Quyết định 31/2011/QĐ-UBND về Quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm do Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành
Số hiệu: 31/2011/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Lê Trường Lưu
Ngày ban hành: 07/09/2011 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Nông nghiệp, nông thôn, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 31/2011/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 07 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VÙNG NUÔI TÔM TẬP TRUNG ĐẢM BẢO AN TOÀN DỊCH BỆNH VÀ VỆ SINH THỰC PHẨM

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thuỷ sản ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2005 của Chính phủ Quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản;

Căn cứ Thông tư số 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22 tháng 7 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

Theo Báo cáo thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp tại Công văn số 417/BC-STP ngày 28 tháng 6 năm 2011;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 710/TTr-SNNPTNT ngày 14 tháng 7 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vùng nuôi tôm tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 9 năm 2011. Quyết định 3014/2005/QĐ-UBND ngày 25 tháng 8 năm 2005 của UBND tỉnh và các quy định trước đây của UBND tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện vùng đầm phá ven biển, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VÙNG NUÔI TÔM TẬP TRUNG ĐẢM BẢO AN TOÀN DỊCH BỆNH VÀ VỆ SINH THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về nội dung quản lý vùng nuôi tôm sú (Penaeus monodon), tôm chân trắng (Penaeus vannamei Boone) thương phẩm tập trung trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm, nhằm mục đích phát triển nghề nuôi tôm của tỉnh bền vững.

2. Đối tượng áp dụng

- Các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có liên quan đến việc sản xuất, kinh doanh và nuôi thương phẩm tôm sú, tôm chân trắng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Các cơ quan quản lý liên quan, các chủ đầu tư dự án phát triển nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở nuôi tôm: là nơi diễn ra hoạt động nuôi tôm sú trong đầm phá, nuôi tôm chân trắng vùng đất cát ven biển do cá nhân, hộ gia đình hoặc tổ chức làm chủ;

2. Vùng nuôi tôm tập trung: Là khu vực có một hoặc nhiều cơ sở nuôi tôm có quy mô diện tích từ 10 ha trở lên, có cùng các yếu tố về cơ sở hạ tầng như giao thông, hệ thống cấp nước và xử lý nước thải,... độc lập hoặc tương đối độc lập và không phân biệt địa giới hành chính.

3. Quản lý vùng nuôi tôm tập trung: Là biện pháp kiểm soát các hoạt động trong nuôi tôm, bao gồm từ khâu chọn địa điểm để xây dựng ao nuôi, cải tạo ao, xử lý nước, thả giống, chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh đến thu hoạch tôm thương phẩm.

4. Hệ thống xử lý nước: Bao gồm ao lắng để chứa và làm sạch nguồn nước trước khi cấp vào ao nuôi; ao chứa nước thải để xử lý làm giảm thiểu ô nhiễm trong nước thải trước khi xả ra môi trường xung quanh.

5. Chất thải: Các chất thải từ hoạt động nuôi tôm, bao gồm chất thải rắn, chất thải lỏng như: thức ăn thừa, phân tôm, xác tôm chết, dư lượng các loại thuốc, hoá chất phòng trị bệnh cho tôm, chế phẩm sinh học và các chất xử lý môi trường ao nuôi, nước thải từ ao nuôi.

6. Vùng nuôi hạ triều: Là vùng ngập nước thường xuyên hoặc không thường xuyên ven đầm phá, ao nuôi không thể phơi khô đáy để tiến hành xử lý, cải tạo ao bảo đảm theo quy trình kỹ thuật nuôi bán thâm canh hoặc thâm canh. Thông thường vùng nuôi hạ triều là vùng mặt nước đầm phá bên ngoài đê ngăn mặn, các ô, bàu ven đầm phá.

7. Vùng nuôi cao triều: Là vùng đất không ngập nước ven đầm phá, ao nuôi có thể phơi khô đáy để tiến hành xử lý bảo đảm theo quy trình kỹ thuật nuôi bán thâm canh hoặc thâm canh. Thông thường vùng nuôi cao triều là vùng đất ven đầm phá bên trong đê ngăn mặn, vùng đất các cồn trên đầm phá, vùng đất cát ven biển.

8. An toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm (ATVSTP): là cơ sở vùng nuôi đạt các tiêu chí sau:

- Ðảm bảo sản phẩm tôm nuôi không có dư lượng các chất bị cấm sử dụng;

- Ðảm bảo sản phẩm tôm nuôi không có hàm lượng các chất có thể gây hại như kim loại nặng, hoá chất tẩy trùng, thuốc bảo vệ thực vật, kháng sinh... vượt quá giới hạn cho phép sử dụng làm thực phẩm cho người;

- Hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ, rủi ro sinh bệnh trên tôm và làm sản phẩm tôm nuôi bị nhiễm vi sinh vật gây bệnh cho người tiêu dùng;

- Các mối nguy về an toàn dịch bệnh và vệ sinh thực phẩm trong các cơ sở, vùng nuôi tôm phải được kiểm soát.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÙNG NUÔI TẬP TRUNG

Điều 3. Quy định chung

1. Cơ sở, vùng nuôi tôm phải nằm trong vùng quy hoạch chung của tỉnh, huyện, quy hoạch chi tiết của xã; tuân thủ theo các quy định về nuôi tôm của Nhà nước. Đối với những cơ sở nhỏ lẻ nằm ngoài vùng quy hoạch và nuôi trước khi có Quy chế này thì trên cơ sở Quy hoạch điều chỉnh nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã được ban hành, giao địa phương rà soát lại để bổ sung quy hoạch cho phù hợp. Nếu cơ sở, vùng nuôi không có hoặc không phù hợp với quy hoạch của địa phương thì cần có phương án chuyển đổi đối tượng cây trồng vật nuôi khác.

2. Các tổ chức, cơ sở, vùng nuôi tôm phải đăng ký theo quy định tại Nghị định số 59/2005/NĐ-CP ngày 04/5/2005 của Chính phủ quy định về điều kiện sản xuất, kinh doanh một số ngành nghề thủy sản.

3. Các dự án đầu tư nuôi tôm phải tuân thủ các quy định của Nhà nước về đánh giá tác động môi trường. Đối với các cơ sở nuôi tôm của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình triển khai xây dựng ao nuôi phải đảm bảo đúng thiết kế của toàn vùng được cơ quan chuyên môn có thẩm quyền phê duyệt; đồng thời có trách nhiệm và nghĩa vụ trong đầu tư và vận hành sử dụng có hiệu quả hệ thống cơ sở hạ tầng chung như kênh mương cấp và thoát nước, hệ thống ao xử lý nước cấp và thải,...

Điều 4. Quy định về điều kiện cơ sở hạ tầng vùng nuôi

1. Hệ thống ao nuôi

a) Ao nuôi phải có diện tích mặt nước tối thiểu 3.000 m2 đối với các ao nuôi vùng thấp triều, 2.500 m2 đối với các ao ở vùng nuôi cao triều và 2.000 m2 đối với các ao nuôi có lót bạt ở vùng trên cát ven biển. Đối với các ao nuôi tôm thâm canh, độ sâu từ đáy ao đến mặt bờ phải đạt tối thiểu 2,0m.

b) Ao phải có cống cấp và thoát nước riêng biệt, đảm bảo chắc chắn không rò rỉ. Cống cấp phải có lưới chắn lọc nước nhằm loại bỏ cá tạp, địch hại và cỏ rác khi cấp nước vào ao.

2. Hệ thống xử lý nước cấp và chất thải

a) Đối với nuôi tôm sú, tôm chân trắng bán thâm canh và thâm canh: cơ sở, vùng nuôi tôm phải có đầy đủ hệ thống ao chứa (lắng), hệ thống xử lý nước thải và khu chứa bùn thải đảm bảo theo đúng Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cụ thể như sau:

- Ao chứa (lắng): Dùng để trữ nước và xử lý làm sạch nước trước khi cấp cho các ao nuôi; diện tích ao chứa chiếm từ 15 - 20% tổng diện tích mặt nước của cơ sở, vùng nuôi; bờ và đáy ao chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu.

- Hệ thống xử lý nước thải: Các cơ sở, vùng nuôi tôm cần có hệ thống xử lý nước thải từ ao nuôi tôm trước khi thải ra môi trường.

- Khu chứa bùn thải: cơ sở, vùng nuôi tôm phải có khu chứa bùn thải đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải sau mỗi đợt nuôi, khu chứa bùn thải có bờ ngăn không để bùn và nước từ bùn thoát ra môi trường xung quanh.

b) Đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và xen ghép với các đối tượng nuôi khác vùng đầm phá: cơ sở, vùng nuôi tôm phải có khu chứa bùn thải đảm bảo xử lý hết lượng bùn thải trong quá trình cải tạo, khu chứa bùn thải có bờ ngăn không để bùn và nước bùn thoát ra môi trường xung quanh.

3. Hệ thống kênh cấp và kênh thoát nước

a) Đối với nuôi tôm chân trắng thâm canh vùng cát ven biển và nuôi tôm sú bán thâm canh vùng cao triều ven đầm phá: Đảm bảo đúng theo Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Cơ sở, vùng nuôi tôm phải có kênh cấp và kênh thoát nước riêng biệt, chắc chắn, không rò rỉ, thẩm lậu, đảm bảo đủ cấp và thoát nước khi cần thiết”.

b) Đối với nuôi tôm sú quảng canh cải tiến và xen ghép với các đối tượng nuôi khác vùng hạ triều đầm phá: Tùy điều kiện của từng vùng, đảm bảo việc lấy nước vào ao nuôi không cùng thời điểm với xả nước từ ao nuôi ra môi trường xung quanh.

4. Khu vực sơ chế, bảo quản tôm nguyên liệu sau thu hoạch

Khuyến khích các cơ sở, vùng nuôi đầu tư đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và điều kiện tại Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn “Khu vực sơ chế, bảo quản tôm nguyên liệu sau thu hoạch phải cách ly với khu vực nuôi tôm”.

5. Hệ thống cơ sở hạ tầng phụ trợ

a) Tùy theo điều kiện của từng vùng, cơ sở và vùng nuôi thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng phụ trợ đảm bảo bảo quản thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các sản phẩm xử lý môi trường, chế phẩm sinh học đúng tiêu chuẩn kỹ thuật và sản xuất có hiệu quả.

b) Đối với cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh thực hiện theo Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT: “Các công trình phụ trợ phải tách biệt với hệ thống ao nuôi, đảm bảo các yêu cầu: chắc chắn, khô ráo, thông thoáng và có kệ để nguyên vật liệu cách sàn nhà tối thiểu 15cm; có ngăn bảo quản riêng biệt máy móc, ngư cụ, thức ăn, thuốc thú y thủy sản, các sản phẩm xử lý cải tạo môi trường, nhiên liệu.”

Điều 5. Điều kiện về trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng

1. Cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh phải đảm bảo đầy đủ trang thiết bị, máy móc, dụng cụ chuyên dùng cho vận hành sản xuất theo Phụ lục 1 của Quy chế này.

2. Cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng thâm canh phải được trang bị hệ thống máy bơm và xây dựng hệ thống cấp, thoát nước cho cả vùng.

Đối với các cơ sở, vùng nuôi tôm cao triều ven đầm phá, khuyến khích cộng đồng người nuôi thực hiện xây dựng hệ thống kênh cấp, thoát nước và hệ thống máy bơm cho cả vùng.

3. Động cơ và thiết bị dùng trong nuôi tôm phải đảm bảo kỹ thuật, không được rò rỉ xăng dầu gây ô nhiễm môi trường.

Điều 6. Các quy định về quy trình công nghệ nuôi tôm

1. Thời vụ nuôi

Việc thả nuôi phải bảo đảm tuân theo khung lịch thời vụ và hướng dẫn hàng năm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Chuẩn bị ao nuôi

a) Đối với nuôi tôm thâm canh

- Trước khi thả giống, cơ sở nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi với các biện pháp phù hợp nhằm giảm thiểu mầm bệnh và cải thiện chất lượng đáy ao, bảo đảm thời gian gián đoạn tối thiểu 01 tháng sau mỗi đợt nuôi.

- Nước cấp vào ao nuôi tôm phải được xử lý nhằm loại bỏ mầm bệnh, địch hại. Nước cấp vào ao nuôi và nước trong ao suốt quá trình nuôi tôm phải đảm bảo chất lượng theo Phụ lục 2 của Quy chế này.

b) Đối với các hình thức nuôi khác: Tùy theo điều kiện của từng vùng, cơ sở và vùng nuôi tôm phải cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, đảm bảo tiêu diệt địch hại của đối tượng nuôi, xử lý các yếu tố môi trường nước trong ao nuôi trước khi thả tôm giống đạt tối thiểu giới hạn cho phép của tôm và không gây “sốc” cho tôm khi thả giống.

3. Tôm giống

Việc sản xuất, ương, kinh doanh, vận chuyển tôm giống phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật hiện hành.

Chất lượng tôm giống phải bảo đảm Tiêu chuẩn Việt Nam và các quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tôm giống trước khi thả nuôi phải được kiểm tra dịch bệnh qua máy PCR và có xác nhận của Chi cục Thú y.

4. Mật độ tôm giống thả

a) Nuôi tôm sú vùng hạ triều đầm phá: < 10 con P15/m2.

b) Nuôi tôm sú vùng cao triều đầm phá: Từ 10 đến 20 con P15 /m2 đối với nuôi chuyên tôm bán thâm canh và 25 đến 40 con P15/m2 đối với nuôi chuyên tôm thâm canh.

c) Nuôi tôm chân trắng vùng cát ven biển: > 60 con P15/m2.

d) Trường hợp nuôi các loại tôm khác như: tôm rảo, tôm rằn,..thì mật độ tôm giống thả nuôi phải theo sự hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản.

5. Thức ăn và chất bổ sung thức ăn

a) Khuyến khích sử dụng thức ăn công nghiệp, không sử dụng thức ăn tươi sống trong nuôi tôm.

b) Thức ăn và chất bổ sung thức ăn phải nằm trong danh mục được phép lưu hành tại Việt Nam.

c) Trường hợp cơ sở tự sản xuất thức ăn cho tôm thì chất lượng thức ăn phải đảm bảo theo quy định của Tiêu chuẩn ngành 28 TCN 102 : 2004 Thức ăn hỗn hợp dạng viên cho tôm sú.

6. Hóa chất, thuốc và các chế phẩm sinh học dùng trong nuôi tôm

a) Việc kinh doanh thuốc, hoá chất trong nuôi trồng thủy sản phải đảm bảo đúng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Các loại thuốc, hoá chất đưa vào sử dụng và kinh doanh trong nuôi tôm không nằm trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và Thông tư số 20/2010/TT-BNNPTNT ngày 02/4/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bổ sung, sửa đổi Thông tư số 15/2009/TT-BNN ngày 17/3/2009 ban hành Danh mục thuốc, hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, hạn chế sử dụng.

c) Hạn chế việc sử dụng thuốc kháng sinh, khi cần thiết phải sử dụng thuốc kháng sinh phải theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản và phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh 4 tuần trước khi thu hoạch tôm thương phẩm.

d) Khuyến khích sử dụng các chế phẩm sinh học hoặc các chất xử lý, cải thiện môi trường trong quá trình nuôi.

7. Quản lý và chăm sóc

a) Đối với nuôi tôm thâm canh vùng đất cát ven biển, nuôi chuyên tôm bán thâm canh vùng cao triều ven đầm phá: Thực hiện theo đúng Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:

- Mực nước ao nuôi: phải được duy trì thấp nhất 1,4 m.

- Môi trường trong ao nuôi: chủ cơ sở nuôi tôm phải định kỳ kiểm tra các chỉ tiêu môi trường nước, bùn đáy ao nuôi theo quy định tại mục I Phụ lục 3 của Quy chế này.

- Cho tôm ăn: khẩu phần ăn của tôm thường từ 2-4% trọng lượng tôm/ngày, tuy nhiên mỗi lần cho ăn người nuôi cần kiểm tra mức độ sử dụng thức ăn của tôm để điều chỉnh lượng thức ăn lần sau cho phù hợp; số lần cho tôm ăn 2 - 4 lần/ngày.

- Nước thải và chất thải:

Nước thải từ nuôi tôm trước khi thải ra môi trường phải được xử lý đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định tại Phụ lục 4 của Quy chế này.

Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt, không được xả thải ra môi trường xung quanh khi chưa xử lý.

- Phòng bệnh cho tôm:

Cơ sở nuôi tôm phải xây dựng và thực hiện đúng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi theo hướng dẫn tại Phụ lục 5 của Quy chế này.

Tôm bệnh, tôm chết và chất thải của ao bị bệnh phải được thu gom, xử lý kịp thời.

Người lao động, dụng cụ, thiết bị tiếp xúc trực tiếp với bùn, nước khi di chuyển từ ao này sang ao khác phải được vệ sinh để ngăn ngừa lây lan mầm bệnh.

b) Đối với nuôi chuyên tôm quảng canh cải tiến, nuôi xen ghép tôm sú và các đối tượng thủy sản vùng hạ triều đầm phá:

- Mực nước ao nuôi: duy trì thấp nhất 1,0 m.

- Môi trường trong ao nuôi: chủ cơ sở quản lý đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và không gây sốc cho tôm khi có sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.

- Nước thải và chất thải: Không thải nước thải từ ao nuôi ra ngoài môi trường vào thời điểm các ao nuôi xung quanh lấy nước vào ao nuôi, hoặc tôm trong ao có các dấu hiệu bệnh lý như bỏ ăn, dạt bờ,…và tôm trong ao nuôi đang bị bệnh. Chất thải rắn và bùn đáy ao phải được đưa vào khu chứa riêng biệt theo quy định.

- Phòng bệnh cho tôm: Sử dụng các biện pháp kỹ thuật để nâng cao sức khỏe cho tôm nuôi theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật địa phương.

8. Yêu cầu về thu hoạch sản phẩm

Cơ sở nuôi tôm phải ngừng sử dụng thuốc kháng sinh, hóa chất trước khi thu hoạch tôm theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Điều 7. Bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung

1. Phải giữ vệ sinh chung trong và ngoài vùng nuôi tôm tập trung; rác thải, bùn hữu cơ trong quá trình cải tạo, làm vệ sinh sau khi thu hoạch tôm thương phẩm phải đưa đi xa vùng nuôi và đổ tại nơi quy định. Quá trình vận chuyển chất thải phải không để rơi vãi. Tuyệt đối không vứt các chất thải, hóa chất độc hại (thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ,…) ở trong vùng nuôi.

2. Quá trình nuôi, khi phát hiện tôm nuôi (ươm) có hiện tượng nhiễm bệnh, chủ ao nuôi phải báo cho tổ (đội, hợp tác xã, Chi hội nghề cá,…), các tổ chức, cơ quan trực tiếp quản lý vùng nuôi trên địa bàn (UBND xã, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông lâm ngư,…).

3. Trường hợp tôm trong ao nuôi bị bệnh nhưng chủ nuôi cố tình không báo, tự ý thải nước từ ao nuôi ra môi trường sẽ bị xử phạt theo quy định hiện hành.

Điều 8. Điều kiện về lao động kỹ thuật

1. Đối với nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh

Thực hiện theo đúng Thông tư 45/2010/TT-BNNPTNT ngày 22/7/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cụ thể như sau:

a) Cơ sở nuôi tôm có diện tích nuôi nhỏ hơn 5 ha phải có ít nhất một người tham gia khoá tập huấn, đào tạo về quy định điều kiện cơ sở, vùng nuôi tôm sú, tôm chân trắng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hoặc có người tham gia khoá tập huấn, đào tạo về nuôi trồng thuỷ sản có trách nhiệm.

b) Cơ sở nuôi tôm có diện tích nuôi từ 5 đến 20 ha phải có ít nhất một cán bộ trung cấp nuôi trồng thủy sản.

c) Cơ sở nuôi tôm có diện tích nuôi lớn hơn 20 ha phải có ít nhất một cán bộ là kỹ sư nuôi trồng thủy sản.

2. Đối với nuôi quảng canh cải tiến, nuôi xen ghép tôm sú với các đối tượng cá nước lợ, cua

Người tham gia nuôi tôm phải được tập huấn, đào tạo kỹ thuật nuôi và các quy định liên quan đến đảm bảo môi trường và an toàn vệ sinh thực phẩm trong nuôi trồng thủy sản.

Điều 9. Điều kiện về quản lý hồ sơ

Cơ sở nuôi tôm phải ghi nhật ký và lưu giữ hồ sơ về hoạt động sản xuất nuôi tôm theo mẫu tại mục II, Phụ lục 3 của Quy chế này.

Điều 10. Tổ chức sản xuất và quản lý trong vùng nuôi tôm tập trung

Khuyến khích thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, hội nghề nghiệp,… để thực hiện quản lý vùng nuôi theo Quy chế này.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ CƠ SỞ NUÔI TÔM

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hướng dẫn triển khai và kiểm tra việc thực hiện Quy chế này.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc (Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản, Chi cục Thú y, Trung tâm Khuyến nông, lâm, ngư) tuyên truyền phổ biến, kiểm tra và giám sát việc thực hiện Quy chế này.

3. Tham mưu cho UBND tỉnh trong việc xây dựng mạng lưới quan trắc, cảnh báo môi trường, phòng chống dịch bệnh, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi.

4. Hướng dẫn, hỗ trợ UBND các huyện, thị xã, UBND các xã, thị trấn có nuôi trồng thủy sản rà soát, điều chỉnh quy hoạch chi tiết nuôi trồng thuỷ sản phù hợp quy hoạch chung của tỉnh; phối hợp trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng nuôi tập trung đảm bảo đúng yêu cầu kỹ thuật.

5. Ban hành và hướng dẫn thực hiện khung lịch thời vụ nuôi tôm hàng năm.

6. Chỉ đạo Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản thực hiện trách nhiệm:

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan, UBND các huyện, UBND các xã triển khai thực hiện Quy chế này;

b) Quan trắc môi trường vùng đầm phá, ven biển và thông báo định kỳ cho cơ sở, vùng nuôi tôm tập trung;

c) Phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện rà soát điều kiện của vùng nuôi để tham mưu kịp thời việc chuyển đổi sử dụng đất, mặt nước, áp dụng quy trình công nghệ nuôi trồng thủy sản có hiệu quả cao;

d) Phối hợp với các cơ quan liên quan, chính quyền địa phương hướng dẫn, hỗ trợ cộng đồng người nuôi đầu tư, vận hành sử dụng, quản lý hệ thống ao xử lý nước thải và áp dụng các công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong nuôi tôm.

7. Chỉ đạo Chi cục Thú y:

a) Kiểm dịch tôm giống và kiểm soát dịch bệnh theo các quy định hiện hành;

b) Xây dựng phương án phòng chống dịch bệnh hàng năm.

8. Chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông lâm ngư:

a) Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương trong việc thực hiện Quy chế này.

b) Thực hiện các hoạt động khuyến ngư, nhằm hỗ trợ các hoạt động quản lý các cơ sở, vùng nuôi tôm tập trung.

c) Xây dựng và nhân rộng các mô hình nuôi tôm đạt hiệu quả cao, ổn định, bền vững về môi trường.

Điều 12. Trách nhiệm của UBND cấp huyện có liên quan

1. Chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các xã, thị trấn có nuôi tôm phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức, các đoàn thể để tổ chức tuyên truyền, quán triệt và vận động người dân chấp hành nghiêm Quy chế này.

2. Có kế hoạch phân bổ kinh phí hàng năm cho công tác phòng trừ bệnh dịch thuỷ sản.

Điều 13. Trách nhiệm của UBND cấp xã

1. Trực tiếp kiểm tra, giám sát thường xuyên việc thực hiện Quy chế này;

2. Tổ chức và hướng dẫn hoạt động các tổ hợp tác, tổ tự quản,… ở vùng nuôi tôm tập trung trên địa bàn, bảo đảm việc thực hiện Quy chế quản lý vùng nuôi tôm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm;

3. Hướng dẫn tổ hợp tác, tổ tự quản vận động hoặc có quy ước việc người nuôi tôm có trách nhiệm xây dựng quỹ phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung để kịp thời xử lý các tình huống khi có bệnh dịch xảy ra, giảm rủi ro và hạn chế thiệt hại cho cộng đồng vùng nuôi, đồng thời nâng cao ý thức và trách nhiệm của người nuôi.

Điều 14. Trách nhiệm của Tỉnh hội nghề cá, Hiệp hội nuôi tôm, các Chi hội nghề cá cơ sở, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản

1. Phổ biến Quy chế này đến từng chủ cơ sở, từng vùng nuôi và tổ chức thực hiện nghiêm và đầy đủ nội dung của Quy chế này;

2. Xây dựng quy ước cụ thể về quản lý cơ sở, vùng nuôi của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản,…; tổ chức thu và sử dụng Quỹ phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung đúng mục đích;

3. Cung cấp đầy đủ các thông tin về tình hình nuôi, diễn biến môi trường, dấu hiệu bệnh của các ao nuôi thành viên khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn; phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn liên quan trong xử lý môi trường và dịch bệnh tôm;

4. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương trong đầu tư và thực hiện nuôi tôm theo quy hoạch;

5. Báo cáo kịp thời cho cơ quan thẩm quyền địa phương các hành vi vi phạm Quy chế này.

Điều 15. Trách nhiệm của các chủ cơ sở, vùng nuôi tôm tập trung

1. Quán triệt và thực hiện đầy đủ nội dung của Quy chế này và quy định cụ thể của hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hội nghề nghiệp về quản lý cơ sở, vùng nuôi tôm trên địa bàn; thực hiện nộp đầy đủ Quỹ phòng chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm tập trung;

2. Cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về môi trường, dịch bệnh cho cán bộ kỹ thuật và các cơ quan chức năng khi được yêu cầu;

3. Kịp thời ngăn chặn và phản ánh với cơ quan chức năng khi phát hiện các hành vi vi phạm;

4. Khi có dịch bệnh xảy ra, phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng để tìm biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế thiệt hại.

Điều 16. Trách nhiệm của các cơ sở dịch vụ liên quan đến nuôi tôm

1. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ liên quan đến vùng nuôi tôm tập trung chỉ được phép lưu hành, cung ứng các mặt hàng đã được Nhà nước kiểm định, kiểm dịch; không lưu hành, mua bán các loại thức ăn, chế phẩm sinh học, hoá chất, thuốc thú y thuỷ sản nằm trong danh mục cấm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

2. Các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ nêu ở khoản 1 Điều này phải chịu trách nhiệm trước pháp luật các hậu quả do mình gây ra.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI TỐ CÁO

Điều 17. Khen thưởng

Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có thành tích trong việc tuyên truyền, thực hiện Quy chế này thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 19. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo với chính quyền địa phương những cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm Quy chế này. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có vướng mắc, UBND các huyện, xã và tổ chức, cá nhân có liên quan phản ảnh về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung./.

 

PHỤ LỤC 1

YÊU CẦU VỀ MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DỤNG CỤ CHO 1HA AO NUÔI TÔM SÚ, TÔM CHÂN TRẮNG ĐẢM BẢO AN TOÀN VỆ SINH THỰC PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Danh mục

Đơn vị

Quy cách

Số lượng

1

Chài 3 m2

Cái

Mắt lưới 2a = 15mm

1

2

Vợt vớt bẩn trong ao

Cái

Mắt lưới 2a = 10mm

4

3

Sàng kiểm tra thức ăn

Cái

Đường kính 0,8m

8

4

Máy quạt nước 6 - 8 cánh

Máy

Công suất 2,5 KW/h

8

5

Máy nén khí

Máy

Công suất 3,2 KW/h

1

6

Máy bơm nước

Máy

8 - 15 CV

1

7

Máy đo pH

Máy

Chỉ số 0 - 14

1

8

Máy đo Ôxy hoà tan

Máy

0 - 10mg/l

1

9

Máy đo độ mặn

Máy

Đo từ 0 - 100‰

1

10

Thước đo độ sâu

Cái

Vạch chia tới cm

1

11

Thước đo chiều dài tôm

Cái

Vạch chia tới mm

1

12

Đĩa Secchi

Cái

Đường kính 25cm

1

13

Nhiệt kế

Cái

Đo từ 0- 50oC

1

14

Cân kỹ thuật loại nhỏ

Cái

Cân tối đa 500g

1

15

Cân loại lớn

Cái

Cân tối đa 100kg

1

16

Thuyền

Cái

Trọng tải 0,5 tấn

1

17

Thau nhựa

Cái

Dung tích 5 - 10 lít

1

18

Xô nhựa

Cái

Dung tích 10 - 15 lít

1

 

PHỤ LỤC 2

YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG NƯỚC NUÔI TÔM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Mức tối ưu

Giới hạn cho phép

1

BOD5

mg/l

< 20

< 30

2

NH3

mg/l

< 0,1

< 0,3

3

H2S

mg/l

< 0,03

< 0,05

4

NO2

mg/l

< 0,25

< 0,35

5

pH

 

7,5 ÷ 8,5

8,0 ÷ 8,3

7 ÷ 9, dao động trong ngày không quá 0,5

6

Nhiệt độ

oC

20 ÷ 30

18 ÷ 33

7

Độ muối

%o

10 ÷ 25

5 ÷ 35

8

Ôxy hoà tan (DO)

mg/l

> 4

≥ 3,5

9

Độ trong

cm

30 ÷ 35

20 ÷ 50

10

Kiềm

mg/l

80 ÷ 120

60 ÷ 180

 

PHỤ LỤC 3

HƯỚNG DẪN KIỂM TRA MÔI TRƯỜNG AO NUÔI VÀ GHI NHẬT KÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

I. KIỂM TRA MÔI TRƯỜNG AO NUÔI

1. Kiểm tra hàng ngày đối với các chỉ tiêu: ôxy hoà tan (DO), nhiệt độ nước, pH, độ trong hay còn gọi màu nước (kiểm tra 2 lần/ngày).

2. Kiểm tra hàng tuần đối với các chỉ tiêu: BOD, COD, H2S, NH3 (kiểm tra 1 lần/tuần).

II. NỘI DUNG NHẬT KÝ

1. Các thông tin về tôm giống: số lượng, chất lượng, tình trạng sức khoẻ, tên và địa chỉ cơ sở sản xuất giống;

2. Các thông tin về lịch mùa vụ, chất lượng môi trường nước và sức khoẻ tôm nuôi;

3. Các thông tin về thức ăn: lượng dùng hàng ngày đối với từng ao nuôi;

4. Các thông tin về thuốc, chế phẩm sinh học, sản phẩm xử lý và cải tạo môi trường đã sử dụng, lượng sử dụng, lý do sử dụng, phương pháp sử dụng, ngày sử dụng và diễn biến sức khỏe của tôm sau khi sử dụng;

5. Tốc độ sinh trưởng của tôm: kiểm tra tốc độ sinh trưởng (trọng lượng) của tôm 15 ngày/lần;

6. Thu hoạch: thời gian nuôi, cỡ tôm, năng suất, sản lượng, phương thức thu hoạch và giao sản phẩm;

7. Các thông tin cần thiết khác.

 

PHỤ LỤC 4

YÊU CẦU CHẤT LƯỢNG NƯỚC THẢI TỪ AO NUÔI TÔM SAU KHI XỬ LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

TT

Chỉ tiêu

Đơn vị

Giới hạn cho phép

1

BOD5

mg/l

< 30

2

NH3

mg/l

< 0,3

3

H2S

mg/l

< 0,05

4

NO2

mg/l

< 0,35

5

pH

 

6 ÷ 9

6

Nhiệt độ

oC

18 ÷ 33

7

Độ muối

%o

5 ÷ 35

8

Ôxy hoà tan (DO)

mg/l

≥ 3,0

9

Độ trong

cm

20 ÷ 50

10

Kiềm

mg/l

60 ÷ 180

 

PHỤ LỤC 5

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH GIÁM SÁT SỨC KHOẺ TÔM NUÔI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2011/QĐ-UBND ngày 07 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Cơ sở, vùng nuôi phải xây dựng kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi để chủ động theo dõi và đối phó với bệnh, dịch xảy ra đối với tôm nuôi.

Nội dung kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi bao gồm:

1. Mô tả tóm tắt quy trình nuôi sẽ áp dụng;

2. Kế hoạch cải tạo ao nuôi, chuẩn bị ao nuôi;

3. Lựa chọn nguồn cung cấp giống, kỹ thuật kiểm tra chất lượng con giống và lựa chọn thời điểm thả giống;

4. Kế hoạch sử dụng thức ăn, lựa chọn loại thức ăn, chế độ cho ăn, khả năng tiêu thụ thức ăn, chuẩn bị tài chính và nguồn cung cấp thức ăn;

5. Kế hoạch quản lý:

a) Xác định thời điểm quan sát ao và hoạt động của tôm nuôi.

b) Dự đoán các trường hợp rủi ro về sức khoẻ của tôm, xác định nguyên nhân và phương án đối phó với từng trường hợp cụ thể.

c) Xác định tần suất kiểm tra tốc độ tăng trưởng của tôm nuôi.

d) Xác định tần suất kiểm tra các chỉ tiêu môi trường và mầm bệnh.

6. Kế hoạch thu hoạch: Xác định thời điểm thu hoạch và phương pháp thu hoạch.

7. Ghi chép và lưu giữ hồ sơ, nhật ký giám sát sức khoẻ tôm nuôi.

Trong quá trình thực hiện kế hoạch giám sát sức khoẻ tôm nuôi, chủ cơ sở tự đánh giá và điều chỉnh kế hoạch cho phù hợp với yêu cầu thực tế.