜ TRÌNH VÀ DỰ THẢO QUYẾT ĐỊNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 55/2008/QĐ-BCT ngày 30 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

1. Nội dung Tờ trình

a) Giải trình ý kiến góp ý của các Bộ, ngành.

b) Sự cần thiết xây dựng quy hoạch phát triển ngành (vùng).

c) Dự báo nhu cầu.

d) Quy hoạch phát triển ngành (vùng):

- Quan điểm phát triển;

- Mục tiêu phát triển;

- Định hướng phát triển;

- Luận chứng và lựa chọn phương án phát triển ngành (vùng);

- Các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

đ) Nhu cầu vốn.

e) Các giải pháp và cơ chế chính sách chủ yếu.

2. Nội dung dự thảo Quyết định

a) Quan điểm phát triển

b) Mục tiêu phát triển.

c) Quy hoạch phát triển

d) Tổ chức thực hiện.

Phụ lục: Danh mục các chương trình, dự án chủ yếu ưu tiên xây dựng.