Quyết định 2853/2006/QĐ-UBND quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương
Số hiệu: 2853/2006/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương Người ký: Phan Nhật Bình
Ngày ban hành: 21/08/2006 Ngày hiệu lực: Đang cập nhật
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Lĩnh vực: Văn hóa , thể thao, du lịch, Tình trạng: Đang cập nhập
Ngày hết hiệu lực: Đang cập nhật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2853/2006/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 21 tháng 8 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26-11-2003;

Căn cứ Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng;

Căn cứ Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20-3-2006 hướng dẫn thực hiện một số điều của Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố, công trình công cộng, ban hành theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP ngày 11-7-2005 của Chính phủ;

Căn cứ Nghị quyết số 54/2006/NQ-HĐND ngày 21-7-2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh khoá XIV, kỳ họp thứ 7 về Quy định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh Hải Dương”.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 3695/QĐ-UB ngày 11/9/2003 của UBND tỉnh Hải Dương.

Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng của tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, đơn vị liên quan , Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Lưu VT, KN(50).

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phan Nhật Bình

 

QUY ĐỊNH

V/V ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 2853/2006/QĐ - UBND
ngày 21/8/2006/ của UBND tỉnh Hải Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy định này quy định cụ thể về việc hực hiện một số điều trong Quy chế đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 91/2005/NĐ- CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ và Thông tư số 36/2006/TT-BVHTT ngày 20/3/2006 của Bộ Văn hoá -Thông tin "Hướng dẫn thực hiện một số điều của quy chế đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng ban hành kèm theo Nghị định 91/2006/NĐ-CP ngày 10/7/2005 của Chính phủ" trên địa bàn tỉnh Hải Dương.

Điều 2. Mục đích ý nghiã

Việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng nhằm góp phần thực hiện tốt công tác quản lý đô thị, quản lý hành chính; tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong các hoạt động giao dịch kinh tế, văn hoá- xã hội; đồng thời góp phần giáo dục truyền thống dân tộc và cách mạng cho các thế hệ.

Chương II

NGUYÊN TẮC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Điều 3. Nguyên tắc chung

1.Tất cả các quảng trường, đại lộ, đường, phố và công trình công cộng (sau đây gọi tắt là đường, phố và công trình công cộng) trong thành phố, thị xã, thị trấn đã xây dựng theo quy hoạch đô thị, được cấp có thẩm quyền phê duyệt để sử dụng ổn định lâu dài thì được xem xét đặt tên.

Thị trấn, thị tứ không đặt tên quảng trường, không đặt tên đại lộ.

2. Tuỳ theo tầm vóc của danh nhân, địa danh, sự kiện lịch sử, danh lam thắng cảnh...và vị trí, quy mô, cấp độ đường, phố, công trình công cộng để đặt tên cho tương xứng.

3. ưu tiên tên các địa danh, sự kiện lịch sử của tỉnh, danh nhân có quê, hoặc cuộc đời sự nghiệp gắn bó với tỉnh Hải Dương.

Điều 4. Tên hợp pháp

Tên đường, phố, công trình công cộng chỉ được công nhận là hợp pháp khi được cơ quan có thẩm quyền quyết định đặt tên bằng văn bản. Tên đặt cho các đường, phố, công trình công cộng thuộc các dự án xây dựng được phê duyệt chỉ là tên tạm thời nếu chưa tuân thủ các quy trình đặt tên tại quy định này.

Điều 5. Tiêu chí xác định

1. Đại lộ

Là đường lớn có chiều dài từ 2000m trở lên, mặt cắt ngang (trong quy định này, khái niệm mặt cắt ngang chỉ tổng độ rộng của lòng đường, vỉa hè, giải phân cách cộng lại) rộng từ 30m trở lên.

2. Đường

a) Đường ở thành phố, thị xã phải có chiều dài từ 1.500m trở lên, mặt cắt ngang rộng từ 15m trở lên.

b) Đường ở thị trấn, thị tứ thuộc huyện phải có chiều dài từ 1.000m trở lên, mặt cắt ngang từ 10m trở lên.

3. Phố

a) Phố ở thành phố, thị xã, phải có chiều dài từ 300m trở lên, mặt cắt ngang từ 7m trở lên.

b) Những khu dân cư ở thành phố, thị xã, thị trấn đã ổn định lâu dài, nay có lối đi mới hình thành, nhưng không còn điều kiện phát triển, có nhu cầu đặt tên, thì được xem xét để đặt tên, nhưng phải có chiều dài từ 200 m trở lên, mặt cắt ngang từ 5 m trở lên; đối với thị trấn, thị tứ chiều dài phải từ 150m trở lên, mặt cắt ngang từ 4m trở lên.

c) Những đoạn phố có mặt cắt ngang rộng từ 7m trở lên, nối giữa hai đường, phố đã có tên, song có độ dài dưới 200m, thì không đặt tên cho đoạn phố đó mà lấy theo tên đường, phố có quy mô hoặc ý nghĩa tên gọi lớn hơn; số nhà đề thứ tự theo số tự nhiên kèm theo số nhà đầu (Ví dụ: 1/45 Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoặc 2/45; 3/45...82/45 Nguyễn Bỉnh Khiêm). 2 nhà cuối cùng thì đề tên đường, phố và số nhà theo tên và số thứ tự của đường, phố liền kề (tức là theo đường, phố phía có quy mô hoặc ý nghĩa tên gọi nhỏ hơn).

4. Ngõ

Là lối đi lại nhỏ từ đại lộ, đường, phố vào các cụm dân cư đô thị, không đủ tiêu chí để đặt tên đường hoặc phố quy định các khoản 2, 3, Điều 4 của quy định này.

5. Ngách

Là lối đi lại hẹp từ ngõ vào trong các cụm dân cư đô thị, không đủ điều kiện đặt tên phố, ngõ, được quy định tại các khoản 3, 4, Điều 4 của quy định này.

6. Quảng trường

Là khu đất trong đô thị, diện tích của quảng trường phải từ 1héc ta trở lên. xung quanh có cảnh quan, kiến trúc thích hợp.

Chương III

THẨM QUYỀN VÀ QUY TRÌNH XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNHVIỆC ĐẶT TÊN, ĐỔI TÊN ĐƯỜNG, PHỐ VÀ CÔNG TRÌNH CÔNG CỘNG

Mục 1. Thẩm quyền quyết định việc đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng

Điều 6. Thẩm quyền của ủy ban Nhân dân tỉnh

1. Trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định đặt tên, đổi tên:

a) Quảng trường, đại lộ;

b) Đường dài từ 2000m trở lên, mặt cắt ngang từ 20m đến dưới 30m và đường có mặt cắt ngang 30m trở lên, độ dài từ 1500m đến dưới 2000m;

c) Các công trình công cộng có quy mô thuộc dự án nhóm A;

d) Các trường hợp mang tên anh hùng dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới hoặc tên lãnh đạo lãnh tụ của Đảng, Nhà nước .

2. Quyết định việc đặt tên, đổi tên đường (trừ các trường hợp nói tại điểm b, khoản I nói trên) và phố thuộc các đô thị trên địa bàn tỉnh; các công trình công cộng có quy mô thuộc dự án nhóm B.

Điều 7. Thẩm quyền của ủy ban Nhân dân huyện, thành phố, thị xã (sau đây gọi tắt là cấp huyện)

1. Thành lập Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng cấp huyện để giúp UBND cấp huyện thực hiện các công việc về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn

2. Quyết định việc đặt tên, đổi tên các công trình công cộng có quy mô nhóm C và thuộc thẩm quyền quản lý.

Điều 8. Thẩm quyền của Hội đồng tư vấn đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng (sau đây gọi tắt là Hội đồng tư vấn)

1. Thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn cấp tỉnh :

a) Hướng dẫn Hội đồng tư vấn cấp huyện trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

b) Tổng kiểm kê các đường, phố và công trình công cộng trên địa bàn tỉnh đã được đặt tên

c) Xác lập ngân hàng tên

d) Tổng hợp danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng cần đặt, đổi tên của các huyện thành phố đề nghị lấy ý kiến của các cơ quan : Hội Khoa học lịch sử, Hội Văn học Nghệ thuật, các tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, các đoàn thể và các nhà khoa học.

e) Thỏa thuận bằng văn bản với Hội đồng tư vấn cấp huyện về hồ sơ đặt tên, đổi tên công trình công cộng được UBND tỉnh uỷ quyền cho cấp huyện quyết định.

g) Thẩm định, trình UBND tỉnh hồ sơ đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng thuộc thẩm quyền cấp tỉnh do UBND cấp huyện đề nghị.

2. Thẩm quyền, trách nhiệm của Hội đồng tư vấn cấp huyện

a) Rà soát và tổng hợp danh mục tên các đường, phố và công trình công cộng đã được đặt tên;

b) Lên danh mục tên các đường, phố, công trình công cộng cần đặt tên hoặc đổi tên; lấy ý kiến các tổ chức Đảng, Chính quyền, Mặt trận Tổ quốc huyện (thành phố), các cơ quan chuyên môn về lịch sử, văn hoá, nhà khoa học, các nhà nghiên cứu. Công bố công khai dự kiến đặt tên hoặc đổi tên đường phố công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến trước khi thoả thuận với Hội đồng tư vấn tỉnh về tên đường, phố và công trình công cộng do cấp tỉnh quản lý.

c) Xin ý kiến thoả thuận với Hội đồng tư vấn tỉnh về hồ sơ các công trình công cộng dự kiến đặt tên, đổi tên được UBND tỉnh uỷ quyền cho cấp huyện (thành phố) quyết định đặt tên các công trình công cộng thuộc thẩm quyền.

Điều 9: Trường hợp đại lộ, đường, phố đô thị trùng với quốc lộ, tỉnh lộ

a) Việc đặt tên, đổi tên đại lộ, đường, phố trùng với đoạn quốc lộ đi qua đô thị phải được sự thoả thuận của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải.

b) Khi đặt tên, đổi tên đậi lộ, đường, phố trùng với đoạn quốc lộ, tỉnh lộ đi qua đô thị thì sử dụng cả tên đại lộ, đường, phố đô thị và tên, số hiệu quốc lộ, tỉnh lộ. Nếu tên quốc lộ, tỉnh lộ là chữ thì tên đường đô thị- tên quốc lộ (hoặc tỉnh lộ); nếu tên quốc lộ, tỉnh lộ là số thì tên đường đô thị/tên (hoặc số hiệu) quốc lộ.

Mục 2. Quy trình xem xét, quyết định đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng

Điều 10. Quy trình xem xét quyết định

1. UBND cấp xã hoặc các tổ chức, cơ quan có nhu cầu đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng phải có văn bản đề nghị UBND cấp huyện hoặc UBND tỉnh theo thẩm quyền được phân cấp.

2. UBND cấp huyện

a) Tổ chức khảo sát thực tế hiện trường (thành phần đoàn khảo sát gồm: Hội đồng tư vấn cùng cấp chủ trì, đại diện các cơ quan liên quan, đại diện UBND cấp huyện và cấp xã hoặc tổ chức có các nhu cầu đặt, đổi tên đường phố và công trình công cộng). Nếu đủ điều kiện quy định thì tiến hành xác định vị trí cụ thể trên bản đồ quy hoạch và dự kiến đặt, đổi tên.

b) Lập hồ sơ.

c) Tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia của các cơ quan liên quan, các nhà khoa học.

d) Công bố công khai dự kiến đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng để nhân dân tham gia ý kiến và tổng hợp các ý kiến tham gia của các đối tượng được quy định tại điểm e và g của khoản 2 điểu 10

e) Chỉ đạo họp Hội đồng tư vấn để thảo luận và hoàn thiện hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Nếu được 2/3 thành viên Hội đồng tư vấn thống nhất thì mới hoàn thiện hồ sơ.

g) Gửi hồ sơ lên Hội đồng tư vấn cấp tỉnh để Hội đồng tư vấn cấp tỉnh thẩm định và trình UBND tỉnh, UBND tỉnh trình HĐND tỉnh theo quy định, hoặc Hội đồng tư vấn tỉnh thoả thuận trước khi UBND cấp huyện ra quyết định đối với công trình công cộng được uỷ quyền cho cấp huyện.

h) Tổ chức thực hiện quyết định của cấp có thẩm quyền đã phê duyệt.

Điều 11. Các văn bản trong hồ sơ

1. Tờ trình của cơ quan, tổ chức, có nhu cầu đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng.

2. Biên bản khảo sát hiện trường.

3. Tóm tắt ý nghĩa hoặc lý lịch các tên dự kiến để đặt tên, đổi tên các đường, phố và công trình công cộng; mô tả các công trình về quy mô, cấp độ, kích thước.

4. Bản đồ quy hoạch tổng thể tỷ lệ 1/1000 đã xác định vị trí cụ thể các đường, phố và công trình công cộng của đô thị dự kiến đặt tên.

5. Biên bản các lần họp hội đồng tư vấn.

6. Báo cáo tổng hợp ý kiến của các cơ quan liên quan, các nhà khoa học và nhân dân.

7. Tờ trình của UBND cấp huyện, Hội đồng tư vấn cấp tỉnh.

Hồ sơ lập thành 05 bộ có giá trị như nhau, lưu tại UBND các cấp, Hội đồng tư vấn cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức có nhu cầu đặt tên, đổi tên đường phố và công trình công cộng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Gắn biển

UBND thành phố, thị xã có quảng trường, đại lộ, đường, phố và công trình công cộng được đặt tên hoặc đổi tên; UBND các huyện hoặc thủ trưởng của tổ chức, cơ quan có đường, phố và công trình công cộng được đặt tên hoặc đổi tên phải thực hiện việc gắn biển trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định phê duyệt.

Điều 13. Thông tin tuyên truyền

Sở Văn hoá - Thông tin, Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Hải Dương, UBND các huyện thành phố và cơ quan có liên quan của tỉnh có trách nhiệm phổ biến, tuyên truyền các văn bản quy định của Nhà nước về đặt tên, đổi tên đường, phố và công trình công cộng, làm rõ mục đích, ý nghĩa những sự kiện lịch sử, giá trị di tich, danh lam thắng cảnh, công đức của danh nhân được chọn đặt tên, đổi tên quảng trường, đại lộ, đường, phố và công trình công cộng.

Điều 15. Kinh phí

Kinh phí đảm bảo cho Hội đồng tư vấn các cấp hoạt động, công tác tuyên truyền, tổ chức thực hiện của cấp nào do UBND cấp đó cấp từ nguồn ngân sách của nhà nước.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc, các cấp, các ngành phải phản ánh về cơ quan thường trực của Hội đồng tư vấn tỉnh là Sở Văn hoá - Thông tin để tổng hợp, đề nghị UBND tỉnh chỉnh sửa, bổ sung kịp thời ./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục kiểm tra văn bản(Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đài PHTH, Báo HD;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Lưu VT, KN(90).

TM. UỶ BAN NHÂN DÂNTỈNH
CHỦ TỊCH






Phan Nhật Bình

 





Nghị quyết 54/2006/NQ-HĐND về nhiệm vụ năm 2007 Ban hành: 12/12/2006 | Cập nhật: 01/04/2014