Nghị quyết 54/2006/NQ-HĐND tiếp tục phát triển thuỷ lợi nhỏ, đất màu và kiên cố hoá kênh mương trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2006-2010
Số hiệu: | 54/2006/NQ-HĐND | Loại văn bản: | Nghị quyết |
Nơi ban hành: | Tỉnh Quảng Nam | Người ký: | Nguyễn Văn Sỹ |
Ngày ban hành: | 04/05/2006 | Ngày hiệu lực: | Đang cập nhật |
Ngày công báo: | Đang cập nhật | Số công báo: | Đang cập nhật |
Lĩnh vực: | Nông nghiệp, nông thôn, | Tình trạng: | Đang cập nhập |
Ngày hết hiệu lực: | Đang cập nhật |
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 54/2006/NQ-HĐND |
Tam Kỳ, ngày 04 tháng 5 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ TIẾP TỤC PHÁT TRIỂN THUỶ LỢI NHỎ, THUỶ LỢI ĐẤT MÀU VÀ KIÊN CỐ HOÁ KÊNH MƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2006-2010
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND & UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày 13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương;
Sau khi xem xét Đề án kèm theo Tờ trình số: 1048/TTr-UBND ngày 20/4/2006 của UBND tỉnh về đề nghị phê duyệt Đề án phát triển thuỷ lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hoá kênh mương giai đoạn 2006 - 2010; Báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách; ý kiến thảo luận của các Đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất chủ trương tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24/2001/NQ-HĐND ngày 28/6/2001 của HĐND tỉnh khóa VI về phát triển thuỷ lợi nhỏ và kiên cố hoá kênh mương đến năm 2010 và bổ sung, điều chỉnh một số nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu:
- Đầu tư phát triển mở rộng hệ thống kênh mương để phát huy các công trình hồ đập, phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu nhằm mở rộng diện tích đất sản xuất chủ động nước tưới là 4.000 ha (lúa 1.000 ha, màu 3.000 ha).
- Tiếp tục thực hiện các mục tiêu về kiên cố hóa hệ thống kênh mương thủy lợi; sửa chữa, hoàn thiện các công trình trên kênh tại Nghị quyết số 24/2001/NQ-HĐND tỉnh khóa VI đã đề ra nhằm tiết kiệm nước, tiết kiệm điện năng tiêu thụ.
- Phát huy tối đa hiệu quả sử dụng công trình kết hợp với việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ công trình của mọi người dân, tăng cường ý thức tự quản trong cộng đồng dân cư.
- Có cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng và khai thác các công trình thủy lợi.
2. Cơ chế chính sách phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi đất màu và kiên cố hóa kênh mương giai đoạn 2006 - 2010:
2.1. Về phát triển thuỷ lợi nhỏ, thủy lợi đất màu:
a) Thời gian đầu tư:
- Từ năm 2006 - 2010.
- Ưu tiên đầu tư cho những vùng khó khăn và công trình có quy mô, suất đầu tư hợp lý, phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội nhanh; căn cứ vào khả năng ngân sách tỉnh và lồng ghép các nguồn vốn, UBND tỉnh báo cáo trình HĐND tỉnh quyết định tổng mức bố trí để thực hiện chương trình trong kế hoạch ngân sách hàng năm.
b) Cơ chế và cơ cấu đầu tư:
Điều chỉnh tỷ lệ đầu tư như sau:
+ Khu vực III: Các xã thuộc 6 huyện miền núi cao (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Trà My) và các xã Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà (Hiệp Đức), xã Tam Trà (Núi Thành) ngân sách tỉnh đầu tư toàn bộ công trình, kể cả phần đầu mối và hệ thống kênh mương.
+ Khu vực II: Các xã của hai huyện miền núi Tiên Phước, Hiệp Đức; các xã miền núi, xã bãi ngang ven biển khó khăn, hải đảo của các huyện, thị xã còn lại và thị trấn của các huyện miền núi Phước Sơn, Bắc Trà My, Nam Giang, Đông Giang, ngân sách tỉnh đầu tư 80% kinh phí xây dựng công trình (kể cả phần đầu mối và phần kênh mương) phần còn lại do địa phương huy động nhân dân thực hiện.
+ Khu vực I: Các xã của các huyện, thị xã đồng bằng và thị trấn của 2 huyện miền núi Tiên Phước, Hiệp Đức ngân sách tỉnh hỗ trợ 60% kinh phí xây dựng công trình (kể cả các công trình đầu mối và phần kênh mương) phần còn lại do địa phương huy động nhân dân đóng góp thực hiện.
- Riêng đối với các loại hình công trình dưới đây:
+ Hạ thế điện phục vụ bơm tưới đất màu, ngân sách tỉnh đầu tư 100% giá trị dự toán đường điện trung thế (kể cả trạm biến áp) và 60% giá trị dự toán đường dây điện hạ thế; nhân dân tự đầu tư máy bơm, công khoan, vật tư lắp đặt giếng khoan, thiết bị phục vụ tưới và kinh phí đền bù giải toả mặt bằng để thi công công trình.
+ Ao thu gom nước nhỉ trong cát, ngân sách tỉnh đầu tư toàn bộ phần đầu mối và kiên cố kênh mương kể cả công trình trên kênh, phần đất do nhân dân đóng góp thực hiện.
+ Khuyến khích các tổ chức ngoài nhà nước, cá nhân bỏ vốn đầu tư xây dựng thuỷ lợi nhỏ, tỉnh tạo điều kiện và ngân sách tỉnh hỗ trợ lãi suất vay sau đầu tư. Thực hiện việc phân cấp quản lý, giao khoán cho thuê (kể cả bán) các trạm bơm, công rình thủy lợi nhỏ nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả.
2.2. Về kiên cố hóa kênh mương:
a) Quy mô: Trong giai đoạn từ năm 2006 – 2010 tiến hành kiên cố hoá kênh mương những đoạn xung yếu, kênh mương đi qua vùng đất cát mất nhiều nước, vùng thâm canh cao, vùng thị trấn, thị tứ các đơn vị, địa phương và cơ sở có khả năng thực hiện. Phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra tại Nghị quyết số 24/2001/NQ-HĐND ngày 28/6/2001 của HĐND tỉnh khóa VI.
b) Cơ chế đầu tư: Kênh loại II: Ngân sách tỉnh 100%;
Kênh loại III: Thực hiện cơ chế đầu tư, như sau:
- Khu vực III: Các xã thuộc 6 huyện miền núi cao (Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Nam Trà My, Bắc Trà My) và các xã Phước Gia, Phước Trà, Sông Trà (huyện Hiệp Đức), xã Tam Trà (huyện Núi Thành) ngân sách tỉnh đầu tư 100%.
- Khu vực II: Các xã thuộc 2 huyện miền núi Tiên Phước, Hiệp Đức; các thị trấn Khâm Đức (huyện Phước Sơn), Bắc Trà My (huyện Bắc Trà My), Thạnh Mỹ (huyện Nam Giang), P’ Rao (huyện Đông Giang); các xã miền núi; xã bãi ngang ven biển khó khăn, hải đảo thuộc các huyện còn lại ngân sách tỉnh hỗ trợ 70%.
- Khu vực I: Các xã thuộc các huyện, thị đồng bằng và các thị trấn Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước), Tân An (huyện Hiệp Đức) ngân sách tỉnh hỗ trợ 50%.
c) Nguồn vốn đầu tư: ngoài kế hoạch ngân sách nhà nước bố trí hằng năm, tăng cường kết hợp lồng ghép các nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu, chương trình 135, ODA, vốn vay… thu trước thủy lợi phí của nhân dân vùng hưởng lợi để góp vốn xây dựng sau đó khấu trừ dần.
3. Tổ chức thực hiện:
- UBND các huyện, thị có trách nhiệm khảo sát lập danh mục, xác định thứ tự ưu tiên các công trình thuỷ lợi nhỏ, thủy lợi đất màu trên địa bàn trình HĐND cùng cấp quyết định và căn cứ vào khả năng cân đối của ngân sách trong kế hoạch hằng năm để lập thủ tục đầu tư.
- Thực hiện phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản đi đôi với việc gắn trách nhiệm của ngành chủ quản trong công tác phê duyệt kế hoạch, thiết kế kỹ thuật; kiểm tra, giám sát quá trình thi công đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật trong thực tế, bền vững và đạt hiệu quả.
- Hằng năm UBND huyện - thị xã căn cứ vào nhu cầu cần thiết và khả năng huy động vốn thực tế của từng xã để xây dựng kế hoạch kiên cố hoá kênh mương loại III, trong đó chú trọng lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn trình UBND tỉnh phê duyệt cân đối bố trí kế hoạch vốn hỗ trợ.
Điều 2. HĐND tỉnh giao cho UBND tỉnh căn cứ Nghị quyết số 24/2001/NQ-HĐND ngày 28/6/2001 của HĐND tỉnh khóa VI và những nội dung bổ sung tại nghị quyết này để chỉ đạo thực hiện.
Điều 3. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh và Đại biểu HĐND tỉnh kiểm tra giám sát thực hiện nghị quyết này.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Quảng Nam khoá VII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 04/5/2006./.
Nơi nhận: |
CHỦ TỊCH |
Nghị quyết 24/2001/NQ-HĐND về Dự án hỗ trợ chất lợp và giải quyết nước ăn cho hộ đói nghèo vùng đặc biệt khó khăn tỉnh Lào Cai giai đoạn 2001-2005 Ban hành: 19/07/2001 | Cập nhật: 02/06/2015
Quyết định 66/2000/QĐ-TTg về chính sách và cơ chế tài chính thực hiện chương trình kiên cố hóa kênh mương Ban hành: 13/06/2000 | Cập nhật: 21/12/2009